Thứ bảy, 20/04/2024 04:16 (GMT+7)

Tin đô thị ngày 27/3: Hà Nội muốn thu hồi dự án bỏ hoang của các tổng công ty

MTĐT -  Thứ ba, 27/03/2018 19:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin đô thị ngày 27/3: Hà Nội muốn thu hồi dự án bỏ hoang của các tổng công ty; Ưu tiên vốn ngoài ngân sách mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất…

Đình chỉ công trình xây dựng trái phép trong khu vực I di tích Lục Bộ

Công an nhân dân online đưa tin, sau khi phát hiện công trình xây dựng trái phép trên khu đất số 47 Nguyễn Biểu, phường Thuận Thành, TP Huế, thuộc khu vực I vùng bảo vệ di tích Lục Bộ triều Nguyễn, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm, đình chỉ thi công công trình để xử lý theo quy định pháp luật.

Qua tìm hiểu được biết, khu đất số 47 Nguyễn Biểu (phường Thuận Thành, TP Huế) nằm trong khu vực I vùng bảo vệ di tích Lục Bộ thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Theo Luật Di sản văn hóa, công trình trên khu đất này chỉ được cải tạo nguyên hiện trạng, không được phép xây dựng công trình mới.

Tuy nhiên từ giữa tháng 3-2018, ông Nguyễn Định Thành Tâm, người thuê lại khu đất này đã cho phá bỏ công trình cũ để tiến hành xây dựng phần móng gần hoàn thiện với 12 trụ móng.

Trong ngày 26-3, phường Thuận Thành đã cử cán bộ địa chính đến hiện trường để yêu cầu chủ đầu tư công trình vận chuyển toàn bộ vật liệu xây dựng, đưa máy móc phương tiện vào bên trong khu đất số 47 Nguyễn Biểu; hoặc di chuyển đi nơi khác để không ảnh hưởng đến lòng lề đường, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông qua tuyến đường này.

Năm 1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, bao gồm 16 điểm/khu di tích khác nhau, trong đó có Lục Bộ. Do hiện trạng của Lục Bộ còn rất ít di tích gốc từ đời vua Thành Thái và số nhà cửa của người dân quá lớn, khó khăn trong việc cải tạo, xây dựng nên tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chỉ đạo Trung tâm BTDT Cố đô Huế phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền để điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích Lục Bộ từ cấp I xuống cấp II.

Ưu tiên vốn ngoài ngân sách mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Thông tin báo đấu thầu, liên quan đến việc xây dựng phương án mở rộng và điều chỉnh quy hoạch sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tư vấn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trong đó làm rõ thêm cơ sở khoa học của việc dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không…

Đồng thời, khái toán vốn đầu tư cho các giai đoạn, từng danh mục công trình cụ thể tại khu vực phía Nam và phía Bắc Cảng hàng không, sân bay hiện hữu như hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và các công trình bắt buộc phải đầu tư để kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào; phân định và đề xuất phương thức đầu tư cho từng danh mục công trình, khuyến khích đầu tư tư nhân, ưu tiên sử dụng các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện.

Bộ GTVT thống nhất ý kiến với các bộ, ngành liên quan và UBND TP.HCM; báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trước khi báo cáo Thủ tướng và Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định vào cuối tháng 3/2018.

Phạt nhiều chủ phương tiện dừng đỗ tại nút giao Đào Tấn - Liễu Giai

Gần đây, Kinh tế & Đô thị liên tục phản ánh về tình trạng xe ô tô, taxi dừng đỗ đón, trả khách tại khu vực nút giao Đào Tấn - Liễu Giai, đoạn trước cửa số 54 Liễu Giai, gây mất trật tự, ATGT.

Tiếp nhận thông tin Báo nêu, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Đội CSGT số 2 tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm. Kết quả, đã có 61 trường hợp xe ô tô, taxi dừng đỗ, đón trả khách sai quy định bị phạt hành chính trên 21 triệu đồng; tạm giữ 61 bộ giấy tờ. Theo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, lực lượng sẽ tiếp tục duy trì công tác tuần tra, xử lý triệt để vi phạm tại khu vực nêu trên.

Bảo Lộc (Lâm Đồng): Chuyển quyền sử dụng đất tại Dự án Khu đô thị mới đường Lý Thường Kiệt

Báo Xây dựng thông tin, việc chuyển quyền sử dụng đất (CQSDĐ) cho người dân tự xây dựng nhà ở chỉ được tiến hành sau khi khu vực dự kiến thực hiện CQSDĐ đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước) theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Ngày 23/01/2018, Bộ Xây dựng nhận được Công văn số 512/UBND-ĐC của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc CQSDĐ đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở tại Dự án Khu đô thị mới đường Lý Thường Kiệt, phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc (có tổng diện tích là 16,77ha, Chủ đầu tư là Cty CP Licogi 16) và hồ sơ Dự án kèm theo. Về việc này, sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 567/BXD-PTĐT, ngày 21/3/2018 với nội dung như sau:

Căn cứ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 (Quyết định phê duyệt số 3362/QĐ-UBND ngày 15/12/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng); Quy hoạch phân khu xây dựng phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc (phê duyệt tại Quyết định số 186/QĐ-UBND ngày 28/6/2012 của UBND TP Bảo Lộc); Điều chỉnh quy hoạch chi tiết và điều chỉnh cục bộ khu đất ký hiệu B1 và B3 (phê duyệt tại Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 08/8/2012 và Quyết định số 1458/QĐ-UBND ngày 03/7/2017 của UBND TP Bảo Lộc);

Việc CQSDĐ cho người dân tự xây dựng nhà ở chỉ được tiến hành sau khi khu vực dự kiến thực hiện CQSDĐ đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước) theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân khi đến ở.

Hộ nghèo Hà Nội được hỗ trợ 45 triệu đồng xây nhà ở

An ninh thủ đô đưa tin, theo Kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội, thành phố sẽ hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững và đạt mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2%. Dự kiến, kinh phí thực hiện Kế hoạch là hơn 202 tỷ đồng. 

Thành phố sẽ hỗ trợ đến từng hộ gia đình bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch. Chỉ thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với các hộ nghèo đã có đất hợp pháp để làm nhà ở.

Nguồn kinh phí được huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm; Thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc: Thành phố hỗ trợ chủ yếu theo phương thức cho vay vốn để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở; cộng đồng giúp đỡ; hộ gia đình tự tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng quy định.

Đối tượng được hỗ trợ nhà ở là hộ gia đình có nhà ở xuống cấp, hư hỏng, không có khả năng tự cải thiện nhà ở, có nhu cầu được hỗ trợ vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở và thuộc diện: Hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2011-2015 (đối tượng theo quy định của Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg) có trong danh sách hộ nghèo năm 2015 do UBND cấp xã quản lý và là hộ độc lập có thời gian tách hộ tính đến năm 2015 tối thiểu 5 năm.

Theo quy định, diện tích nhà ở xây dựng phải đảm bảo tối thiểu 24m2/hộ và trên cơ sở suất vốn đầu tư quy định tại Quyết định số 1161/QĐ-BXD ngày 15/10/2015 của Bộ Xây dựng, dự kiến kinh phí xây dựng nhà ở (1 tầng, tường bao xây gạch, mái tôn) là 1.790.000đ/m2.

Do đó, dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng tối thiểu là 45 triệu đồng/nhà xây mới và 35 triệu đồng/nhà sửa chữa. Hộ gia đình tự huy động thêm để xây dựng, sửa chữa nhà ở tốt hơn.

Hà Nội muốn thu hồi dự án bỏ hoang của các tổng công ty

Báo đấu thầu dẫn tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Thành phố để kiểm tra, thanh tra các dự án được giao đất mà không sử dụng. Trường hợp vi phạm, quá hạn thì phải trả lại, phải thu hồi để tạo nguồn lực cho Thành phố.

Mới đây, tại Hội nghị phối hợp triển khai công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên môi trường trên địa bàn Thành phố với Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đã mời lãnh đạo các tổng công ty được cấp đất ở khu vực quận Cầu Giấy nhưng bỏ hoang lên gặp gỡ, đối thoại. Tuy nhiên đến nay, đã quá hạn cam kết của các đơn vị này, nên Thành phố kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ Thành phố xử lý, thu hồi các khu đất này để tránh lãnh phí.

Trả lời về kiến nghị của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Thành phố để kiểm tra, thanh tra các dự án được giao đất mà không sử dụng. Trường hợp vi phạm, quá hạn thì phải trả lại, phải thu hồi để tạo nguồn lực cho Thành phố.

Vào tháng 8/2017, Hà Nội đã tiến hành rà soát 23 doanh nghiệp trong danh sách được giao đất xây dựng trụ sở tại khu đô thị mới Cầu Giấy. Tuy nhiên, đến hạn cuối, mới có 21/23 đơn vị được giao đất có báo cáo năng lực tài chính, kế hoạch triển khai dự án trên đất được giao.

Vĩnh Phúc: Chuyển quyền sử dụng đất tại Dự án Khu nhà ở TMS Land Hùng Vương

Thông tin báo xây dựng, ngày 09/02/2018, Bộ Xây dựng nhận được Công văn số 997/UBND-CN4 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc chuyển quyền sử dụng đất (CQSDĐ) đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở tại Dự án Khu nhà ở TMS Land Hùng Vương, phường Hùng Vương, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, ngày 21/3/2018, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 569 /BXD - PTĐT phúc đáp UBND tỉnh Vĩnh Phúc với nội dung như sau: Căn cứ Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011, Quy hoạch phân khu C2 tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị trung tâm thị xã Phúc Yên tại thị xã Phúc Yên và một phần đất đai thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 618/QĐ-UBND ngày 26/02/2016.

Việc CQSDĐ cho người dân tự xây dựng nhà ở chỉ được tiến hành sau khi khu vực dự kiến thực hiện CQSDĐ đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước) theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân khi đến ở.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở Xây dựng, các cơ quan chức năng của tỉnh và chủ đầu tư Dự án giám sát chặt chẽ việc CQSDĐ đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo đúng quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của khu vực đã được phê duyệt.

T/H

Bạn đang đọc bài viết Tin đô thị ngày 27/3: Hà Nội muốn thu hồi dự án bỏ hoang của các tổng công ty. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...