Thứ bảy, 20/04/2024 01:49 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/8/2020

MTĐT -  Thứ năm, 06/08/2020 06:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 6/8/2020 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, thế giới, giải trí showbiz, thể thao...

Lương tối thiểu vùng năm 2021 có thể chưa tăng

Sáng 5/8, 13 thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia (Hội đồng) đã họp bàn phiên thứ hai, bỏ phiếu với kết quả đa số đồng ý chưa tăng lương tối thiểu vùng cho đến hết năm 2021, giữ nguyên mức cũ với bốn vùng. Theo đó, vùng I là 4,42 triệu đồng, vùng II 3,92 triệu, vùng III 3,43 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Chín thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng tình, bốn thành viên Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không bỏ phiếu vì "phương án không đáp ứng được nguyện vọng của người lao động". Trước đó khi thương lượng, cơ quan này đề xuất hai phương án lương tối thiểu tăng bình quân 3,95% áp dụng từ 1/7/2021; hoặc tăng bình quân 2,5% từ 1/1/2021, song không được chấp thuận.

Phương án sẽ được Hội đồng trình Chính phủ quyết định. Việc hoãn tăng lương được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào làn sóng Covid-19 thứ hai hơn mười ngày. Phiên họp trước đó diễn ra vào cuối tháng 6 tại Quảng Ninh, khi làn sóng thứ nhất vừa kết thúc, khiến hàng loạt doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thiếu đơn hàng, gần 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và việc làm, mất hoặc giãn việc.

"Việc chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng chỉ nên hoãn đến ngày 1/7/2021. Đầu năm sau, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội nên xem xét có điều chỉnh tiếp hay không", ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất.

Có quan điểm trái chiều, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói doanh nghiệp đang gặp khó khăn do Covid-19, mong người lao động đồng hành.

Vắcxin của hai công ty Trung Quốc và Đức bắt đầu thử nghiệm lâm sàng

Các thử nghiệm lâm sàng đối với một loại vắcxin tiềm năng phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã được tiến hành ở Trung Quốc.

Đó là vắcxin BNT162b1, do tập đoàn dược phẩm Đức BioNTech phối hợp với công ty Dược Fosun của Trung Quốc bào chế.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành với 144 tình nguyện viên sau khi được cơ quan chức năng Trung Quốc phê chuẩn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Các tình nguyện viên sẽ được tiêm hai liều vắcxin cách nhau 21 ngày. Những người từ 18-55 tuổi sẽ được tiêm đầu tiên, sau đó đến những người cao tuổi hơn.

Vắcxin BNT162b1 là một trong 4 loại vắcxin dựa trên công nghệ mRNA độc quyền của BioNTech.

Một vắcxin khác là BNT162b2 đang được đánh giá trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 trên toàn cầu, do BioNTech phối hợp với Pfizer của Mỹ bào chế bắt đầu từ ngày 27/7.

Các phòng thí nghiệm trên thế giới đang chạy đua tìm một loại vắcxin phòng COVID-19, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 700.000 người và ảnh hưởng tới kế sinh nhai của hàng triệu người.

Hơn 200 "ứng cử viên" vắcxin hiện đang được bào chế, trong đó khoảng 20 loại đang được thử nghiệm lâm sàng với các tình nguyện viên.

Một số công ty Trung Quốc đang đi đầu trong cuộc đua này, trong khi Nga cho biết hy vọng sẽ là nước đầu tiên sản xuất một loại vắcxin cho toàn dân, mục tiêu đặt ra vào tháng Chín.

Phát hiện trên 1.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 7 người dương tính với ma túy

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), trong 5 ngày đầu thực hiện kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã phát hiện 1.412 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; 7 trường hợp bị phát hiện dương tính với ma túy.

Cụ thể, từ ngày 1/8 đến ngày 5/8, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc qua quá trình tuần tra kiểm soát, đã phát hiện 10 trường hợp người điều khiển xe tải, 47 xe con, 1.347 xe mô tô, 6 xe đạp máy vi phạm về nồng độ cồn. Đáng chú ý là có 7 lái xe bị phát hiện dương tính với ma túy. Lực lượng Cảnh sát Giao thông đã tước 1.157 giấy phép lái xe, tạm giữ 1.412 phương tiện các loại.

Theo Trung tá Vũ Anh Điệp, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an các đơn vị, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tăng cường xử lý vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, ý thức một bộ phận người tham gia giao thông chấp hành quy định về nồng độ cồn chưa cao.

“Đã có 461 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (trên 0,4 miligam/1 lít khí thở) trong 5 ngày đầu thực hiện kế hoạch. Trong đó, ghi nhận 12 trường hợp ô tô con, 446 trường hợp mô tô. Qua công tác xử lý vi phạm, vẫn còn 20 trường hợp vi phạm không chấp hành đo nồng độ cồn, bị lực lượng chức năng xử lý ở mức cao nhất”, Trung tá Vũ Anh Điệp thông tin.

Thanh Hoá bỏ V-League 2020

CLB Thanh Hoá gửi công văn tới VFF và VPF chiều 5/8, tuyên bố không tiếp tục thi đấu V-League 2020 do Covid-19.

"CLB Thanh Hoá sẽ không tham gia các trận đấu còn lại của V-League 2020. Ngày mai chúng tôi sẽ cho ban huấn luyện và các cầu thủ về nhà lo chống dịch Covid-19", ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch CLB Thanh Hoá, chia sẻ với VnExpress chiều 5/8. "Tôi đã gửi công văn lên VFF và VPF, xác nhận việc Thanh Hoá không thể tiếp tục thi đấu. Theo tôi, Ban tổ chức giải nên kết thúc V-League 2020 ngay thời điểm này. Bây giờ Covid-19 xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam, quá nguy hiểm để tổ chức các sự kiện thể thao. Bên cạnh đó, chúng ta không biết khi nào đại dịch mới hết. Nếu cứ tập trung chờ đợi, miệng ăn núi lở, CLB sẽ vỡ quỹ, năm sau có muốn cũng không thể tham gia".

Sau khi VPF quyết định lần thứ ba hoãn V-League 2020 hôm 26/7, hàng loạt đội bóng như Thanh Hoá, SLNA, Quảng Nam, Nam Định... đã đề xuất kết thúc mùa giải. Tuy nhiên, VPF không đồng ý vì còn liên quan đến hợp đồng tài trợ cũng như cơ hội thi đấu của các cầu thủ - những người cần duy trì phong độ để phục vụ đội tuyển quốc gia... VPF chỉ huỷ giải trong trường hợp bất khả kháng, khi không còn đủ thời gian để tổ chức hoặc chính quyền không cho phép.

"Ban tổ chức nên nhìn vào vấn đề kinh tế", ông Đệ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hợp Lực, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thanh Hóa - nói. "Nếu họ bảo chờ đợi, vậy hãy hỗ trợ kinh phí cho các CLB. Còn bây giờ không chỉ Thanh Hoá, nhiều CLB khác cũng khó khăn lắm. Tôi thuộc diện giỏi đi xin tài trợ cho CLB, nhưng bây giờ các doanh nghiệp cũng khốn đốn vì đại dịch, làm sao xin được nữa. Thanh Hoá còn đỡ, nhiều đội bóng khác còn khó khăn hơn mà không dám kêu. Các ông bầu như chúng tôi cũng còn lo cho hàng loạt doanh nghiệp, cứ ôm khư khư bóng đá thì chết".

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...