Thứ bảy, 20/04/2024 19:44 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 9/1: Huế hoang mang khi kênh nước hóa màu tím

MTĐT -  Thứ ba, 09/01/2018 17:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rét đậm, rét hại bao trùm Bắc Bộ, người dân Huế lo sợ trước kênh nước hóa ‘màu tím’ hay người dân Hoài Đức khổ sở vì ô nhiễm là những tin môi trường đáng chú ý trong ngày.

Huế: Cần làm rõ việc doanh nghiệp xả thải không qua hệ thống xử lý tập trung của KCN

Bất chấp việc vi phạm pháp luật, thời gian qua Công ty Thiên An Phát đã xả nước có màu đen, nổi bọt trắng ra hệ thống mương nước phía sau công ty mà không qua hệ thống xử lý tập trung của KCN Phú Bài.

Theo luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định: Nước thải của cơ sở sản xuất phải được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tại Khoản 1 Điều 37 Nghị Định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu nêu cụ thể: Khu công nghiệp phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật. Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm đủ công suất xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh của các cơ sở trong khu công nghiệp và phải được xây dựng, vận hành trước khi các cơ sở trong khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý.

Trao đổi với báo MT&CS, ông Lê Thúc Sơn – Phó giám đốc Công ty Thiên An Phát cho biết: Công ty đi vào hoạt động tại KCN Phú Bài 2 năm nay. Trong quá trình sản xuất đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải kết nối với khu xử lý nước thải tập trung của KCN Phú Bài. Do phía sau nhà máy có một đống than, khi trời mưa rồi cuốn theo lớp than đó chảy ra ngoài. Ông Sơn cũng khẳng định, hệ thống mương nước này đã có từ trước khi công ty Thiên An Phát đi vào sản xuất tại khu công nghiệp Phú Bài.

Đáng nói, các cơ quan quản lý vẫn im lặng trước sự việc này.

Quảng Ngãi tập trung tái tạo rừng ngập mặn ven biển

Trước thực trạng rừng ngập mặn đang ngày một suy kiệt, khiến tình trạng nước biển xâm thực diễn ra ngày một nghiêm trọng, những năm gần đây, Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều dự án khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn, nhằm giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển và tạo ra sinh kế cho người dân.

Trong giai đoạn 2014 – 2015, Quảng Ngãi đã triển khai Dự án trồng mới và phục hồi 104ha rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận. Giai đoạn 2015 – 2020, Quảng Ngãi có 4 dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển là trồng mới 308ha rừng ngập mặn; trồng 192ha rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường; trồng 200ha, cải tạo 50ha rừng ngập mặn ven biển các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn) và dự án xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).

Cây trồng rừng ngập mặn của các dự án này chủ yếu là đước, bần, mắm, dừa nước… Từ đó sẽ hạn chế dòng chảy của triều cường, giảm mất đất ở, đất sản xuất; giảm sự xói lở do sóng biển gây ra và nhiễm mặn vào mạch nước ngầm…

Yên Bái chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại

Trước diễn biến của đợt rét đậm, rét hại, Ban Chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Yên Bái vừa có Văn bản số 02 gửi thành viên Ban chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Yên Bái; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc ứng phó với rét đậm, rét hại. Nội dung Văn bản như sau:

Theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong khoảng từ ngày 8 đến 14/1 sẽ có đợt không khí lạnh rất mạnh ảnh hưởng đến nước ta, đặc biệt là Bắc Bộ và Bắc Trung bộ. Từ ngày 8/1, ở các tỉnh Bắc bộ trời rét, rét đậm với nhiệt độ thấp nhất 10 – 12 độ C, vùng núi rét hại, nhiệt độ thấp nhất 8 độ C – 10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C và xuất hiện băng giá. Khu vực Bắc Trung bộ có rét đậm với nhiệt độ thấp nhất 11 – 13 độ C.

Yên Bái chủ động phòng chống rét.

Thực hiện Công văn só 07/TWPCTT-VP ngày 4/1 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về việc ứng phó với rét đậm, rét hại khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác phòng chống rét, hạn chế những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Huế: Dân lo sợ trước kênh nước hóa ‘màu tím’, bốc mùi hôi thối

Thời gian gần đây, người dân sống cạnh con kênh Phát Lác, chạy dọc đường Đặng Văn Ngữ, phường An Đông (TP. Huế) phản ánh, con kênh này bị ô nhiễm nặng nề. Con kênh dài khoảng 3km bắt đầu từ Đập Đá đổ ra sông An Cựu bỗng dưng đổi màu tím, bốc mùi hôi thối, khó chịu khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Theo nhiều người dân sống trong khu vực, thực trạng ô nhiễm diễn ra từ lâu, khoảng 2 năm trở lại đây trở nên nặng nề hơn. Thời điểm này, nước trong kênh ô nhiễm nặng bốc mùi tanh, hôi thối dữ dội. Nhiều người lo ngại, ô nhiễm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống trong khu vực.

Kênh Phát Lác chuyển thành màu tím, bốc mùi hôi thối.

Ông Nguyễn Đình Nghị, chủ tịch UBND phường An Đông cho biết: “Những năm gần đây, cứ thời tiết đang nắng rồi xuất hiện mưa thì kênh nước lại đổi màu tím và bốc mùi khó chịu. Cứ 3 tháng thì kênh nước lại bị đổi màu một lần, đến nay thì tần suất ngày càng dày hơn. Nguồn bắt đầu từ cống số 7, thoát nước từ trung tâm TP. Huế đổ về kênh Phát Lác. Thời gian gần đây, chúng tôi cũng liên tục nhận được phản ánh từ người dân về việc con kênh ô nhiễm, bốc mùi khó chịu”.

Huế: Cát bồi lấp ruộng, dân gieo sạ khó khăn

Nhiều diện tích ruộng ở huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bị cát bồi lấp do mưa lũ lớn và kéo dài trong cuối năm 2017. Điều này đã khiến cho người nông dân vô cùng vất vả trong việc gieo sạ mùa vụ Đông Xuân.

Xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền) là một trong những địa phương vùng thấp trũng nên bị ảnh hưởng lớn do các đợt lũ vừa qua. Tại đây, diện tích ruộng bị bồi lấp là hơn 20ha, nặng nhất là HTX Đông Phước.

Ông Nguyễn Đằng, một người dân địa phương chia sẻ: “Năm nào ruộng cũng bị bồi lấp nhưng ít thôi, riêng năm nay lũ lớn quá cuốn cát về phủ dày khắp mặt ruộng. Ruộng mà toàn cát thế này làm đất bạc màu, ảnh hưởng đến năng suất...”

Theo ông Hoàng Vọng - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, ruộng tại Quảng Điền bị bồi lấp nghiêm trọng do các đợt lũ hồi cuối năm. Các đợt lũ này ngoài mang lượng phù sa còn cuốn theo đất cát đổ về, cộng với các con đê bị vỡ.

Hà Nội: Người dân khổ vì môi trường ô nhiễm

Xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) đang vào mùa cao điểm chế biến tinh bột dong riềng, tinh bột sắn phục vụ thị trường Tết. Do lượng nước thải, bã thải phát sinh trong quá trình làm nghề chưa qua xử lý, bị các hộ dân thải trực tiếp ra môi trường nên đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của khu dân cư...

Theo báo Hà Nội mới, vào những ngày đầu năm 2018, dọc trục đường chính vào xã (từ đê tả Đáy qua trụ sở UBND xã đến các trường mầm non, tiểu học, THCS Dương Liễu), đất, cát vương vãi, bụi bẩn khắp nơi, mùi xú uế nồng nặc bốc lên từ hệ thống mương thoát nước hai bên đường. Không chỉ vậy, hầu hết các nhánh đường dẫn về các thôn cũng chung cảnh ngộ...

Ô nhiễm môi trường vì các hộ làm nghề chế biến tinh bột còn thiếu ý thức.

Nói về nguyên nhân, ai cũng khẳng định là các hộ làm nghề chế biến tinh bột còn thiếu ý thức khi hằng ngày thải trực tiếp ra môi trường một lượng lớn nước, đất, bã thải dong riềng, sắn... nhưng không bị xử lý. Tình trạng này lặp lại hằng năm mỗi khi xã vào mùa chế biến tinh bột và người dân đành sống chung cùng ô nhiễm.

Ông Phí Đình An, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu thừa nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường do nghề chế biến tinh bột gây ra đang ở mức báo động, gây bức xúc nhân dân và chính nghề này đang “bóp nghẹt” nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp khác trên địa bàn xã như nghề sản xuất miến, bánh kẹo, sơ chế đậu xanh…

Tuy nhiên, việc xử lý các hộ xả nước, đất, bã thải trực tiếp ra môi trường lại khó thực hiện vì chế biến tinh bột là một trong những nghề truyền thống của địa phương, chỉ sản xuất theo mùa vụ (từ tháng 10 năm trước đến hết tháng Hai âm lịch năm sau) và các hộ đều chế biến tại gia đình, do đất chật nên không đầu tư hệ thống xử lý nước, bã thải.

Hà Nội hướng đến không gian sống xanh và văn minh

Để đảm bảo không gian sống xanh và văn minh ở các đô thị, cần phải hướng tới sự phát triển không gian sống tại các tòa nhà chung cư hoặc các cụm dân cư ở các phường, nơi có nhiều người dân ở trong cùng một tòa nhà, một cụm, chính vì vậy không gian sống cần được tự nhiên, trong lành, tiết kiệm tối đa nguồn năng lượng, tạo ra môi trường phát triển bền vững cho khu vực, cộng đồng dân cư.

Trong bối cảnh không gian đô thị Hà Nội ngày càng được mở rộng, nhiều các dự án khu chung cư được hình thành với nhiều tiện ích, bộ mặt đô thị có nhiều đổi thay và đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho việc phát triển đô thị.

Nhà ở xã hội đang là một giải pháp hữu hiệu cho việc giải quyết sự thiếu nhà ở của người dân. Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục triển khai 48 dự án nhà ở xã hội, cung cấp khoảng 3.374.000m2 sàn cho đối tượng người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. Điều đó càng cần phải có các quy định cụ thể về lối sống xanh và văn minh để phổ biến đến những người dân sống tại các khu chung cư.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 9/1: Huế hoang mang khi kênh nước hóa màu tím. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất