Thứ năm, 28/03/2024 22:35 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/8/2020

MTĐT -  Thứ tư, 26/08/2020 06:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 26/8/2020 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, thế giới, giải trí showbiz, thể thao...

Xây dựng Cảng biển Cà Ná 1.463 tỉ đồng

Chiều 25-8, UBND tỉnh Ninh Thuận và chủ đầu tư là Trungnam Group đã động thổ xây dựng Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1. Đây là dự án động lực phía Nam tỉnh Ninh Thuận với 1.463 tỉ đồng

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBDN tỉnh Ninh Thuận, cho biết dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn 1.463 tỉ đồng. Dự án sẽ xây dựng Cảng biển tổng hợp Cà Ná nằm ở khu vực biển Cà Ná, phía Tây mũi sừng Trâu, thuộc địa bàn xã Phước Diêm (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận).

Giai đoạn 1 của dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 với tổng diện tích quy hoạch là 108,09ha với các phân khu chức năng chính bao gồm: hai bến cảng 70.000 – 100.000 DWT; một bến cảng 20.000 DWT và khu kho bãi, hạ tầng dịch vụ. Công suất thiết kế lượng hàng qua cảng khoảng 3,3 triệu tấn/năm.

Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và chế biến cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ công tác vận chuyển thiết bị các dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời đang được phát triển trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Dự án bao gồm tất cả các hạng mục quy hoạch như bến, bè, bãi, kho, các công trình phụ trợ, dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cây xanh. Khi đi vào hoạt động, cảng biển này sẽ áp dụng công nghệ thông minh trong hoạt động vận hành giúp cho quá trình xử lý hàng hóa trong cảng nhanh chóng và thuận tiện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Hà Nội yêu cầu các trường tổ chức lễ khai giảng không quá 45 phút

Chiều 25/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành văn bản số 2703/SGDĐT-VP về việc tổ chức lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học 2020-2021 gửi trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên.

Theo đó, lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 được tổ chức thống nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội vào sáng thứ Bảy ngày 5/9 theo hình thức trực tiếp (tập trung tại trường học, cơ sở giáo dục).

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, thời gian không quá 45 phút, trang trọng, ý nghĩa, đảm bảo an toàn, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Trung ương, thành phố và liên ngành Sở Giáo dục và Đào tạo-Sở Y tế, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường.”

Về công tác chuẩn bị đón năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, hiện thành phố có 2.794 trường học, hơn 2,1 triệu học sinh và là một trong những địa phương có quy mô học sinh lớn nhất trong cả nước.

Lễ khai giảng năm học 2020-2021 sẽ chú trọng thực hiện nội dung đón học sinh đầu cấp. Tùy theo điều kiện thực tế của nhà trường, bố trí số lượng học sinh tham dự khai giảng tập trung cho phù hợp, đảm bảo giãn cách theo quy định.

Đối với các trường học, cơ sở giáo dục có diện tích nhỏ, hẹp sẽ tổ chức tập trung khai giảng cho học sinh đầu cấp và đại diện học sinh các khối lớp khác. Số học sinh còn lại bố trí dự lễ khai giảng trong lớp học.

Tại lễ khai giảng sẽ không tổ chức diễu hành khi đón học sinh đầu cấp, không thả bóng bay, không tập trung học sinh để tổ chức tổng duyệt trước ngày khai giảng.

Bắt 47 tấn găng tay y tế đã sử dụng, hàng nghìn quần áo giả

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương, ngày 24/8, lực lượng chức năng đã kiểm tra 1 tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế tại khu dân cư vắng người thuộc xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với khoảng 20 công nhân đang làm việc. Chủ hàng là bà Bùi Thị Phượng (sinh năm 1986, thường trú tại phường Phúc Thành, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).

Trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra phát hiện tại đây có chứa trên 47 tấn găng tay y tế nguyên liệu, thành phẩm cùng nhiều hàng hóa khác. Hàng hóa được tàng trữ trong 4 dãy nhà trọ với khoảng trên 20 phòng trọ và một số nhà dân nhận gia công phân loại.

Trong 47 tấn hàng bị thu giữ, có tới hơn 36 tấn găng tay y tế phế phẩm, đã qua sử dụng, một số đã phân loại, đang đóng thùng quy cách 5kg/thùng và một số chưa phân loại có dấu hiệu đã qua sử dụng; 156.000 chiếc găng tay y tế đã tái chế, đóng vào 156 thùng các tông hoàn chỉnh, không ghi nhãn hàng hóa, chuẩn bị xuất bán; khoảng 11 tấn găng tay y tế, quần áo bảo hộ phòng dịch đã qua sử dụng là rác thải y tế có chứa tác nhân lây nhiễm; 127 túi xách không ghi nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhiều tang vật khác là nguyên liệu để tái chế găng tay y tế.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để phối hợp điều tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng đối với 11 tấn rác thải y tế có chứa tác nhân lây nhiễm, đoàn kiểm tra đã thuê xe chuyên dùng vận chuyển đến 1 công ty xử lý chất thải để bảo quản chờ xử lý.

Cách đây 1 tuần, vào ngày 14/8, lực lượng QLTT Bình Dương cũng phát hiện hơn 2,1 triệu găng tay y tế thành phẩm được tái chế từ găng sản phẩm đã qua sử dụng. Lô găng tay này chứa trong các kiện hàng đã đóng gói và ghi nhãn hoàn toàn bằng chữ nước ngoài, chuẩn bị đi tiêu thụ.

Đã có 172 quốc gia tham gia kế hoạch vaccine ngừa Covid-19

Một kế hoạch mang tên COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 đã được thành lập.

Theo đó, trong ngày 24-8 (giờ địa phương), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có 172 quốc gia tham gia kế hoạch mang tên COVAX do tổ chức này dẫn đầu nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

"Ban đầu, nguồn cung vaccine phòng dịch Covid-19 có thể bị hạn chế nên điều quan trọng là phải cung cấp vaccine cho những người dễ có nguy cơ lây nhiễm nhất trên toàn cầu”, Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong buổi họp trực tuyến.

Bên cạnh đó, ông Tedros cùng nhấn mạnh việc huy động thêm nguồn tài trợ đang trở nên cấp bách và các quốc gia cần đưa ra những cam kết mang tính ràng buộc.

Cùng ngày, cố vấn cấp cao của WHO - Bruce Aylward cũng đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia tham gia kế hoạch COVAX.

“Điều then chốt là phải bảo đảm các vaccine có thể được chuyển tới tất cả các quốc gia càng sớm càng tốt”, ông Bruce Aylward chia sẻ.

Việt Nam xếp thứ ba bắn súng tại Army Games 2020

Ngày 25/8, Đội tuyển Bếp dã chiến Quân đội nhân dân Việt Nam thi đấu nội dung đầu tiên của cuộc thi "Bếp dã chiến" trong khuôn khổ hội thao quân sự quốc tế Army Games tổ chức tại thao trường Alabino, tỉnh Moscow, Nga.

Phần thi đầu là thi bắn súng AK-74 hoặc vũ khí tương đương nhằm vào mục tiêu cách 100 mét. Theo đó, mỗi xạ thủ được phép bắn 6 phát trong đó có 3 phát bắn thử. Các xạ thủ phải mặc áo chống đạn và đội mũ bảo hộ khi thi đấu.

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, Đội tuyển quốc gia Belarus đạt kết quả cao nhất với 110 điểm, xếp thứ hai là đội Nga với 107 điểm. Đội Việt Nam xếp thứ ba với 101 điểm.

Đội tuyển Việt Nam sẽ bước vào hai phần thi tiếp theo diễn ra trong 6 ngày với các nội dung: chuẩn bị bữa ăn và nướng bánh tự do từ nguyên liệu có sẵn, nấu ăn theo thực đơn và công thức của ban tổ chức. Bếp dã chiến KP-20, KP-130 và lò nướng bánh PKhB-0,4 được Ban tổ chức cung cấp cho các đội.

6 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia nội dung Bếp dã chiến năm nay gồm Nga, Abkhazia, Armenia, Belarus, Việt Nam và Uzbekistan. Đội Bếp dã chiến Việt Nam từng giành vị trí thứ hai trong nội dung này tại Army Games 2018, song không vượt qua được 6 đối thủ khác và xếp vị trí thứ bảy trong hội thao năm 2019.

Với hơn 150 đội tuyển từ 32 quốc gia và 30 nội dung thi đấu, Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2020 được xem là Thế vận hội của các quân nhân, vượt qua mọi khó khăn thời dịch bệnh.

Nguyễn Xuân Đường bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù

Ngày 25/8, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự đối với 6 bị cáo.

Đó là: Nguyễn Thị Dương, sinh năm 1980; Nguyễn Xuân Đường, sinh năm 1971 (còn gọi là Đường Nhuệ, chồng của Nguyễn Thị Dương), cùng trú tại đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình; Nguyễn Đức Mạnh, sinh năm 1992, cư trú tại phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình; Phạm Ngọc Quý, sinh năm 2003, cư trú tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; Đào Văn Bằng, sinh năm 1986, cư trú tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình;  Phạm Xuân Hòa, sinh năm 1976, cư trú tại thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư. Các bị cáo bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 134, Bộ Luật hình sự 2015.

Bị hại là anh Trịnh Ngọc Anh, sinh năm 1996, trú tại thôn Tây Hòa, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nhân viên phụ xe của Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ vận tải Phúc Cường (trú tại đường Lý Bôn, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình).

Theo Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, trưa 30/3/2020, tại nhà của Nguyễn Thị Dương ở đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, khi biết anh Trịnh Ngọc Anh và vợ của anh Trần Anh Tuấn là chị Trần Việt Vân có mâu thuẫn trong việc gửi và nhận túi tài liệu từ tỉnh Thái Bình đi thành phố Hà Nội, Nguyễn Xuân Đường đã gọi điện yêu cầu anh Trịnh Ngọc Anh đến nhà Đường xin lỗi.

Sau đó, Đường bảo Nguyễn Đức Mạnh, Đào Văn Bằng, Phạm Xuân Hòa khi anh Ngọc Anh đến nhà thì đưa anh này lên tầng hai để đánh. Nguyễn Thị Dương cũng nói nếu anh Ngọc Anh đến mà nói năng lan man, nhiều lời thì tát cảnh cáo...

Đến khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, khi anh Ngọc Anh đến nhà vợ chồng Đường, Dương và lên tầng hai, Dương đã chửi, trực tiếp đấm, tát vào mặt, dùng dây đai bằng vải được bện quật vào mặt anh Ngọc Anh. Đường cũng đã chửi và 2 lần lao về phía anh Ngọc Anh định đánh, nhưng được can ngăn. Phạm Xuân Hòa, Nguyễn Đức Mạnh, Đào Văn Bằng, Phạm Ngọc Quý dùng chân, tay đánh vào mặt, ngực, đầu, gáy anh Ngọc Anh.

Hậu quả, anh Trịnh Ngọc Anh bị thương vùng mặt, gãy xương chính mũi, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình nhiều ngày, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích là 14%.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt các bị cáo với mức án nghiêm khắc. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Xuân Đường bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Thị Dương, Phạm Xuân Hòa, Đào Văn Bằng, Nguyễn Đức Mạnh lĩnh án 3 năm tù giam; Phạm Ngọc Quý bị tuyên án 2 năm tù giam.

Ngoài ra, 6 bị cáo còn phải bồi thường cho anh Trịnh Ngọc Anh 95 triệu đồng. Số tiền này đã được vợ chồng bị cáo Đường, Dương chi trả để bồi thường sức khỏe cho anh Trịnh Ngọc Anh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.