Thứ sáu, 29/03/2024 21:14 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/9/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 22/09/2019 10:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/9/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/9/2019.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra những dự án sai phạm tại Thái Bình

Những sai phạm của bảy dự án này được nêu trong thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (thời kỳ 2011 - 2016) và đất đai, môi trường (thời kỳ 2006 - 2016) do Thanh tra Chính phủ vừa công bố.

Cụ thể, tại dự án khu đô thị Tây Quốc lộ 10 tại huyện Đông Hưng, theo các hợp đồng vay vốn và thanh toán cho các nhà thầu thi công, UBND huyện đã huy động 50,33 tỉ đồng tương ứng với 40.672m2 đất phải giao cho các công ty đã ứng vốn.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc giao đất không thông qua đấu giá tại dự án đã vi phạm quy định tại Điều 62, Nghị định 182/2004/NĐ-CP và Điểm C, Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai 2003.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, cần tiếp tục kiểm tra làm rõ việc quản lý, sử dụng số tiền 50,33 tỷ đồng của UBND huyện Đông Hưng nhận từ các công ty góp vốn và nhà đầu thi công liên quan đến quá trình thực hiện dự án.

Đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Thái Bình chưa giao gần 12,8ha đất còn lại của dự án cho chủ đầu tư là liên danh công ty Phú Hưng - Lam Sơn để hoàn chỉnh hạ tầng dẫn đến chậm tiến độ đầu tư dự án.

Tại dự án nhà ở xã hội do Công ty TNHH Phát triển đô thị và xây dựng 379 làm chủ đầu tư, việc UBND tỉnh Thái Bình đưa cả diện tích bãi đỗ xe và diện tích đất ở thương mại để tính 20% diện tích đất thương mại được miễn tiền sử dụng đất là không đúng quy định.

Chủ đầu tư được giao đất từ năm 2009 nhưng đến năm 2017 cơ quan chức năng của tỉnh mới xác định tiền sử dụng đất của dự án phải nộp là vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 10, Thông tư 76/2014/TT-BTC.

Thứ ba là vi phạm trong quản lý và sử dụng đất của công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh tại dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Bình, Hà Nam nối với đường cao tốc Cầu Giẽ, Ninh Bình do công ty này làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng diện tích 266.256m2, thi công từ năm 2010 đến năm 2017 nhưng đến nay chưa có quyết dịnh giao đất của UBND tỉnh là vi phạm các quy định về đất đai, đầu tư và xây dựng.

Bên cạnh đó, Công ty Phương Anh cũng được cấp giấy phép khai thác cát trên diện tích 7,5ha tại khu bãi bồi thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Công ty đã khai thác cát nhưng không thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ tài chính về đất đai là vi phạm pháp luật.

UBND huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ cũng đã thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân và bàn giao cho Công ty Phương Anh sử dụng với diện tich 80.416m2 đất để làm bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Hà nhưng chưa thực hiện các thủ tục về đất đai là vi phạm quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những sai phạm ở dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng chợ Kỳ Bá, TP. Thái Bình. Đến thời điểm thanh tra, dự án chưa thực hiện các thủ tục về đất đai, chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng, chưa có giấy phép xây dựng, nhưng thực tế đã thi công xong phần hạ tầng kỹ thuật, xây thô xong phần nhà phố thương mại và các ki ốt.

Cũng được nêu trong kết luận thanh tra là dự án đầu tư xây dựng cụm dân cư và trung tâm thương mại tổ 34 phường Trần Lãm, TP. Thái Bình do Công ty Phát triển đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư. Công ty đã kí hợp đồng bán nhà cho khách hàng khi chưa làm các thủ tục về đất đai, chưa thực hiện các nghĩa vụ về tài chính với nhà nước.

Thứ sáu, trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội Thái Bình (HUD2) tại TP. Thái Bình, theo quy hoạch chi tiết được Thanh tra Chính phủ sử dụng làm căn cứ, diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội là 1.561m2, nhưng tỉnh miễn tiền sử dụng đất với diện tích 879m2 là không đúng quy định.

Ở dự án này, kết luận thanh tra nêu rõ trách nhiệm thuộc về Hội đồng định giá đất của tỉnh, Sở Tài chính, Cục Thuế, chủ đầu tư và trách nhiệm chung của UBND tỉnh Thái Bình.

Tại dự án nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ Km 26+700 đến Km 31+700 huyện Thái Thuỵ, kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp và dịch vụ và dự án nắn tuyến đê biển số 8 từ Km 26+700 đến Km 31+700 kết hợp giao thông huyện Thái Thuỵ, UBND tỉnh đã cho triển khai, đối ứng vốn cho các nhà thầu thi công trong khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai theo quy định.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Bình đã chủ động khắc phục vấn đề ở dự án này trước khi thời điểm thanh tra diễn ra.

Thanh tra Chính phủ giao thanh tra tỉnh Thái Bình chủ trì, phối hợp với sở ngành, huyện, thành phố và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh, khắc phục hoàn thiện đối với một số dự án đầu tư xây dựng có sử dụng đất, nhất là các dự án đầu tư theo hình thức BT và dự án đối ứng có liên quan.

Dự án Nam cầu Bính: Người dân khóc vì bị bồi thường đất giá 0 đồng

Vừa qua, hàng chục hộ dân trú tại tổ mặt bằng 4, Phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) đã làm đơn “kêu cứu” về việc UBND Quận Hồng Bàng trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nút giao thông Nam cầu Bính đã lập phương án đền bù GPMB với giá 0 đồng cho hàng nghìn m2.

Dự án với vốn đầu tư lên đến 1.482,6 tỷ đồng, quy mô của dự án trong phạm vi nút giao bao gồm cải tạo đường Hồng Bàng (hay còn gọi là đường 2A) do Sở Giao thông vận tải Hải Phòng làm chủ đầu tư.

Thời gian qua, UBND quận Hồng Bàng tổ chức thu hồi một phần đất của các hộ dân để thực hiện dự án. Tuy nhiên, phía chính quyền căn cứ vào hồ sơ địa chính (bản đồ và sổ mục kê lập năm 1995) ghi đây là đất do phường quản lý hoặc đất đã được bồi thường bởi dự án làm đường trước đó (nhưng không có tài liệu chứng minh đã bồi thường rồi) để thu hồi không của các hộ dân. Phần lớn đều ghi nhận giá bồi thường là 0 đồng.

Theo phản ánh của các hộ dân, diện tích đất bị thu hồi hầu hết đều được các hộ dân đều sử dụng từ trước năm 1980. Trên đất đều đã có nhà kiên cố, người dân sinh sống ổn định. Có những gia đình có giấy phép xây dựng. Đã nhiều lần người dân làm đề xuất được cấp Giấy chứng nhận sở hữu tuy nhiên đều bị từ chối.

Dự án Nam Cầu Bính đang gấp rút thu hồi đất

 Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Đình Trung - Tổ trưởng tổ dân phố mặt bằng 4 (phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng) cho biết, trong số 63 hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án nút giao Nam cầu Bính, có đến 28 hộ dân đang khiếu nại về các vấn đề thu hồi, bồi thường không thỏa đáng. Và các phương án bồi thường của chính quyền đang làm người dân tỏ ra khó hiểu.

Ông Trung khiếu nại về việc bị thu hồi 45,5m2 nhưng chỉ được hỗ trợ vài m2, số diện tích còn lại cũng bị kiểm đếm, xác định là đất lấn chiếm, đã được đền bù hỗ trợ. Đáng nói, số diện tích đất bị thu hồi đã được cấp phép xây dựng nhà kiên cố, cao tầng từ lâu.

Tương tự như gia đình ông Nhiên, các hộ dân khác bị thu hồi đất phục vụ dự án xây dựng nút giao Nam cầu Bính đều gặp tình trạng tương tự. Có thể kể đến như các hộ Nguyễn Đình Trung; Đồng Xuân Nguyên; Nguyễn Thị Lãng, Nguyễn Thị Hồng; Nhâm Ngọc Hải; Trần Văn Nam; Đào Đình Thống; Trần Thị Vân; Trần Công Thành; Nguyễn Quang Hồng; Lương Văn Lập; Trần Văn Lợi; Nguyễn Thị Mai Thủy; Nguyễn Đình Tâm; Mai Tiến Dũng; Phạm Quang Mạnh; Nguyễn Thị Minh Cảnh….

Ví dụ như gia đình ông Đồng Duy Nhiên (Tổ mặt bằng 4, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) bị thu hồi 141,5m2 đất ở tuy nhiên, gia đình ông chỉ được nhận đền bù cho 7,1m2 với giá 80.000đ/m2, số diện tích còn lại (134m2) được áp giá 0 đồng. Lý do được đưa trong phương án bồi thường do Trung Tâm phát triển quỹ đất Quận Hồng Bàng lập là: đất lấn chiếm do phường Sở Dầu quản lý, đã được thu hồi và đền bù GPMB đường 2A năm 2000 nhưng bị lấn chiếm trở lại.

Theo đó, UBND Quận Hồng Bàng đã đưa ra một Bình Đồ có nội dung 2A có chiều rộng hơn 40m. Căn cứ vào đó, Q, Hồng Bàng đã đưa ra nhận định về nguồn gốc đất của người dân bị thu hồi có một phần diện tích đã được thu hồi và hỗ trợ GPMB từ năm 2000.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đường 2A (đoạn nối QL5 phía Nam và QL5 phía Bắc) theo Quyết định số 3484/QĐ-GTVT-KHĐT ngày 21/12/1998 của Bộ Giao thông vận tải quy định chiều dài mặt cắt ngang của mặt đường là 18m, chiều dài mặt cắt ngang của cả nền đường (gồm mặt đường, vĩa hè) là 28m.

Theo người dân ở đây, nếu đưa ra hồ sơ thu hồi, bồi thường năm 2000 và xác định rõ chỉ giới, diện tích đường 2A sẽ rõ vấn đề. Tuy nhiên, khi người dân đề nghị chính quyền đưa hồ sơ thu hồi đất và bản đồ quy hoạch đường 2A để xác định mốc giới và diện tích đã thu hồi nhưng chính quyền im lặng.

Thông tin sơ bộ ban đầu, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng cho biết theo văn bản số 347 gửi UBND TP Hải Phòng. Trong đó nêu rõ, từ tháng 2 đến tháng 6/2019, UBND quận Hồng Bàng tập trung giải quyết kiến nghị của các hộ dân và báo cáo đề xuất UBND TP Hải Phòng giải quyết vướng mắc của các Doanh nghiệp có đất thu hồi thực hiện dự án.

Ngày 31/7/2019, UBND quận đã ra thông báo về việc nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho các hộ dân phường Sở Dầu có đất bị thu hồi dự án. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 57/76 hộ dân không nhận tiền và mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Thừa Thiên Huế: Ngăn chặn kiểu lừa đảo bán đất dự án như Alibaba

Chiều 21/9, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung (trụ sở đóng ở phường An Đông, TP Huế) với số tiền 120 triệu đồng do vi phạm quảng cáo sai sự thật được quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 51 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20-3-2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo.

Cụ thể, Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung đã quảng cáo mô hình phối cảnh toàn bộ dự án Eco Lake ở phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) trên trang thông tin điện tử của Công ty; làm hợp đồng quảng cáo với các báo mạng khác với nội dung đồ án phân thửa cũng như mô hình xây dựng của dự án Eco Lake thể hiện rõ phần đất tiếp giáp với đường tránh Huế có kết nối đường giao thông trực tiếp nối thẳng ra tuyến đường này là không đúng với thực tế.

Dự án “chui” Eco Lake xây dựng trên khu quy hoạch cây xanh đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Hiện 2 đường đấu nối vào đường tránh Huế này chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo đúng quy định. Đồng thời, Eco Lake chưa được cơ quan chức năng cấp phép nên không được phép gọi đây là dự án. Tuy nhiên, Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung vẫn quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, pano, bảng quảng cáo với tên gọi là dự án Eco Lake.

Trước đó, từ năm 2018, ông Tống Phước Hoàng Hưng (trú ở TP Đà Nẵng) mua lại gần 10.000m2 đất là đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp của một số hộ dân ở tổ 9, phường Phú Bài và chuyển đổi trót lọt thành đất ở. Đây là diện tích đất được phê duyệt vùng quy hoạch cây xanh đô thị theo quyết định số 649/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6-5-2014 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của TP Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi hoàn tất thủ tục, ông Hưng “bắt tay” với đơn vị môi giới là Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung để lập ra dự án “chui” với tên gọi Eco Lake, sau đó cắm mốc phân thành 71 lô, đồng thời triển khai nhiều hạng mục đầu tư tại đây như đường dẫn vào khu dân cư, hệ thống đường điện, bảng quảng cáo nhằm mục đích rao bán các lô đất này khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Với sự quảng bá rầm rộ và quảng cáo sai sự thật, chủ đầu tư dự án “chui” Eco Lake đã bán trót lọt 71 lô đất nói trên với giá khoảng hơn 400 triệu đồng/lô nhưng người mua không hề hay biết những lô đất này lại nằm trên đất quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hơn 1 năm mua đất tại dự án, nhiều người dân không được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất sau nhiều lời hứa hẹn của chủ dự án nên đã gửi đơn khiếu nại Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan chức năng.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, việc chủ đầu tự dự án Eco Lake thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phân lô bán nền khi không có giấy phép xây dựng và lập hồ sơ tách thửa đất là không đảm bảo đúng quy định hiện hành. Do đó, việc giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án này chỉ thực hiện sau khi chủ dự án khắc phục những bất cập, thiết sót.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới