Thứ sáu, 19/04/2024 16:57 (GMT+7)

Tin MT ngày 8/5:Xác định nguyên nhân ngao chết hàng loạt ở Thanh Hóa

MTĐT -  Thứ ba, 08/05/2018 17:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xác định nguyên nhân ngao chết bất thường ở Thanh Hóa, Ninh Thuận chủ động cứu gia súc trong mùa hạn… là một số tin môi trường trong ngày.

Ninh Thuận chủ động cứu gia súc trong mùa hạn

Gần 5 tháng nay, Ninh Thuận liên tục không có mưa, nắng hạn diễn ra gay gắt, cánh đồng khô khốc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nghề chăn nuôi gia súc ở tỉnh Ninh Thuận.

Để chủ động ứng phó với hạn, nhiều giải pháp hữu hiệu như: chủ động trồng cỏ; thu mua phụ phẩm nông nghiệp dự trữ; di chuyển đàn gia súc chạy đồng đến nơi có thức ăn, nước uống… đang được người chăn nuôi ở Ninh Thuận khẩn trương thực hiện để cứu lấy gia súc.

Hạn hán kéo dài ở Ninh Thuận gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Nhiều hộ chăn nuôi gia súc có sừng ở huyện Thuận Nam cho biết, tình hình khô hạn có lẽ sẽ kéo dài đến cuối năm, do đó không thể để gia súc trên trang trại được, mà phải chuyển đàn đi nơi khác có thức ăn, nước uống phục vụ cho gia súc. Mặc dù, việc chuyển đàn gia súc chạy đồng đến địa phương khác khá vất vả, tốn kém, hư hao chết chóc nhiều do “lạ nước,” nhưng không còn giải pháp nào hơn.

Hiện nay, đã có số lượng lớn gia súc có sừng được người chăn nuôi di chuyển chạy đồng xuống vùng bằng ở địa phương của các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, nơi mới thu hoạch xong vụ Đông Xuân, qua đó tận dụng cây cỏ, rơm rạ sau thu hoạch để cho gia súc ăn; đồng thời tận dụng nước trong các kênh mương, suối cho gia súc uống.

Đối với hộ chăn nuôi theo hướng trang trại, không thể chạy đồng được, các hộ nuôi đành phải bỏ kinh phí mua phụ phẩm nông nghiệp vận chuyển đến trang trại lo cho gia súc ăn.

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để tránh thiệt hại cho nghề chăn nuôi, UBND tỉnh đã có kế hoạch bảo vệ đàn gia súc trước tác động của hạn hán. Theo đó, ngoài việc ưu tiên nước cho sinh hoạt thì nguồn nước phục vụ cho gia súc luôn đặc biệt quan tâm. Ngành nông nghiệp đã xác định cụ thể những vùng có nguy cơ thiếu thức ăn, nước uống, số lượng gia súc cần di chuyển đi gắn với vùng đảm bảo nguồn thức ăn và nước uống cho gia súc đến.

Lào Cai: 226 hộ dân sẽ được di chuyển ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm

Theo báo TN&MT đưa tin, toàn tỉnh Lào Cai hiện có 226 hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai sạt lở đất, đá và lũ quét, ngập úng cần phải bố trí di chuyển. Dự kiến, tỉnh Lào Cai sẽ bố trí di chuyển các hộ trước mùa mưa lũ 2018.

Theo đó, sẽ sắp xếp di chuyển 135 hộ, ổn định tại chỗ cho 91 hộ. Cụ thể, huyện Bảo Yên di chuyển 23 hộ; huyện Bát Xát di chuyển 19 hộ; huyện Mường Khương di chuyển 11 hộ, ổn định tại chỗ 5 hộ; huyện Sa Pa di chuyển 11 hộ, ổn định tại chỗ 6 hộ; huyện Văn Bàn di chuyển 17 hộ, ổn định tại chỗ 6 hộ; huyện Si Ma Cai di chuyển 5 hộ, ổn định tại chỗ 2 hộ; huyện Bảo Yên di chuyển 25 hộ, ổn định tại chỗ 58 hộ; huyện Bắc Hà di chuyển 14 hộ; TP. Lào Cai di chuyển 14 hộ, ổn định tại chỗ 10 hộ.

Di dời hàng trăm hộ ra khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: TN&MT.

Theo lãnh đạo sở NN&PTNT, do thời tiết cực đoan diễn biết thất thường, tỉnh Lào Cai lại là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, nhiều năm trở lại đây mưa lũ đã gây ảnh hưởng nặng nề tới cuốc sống của bà con trong tỉnh. Để giảm thiểu rủi ro do mưa lũ gây ra, tỉnh Lào Cai đã lên phương án di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước mùa mưa lũ. Dự kiến, công tác di chuyển các hộ ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, ổn định tại chỗ xong trước ngày 30/7/2018.

Thanh Hóa: Xác định nguyên nhân ngao chết hàng loạt ở Quảng Xương

Ngày 8/5, tin từ Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi tiến hành lấy mẫu gửi phân tích, xét nghiệm cùng với quá trình kiểm tra thực tế đã xác định nguyên nhân khiến ngao chết của các hộ dân ở các xã Quảng Thạch, Quảng Nham, huyện Quảng Xương là do tảo nở hoa.

Ông Đặng Trường Giang, Phó phòng dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngày 18/4, theo báo cáo của Trạm thú y huyện Quảng Xương tại bãi nuôi ngao của các hộ dân xã Quảng Thạch, Quảng Nham đã xảy ra hiện tượng ngao chết, với diện tích thiệt hại lên tới 46,7ha. Tỷ lệ ngao chết khoảng 70%. Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, chẩn đoán, xác định nguyên nhân ngao chết đồng thời tiến hành lấy mẫu ngao, mẫu nước để xét nghiệm bệnh và các chỉ tiêu môi trường nước.

Kết quả xét nghiệm mẫu ngao tại hộ gia đình ông Sơn ở thôn Thạch Hải, xã Quảng Thạch, chỉ tiêu xét nghiệm Perkinsus sp, Vibrio tổng số theo phương pháp xét nghiệm PCR, định lượng vi khuẩn tổng số đều cho kết quả âm tính. Con ngao không phải chết do dịch bệnh.

Kết Quả xét nghiệm mẫu nước nuôi ngao tại xã Quảng Thạch và Quảng Nham với các chỉ tiêu Amoni, Nitrit, Sunfua, COD ảnh hưởng đến môi trường con ngao sống đều nằm trong ngưỡng nuôi cho phép” – ông Giang nói.

Lạng Sơn: Sẽ đấu thầu thu gom rác thải sinh hoạt

Ngày 13/4 UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Công văn số 327 /UBND - KTTH về việc triển khai công tác đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ: Thực hiện thí điểm đấu thầu đối với công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho cả giai đoạn 01/7/2018 đến 31/12/2020 tại các huyện: Hữu Lũng, Bình Gia, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn. Công văn cũng nêu: Thực hiện ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu hoàn thành trước ngày 10/6/2018.

Theo Công văn 327, nếu doanh nghiệp trúng thầu thì chỉ có khoảng 30 tháng (từ 1/7/2018-31/12/2020) để thực hiện, thời gian ngắn rất khó để doanh nghiệp thu hồi vốn, nên việc doanh nghiệp mạnh tay đầu tư để thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn sẽ hạn chế.

Một lãnh đạo Sở TN&MT Lạng Sơn cho biết, trước mắt tỉnh Lạng Sơn thực hiện thí điểm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng. Việc đấu thầu chọn đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 và các quy định hiện hành. Đồng thời lựa chọn được đơn vị có năng lực, kinh nghiệm trong quản lý và thực hiện tốt hơn công tác vệ sinh môi trường. Mặt khác, thông qua đấu thầu sẽ cạnh tranh được về giá đối với gói thầu, đảm bảo tiết kiệm chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường.

Thùng thu gom rác bảo vệ thực vật

Mới đây, Chi đoàn Đồn Biên phòng Tri Lễ (BĐBP tỉnh Nghệ An) phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã Tri Lễ, huyện Quế Phong lắp đặt thùng thu gom vỏ, lọ thuốc bảo vệ thực vật  tại cánh đồng của 3 bản: Cắm, Chiềng và Piêng Luông (xã Tri Lễ).

Các thùng được đúc bằng bê tông, có nắp đậy để bà con thu gom rác là vỏ bao, lọ đựng, lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp. Việc lắp đặt các thùng thu gom rác bảo vệ thực vật vừa góp phần làm đẹp cảnh quan vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế tình trạng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sản phẩm nuôi trồng, nhiễm vào nguồn nước.

Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, cho biết: “Đây là việc làm có ý nghĩa rất thiết thực. Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, những thùng thu gom rác như thế này sẽ được lắp đặt tại tất cả cánh đồng ở những bản còn lại trong xã”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin MT ngày 8/5:Xác định nguyên nhân ngao chết hàng loạt ở Thanh Hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước