Thứ sáu, 19/04/2024 13:28 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 5/4: Xử phạt DN nhiều lần gây ô nhiễm môi trường

MTĐT -  Thứ năm, 05/04/2018 16:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phú Thọ xử phạt doanh nghiệp nhiều lần gây ô nhiễm, Tây Ninh bãi rác nhỏ thành điểm đen ô nhiễm môi trường… là một số tin môi trường trong ngày.

Phú Thọ: Xử phạt doanh nghiệp nhiều lần gây ô nhiễm môi trường

Theo TTXVN thông tin, UBND tỉnh Phú Thọ vừa có quyết định số 657/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính 260 triệu đồng đối với Công ty TNHH một thành viên Toàn Năng Phú Thọ, địa chỉ khu 10, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường.

Theo kết quả quan trắc, phân tích nước thải của Trung tâm quan trắc và Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, nhiều thông số theo quy chuẩn quốc gia về nước thải của nhà máy sản xuất tinh bột sắn (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Toàn Năng Phú Thọ) vượt mức cho phép nhiều lần; trong đó thông số TSS vượt 5,1 lần, COD vượt 74,4 lần, Coliform vượt 5,8 lần.

Đáng chú ý, thông số BOD5 vượt tới 225 lần mức tối đa cho phép.

Thời gian qua, hoạt động của nhà máy sản xuất tinh bột sắn (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Toàn Năng Phú Thọ) đã gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ở xã Thanh Hà các xã lân cận khiến người dân rất bức xúc.

Công ty Toàn Năng xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Iraq: Hàng trăm người phải nhập viện do nước nhiễm khuẩn

Các nguồn tin y tế của Iraq cho biết trong 2 ngày qua tại tỉnh Salahudin, miền Trung nước này, đã có hàng trăm người phải nhập viện do bị tiêu chảy và đau bụng sau khi uống phải nước nhiễm khuẩn.

Trao đổi với báo giới ngày 4/4, ông Mohammed al-Azzawi, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thị trấn al-Alam của tỉnh này, thông báo kết quả xét nghiệm mẫu nước trong các phòng thí nghiệm cho thấy nguồn nước sinh hoạt lấy từ sông Tigris đã bị nhiễm khuẩn nặng. Cũng liên quan đến vấn đề này, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường của tỉnh Salahudin, ông Mohammed al-Majid thừa nhận nguồn gây nhiễm khuẩn nước sông Tigris là các cống xả thải đổ vào sông này.

Hàng trăm cây tiêu tới kỳ thu hoạch ‘bỗng dưng’ chết khô

Báo Đại đoàn kết đưa tin, thời gian qua, diện tích tiêu trồng của người dân ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam bỗng nhiên bị vàng lá, thối rễ, chết khô bất thường.

Theo đó, tại thôn Bình Phụng, xã Bình Quế, nhiều hộ trồng tiêu cho biết, sau đợt mưa lũ cuối 2017 đến nay, trên địa bàn xuất hiện tình trạng nhiều cây tiêu bị héo lá và chuyển sang màu vàng dẫn đến thối rễ chết khô.

Ngoài ra, trên các thân lá trụ tiêu còn xuất hiện nấm trắng. Dù người dân mua thuốc về phun nhưng vẫn không cứu được.

Theo thống kê, toàn xã Bình Quế hiện có rất nhiều hộ tham gia trồng tiêu với khoảng trên 4.000 cây. Trong đó riêng 12 hộ dân trồng tiêu thôn Bình Phụng bị chết, với số lượng khoảng 700 trụ.

Hàng trăm cây tiêu của bà con nông dân bỗng dưng bị chết khô. Ảnh: Báo DĐK.

Tây Ninh: Bãi rác nhỏ dần trở thành “điểm đen” gây ô nhiễm môi trường

Theo báo Tây Ninh đưa tin, bãi rác Bình Thạnh (ấp Bình Quới, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) nằm ngay cạnh tỉnh lộ 786. Bãi rác có từ năm 1995, từ một điểm xử lý rác thải của ngôi chợ nhỏ, dần trở thành “điểm đen” ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ðiều đáng nói là, bãi rác bị người dân lên tiếng phản ứng gay gắt trong một thời gian dài, đồng thời UBND tỉnh đã liên tiếp có 2 Công văn số 2353, ngày 5/9/2017, và 3472, ngày 25/12/2017, chỉ đạo UBND huyện Trảng Bàng phải xử lý dứt điểm những bất cập, thế nhưng đến nay, bãi rác vẫn “bình chân như vại”, bởi chính quyền vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý phù hợp.

Trước tình hình đó, xã Bình Thạnh đã lập ra Tổ thu gom rác chợ và chọn bãi đất công thuộc ấp Bình Quới làm nơi chứa rác. Rác được tập kết về bãi một thời gian, địa phương sẽ cho người đổ dầu đốt. Về sau, dân cư ngày càng đông, rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều, nên Tổ thu gom rác chợ cũng thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ dân ở 3 xã Bình Thạnh, Phước Lưu và Phước Chỉ.

Tất cả đều dồn về bãi rác Bình Thạnh, do xã Phước Lưu và Phước Chỉ không có địa điểm chứa rác thải. Do vậy, bãi rác Bình Thạnh ngày càng phình to, ngày càng gây ô nhiễm môi trường và trở thành nỗi “bức xúc” của người dân, sự “đau đầu” của lãnh đạo xã. Hàng chục năm qua, mặc dù chính quyền đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa xử lý được.

Môi trường sông Chà Và đã quá tải

Nhiều năm qua, việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên sông Chà Và (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không tuân theo quy hoạch làm thiệt hại về nguồn lợi và ảnh hưởng đến môi trường nước.

Sở NN-PTNT và xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) đã và đang đưa vào áp dụng một số mô hình quản lý môi trường và vùng nuôi nhằm phát triển NTTS trên sông Chà Và theo hướng bền vững.

Theo kết quả quan trắc và phân tích môi trường nước mới nhất tại khu vực nuôi cá biển bằng lồng bè tại cửa sông Chà Và (của Trung tâm Quan trắc Môi trường biển - Viện nghiên cứu hải sản Việt Nam hồi tháng 8-2017) cho thấy, nguồn nước ở khu vực này đã bị suy giảm và ô nhiễm thể hiện qua nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp hơn giới hạn cho phép (>5mg/l); nồng độ các thông số N-NO-2, N-NO-3, P-PO43- trong nước cao vượt giới hạn cho phép áp dụng cho nước phục vụ cho mục đích bảo tồn thủy sinh và NTTS.

Xóa “điểm đen” môi trường ở Sóc Sơn

Ô nhiễm từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; các tuyến đường có xe vận chuyển rác chạy qua và các hoạt động sản xuất trong khu dân cư... được huyện Sóc Sơn xác định là những “điểm đen” về môi trường. Đây là vấn đề rất khó xử lý trong “một sớm, một chiều”, nên huyện Sóc Sơn đang kiên trì thực hiện với nhiều biện pháp.

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là nơi tập trung và xử lý chất thải tập trung lớn nhất của TP Hà Nội nằm trên địa bàn 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, được xây dựng năm 1999 với tổng diện tích gần 160ha. Theo thiết kế ban đầu, bãi rác bảo đảm xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố đến năm 2020 với công suất khoảng 1.000 tấn/ngày, đêm. Tuy nhiên, hiện nay lượng rác đưa về đây lên đến 4.500-6.000 tấn/ngày, đêm (gấp 4-6 lần so với thiết kế ban đầu).

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường Sóc Sơn, do khối lượng rác tăng, công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp, lượng rác lộ thiên lớn dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống của người dân trong vùng. Các hồ chứa nước rỉ rác chưa kịp xử lý với dung tích gần 1 triệu mét khối, đang là nguồn phát thải các khí độc như: Metan, hirdro sunfua, cacbonic... Các tuyến đường có xe vận chuyển rác chạy qua cũng ô nhiễm không kém. Mỗi ngày, hàng trăm xe chở rác về bãi, nhiều xe không kín khít, gây rò rỉ nước rác làm bẩn đường, khiến người dân bức xúc..., báo TN&MT thông tin.  

Dây chuyền xử lý chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Thái Hiền

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có gần 2.000 cơ sở sản xuất công nghiệp như: Cơ khí chế tạo, đúc phôi sắt - thép từ phế liệu, tái chế hạt nhựa, gioăng kính... đã phát sinh khí thải gây mùi khó chịu. Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, người dân đã nhiều lần đề nghị giải quyết triệt để...

Trước thực trạng nêu trên, từ năm 2012 đến nay, huyện Sóc Sơn đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án và kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện vấn đề này. Để giảm thiểu sự độc hại từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, đặc biệt là mùi và nước rác, bãi rác đã được phủ bằng vải địa kỹ thuật HDPE thay thế lớp đất phủ, tăng cường phun chế phẩm sinh học enchoi, thuốc khử mùi, diệt côn trùng... từng bước khắc phục tình trạng phát thải mùi và khí nhà kính ra môi trường, giảm lượng nước rỉ rác cần xử lý.   

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 5/4: Xử phạt DN nhiều lần gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?