Thứ bảy, 20/04/2024 23:14 (GMT+7)

Tin môi trường 17/4: Dân kêu cứu vì trang trại trâu, bò gây ô nhiễm

MTĐT -  Thứ ba, 17/04/2018 17:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nguồn nước tại chợ Giếng Đáy xuất hiện sinh vật lạ nghi là đỉa, Quảng Bình Dân bức xúc vì trang trại trâu, bò gây ô nhiễm... là một số tin môi trường trong ngày.

Nguồn nước tại chợ Giếng Đáy xuất hiện sinh vật lạ nghi là đỉa?

Thời gian gần đây, nguồn nước tại chợ Giếng Đáy (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện những sinh vật lạ nghi là giun, đỉa khiến nhiều tiểu thương và người dân hoang mang.

Theo báo Giao thông, nguồn nước trên do xí nghiệp nước Bãi Cháy – Công ty CP nước sạch Quảng Ninh cung cấp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hùng Cường, Giám đốc xí nghiệp cho biết, trong ngày 11/4 phía đơn vị đã ngưng cấp nước tại tuyến đi qua chợ Giếng Đáy để xử lý sự cố dẫn đến việc mất nước tạm thời tại khu vực trên 1 ngày.

Ngày 12/4 xí nghiệp cung cấp nước trở lại thì nhận được thông tin các kiot kinh doanh của chợ Giếng Đáy phản ánh về việc khi sử dụng nước thì có sinh vật lạ theo đường ống chảy ra. Xí nghiệp nước Bãi Cháy đã tiến hành xả rửa toàn bộ mạng lưới để đảm bảo an toàn cấp nước, kiểm tra xác định nguyên nhân có sinh vật lạ trong nguồn nước.

Nguồn nước xuất hiện sinh vật lạ.

Xí nghiệp nước Bãi Cháy cùng UBND P. Giếng Đáy và BQL chợ Giếng Đáy kiểm tra thì phát hiện hệ thống đường ống cấp nước cho khu vực chợ Giếng Đáy đang sử dụng ống kém D50, hệ thống này được lắp đặt và sử dụng từ năm 1994 đến nay. Do đặc thù của chợ ẩm ướt nên đã có một số điểm ống kẽm bị mục nát theo thời gian xuất hiện điểm rò rỉ nước ra ngoài.

Khi đường ống không có áp (Không cấp nước vào đường ống) tại chỗ mục nát đã dẫn tới hiện tượng rò ra ngoài. Qua thời gian dài mất nước đường ống bị xâm thực bởi nước thải quanh khu vực chợ, vi sinh vật theo đó xâm nhập vào đường ống cấp nước.

Ông Cường cho biết: “Tại khu vực trên từ trước đến nay chưa từng xảy ra hiện tượng sinh vật lạ trong nguồn nước, sau khi xảy ra sự cố xí nghiệp nước chưa nhận được phản ánh nào từ những nhà dân sử dụng nước máy do xí nghiệp cung cấp xung quanh chợ Giếng Đáy về việc có sinh vật lạ trong đường nước.

Nguyên nhân có thể do đường ống bị vỡ dẫn đến hiện tượng sinh vật lạ xâm nhập vào nguồn nước chứ tuyệt nhiên không có chuyện có sinh vật lạ trong nguồn nước vì trước khi cung cấp nước cho người dân nguồn nước đều qua nhiều quy trình kiểm định chặt chẽ”.

Xuất hiện nhiều vết dầu loang vón cục trôi dạt vào bãi biển ở Bến Tre

Theo TTXVN, từ ngày 10/4 đến nay, trên địa bàn dân huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre xuất hiện nhiều vết dầu loang vón cục trôi dạt vào bãi biển.

Theo đó, các vết dầu loang cách mép bờ biển từ 1-2m và kéo dài khoảng 9km, từ bãi biển Cồn Chày Mười, ấp Thới Hòa I, xã Thới Thuận đến bãi biển Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, lực lượng Đồn Biên phòng Cửa Đại (đơn vị đóng chân trên địa bàn huyện Bình Đại) phối hợp cùng chính quyền địa phương, người dân tổ chức thu gom và xử lý nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường sống và sự phát triển của con nghêu của hai Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm và Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, cho hay dầu loang trôi dạt vào bờ biển đến đâu, địa phương tổ chức thu gom hết đến đó. Đến nay, người dân và lực lượng chức năng đã thu gom được khoảng 100 kg dầu vón cục và hiện không còn hiện tượng dầu loang trên biển.

Cần sớm xử lý hơn 60 nghìn tấn rác sinh hoạt tại Côn Đảo

Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thời gian gần đây đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp rác sinh hoạt đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân cũng như các hoạt động du lịch trên đảo.

Trung bình mỗi ngày, tại bãi Nhát, nơi tập trung rác sinh hoạt của cả huyện Côn Đảo phải tiếp nhận khoảng 10 tấn rác, trong khi cả đảo chỉ có duy nhất một máy đốt rác với công suất nhỏ và được đốt bằng phương pháp thủ công, chỉ có khả năng xử lý được 1/3 số rác thực tế. Lượng rác tồn đọng trên đảo theo tính toán đã vượt con số 60 nghìn tấn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thời gian qua, để giải quyết lượng rác trên, UBND huyện Côn Đảo đã giao Ban Quản lý các công trình công cộng huyện đảm nhận việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện. Lượng rác trên sau khi thu gom được đưa đến bãi Nhát để xử lý sơ bộ và đốt. Tuy nhiên, bãi rác này quá nhỏ, diện tích chỉ khoảng 3.800 m2, công suất lò đốt cũng chỉ xử lý được gần bốn tấn/ngày nên lượng rác thải tồn đọng ngày càng lớn.

Cùng với rác sinh hoạt, hằng năm, Côn Đảo còn phải tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải từ ngoài biển đổ vào, trung bình khối lượng khoảng 900 m3/năm. Trong đó, khoảng 100 m3 rác thải là dầu cặn. Nhiều nhất là tại các bãi Bờ Đập, bãi Dương (hòn Bảy Cạnh); bãi Cát Lớn (hòn Bà); bãi Đầm Trầu, khu vực cuối tuyến bến Đầm, trước vịnh Côn Sơn; bãi Suối Ớt (hòn Côn Sơn)… Đây chính là nguyên nhân khiến lượng rác tồn đọng ngày càng tăng cao trên địa bàn.

Hưng Yên: 13 cơ sở gây ô nhiễm phải có biện pháp xử lý

UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2017.

Theo đó, các cơ sở nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường năm 2017 gồm: Công ty TNHH công thương Tinh Nhuệ Hưng Yên; Công ty TNHH Việt Đức; Công ty TNHH công nghiệp Nam Thái; Công ty cổ phần Mikado (NPG); Công ty TNHH Đăng Hường; Công ty TNHH sản xuất thương mại Minh Ngọc; Công ty cổ phần bao bì Thuận Hòa Phát; Công ty TNHH thương mại kỹ thuật 3Q; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Thái Dương (Văn Lâm); Công ty TNHH dinh dưỡng Phú Sỹ (Ân Thi); Công ty cổ phần Châu Giang Hưng Yên (Khoái Châu); Công ty TNHH Hoàng Hợp (Mỹ Hào); Công ty cổ phần sản xuất và thương mại VTS (Văn Giang).

UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở phải thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý triệt để chất thải phát sinh; đầu tư xây dựng hoặc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải bảo đảm đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường xong trước ngày 31/.7.2018.

Hành động để kết thúc ô nhiễm chất thải nhựa

Đây là thông điệp của Ngày Trái đất 2018 (22/4) để cung cấp thông tin và truyền cảm hứng cần thiết để thay đổi cơ bản thái độ hành vi của con người về sử dụng chất dẻo (chất thải nhựa).

Rác thải nhựa trên biển này đang ngày càng tăng lên và tàn phá những tài nguyên biển quý hiểm của con người. Không những thế nó còn gián tiếp làm tổn hại đến con người trên thế giới.

Với dân số thế giới gia tăng làm việc, nhu cầu nghỉ mát, ngày càng tăng, các ngành du lịch biển được coi là ngành phát triển nhất hiện nay kéo theo hành vi xả rác trên các bãi biển, đặc biệt là các rác thải nhựa như các chai nước ngọt... loại bỏ, vứt rác bừa bãi và gây ô nhiễm. Rác thải nhựa trên biển này đang ngày càng tăng lên và tàn phá những tài nguyên biển quý hiểm của con người.

Từ năm 1950 đến nay, thế giới đã sản xuất ra hơn 9 tỷ tấn nhựa plastic và phần lớn chúng vẫn còn tồn tại xung quanh chúng ta.

Một nghiên cứu mới đây theo dõi tình hình sản xuất và phân phối nhựa trên toàn thế giới đã phát hiện ra rằng, chỉ có 2 tỷ tấn nhựa plastic đang được con người sử dụng. Vậy 7 tấn nhựa còn lại đi đâu? Câu trả lời có lẽ cũng không quá bất ngờ: Chúng đang tồn tại xung quanh chúng ta dưới dạng rác thải trong các bãi chôn lấp rác, dưới dạng rác tái chế, hay thậm chí còn là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường đất đai và biển cả. Một lượng nhỏ rác thải nhựa được thiêu hủy trong các lò thiêu.

Thế nhưng, trong khi số rác thải kể trên chất thành núi lớn mà không phân hủy được, con người vẫn cứ tiếp tục sản xuất thêm nhiều nhựa hơn nữa. Theo số liệu thống kê trong vòng 30 năm trở lại đây, chúng ta đã tạo ra phân nửa số rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.

Quảng Bình: Dân bức xúc vì trang trại trâu, bò gây ô nhiễm

Những ngày qua, người dân sống xung quanh trang trại trâu, bò của Công ty TNHH Đoàn Kết Phú Quý tại phường Quảng Long, TX. Ba Đồn (Quảng Trị) bức xúc trước việc trang trại của công ty này gây ô nhiễm làm ảnh hưởng cuộc sống của họ.

Người dân cho biết, cứ theo chiều gió thổi hướng nào thì người dân hướng đó sẽ ngửi thấy mùi hôi thối từ trang trại bò này, còn trong bán kính khoảng 500 mét nhà nào cũng có ruồi nhặng xuất hiện rất nhiều từ khi có trang trại này.

Trang trại trâu, bò gây ô nhiễm khu dân cư.

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Ngô Văn Sáu - Chủ tich UBND phường Quảng Long thừa nhận việc người dân phản ánh trang trại trâu, bò gây ô nhiễm là có và đúng là có mùi hôi thối, phát sinh tình trạng nhiều ruồi, nhặng xuất hiện.

“Trước mắt là yêu cầu công ty ngừng hoạt động để xử lý môi trường, sau khi xử lý môi trường mà đảm bảo thì mới cho phép hoạt động lại. Nếu hoạt động lại mà còn gây ô nhiễm môi trường thì công ty phải di dời, chứ không thể tồn tại ở đó được, để đảm bảo đời sống nhân dân”, ông Ngô Văn Sáu khẳng định.

Người dân xung quanh trang trại trâu, bò của Công ty TNHH Đoàn Kết Phú Quý cho biết trang trại này đã xây dựng và hoạt động gần 3 năm nay, từ đó đến nay mùi hôi thối và ruồi nhặng bắt đầu xuất hiện từ đó đến nay. Hiện vẫn còn một số hạng mục của trang trại này đang được xây dựng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường 17/4: Dân kêu cứu vì trang trại trâu, bò gây ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất