Thứ năm, 28/03/2024 19:49 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 6/4: Truy tìm thủ phạm 'bức tử' hồ Suối Hai

MTĐT -  Thứ sáu, 06/04/2018 17:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phlippines đóng cửa đảo thiên đường du lịch vì vấn đề môi trường, nghêu chết hàng loạt ở Bến Tre, hồ Suối Hai bị “bức tử”… là một số tin môi trường trong ngày.

Phlippines đóng cửa đảo thiên đường du lịch vì vấn đề môi trường

Theo báo Đại đoàn kết đưa tin, mới đây Philippines đã tuyên bố sẽ đóng cửa khu nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất của họ trên đảo Boracay trong vòng 6 tháng, sau khi cho rằng hòn đảo này đã bị biến thành "bể thải" vì hứng lượng nước quá lớn từ hệ thống cống ngầm.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ thị đóng cửa khu nghỉ dưỡng này từ ngày 26/4, điều làm dấy lên nhiều câu hỏi về hoạt động kinh doanh của hàng nghìn người dân trên hòn đảo thường xuyên tiếp nhận 2 triệu lượt du khách mỗi năm này.

Được biết, Boracay có trên 500 doanh nghiệp du lịch hoạt động, mang về doanh thu khoảng 56 tỷ peso (1,07 tỷ USD) trong năm ngoái. Nhưng vào tháng Hai năm nay, ông Duterte đã chỉ trích các khách sạn, nhà hàng và nhiều cơ sở du lịch khác trên đảo này vì đã xả thải trực tiếp ra biển.

Philippines cứng rắn với những hành động gây ô nhiễm môi trường.

Giới chức nước này cũng cảnh báo về việc hệ thống cống ngầm trên đảo đang bị các doanh nghiệp, cơ sở làm ăn lợi dụng để xả chất thải chưa qua xử lý trực tiếp ra các bãi biển. Chính phủ Philippines cho hay có tổng cộng 300 cơ sở và doanh nghiệp có liên quan tới bê bối xả thải này.

Thứ trưởng Môi trường Jonas Leones nói rằng việc đóng cửa khu nghỉ dưỡng này sẽ bao gồm ngừng các tuyến đường bay và tuyến phà nối với đảo Boracay. "Mạnh tay là điều cần thiết để mang trở lại vẻ đẹp của hòn đảo này", ông Leones nói.

Một số hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trên đảo Boracay đã đề nghị chính phủ chỉ nên trừng phạt các cơ sở vi phạm điều luật bảo vệ môi trường, do lo ngại hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng.

Tăng cường kiểm soát khai thác nước ngầm

Nhằm hạn chế nguy cơ sụt lún gắn với tình trạng ô nhiễm nguồn nước do khai thác nước ngầm gây ra cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nguồn nước sạch, UBND TP HCM đã có kế hoạch giảm lưu lượng khai thác nước ngầm xuống, từ hơn 700 nghìn m3/ngày đêm còn 100 nghìn m3/ngày đêm từ nay đến năm 2025.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), hiện nhu cầu khai thác và sử dụng nước ngầm trên địa bàn thành phố là gần 720 nghìn m3/ngày đêm. Trong đó, lưu lượng khai thác nước ngầm trong các hộ gia đình chiếm 50% với 356 nghìn m3/ngày đêm. Khảo sát của Sở TN và MT cho thấy, nhu cầu sử dụng nước ngầm không chỉ phổ biến ở khu vực ngoại thành mà ở khu vực nội thành, nhiều hộ gia đình cũng sử dụng nước ngầm từ hệ thống giếng khoan.

Ðáng lưu ý, nhiều nơi dù đã phủ kín hệ thống nước máy nhưng không ít hộ dân vẫn sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hằng ngày.

Ai là thủ phạm bức tử hồ Suối Hai?

Hồ Suối Hai nằm ở dưới chân núi Ba Vì với lưu lượng nước khoảng 45 triệu m3, không chỉ là nguồn nước tưới cho trên 7.000 ha đất nông nghiệp mà còn là nơi lưu giữ của hàng trăm nguồn gen thủy sản quý hiếm, cùng sự đa dạng sinh học trong lòng hồ.

Nhờ vẻ đẹp của hồ mà nhu cầu phát triển du lịch gia tăng, đem lại nguồn lợi lớn cho địa phương. Tuy nhiên hệ sinh thái này đang dần bị biến mất, nguồn nước trong veo dần bị thay thế bởi những dòng nước đen ngòm, thiếu sức sống.

Hồ Suối Hai đang bị "bức tử" nghiêm trọng. Ảnh: KTĐT.

Người dân tại thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cho biết, từ trước tới nay hàng trăm hộ trong khu vực chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt cá trên hồ Suối Hai.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong sản xuất nông nghiệp vì nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng không thể sản xuất. Đi sâu vào phía thượng nguồn, mức độ ô nhiễm càng lớn hơn, hôi thối tăng cao, ruồi nhặng bu khắp nơi.

Theo ghi nhận của PV báo CA TP. HCM, men theo đường mòn từ hạ nguồn lên thượng nguồn hồ Suối Hai, có sự xuất hiện một rãnh nước trải dài từ khu xử lý rác thải thuộc bãi rác Xuân Sơn đưa ra hồ nguồn nước có màu vàng đục, mùi hôi thối khó chịu. Bên cạnh rãnh nước, là đường dẫn nước thải của trại lợn quy mô lớn ngày ngày thải ra nguồn nước đen kịt vào hồ Suối Hai.

Lãnh đạo UBND xã Tản Lĩnh, cho biết đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình và báo cáo với lãnh đạo TP. Hà Nội về vụ việc. Tuy nhiên, ở góc độ thẩm quyền của xã, sau khi lập biên bản hiện trạng xong sẽ đề nghị với nhà máy xử lý rác thải không xả thải, nước thải ra phải bảo đảm.

Còn ông Hoàng Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cũng phải lắc đầu ngán ngẩm khi xã dường như cũng bất lực trước những gì đang diễn ra.

Nam Định: Dòng kênh bị ô nhiễm

Theo báo QĐND thông tin, dọc đoạn kênh dẫn nước từ làng Cát Đằng, xã Yên Tiến chạy qua thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đang bị ô nhiễm trầm trọng, đặc quánh một màu xám xịt, bốc mùi rất khó chịu.

Được biết, nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước tại đây là do các hộ dân ngâm gỗ ở dưới kênh. Gỗ ngâm lâu ngày làm nước kênh có mùi hôi thối. Mặt khác, con kênh này luôn phải hứng chịu việc xả nước thải có nồng độ kim loại nặng ở làng nghề đúc đồng Tống Xá (thị trấn Lâm) và làng tranh sơn mài Cát Đằng, khiến đoạn kênh ngày càng bị bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nghêu chết hàng loạt tại Bến Tre

Mấy ngày nay, nghêu nuôi tại các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ba Tri và Bình Đại xuất hiện tình trạng chết hàng loạt với tổng sản lượng thiệt hại khoảng 218 tấn, giá trị ước tính hơn 5,6 tỷ đồng.

Theo báo Nhân dân đưa tin, tại HTX Tân Thủy, xã An Thủy, huyện Ba Tri và HTX Rạng Đông, huyện Bình Đại xuất hiện nghêu chết. Cơ quan chuyên môn đã phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Cà Mau và các địa phương có nghêu chết tiến hành khảo sát để tìm nguyên nhân.

Đoàn đã khuyến cáo các hợp tác xã tiếp tục theo dõi sân, bãi, thu gom nghêu chết nhằm tránh lây lan. Đối với các bãi nghêu chưa có dấu hiệu chết nhưng có mật độ dày cần san thưa và di chuyển xuống vùng trung triều để hạn chế tình trạng nghêu chết.

"Đại hạn" ở Ninh Thuận: Khoan 5 giếng mới được vài giọt nước

Thời tiết nắng nóng liên tục tại Ninh Thuận dẫn đến nhiều hồ nước đã bị cạn trơ đáy. Để cứu cây trồng, nhiều hộ nông dân đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để đào ao, khoan giếng lấy nước. Tuy nhiên, bà con đã tốn tới cả chục triệu mà vẫn không tìm được đủ nước cho cây trồng, vật nuôi.

Ông Trần Đồng Linh - Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết, hiện nước phục vụ cho sản xuất đang thiếu gay gắt. Vụ này, toàn xã đã giảm gần 130ha đất sản xuất do thiếu nước. Địa phương đang vận động bà con không mở rộng diện tích, thực hiện các phương pháp tưới tiết kiệm tối đa,...       

Ghi nhận tại hồ Ông Kinh, lượng nước đã cạn kiệt, nhiều hộ trồng hoa màu thuê máy khoan giếng có chiều sâu từ 40 - 50m để lấy nước. Mỗi giếng khoan chi phí trên 25 triệu đồng. Hàng trăm hộ dân chen nhau khoan giếng, rồi đặt ống dài hàng trăm mét dẫn nước đưa về tưới cho cây trồng...

Ninh Thuận đang đối mặt với đợt hán hán lịch sử.

Bắc Cạn: Nan giải việc xử lý rác thải sinh hoạt

Theo báo Nhân dân, tình trạng rác thải sinh hoạt ở đô thị và cả nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn ngày càng nhiều, nhưng do thiếu kinh phí, công nghệ xử lý lạc hậu, việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

Tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông được tỉnh đầu tư 500 triệu đồng lắp đặt một lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn cho cả xã gồm 11 thôn, nhưng trên thực tế chỉ thu gom và đốt rác của bốn thôn dọc Quốc lộ 3 và chợ xã, nguyên nhân chủ yếu là do không có kinh phí để thu gom và đốt.

Việc xử lý rác thải sinh hoạt tại Bắc Cạn còn nhiều vướng mắc.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Giàng Vũ Văn Thành cho biết, bốn thôn dọc Quốc lộ 3 có khoảng 250 hộ, theo quy định mỗi hộ đóng 15 nghìn đồng/tháng lấy kinh phí trả tổ thu gom, đốt rác, nhưng do nhiều hộ không đóng nên tổ thu gom rác từ ba người phải rút xuống hai người thì mới đủ kinh phí chi trả hằng tháng, mặc dù là rất thấp.

Vì không có kinh phí, mỗi tuần chỉ thu gom rác ở bốn thôn được hai lần, rác được thu gom về ba ngày đốt một lần. Vì không thu gom và đốt thường xuyên nên môi trường vẫn bị ô nhiễm.

Cũng do thiếu kinh phí nên việc thu gom rác thải trên địa bàn xã Yên Đĩnh và thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, rác thải ùn ứ ở nhiều nơi, người dân vứt rác xuống sông, bụi rậm. 

Công ty TNHH Môi trường Bắc Cạn đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Bắc Cạn bằng công nghệ đốt khá hiện đại, nhưng do kinh phí của TP Bắc Cạn quá hạn hẹp, không đủ để chi trả tiền xử lý rác thải nên năm 2017 nhà máy phải ngừng hoạt động 45 ngày, rác thải phải chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Năm nay, kinh phí đốt rác hết khoảng 4,3 tỷ đồng, nhưng đến nay TP Bắc Cạn mới bố trí được hơn ba tỷ đồng, có khả năng cuối năm rác thải sinh hoạt lại phải đưa đi chôn lấp.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 6/4: Truy tìm thủ phạm 'bức tử' hồ Suối Hai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.