Thứ sáu, 26/04/2024 02:07 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 29/3/2023

MTĐT -  Thứ tư, 29/03/2023 16:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 29/3/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao...

Xử lý các trường hợp nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích

Tin trên PL&XH, Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị quyết số 74/2022/QH15. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương xem xét, giải quyết các trường hợp nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích trên địa bàn.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chức năng tại địa phương có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, xem xét, giải quyết các trường hợp nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích và các trường hợp hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa phương và trung ương quản lý trên địa bàn.

tm-img-alt
Bộ Tài chính yêu cầu xử lý các trường hợp nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích (Ảnh minh họa).

Đối với các cơ sở nhà, đất thiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cơ quan chức năng của địa phương căn cứ nguồn gốc, hồ sơ pháp lý có liên quan và quy định của pháp luật về đất đai để xem xét, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý xong mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất.

Đối với các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc đối tượng sắp xếp lại theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện theo Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Công văn số 12330/BTC-QLCS ngày 24/11/2022 của Bộ Tài chính và công văn này, bảo đảm việc lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo đúng quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa.

Tại công văn, Bộ Tài chính đề nghị chậm nhất ngày 31/5/2023, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát tất cả các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình.

Trên cơ sở đó, xác định chính xác số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý (các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi, đối tượng sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ); tiến độ kê khai, báo cáo, lập phương án xử lý, phê duyệt phương án xử lý. Kết quả rà soát gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/6/2023.

Vụ hàng loạt học sinh ngộ độc sau dã ngoại: Hiệu trưởng lên tiếng xin lỗi

Tin tức trên Vietnamnet, ngày 29/3, bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thông tin về nguồn gốc thức ăn của học sinh trong chương trình ngoại khóa.

Theo đó, bà Bình khẳng định, nguồn thức ăn buổi trưa cho các học sinh đi học tập và trải nghiệm chương trình ngoại khóa đều là thực phẩm của bếp ăn bán trú nhà trường vận chuyển đến. Món ăn của các con có cơm rang, gà, khoai tây chiên.

tm-img-alt
Bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Bà Bình cho hay, khi có hiện tượng 56 học sinh có biểu hiện đau bụng lúc về, nhà trường cũng rất tích cực phối hợp với phụ huynh và các cơ quan chức năng vào cuộc, lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy trình.

“Mẫu không chỉ ở bếp ăn bán trú nhà trường, mà cả những mẫu ở nơi học sinh học tập ngoại khóa. Chúng tôi cũng lấy cả những mẫu nôn của học sinh để đi xét nghiệm. Hiện, chúng tôi đang chờ kết quả từ phía cơ quan chức năng”, bà Bình nói.

“Nhà trường cũng gửi lời xin lỗi tới phụ huynh khi có sự việc xảy ra và mong phụ huynh chia sẻ”, người đứng đầu Trường Tiểu học Kim Giang nói.

Bà Bình cũng nhìn nhận trách nhiệm hiệu trưởng nhà trường khi đã làm ảnh hưởng, để xảy ra sự việc và cho hay, nhà trường sẽ sẵn sàng phối hợp để làm rõ các nguyên nhân.

Theo bà Bình, đợt đi dã ngoại này gồm các học sinh khối 1 và khối 2. Tuy nhiên, các học sinh khối 1 khi về không vấn đề gì, 56 học sinh có dấu hiệu đau bụng, nhập viện đều là học sinh khối 2 và chỉ thuộc 4 lớn 2A1, 2A1, 2A4, 2A6.

Bà Bình cho biết thêm, sáng nay 29/3, những học sinh còn lại (không phải nhập viện) của khối 2 đi học bình thường.

“Những học sinh đã ra viện tối qua, hôm nay đã đi học bình thường. Đó là điều đáng mừng của nhà trường, các thầy cô cũng yên lòng hơn”, bà Bình nói.

Theo bà Bình, sau sự việc, cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm đã chỉ đạo nhà trường về công tác bán trú.

Quảng Bình: Khởi tố vụ phá rừng phòng hộ ở huyện Quảng Ninh

Ngày 29/3, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh vừa có quyết định khởi tố vụ án hình sự 'Hủy hoại rừng' tại rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh.

Theo đó, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh Nguyễn Xuân Quế đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự “Hủy hoại rừng” xảy ra tại các khoảnh 1, 4 và 7 tiểu khu 540 lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý, trên địa bàn hành chính xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh.

tm-img-alt
Cây gỗ tự nhiên trong lâm phận rừng phòng hộ Quảng Ninh bị khai thác trái phép.

Trước đó, Báo Nhân Dân điện tử đã phản ánh tình trạng lâm tặc chặt phá nhiều cây gỗ trong rừng phòng hộ Quảng Ninh có đường kính từ 30-70cm. Các loại gỗ bị chặt phá gồm gõ, huỵnh, chua. Lực lượng chức năng xác định, số cây gỗ này bị chặt hạ từ 3-5 tháng trước, hiện trường chỉ còn bìa bắp và cành ngọn, phần gỗ đã lấy đi hết.

Được biết, rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh thường xuyên bị khai thác trái phép nhưng chậm bị phát hiện, xử lý. Trong khi đó, năng lực quản lý, bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh còn nhiều hạn chế.

Trong diễn biến khác liên quan, cuối tháng 3 này, một vụ phá rừng khác tại Quảng Bình cũng vừa bị cơ quan Kiểm lâm khởi tố về tội “Hủy hoại rừng” xảy ra tại tiểu khu 56B thuộc xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa. Diện tích thiệt hại hơn 3,4ha, thuộc trạng thái rừng tự nhiên nghèo kiệt, quy hoạch sản xuất đã được giao cho các cá nhân quản lý, bảo vệ bị chặt phá trái phép nhằm mục đích trồng rừng.

Xử phạt các trường hợp vi phạm, xây dựng công trình trái phép trên bán đảo Sơn Trà

Tin tức trên Tổ quốc, Ngày 29/3, UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) cho biết, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm, xây dựng công trình trái phép ở bán đảo Sơn Trà.

Cụ thể, UBND quận Sơn Trà xử phạt bà Hoàng Thị Lệ (SN 1966, trú tổ 45 phường Mân Thái, quận Sơn Trà) số tiền 12,5 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất là đất rừng trồng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Bà Hoàng Thị Lệ đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất tại tiểu khu 64, thuộc bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang) với diện tích hơn 610m2, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và xây dựng các công trình trên đất để sử dụng vào mục đích kinh doanh.

tm-img-alt
Một nhà hàng xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà.

UBND quận Sơn Trà xử phạt ông Hồ Bình (SN 1955, trú tổ 20 phường Mân Thái) với số tiền 12,5 triệu đồng. Ông Bình đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất tại tiểu khu 64, thuộc bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang) với diện tích hơn 546m2.

Ngoài xử phạt tiền, UBND quận Sơn Trà buộc bà Lệ và ông Bình phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Được biết, trước đó ngày 17/3, UBND quận Sơn Trà cũng ra quyết định xử phạt 5 hộ dân khác do xây dựng các công trình dịch vụ trái phép trên đất rừng ở bán đảo Sơn Trà. Cụ thể, 3 hộ dân bị phạt 7 đến 12,5 triệu đồng về hành vi chuyển đổi từ 400-900 m2 đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước cho phép; tự ý xây dựng các công trình trên đất rừng sản xuất.

Hai hộ bị phạt 5 triệu đồng về hành vi chiếm 100-300 m2 đất chưa sử dụng tại khu vực bán đảo Sơn Trà để xây dựng các công trình dịch vụ ăn uống.

UBND quận Sơn Trà đã yêu cầu 5 hộ dân tháo dỡ công trình, khôi phục tình trạng ban đầu của đất rừng, trả lại đất đã chiếm cho nhà nước quản lý. Nếu không chấp hành sẽ bị chính quyền cưỡng chế.

Home Credit lên tiếng sau khi bị Công an TP.HCM kiểm tra đột xuất

Công ty tài chính tiêu dùng Home Credit vừa bị Công an TP. Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất. Tối 28/3, Home Credit khẳng định đợt kiểm tra hành chính đã hoàn thành trong ngày và hiện hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường theo đúng quy định.

Trong ngày 28/3, Công an TP Thủ Đức đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra Công ty Home Credit Việt Nam tại địa chỉ tòa nhà số 20 Nguyễn Đăng Giai, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM.

tm-img-alt
Thông cáo báo chí của Home Credit 

Home Credit cho biết đã xác nhận và phối hợp cùng công an phường Thảo Điền trong đợt kiểm tra hành chính các công ty tài chính tiêu dùng. Đợt kiểm tra cũng được hoàn thành trong ngày.

Liên quan đến hoạt động cốt lõi, Home Credit khẳng định luôn đảm bảo tuân thủ thực hiện đúng từ quy trình cho vay, thẩm định, thu hồi nợ vay và giải quyết khiếu nại trong khuôn khổ các quy định pháp luật cho phép.

Tự ý bao chiếm đất rừng phòng hộ nuôi sò huyết ở Cà Mau

Ngày 29/3, nguồn tin của Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) và UBND huyện Trần Văn Thời về việc rà soát, báo cáo nội dung liên quan đến các hộ dân tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời và các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện nội dung nêu trên trước ngày 1/4/2023.

tm-img-alt
Khu vực bao chiếm bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết. (Ảnh chụp ngày 22/3).

Theo UBND tỉnh Cà Mau, việc các hộ dân tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết đã được Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo tại công văn trước đó vào ngày 13/3/2023.

Trong đó, Chủ tịch tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Trần Văn Thời phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Biển Tây giải tỏa dứt điểm các dụng cụ, vật tư bao chiếm đất rừng phòng hộ trái phép để nuôi sò huyết (cây cặm, lưới bao, nhà chòi, con giống,…), trả lại hiện trạng ban đầu để Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Biển Tây tổ chức quản lý đúng quy định.

Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Biển Tây tăng cường tuần tra, kiểm tra, bám sát địa bàn, lâm phần; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm, không để xảy ra trường hợp tương tự trong thời gian tới.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 29/3/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.