Thứ sáu, 19/04/2024 15:14 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/12/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 29/12/2019 11:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/12/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/12/2019.

Thái Bình: Dự án khó khăn vì không có mặt bằng

Sau ba lần “đứt gánh”, dự án nâng cấp, cải tạo đường 221A (Thái Bình) đã tìm được chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại dự án đang phải đối mặt với mối lo chậm giải phóng mặt bằng.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng ven biển phía Nam tỉnh Thái Bình (đường 221A) đã từng lựa chọn được nhà đầu tư vào cuối năm 2014 và khởi công ngày 25/1/2015.

Nhà đầu tư khi đó là Quỹ Quản lý tài sản và Cố vấn đầu tư Viet HP. Công ty TNHH Đầu tư và vận hành dự án Viet HP là doanh nghiệp dự án được thành lập để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, sau khi khởi công, nhà đầu tư không có động thái triển khai dự án và đến tháng 8/2015, UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định chấm dứt hợp đồng thực hiện dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Viet HP với lý do nhà đầu tư này đã vi phạm một số điều khoản ghi trong hợp đồng.

Trong đó, đáng chú ý là nhà đầu tư này cung cấp thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng giả.

Sau đó, dự án có thêm 2 lần đầu thầu nữa nhưng đều thất bại. Đến ngày 20/5/2019, hợp đồng xây lắp được giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành là đơn vị thi công, thời gian thực hiện hợp đồng 26 tháng.

Nhà thầu đang tích cực thi công dự án

Bắt tay vào thực hiện dự án, nhà thầu đã triển khai cả ngày lẫn đêm, 3 ca liên tục để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo nhà thầu, với tốc độ thi công như hiện nay nếu có đủ mặt bằng để triển khai thì tiến độ của dự án sẽ được hoàn thành sớm hơn nhiều so với kế hoạch 26 tháng.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là dự án mới được bàn giao được 4,3km (chủ yếu là đất nông nghiệp) trên tổng số 17,8km. Số còn lại chủ yếu là đất thổ cư và hiện tại mới được trích thửa, hoàn thiện hồ sơ chờ thẩm định.

Ông Ngô Văn Phát – Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Thanh cho biết, điều lo ngại nhất hiện nay là mặt bằng thi công tuyến đường này đã sắp hết. Số diện tích nhà thầu đã được bàn giao là 4,3km đã được triển khai hết, đến hết tháng 12 nhà thầu không còn diện tích để thi công.

"Hơn nữa, để thi công tuyến đường này chúng tôi đã phải rất vất vả, bởi địa hình phức tạp khi con đường phải vượt qua 3 cầu lớn, 31 cống to nhỏ, 8 xã và 1 đô thị, nhiều làng xóm, đàm bãi ven biển, hạ tầng điện nước… Để đảm bảo thi công đúng tiến độ, chúng tôi phải huy động mọi nguồn lực từ máy móc đến nhân lực, tận dụng thời tiết khô hanh để đẩy nhanh tiến độ. Nhưng lại không có đủ mặt bằng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành Thái Bình tạo điều kiện khẩn trương giải phóng mặt bằng" – ông Phát chia sẻ.

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên trong một lần kiểm tra tiến độ dự án đề nghị huyện Tiền Hải phải giải phóng mặt bằng xong đối với đất dự án là đất lúa trước ngày 15/7/2019, đối với đất dự án đi qua khu dân cư, phấn đấu trong tháng 7/2019 phải hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng.

Khởi công xây dựng, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây

Dự án Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5024/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 với tổng mức đầu tư trên 468 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách Thành phố. Đây là dự án thuộc dự án nhóm B, công trình dân dụng, cấp II, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Văn hóa Xã hội thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.

Công trình dự kiến được thực hiện trong thời gian từ 2019 – 2021 với nhiều nội dung và quy mô đầu tư như: Phá dỡ 4 khối nhà (nhà N, nhà A, nhà F và nhà P); cải tạo 8 khối nhà (nhà M, nhà L, nhà K, nhà H, nhà D, nhà B, nhà X, nhà C) và khu xử lý nước thải; xây mới 2 khối nhà và nâng cấp, bổ sung diện tích các công trình cũ; triển khai hạ tầng kỹ thuật và hệ thống kỹ thuật đồng bộ như hệ thống phòng cháy chữa cháy, điều hòa thông gió, thông tin liên lạc, hệ thống khí y tế trang thiết bị gắn liền với xây lắp…

Sau khi cải tạo, nâng cấp, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây sẽ cung cấp những dịch vụ khám chữa bệnh hiện đại không chỉ cho nhân dân trên địa bàn thị xã mà còn cho nhân dân các khu vực lân cận. Ảnh: Phạm Hảo

Việc triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe, cung cấp những dịch vụ khám chữa bệnh hiện đại không chỉ cho nhân dân trên địa bàn thị xã mà còn cho nhân dân các khu vực lân cận như Ba Vì, Phúc Thọ, Vĩnh Phúc… đồng thời đảm bảo phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và đạo tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế.

Hải Dương: Nghi vấn doanh nghiệp cho thuê đất làm nhà xưởng trái phép

Công ty TNHH May Hoa An tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương
Báo Giao thông nhận được phản ánh của người dân xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương về việc Công ty TNHH may Hoa An (có địa chỉ ở thôn Quyết Thắng, xã Kim Anh, huyện Kim Thành) chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường nhưng đã tự ý cho 2 doanh nghiệp khác thuê đất để dựng nhà xưởng sản xuất nhựa, ốc vít và sơn.

Người dân cũng bày tỏ nghi ngại hoạt động của doanh nghiệp này sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

Sáng 23/12, có mặt tại thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, PV ghi nhận có 2 nhà xưởng đang hoạt động sản xuất trong khuôn viên của Công ty TNHH May Hoa An gồm: Công ty TNHH Hằng Huy HD và Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tân Cường Phong với số lượng khoảng 300 công nhân.

Trong đó, Công ty Hằng Huy chuyên sản xuất về ốc vít, nhựa và sơn; Công ty Tân Cường Phong sản xuất thớt nhựa.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Chinh, Phó chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành cho biết: chính quyền địa phương có biết sự hoạt động của các công ty trong thời gian gần đây nhưng cụ thể như thế nào thì lãnh đạo không nắm được.

Theo hồ sơ lưu tại UBND xã Ngũ Phúc, UBND huyện Kim Thành có quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 21/3/2013 về việc thu hồi 6.500m2 đất của bà Dương Thị Thu Hường (thường trú ở thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành) cho ông Trần Văn Vĩnh (ở thôn Quyết Thắng, xã Kim Anh, huyện Kim Thành) thuê với diện tích 6.110m2 để xây dựng cơ sở chế biến, kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm.

Trong quyết định ghi rõ là đất nông nghiệp với thời hạn thuê là 20 năm. UBND huyện Kim Thành cũng giao cho phòng Tài nguyên môi trường huyện và các đơn vị triển khai thực hiện các công việc có liên quan theo quy định của pháp luật.

Tháng 11/2015, UBND huyện Kim Thành tiếp tục có quyết định số 4699/QĐ-UBND về việc thu hồi đất cho ông Vĩnh thuê để xây dựng cơ sở gia công hàng may mặc, mua bán hàng nông sản và dịch vụ thương mại tổng hợp tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành. Trong đó đã điều chỉnh diện tích đất cho ông Vĩnh thuê là 4.972,5m2. Thời hạn thuê đến ngày 21/3/2033.

Công ty TNHH May Hoa An tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Theo lời ông Chinh cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây ông Vĩnh đã cho 2 công ty là Công ty TNHH Hằng Huy HD và Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tân Cường Phong về xây dựng nhà xưởng sản xuất nhưng không thấy báo cáo vì "không thuộc thẩm quyền quản lý của xã".

PV Báo Giao thông đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Nghiệp, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Kim Thành để làm rõ các thắc mắc của người dân. Ông Nghiệp khẳng định, đơn vị chưa nhận được bất kỳ hồ sơ thủ tục nào có liên quan đến Công ty TNHH May Hoa An. Đơn vị xin tiếp thu những thông tin Báo Giao thông phản ánh và sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra hoạt động của công ty này trong thời gian tới. Khi có kết luận sẽ cung cấp cho cơ quan báo chí được biết.

PV cũng đã 2 lần liên hệ với bà Trần Thị Hoa, là vợ của ông Vĩnh và cũng là người đại diện pháp luật cho công ty TNHH May Hoa An. Bà Hoa cho biết, đang bận việc nên chưa thể trả lời. Mọi thủ tục liên quan công ty đang triển khai.

Khu “nhà mẫu” sai phép tại TP HCM ngang nhiên tồn tại

Khu nhà mẫu đã có quyết định cưỡng chế nhiều tháng nhưng đến nay vẫn tồn tại
Để thực hiện dự án này, Gia Cư đã tiến hành nhiều bước, trong đó có việc gửi hồ sơ lên UBND quận 12 xin phép xây công trình tạm diện tích hơn 1.200m2 nhằm phục vụ phát triển dự án. Quận 12 ra Văn bản số 4874 đồng ý, do ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận, ký.

Gia Cư sau đó xây nhà mẫu với kết cầu tường gạch, kính, khung kèo sắt, mái tôn trên phần đất được quy hoạch là đất giáo dục theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án Gò Sao.

Khu nhà mẫu đã có quyết định cưỡng chế nhiều tháng nhưng đến nay vẫn tồn tại

Đến ngày 3/5, UBND quận 12 lại cho rằng đây không phải là công trình tạm mà việc xây dựng công trình nhà như Gia Cư đã xây buộc phải có giấy phép xây dựng nên đã ra quyết định xử phạt hành chính. Ngày 23/8, quận 12 ra quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình này.

Theo tìm hiểu, trong văn bản thống nhất cho Gia Cư xây công trình tạm, Gia Cư đã nộp đầy đủ bản vẽ và được quận 12 đồng ý. Ông Quách Trung Nghiêm, đại diện Gia Cư cho rằng, khi bị xử phạt và ra quyết định cưỡng chế buộc tháo dỡ, công ty hết sức bất ngờ vì đã xin phép và được quận 12 đồng ý cho xây trước đó 2 năm.

Mặc dù đã ra quyết định cưỡng chế, nhiều lần huy động lực lượng chức năng đến công trình, nhưng thực tế UBND quận 12 và phường Thạnh Xuân vẫn chưa không cưỡng chế được theo như quyết định đã ban hành.

Quyết định cưỡng chế cho thời hạn cuối là 31/10. Sau đó, ngày 26/11, đoàn cưỡng chế tiếp tục kéo đến, một lần nữa lại đành rút về vì Gia Cư trưng ra một số văn bản được cho là tình tiết mới như: Văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Quyết định chấp thuận đầu tư của UBND TP (đều ký ngày 25/11, trước ngày cưỡng chế chỉ 1 ngày).

Với lý do đó, đoàn cưỡng chế đã tạm ngưng việc cưỡng chế và ra “tối hậu thư” cho Gia Cư trong 15 ngày (kể từ 26/11) phải có ý kiến của các sở, ngành về việc cho tồn tại công trình này, nếu không sẽ bị cưỡng chế…

Thế nhưng đến hạn cuối là 10/12 và đến cuối tháng 12/2019, Gia Cư vẫn chưa cung cấp được văn bản giấy tờ gì theo như cam kết cũng như yêu cầu của đoàn cưỡng chế.

Về phía Gia Cư, trong văn bản cam kết sẽ thực hiện tự tháo dỡ theo quyết định cưỡng chế của quận 12 muộn nhất là 15/12. Tuy nhiên, hết hạn, Gia Cư lại xin hoãn. Ngày 17/12, Gia Cư ra văn bản xin gia hạn tháo dỡ đến 20/2/2020 vì lý do cận kề Tết, chưa chuẩn bị được mặt bằng để di dời nhà mẫu…

Vậy thực tế có như Gia Cư cam kết trong văn bản gửi cơ quan chức năng hay đơn vị này đang tìm kế hoãn binh nhằm chờ đợi, hy vọng một động thái khác từ các cơ quan chức năng? Về vấn đề này, đại diện Gia Cư nói: “Công ty đang chờ quyết định cuối cùng, nếu buộc phải tháo dỡ thì công ty mới tháo dỡ…”.

Như vậy, vấn đề đặt ra là, nếu cơ quan chức năng TP cho rằng việc xây nhà mẫu của Gia Cư là không sai, không cần giấy phép thì các quyết định xử phạt hành chính cũng như quyết định cưỡng chế của UBND quận 12 sẽ như thế nào? Ai sẽ là người sẽ phải chịu trách nhiệm khi ra quyết định sai trái với doanh nghiệp? Công sức, tiền bạc cho việc huy động lực lượng đi cưỡng chế ai sẽ chịu trách nhiệm? Và ngược lại, nếu các quyết định của UBND quận 12 là đúng thì tại sao không thực hiện việc cưỡng chế, mà hết lần này đến lượt khác phải tạm ngưng?

Những vấn đề về sổ đỏ tại dự án này thế chấp ngân hàng; Gia Cư phủ nhận việc nhận cọc, giữ chỗ của các sàn; nguồn gốc đất của dự án từng được phê duyệt làm nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Tổng cục Cảnh sát… sẽ được chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.