Thứ sáu, 19/04/2024 15:10 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/5/2019

MTĐT -  Thứ hai, 06/05/2019 09:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/5/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/5/2019.

Hàng loạt sai phạm về đất đai diễn ra tại tỉnh Bình Thuận

Theo đó, một số đơn vị tại địa phương này, như Sở TN-MT, đã không thực hiện được nghĩa vụ tài chính do địa phương làm chậm trình tự, thủ tục xác định nghĩa vụ với ngân sách nhà nước gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất và huy động nguồn thu cho ngân sách địa phương không kịp thời.

Cụ thể, Công ty Du lịch Bình Thuận trước khi chuyển sang công ty cổ phần, UBND tỉnh đã thuê công ty thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, tuy nhiên còn xác định thiếu giá trị lợi thế về vị trí địa lý của khu đất cơ sở giặt ủi tại xã Tiến Lợi, TP.Phan Thiết với diện tích 2.780 m2 dẫn đến khả năng xác định không đúng giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa. Bên cạnh đó, việc thu hồi, giao đất thuộc quỹ đất nông nghiệp 5% để xây dựng nhà ở xã hội cũng chưa phù hợp quy định.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Bình Thuận được UBND tỉnh Bình Thuận giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội với diện tích 3.773,5 m2, trong đó 1.816,6 m2 đất thuộc quỹ đất 5% do UBND phường Phú Tài quản lý nhưng UBND tỉnh giao cho công ty để xây dựng dự án nhà ở xã hội là không đúng quy định tại Khoản 2 Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 quy định.

Đối với sự việc tại Công ty CP Muối Vĩnh Hảo, Kiểm toán Nhà nước cho biết năm 2017 UBND tỉnh Bình Thuận quyết định gia hạn thời gian thuê đất là 50 năm theo quy định, tuy nhiên sau khi được gia hạn thì Sở TN-MT không xác lập và luân chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế để xác định đơn giá thuê đất, tiền thuê đất gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Sở TN-MT cũng chưa xác lập hồ sơ giao đất đối với các diện tích Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Bình Thuận quản lý và sử dụng giai đoạn 2010-2014 để xác định tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận còn tham mưu cho UBND tỉnh xác nhận công ty thuộc đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất thuộc giai đoạn 2010-2014, điều này hoàn toàn không đúng quy định tại Điều 33 Luật Đất đai năm 2003.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận cũng chưa hướng dẫn cho Công ty CP Du lịch Núi Tà Cú rà soát hiện trạng quỹ đất do công ty đang quản lý sử dụng, không kiểm tra thực tế và và trình UBND tỉnh quyết định xử lý dẫn đến tình trạng đơn vị quản lý sử dụng và tên pháp nhân tại quyết định thuê đất và hợp đồng thuê đất khác nhau, đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.

HoREA chỉ ra nguyên nhân khiến doanh nghiệp BĐS gặp nhiều rủi ro

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị Diễn đàn kinh tế tư nhân, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã nêu ra những nguyên nhân làm cho doanh nghiệp BĐS đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có nguy cơ dẫn đến có thể bị phá sản.

Theo đó, thị trường BĐS đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, nhất là giải quyết nhu cầu nhà ở của các tầng lớp dân cư và cả người nước ngoài đến làm việc và sinh sống tại nước ta. Quy mô thị trường ngày càng tăng trưởng trong đó có sự đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân. Khối doanh nghiệp tư nhân được xem đang dẫn dắt và thống lĩnh thị trường BĐS.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, môi trường kinh doanh có chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng chưa thật sự minh bạch. Doanh nghiệp BĐS đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có nguy cơ dẫn đến có thể bị phá sản, do tính thiếu ổn định, khó đoán định về chính sách, hay doanh nghiệp không tiên lượng được về chi phí trước khi ra quyết định đầu tư, mà điển hình là doanh nghiệp không thể dự đoán được số tiền sử dụng đất dự án phải nộp, lúc nào được nộp...

Mặt khác, thị trường BĐS bị giảm quy mô, bị sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung căn hộ, nhà ở, giá cả có xu thế tăng do quy luật cung - cầu (cung ít, cầu nhiều). Từ tháng 3/2017 đến nay, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh liên tục bị sụt giảm. Cụ thể, năm 2018, quy mô thị trường giảm 34% so với năm 2017; Quý 1/2019, số lượng dự án được Sở Xây dựng phê duyệt giảm đến 67%; Theo Savills, số lượng căn hộ giảm 57% so với Q1/2018; Thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất giảm khoảng 70%.

Về nguồn vốn hiện thị trường BĐS cần nguồn vốn đầu tư trung hạn, dài hạn, nhưng hiện nay đang lệ thuộc quá lớn vào hai nguồn vốn đó là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng. Điều này dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Theo nhận định của HoREA, nguyên nhân còn những hạn chế, tồn tại này do những điểm nghẽn của nền kinh tế như thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng là những điểm nghẽn tác động trực tiếp đến thị trường BĐS.

Hà Nội chỉ đạo xử lý vụ “xẻ thịt” đất rừng tại huyện Thạch Thất

Trước những thông tin đề cập một số công trình xây dựng trên đất rừng tại huyện Thạch Thất, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung vừa ban hành văn bản 1529/UBND-TKBT yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, chủ tịch huyện Thạch Thất lập đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ thông tin, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng thẩm quyền của pháp luật; báo cáo Thành ủy, UBND thành phố kết quả kiểm tra xử lý trước ngày 20/5.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT tiến hành phúc tra kết quả kiểm tra, xử lý của UBND huyện Thạch Thất theo đúng quy định.

Dự án khu du lịch Thác Bạc Suối Sao được Công ty CP du lịch KOVA đầu tư xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2002, với quy mô 59,2 ha, tại xã Yên Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng giai đoạn 1 từ tháng 6/2007.

Đầu năm 2008, Công ty CP du lịch KOVA có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo và đăng ký mở rộng dự án với quy mô mở rộng thêm khoảng 200 ha. Tuy nhiên việc thực hiện mở rộng địa giới Hà Nội khiến dự án phải tạm dừng.

Ngày 19/5/2018, UBND huyện Thạch Thất phối hợp với công ty KOVA tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án. Mục tiêu chính của dự án này là bảo tồn rừng, thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội vùng cũng như huyện Thạch Thất.

Thừa Thiên-Huế chi hơn 5 tỷ đồng trùng tu nhà vườn trong làng cổ

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa thống nhất bổ sung danh mục 9 nhà vườn tại làng cổ Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền) được hỗ trợ trùng tu năm 2019 với tổng giá trị là trên 5,6 tỷ đồng (khoảng từ 600-820 triệu đồng/nhà).

Theo đó, trong năm nay, nhà vườn của các ông, bà Lê Trọng Thị Vui, Đoàn Thị Nguyệt, Lê Thị Phương, Lương Thanh Thị Loan (Nguyễn Hoàng), Lương Thanh Hoàng, Trương Công Huấn, Lương Thanh Bạch và Hồ Văn Thuyên sẽ được hỗ trợ trùng tu.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ, các nhà vườn bổ sung hỗ trợ trùng tu trong năm 2019 là những nhà rường cổ (loại I và loại II) nằm trong danh sách 25 nhà vườn tham gia Đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" đã được phê duyệt, đáp ứng các tiêu chí phân loại nhà vườn Huế đặc trưng, điều kiện được hỗ trợ kinh phí trùng tu.

Trước đó, thành phố Huế đã tổ chức trùng tu, bảo tồn 8 nhà vườn đặc trưng, với tổng mức hỗ trợ gần 6 tỷ đồng (từ 600-750 triệu đồng/nhà).

Đó là các nhà vườn Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn tại số 31 Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hiệp; nhà vườn của gia đình ông Lê Lương tọa lạc tại số 38 Nguyễn Hoàng, phường Kim Long; nhà vườn Hoàng Kim Khánh, địa chỉ 145 Vạn Xuân, phường Kim Long; nhà vườn của ông Hồ Xuân Doanh, phường Thủy Biều; phủ thờ Diên Khánh Vương, đường Nguyễn Sinh Cung phường Vỹ Dạ.

Riêng 3 nhà vườn tiêu biểu của các hộ: Nguyễn Hữu Thông (Sum Viên), địa chỉ 313 Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, thành phố Huế; Nguyễn Thị Tâm, địa chỉ 31 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Phú Cát, thành phố Huế; Nhà thờ họ Tôn Thất (Tôn Thất Hùng), địa chỉ 7 kiệt 72 Thân Văn Nhiếp, phường Thủy Biều, thành phố Huế đang được tiếp tục hoàn thiện việc trùng tu.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, hiện trên địa bàn có khoảng 100 nhà vườn; trong đó có 25 nhà vườn tham gia đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng."

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.