Thứ năm, 28/03/2024 20:00 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 16/5: Chất thải xỉ than đổ ào xuống sông Gò Chàm

MTĐT -  Thứ tư, 16/05/2018 17:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đồng Nai, tổ chức Tuần lễ Đồng Nai xanh năm 2018, Bình Định, chất thải xỉ than đổ ào xuống sông Gò Chàm… là một số tin môi trường trong ngày.

Lai Châu khẩn trương di dời 23 hộ dân khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét

Nhận được tờ trình đề nghị di chuyển 23 hộ dân xã Nậm Pì ra khỏi khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, huyện Nậm Nhùn đã cho khảo sát, thiết kế, đến nay địa điểm mới đang tiến hành san gạt mặt bằng, chia lô để người dân bốc thăm lô đất, mỗi hộ gia đình 320m2.

Theo TTXVN đưa tin, bản Nậm Sập, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) có 23 hộ sống dọc hai bên khe suối. Trước đây chỉ là khe suối nhỏ nhưng những năm gần đây khe suối bị sạt lở ngày một rộng ra, tiến sát nhà dân.

Mùa mưa, nước từ trên đỉnh các ngọn núi chảy xuống rất mạnh, cuốn theo đất đá tràn qua nhiều nhà dân khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn, có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng và xảy ra lũ ống, lũ quét nguy hiểm cho các hộ dân.

UBND xã Nậm Pì đã có Tờ trình lên UBND huyện Nậm Nhùn đề nghị di chuyển 23 hộ dân xã Nậm Pì ra khỏi khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét gây sạt lở cao. Ngay sau đó, tờ trình đã được phê duyệt. Huyện Nậm Nhùn đã cho cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, thiết kế, đến nay địa điểm mới đang tiến hành san gạt mặt bằng, chia lô để người dân bốc thăm lô đất, mỗi hộ gia đình 320m2.

Bảo vệ “lá phổi xanh” của Thủ đô

Diện tích rừng của Hà Nội không nhiều nhưng có vai trò, giá trị vô cùng quan trọng. Trong những năm qua, các cấp, các ngành thành phố, nhất là lực lượng Kiểm lâm Hà Nội đã làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng - “lá phổi xanh” của Thủ đô.

Rừng của Hà Nội gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa, công trình an ninh quốc phòng, nên Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý lâm sản và động vật hoang dã.

Với tinh thần bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương có rừng thành lập 61 Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng với 659 người tham gia, thành lập 117 tổ, đội xung kích bảo vệ rừng với 1.131 người. Ngoài ra, có sự tham gia của lực lượng chủ rừng và 21 đơn vị quân đội với 2.380 người cùng nhiều cơ sở vật chất thiết yếu...

Trong 10 năm qua, lực lượng Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với các địa phương có rừng đã hạ cấp vật liệu cháy hơn 621ha rừng; trồng thay thế 180ha; trồng rừng mới hơn 1.000ha; chăm sóc 3.535ha rừng/năm; trồng hơn 8 triệu cây xanh phân tán; khoán bảo vệ 6.500ha rừng/năm; hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm (23 thôn) kinh phí 40 triệu đồng/thôn/năm (từ năm 2015 đến nay). Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã xử lý 1.117 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và lâm sản; tịch thu hơn 1.028m3 gỗ quy tròn các loại, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 20,7 tỷ đồng...

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, đơn vị đã xây dựng nhiều đề án chuyên môn nghiệp vụ, như phương án quản lý bảo vệ rừng tại gốc. Theo đó, từng xã, từng cánh rừng trên địa bàn thành phố đã được giao cho kiểm lâm phụ trách với nhiệm vụ cụ thể, có bản đồ, sổ sách, hồ sơ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

Chi cục đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng toàn thành phố. Với những vùng còn tập trung nhiều động vật hoang dã, Chi cục phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý nghiêm những trường hợp săn bắn trái phép...

Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, tài nguyên rừng được bảo vệ, tuy nhiên trên địa bàn thành phố hằng năm vẫn xảy ra cháy rừng. Nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng cũng làm gia tăng sức ép lên diện tích rừng và đất lâm nghiệp, khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố phần lớn chưa được giao đất gắn với giao rừng, rừng chưa có chủ thực sự... dẫn đến khó khăn trong xử lý trách nhiệm khi rừng bị phá, xâm lấn...

Đồng Nai: Tổ chức Tuần lễ Đồng Nai xanh năm 2018

Tiếp nối thành công của Tuần lễ Đồng Nai xanh năm 2017, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 4664/KH-UBND về việc tổ chức Tuần lễ Đồng Nai xanh năm 2018 với các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần lễ Đồng Nai xanh năm 2018, Ngày Môi trường thế giới 5/6/2018 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, Đồng Nai sẽ đẩy mạnh phong trào bảo vệ môi trường tại các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, các trường học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; tạo phong trào bảo vệ môi trường sôi nổi, năng động và mang dấu ấn riêng của tỉnh Đồng Nai.

Cũng theo Kế hoạch, sự kiện “Tuần lễ Đồng Nai xanh 2018” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ được tỉnh Đồng Nai tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Công tác tổ chức sự kiện Tuần lễ Đồng Nai xanh 2018 cũng sẽ được thực hiện chu đáo, chuyên nghiệp, tiết kiệm và hiệu quả. Tuần lễ Đồng Nai xanh năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 04/6/2018.

Sự kiện Tuần lễ Đồng Nai Xanh năm 2018 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ được đánh dấu bằng Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2018. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai phối hợp với UBND huyện Trảng Bom tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Đồng Nai xanh năm 2018 và Ngày Môi trường thế giới 5/6/2018 tại địa bàn huyện Trảng Bom. Thời gian dự kiến tổ chức Lễ khai mạc vào sáng ngày 5/6/2018.

Điện Biên: Gần 80% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

Thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Điện Biên, hiện toàn tỉnh có gần 402.000 người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 79,19%.

Toàn tỉnh Điện Biên hiện có trên 101.000 hộ dân, với gần 508.000 dân sinh sống ở vùng nông thôn. Tỷ lệ người dân đã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt gần 80%. Số hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ 40,37% và tỷ lệ hộ có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh đạt gần 44%.

Mặc dù những năm qua được Đảng và Nhà nước quan tâm, thực hiện nhiều chính sách, đầu tư hỗ trợ cho người dân, cơ sở hạ tầng nông thôn đã có những bước phát triển tích cực. Hết năm 2017, toàn tỉnh đã được đầu tư trên 1.000 công trình cấp nước tập trung, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho các hộ, khu dân cư nông thôn.

Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, lượng mưa hàng năm ít, nguồn sinh thủy phân bố không đồng đều, có nguy cơ cạn kiệt. Cùng với đó, nhận thức người dân chưa cao trong vấn đề sử dụng và bảo vệ các công trình nước sạch sau đầu tư, bởi vậy các công trình cấp nước tập trung nhanh chóng bị xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả.

Hiện chỉ còn 172 công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững, chiếm trên 17%. Số công trình cấp nước còn lại hoạt động trung bình, kém hiệu quả và không hoạt động,  tập trung nhiều tại Huyện Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Nậm Pồ…

Cà Mau: Dân sống chịu đựng bên kênh hôi thối quanh năm

Kênh Cống Hội Đồng Nguyên nằm giữa phường 8 và xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau. Con kênh này có chiều dài hơn 600m, nối giữa Cống Hội Đồng Nguyên và kênh Rạch Rập. Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại khu vực này, nhiều năm qua kênh Cống Hội Đồng Nguyên là nỗi ám ảnh của nhiều người bởi mùi hôi thối.

Theo báo Dân Việt ghi nhận, ngày 15/5, nước của kênh Cống Hội Đồng Nguyên có màu đen ngòm và bốc mùi thối rất khó chịu, dưới kênh là vô số rác thải.

Bà Lý Hoa Thắm (ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm), cho biết: Tình trạng ô nhiễm của kênh Cống Hội Đồng Nguyên đã có mười mấy năm nay. Cũng đã có người xuống nạo vét nhưng không hiệu quả. Mùi hôi thối vẫn còn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân khu vực này, nhất là trẻ nhỏ.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện tại tại các tuyến sông trong nội ô TP.Cà Mau thường xuyên bị ô nhiễm. Nước sông ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản của thành phố mà còn ảnh hưởng đến sản xuất của các huyện lân cận.

Nguyên nhân gây ô nhiễm là do mật độ tập trung cao của nhà ở, chợ và các cơ sở sản xuất nằm ở ven sông,... đã tạo nguồn thải lớn vào sông, rạch, đặc biệt là chất thải rắn trôi nổi trên sông và không phân hủy như thùng xốp, túi nhựa.

Ngoài ra, hầu hết các tuyến sông, rạch trong nội ô thành phố đều bị bồi lắng nhiều, khả năng thoát nước kém nên các chất ô nhiễm tích lũy ngày càng trầm trọng.

Bình Định: Chất thải xỉ than đổ ào xuống sông Gò Chàm

Một người dân ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn (Bình Định) thu gom chất thải và phế phẩm xỉ than từ các lò đúc đồng; sau đó dùng xe chở về tập kết tại bờ sông Gò Chàm để đãi tìm xái đồng, xái nhôm bán kiếm tiền. Đây là việc làm rất nguy hiểm, bởi các loại chất thải độc hại sẽ hòa lẫn vào đất, nước, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.

Người dân ở khu vực Nhơn Thuận, phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn), phản ảnh: Gần đây, tại khu vực ngã 3 sông Gò Chàm - một nhánh của sông Côn, tiếp giáp giữa phường Nhơn Thành, Đập Đá và xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) - xuất hiện tình trạng đổ chất thải độc hại trực tiếp ra môi trường.

Chất thải được đổ thành đống cao, ven bờ sông Gò Chàm; do nằm sát bờ sông nên không ít chất thải đã trôi xuống lòng sông, hòa vào nước. Loại chất thải này có màu đen xám, vón thành cục, người dân nghi ngờ đây là phế phẩm xỉ than thải ra từ các lò đúc kim loại tại Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (thuộc phường Đập Đá).

Ông Tô Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Nhơn Thành, xác nhận: Tại buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc Hội vào ngày 3/5 vừa qua, người dân ở khu vực Nhơn Thuận đã phản ánh về tình trạng có người đổ chất thải độc hại ra bờ sông Gò Chàm.

Từ thông tin này, UBND phường Nhơn Thành cử cán bộ chuyên môn về hiện trường kiểm tra. Kết quả ban đầu cho thấy đây là chất thải và phế phẩm xỉ than thải ra trong quá trình đúc đồng; vị trí đổ thải thuộc địa phận khu vực Bằng Châu (phường Đập Đá). Phường đã báo cáo vụ việc cho lãnh đạo thị xã An Nhơn để đưa ra hướng chỉ đạo giải quyết.

Còn ông Phan Thanh Hiếu, Chủ tịch UBND phường Đập Đá, cho biết: Ngay sau khi nắm được thông tin về việc có người đổ phế phẩm xỉ than trực tiếp ra môi trường, UBND phường thành lập đoàn đến hiện trường kiểm tra, truy tìm thủ phạm. Đối tượng thực hiện hành vi này được xác định là ông Đào Ngọc Phú (30 tuổi, trú phường Đập Đá).

Ban đầu ông Phú khai nhận: Vào ban đêm, ông sử dụng xe lôi 3 bánh tìm đến các lò đúc đồng trên địa bàn phường Đập Đá và xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn) để “mót” phế phẩm xỉ than. Sau đó chở về tập kết tại bờ sông Gò Chàm rồi đưa phế phẩm xuống sông đãi tìm xái đồng, xái nhôm bán kiếm tiền. Tuy nhiên, ông Phú nhất quyết không cho biết đã “mót” phế phẩm xỉ than từ cơ sở, doanh nghiệp nào.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 16/5: Chất thải xỉ than đổ ào xuống sông Gò Chàm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.