Thứ năm, 25/04/2024 00:45 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/1/2020

MTĐT -  Thứ năm, 02/01/2020 10:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/1/2020. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/1/2020.

Hải Dương: 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển dự án BT 403 tỷ đồng

UBND huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) vừa cho biết, nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai phía Đông Bắc thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện theo phương thức PPP (hợp đồng BT) là Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Anh Quang - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Dịch vụ thương mại Thái Dương - Công ty TNHH Hoàng Thanh (Công ty TNHH Hoàng Thanh là thành viên đứng đầu liên danh).

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 403 tỷ đồng, thời gian dự kiến hoàn thành là cuối năm 2021. Mục tiêu của Dự án là cụ thể hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng huyện Thanh Miện, hoàn thiện hạ tầng đến năm 2025.

Để thu hồi vốn cho Dự án, nhà đầu tư được khai thác giá trị quyền sử dụng đất hai bên tuyến đường vành đai phía Đông Bắc thị trấn Thanh Miện và xã Lam Sơn với tổng diện tích khoảng hơn 90 ha.

Bình Định quyết xén đất khu lấn biển Mũi Tấn làm công viên

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, đã ký ban hành quyết định phê duyệt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án khu Mũi Tấn (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) do công ty CP dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn làm chủ đầu tư.

Khu đất này vào năm 2013, tỉnh Bình Định cho phép một DN triển khai san lấp, lấn biển hơn 12ha làm cáp treo để phục vụ du lịch.

Sau khi lấn biển, DN này không làm cáp treo mà muốn xây dựng biệt thự và nhà cao tầng nhưng tỉnh Bình Định không đồng ý vì không phù hợp quy hoạch không gian ven biển TP Quy Nhơn. Từ đó, khu lấn biển bị bỏ hoang.

Đến tháng 7/2019, UBND tỉnh đã công bố việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết khu Mũi Tấn. Cụ thể, khu này sẽ được xây dựng trung tâm thương mại - khách sạn.

Theo quy hoạch mới, UBND tỉnh Bình Định giao công ty Hưng Thịnh Quy Nhơn làm các thủ tục tiếp theo để triển khai đầu tư xây dựng.

Căn cứ nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án, khu Mũi Tấn có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 7,3ha, trong đó diện tích khu công viên cây xanh công cộng, quảng trường vui chơi giải trí, bãi đỗ xe là hơn 4,2ha; 0,5ha đất mở rộng đường giao thông và phần 2,6ha còn lại để xây dựng khu dịch vụ thương mại, gồm tòa nhà cao 40 tầng với khu khách sạn là 467 phòng và khu căn hộ du lịch là 1.646 căn... nhằm phục vụ phát triển du lịch.

Tổng diện tích nạo vét, cắt xén khu lấn biển Mũi Tấn khoảng 5,3ha. Bùn nạo vét từ dự án này được chủ đầu tư vận chuyển đến nơi khác để tận dụng san lấp mặt bằng và san lấp trong ngày, không để bụi phát tán ra khu vực dân cư xung quanh.

Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường Hải Cảng để người dân theo dõi, giám sát.

HoREA ‘hiến kế’ khai thông các điểm ‘nghẽn’ đất đai

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), Luật Đất đai 2013 tuy mới triển khai thực hiện được hơn 5 năm, nhưng rất cần thiết được xem xét, sửa đổi, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu mới phát sinh, do tình hình thực tiễn đã có nhiều thay đổi.

HoREA cho rằng, việc ban hành Luật Đất đai (mới) thích hợp nhất là vào thời điểm sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII quyết định đường lối và chiến lược phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 10 năm tiếp theo với tầm nhìn đến năm 2045.

Trước mắt, Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy phạm pháp luật trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trước hết là các Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 47/2014/NĐ-CP, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 44/2014/NĐ-CP, Nghị định 104/2014/NĐ-CP, và ban hành “Khung giá đất” hợp lý cho giai đoạn 2019-2024, để tháo gỡ, khai thông các vướng mắc, khó khăn, điểm nghẽn hiện nay của nền kinh tế và thị trường bất động sản; kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, công bằng; đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành “Nghị định Quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp”, để có căn cứ pháp luật thực hiện chính sách tam nông của Đảng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của giai cấp nông dân và người dân sống ở nông thôn.

Tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều. Trong đó bổ sung chức năng cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho “Văn phòng đăng ký đất đai”.

Như vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ được giảm bớt thời gian ký “sổ đỏ”, nhất là cho những địa phương có khối lượng công việc lớn như TPHCM, Hà Nội, để các Sở tập trung thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, kể cả việc giám sát công tác cấp “sổ đỏ” của Văn phòng đăng ký đất đai.

Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung chức năng cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” (hoặc một đơn vị sự nghiệp của ngành tài nguyên môi trường) được phép cung cấp dịch vụ công theo yêu cầu (nhu cầu) của người sử dụng đất, người có tài sản gắn liền với đất, do nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp hoặc không am hiểu, hoặc không có thời gian đi làm thủ tục hành chính, nên có nhu cầu đối với dịch vụ công này.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện thí điểm thành lập “Tổng Công ty cổ phần đền bù giải tỏa” (doanh nghiệp tư nhân) để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất, để tạo quỹ đất phục vụ đầu tư phát triển, hoặc cho doanh nghiệp này được khai thác kinh doanh (thời gian thí điểm 5 năm).

Nhận thấy, việc “Tổ chức phát triển quỹ đất” thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo lập quỹ đất phục vụ đầu tư phát triển; sau đó, Nhà nước tổ chức đấu giá đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; chênh lệch địa tô nộp vào ngân sách Nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng, là phương thức tốt nhất để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, vừa bảo đảm minh bạch, công bằng, góp phần hạn chế việc phát sinh khiếu kiện, hoặc khiếu kiện đông người, vừa kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất đầu tư phát triển dự án. Nhưng hơn 15 năm qua (kể từ Luật Đất đai 2003 đến nay), chủ trương đúng đắn này vẫn chưa thực hiện được, mà một trong những nguyên nhân có thể là do bị những rào cản từ các “nhóm lợi ích” xấu.

Trong đó, có nguyên nhân trực tiếp là chưa có quy định về cấp vốn, hoặc tạm cấp vốn ban đầu cho “Tổ chức phát triển quỹ đất”, để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo lập quỹ đất phục vụ đầu tư phát triển. Nếu có nguồn vốn ban đầu đủ để tạo lập được quỹ đất, thì chắc chắn Nhà nước sẽ thu hồi lại được nguồn vốn này.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định về cấp vốn, hoặc tạm cấp vốn ban đầu cho “Tổ chức phát triển quỹ đất”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành