Thứ năm, 25/04/2024 20:27 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 2/5: Nhà máy cao lanh “bức tử” hồ Bàu Cúi

MTĐT -  Thứ tư, 02/05/2018 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quảng Bình nhà máy cao lanh “bức tử” hồ Bàu Cúi, người dân Phú Quý mỏi mòn chờ nước sạch… là một số tin môi trường trong ngày.

Quảng Bình: Nhà máy cao lanh “bức tử” hồ Bàu Cúi

Trong quá trình chế biến, lọc cao lanh, Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Đồng Hới đã để cao lanh tràn ra ngoài vùi lắp khe suối, vườn tràm, ao nuôi cá của người dân và đang dần lấn chiếm một diện tích lớn của hồ Bàu Cúi tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới.

Việc cao lanh tràn ra ngoài lắp ao nuôi cá, vườn tràm đã diễn ra nhiều năm nay tại nhà máy lọc cao lanh của Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Đồng Hới khiến cho người dân sống xung quanh hết sức bức xúc. Sự việc này không chỉ làm thiệt hại kinh tế của họ mà nay còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đặc biệt là một diện tích lớn của hồ Bàu Cúi bị cao lanh tràn vào vùi lắp, thế nhưng đến nay vẫn không có cơ quan chức năng nào xử lý.

Theo ghi nhận của PV Báo TN&MT, từ nhà máy lọc cao lanh của Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Đồng Hới đến hồ Bàu Cúi khoảng 500m. Khu vực tập kết cao lanh của đơn vị này không hề có khuôn viên che chắn hay hồ lắng theo quy định. Một cái cống lớn từ nhà máy để đổ thẳng ra suối, dọc theo con suối này cao lanh đều phủ trắng, có nơi cao lanh dày đến cả mét. Cao lanh tràn đến đâu là cây cối ở đó đều bị chết, đặc biệt nhiều diện tích tràm, bạch đàn, tre và thậm chí ngay cả cây thông cũng bị chết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Bá Trọng - Chủ tịch phường Bắc Lý thừa nhận có hiện tượng cao lanh từ nhà máy này tràn ra gây ô nhiễm môi trường: “Đơn vị này nằm tại xã Lộc Ninh, nhưng cao lanh lại tràn xuống hồ Bàu Cúi của phường Bắc Lý. Hồ Bàu Cúi có diện tích hơn 1 héc ta, nhằm mục đích phục vụ cho người dân sản xuất lúa và nước tưới. Mấy năm nay cao lanh có tràn ra ngoài khe suối gây ảnh hưởng cho những hộ dân sống gần hồ”.

Ông Trần Phong - Giám đốc Sở TN&MT Quảng Bình cho biết, đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra sở TN&MT tiến hành kiểm tra nhà máy này.

Kết quả kiểm tra sơ bộ của Chi cục bảo vệ môi trường cho thấy: Giám sát môi trường định kỳ không tuân thủ; một số nội dung bảo vệ môi trường thực hiện không nghiêm túc, bụi bặm vẫn còn phát tán, không có biện pháp hiệu quả; sự cố môi trường để xảy ra trôi bùn đất xuống của năm ngoái, những năm khác đã có biểu hiện, để vỡ đê ngăn ra nên đã trôi toàn bộ bùn cao lanh ra ngoài.

Trước những sai phạm trên Sở TN&MT đã yêu cầu Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Đồng Hới phải nạo vét sâu một cái hồ trong nội bộ để phục vụ sản xuất nhưng không được tràn bùn ra môi trường và phải hoàn thành trước ngày 15/5; phải hoàn thành xây một cái đập kiên cố, hồ lắng lớn để giữ quặng đuôi lại phục vụ cho mục đích tái sử dụng trước ngày 31/8; phải nạo vét toàn bộ phần bùn cao lanh chảy ra dọc khe, khu vực lồng hồ để đảm bảo thoát nước cho khe phải hoàn thành trong mùa hè trước ngày 31/8; những thiệt hại gây ra cho vườn, cho dân phải chủ động phối hợp với phường để xác định thiệt hại và hỗ trở cho người dân.

Động đất tại Iran, hàng chục người bị thương

Theo TTXVN đưa tin, một trận động đất mạnh 5,2 độ Richter đã làm rung chuyển thành phố Sisakht, thuộc tỉnh Kohgiluye va Boyerahmad, miền Tây Iran, làm ít nhất 31 người bị thương.

Truyền thông địa phương cho biết trận động đất xảy ra lúc gần 11h giờ địa phương ngày 2/5 (khoảng 1 giờ chiều giờ Việt Nam). Tâm chấn ở độ sâu 8km. Hiện người dẫn ở khu vực trên đang hoảng loạn đổ hết ra đường.

Tháng 11/2017, một trận động đất mạnh 7,3 độ Richter tại tỉnh Kermanshah, cũng ở miền Tây, dọc vùng núi biên giới giáp với Iraq, làm ít nhất 620 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Tiền tỉ đổ xuống, cửa biển vẫn bồi lấp

Theo báo Thanh niên đưa tin, mặc dù đầu tư tiền tỉ để cải tạo cửa biển cho ngư dân có luồng lạch thông suốt ra khơi, nhưng tình trạng bồi lấp cửa biển Lạch Giang tại vùng biển Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) vẫn tiếp diễn.

Ông Nguyễn Xuân Đàn, Trưởng thôn Bình An 2 (xã Lộc Vĩnh, H. Phú Lộc), cho biết trong 3 năm gần đây, tình trạng sạt lở, nước biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống nhiều hộ dân gần cửa biển Lạch Giang.

Đây là cửa biển nhân tạo dành cho khoảng 300 tàu thuyền thuộc ba thôn Bình An 1, Bình An 2 và Phú Hải ra khơi, sau khi cửa biển tự nhiên bị chặn dòng, bồi lấp để làm đường trục chính vào cảng Chân Mây. Thế nhưng cửa Lạch Giang cũng thường xuyên bị bồi lấp, tàu thuyền ra vào thường mắc cạn, gãy chân vịt, sóng đánh hư hỏng.

Cuối năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định đầu tư hơn 6,6 tỉ đồng từ ngân sách để cải tạo cửa biển Lạch Giang, khơi thông luồng lạch. Dự án thực hiện từ 2016 - 2018, do Xí nghiệp tư nhân Long Phụng (nay là Công ty TNHH một thành viên dịch vụ xây dựng Long Phụng, H. Phú Lộc) thi công…

Hiện nay đơn vị thi công chủ yếu dùng máy để hút cát biển cả ngày lẫn đêm ở khu vực cửa Lạch Giang. Cát được hút từ phía trong âu thuyền kéo dài ra cửa biển, phần cát hút lên được tập kết thành bãi lớn trên đất liền. Riêng tuyến đê bao liên tục bị sóng đánh hư hại và theo bà con ngư dân, tuyến đê bao này khó “thọ” qua mùa mưa bão năm nay.

Ông Tôn Thất Viễn Điểm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, đại diện chủ đầu tư dự án nạo vét, gia cố khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Lạch Giang, cho biết số lượng cát hút lên sẽ phục vụ việc san lấp mặt bằng cho công trình trong khu kinh tế. Việc nạo vét, hút cát sẽ kéo dài hết năm nay, khi đó cửa Lạch Giang phía trong sẽ rộng 30 m, phía ngoài rộng 60 m, sâu bình quân 2 m, đủ để tàu thuyền ra vào.

Tuy nhiên, ông Điểm cũng thừa nhận tình trạng bồi lấp vùng cửa Lạch Giang khó giải quyết triệt để, cát không chỉ bồi lấp bên trong mà còn bên ngoài ra phía biển, kéo dài cả cây số.

Phú Quý: Người dân mỏi mòn chờ nước sạch

Nằm cách đất liền hơn 100km, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) có diện tích chỉ khoảng 17,8km2, nhưng dân số hiện đã lên tới gần 28.000 người. Mật độ dân số gấp gần 10 lần mật độ trung bình tỉnh Bình Thuận. Vậy nhưng huyện đảo này lại không có hệ thống sông suối, lưu vực hứng nước mưa và công trình thủy lợi, nên người dân hiện phần lớn phải sử dụng nguồn nước ngầm chưa đảm bảo vệ sinh.

Hiện nay, nước sinh hoạt trên đảo Phú Quý có được nhờ hai nguồn là nước máy và giếng đào. Trong đó, giếng đào phục vụ khoảng 60%, nước máy 30%, còn lại từ các nguồn khác. Trong những năm gần đây, huyện đảo Phú Quý phát triển mạnh, nhất là lĩnh vực du lịch và thủy hải sản, nên nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, khoảng 3.500m³/ngày.

Thế nhưng, nguồn nước ngầm hiện không đủ để cung cấp cho các nhà máy nước, tổng lượng nước còn thiếu khoảng 800 -1.000m³/ngày, nhất là vào mùa khô. Trong khi đó, hiện hầu hết các giếng nước ngọt do người dân trên đảo tự đào để phục vụ nhu cầu sinh hoạt đang bị nhiễm mặn trầm trọng. Nhiều giếng đã bị bỏ hoang từ nhiều năm nay vì bị nước biển xâm nhập.

Về nguyên nhân nguồn nước bị nhiễm mặn, người dân huyện đảo cho rằng, một phần do hạn hán, nhưng phần lớn là do khoảng vài năm gần đây, giếng khoan tràn lan khiến mạch nước ngầm xuống thấp.

Ngoài việc thiếu nguồn nước ngọt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hiện huyện đảo cũng đang gặp nhiều khó khăn đối với nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, toàn đảo có khoảng l.000ha đất trồng cây, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. “Nếu muốn trồng rau hay cây nông nghiệp ngắn ngày mà trời không mưa, chúng tôi phải dùng nước giếng đào, giếng khoan để tưới. Nếu chẳng may gặp nước giếng bị nhiễm mặn thì cây trồng chết hết”, bà Nguyễn Thị Viễn đảo cho biết.

Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước bằng cảm ứng tự động

Mới đây, Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp Đại học Bretagne Occidentale (Pháp) lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước bằng cảm ứng tự động cho hộ dân nuôi lồng bè tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu.

Theo đó, hệ thống máy này có tên là Water analysis Vietnamese ecosystem được nhóm hợp tác giữa ông Lê Ngọc Trân, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế biển (Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu) và ông Võ Thông, giảng viên Đại học Bretagne Occidentale chủ trì nghiên cứu từ năm 2016. Mới đây, nhóm nghiên cứu này đã lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước bằng cảm ứng tự động cho hộ gia đình ông Nguyễn Công Biên, tiểu khu số 3, khu quy hoạch nuôi lồng bè, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu.

Hệ thống có chức năng đo các thông số của môi trường nước như độ mặn, nồng độ clo, nồng độ oxi, nhiệt độ nước biển… Nếu những chỉ số này tăng cao hoặc xuống dưới ngưỡng sẽ báo trực tiếp vào điện thoại của ngư dân. Hệ thống này có giá khoảng 3,5 ngàn USD được hỗ trợ hoàn toàn từ Trường đại học Bretagne Occidentale.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 2/5: Nhà máy cao lanh “bức tử” hồ Bàu Cúi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng