Thứ sáu, 29/03/2024 12:15 (GMT+7)

Tin tức bất động sản mới nhất, nóng nhất ngày 17/10/2018

MTĐT -  Thứ tư, 17/10/2018 18:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản mới nhất, cập nhật nhất ngày 17/10/2018.

Bộ Xây dựng thừa nhận giới đầu cơ thổi giá nhà đất để thu lợi bất chính

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa có báo cáo gửi Quốc hội khóa XIV chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong quản lý xây dựng và thị trường bất động sản.

Báo cáo chỉ rõ: "Giá cả nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính, làm bất ổn thị trường".

Đồng thời, thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin-cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực.

Đề xuất cưỡng chế phá dỡ chung cư cũ xuống cấp

UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo Bộ Xây dựng việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ trên địa bàn. Theo đó, TP kiến nghị cưỡng chế phá dỡ chung cư nguy hiểm và chỉ định nhà thầu tự bỏ vốn cải tạo các khu chung cư cũ.

Theo khảo sát từ Sở xây dựng Hà Nội, đánh giá sơ bộ 1.271 chung cư cũ. Trong đó, có 323 chung cư cũ nguy hiểm, hư hỏng có thể dẫn tới phá huỷ kết cấu, đổ sập; 691 chung cư cũ có khuyết tật, hư hỏng làm giảm khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân và 110 chung cư cũ vẫn đáp ứng yêu cầu sử dụng.

Để gỡ vướng cho quá trình cải tạo chung cư cũ, UBND TP. Hà Nội đề xuất Bộ Xây dựng sửa khoản 3 điều 110 Luật nhà ở quy định “việc phá dỡ chung cư cũ của phải được sự đồng ý trên cơ sở các chủ sở hữu thống nhất” hướng bổ sung quy định cưỡng chế phá dỡ đối với các chủ sở hữu còn lại không đồng ý phá dỡ. Đồng thời cho dùng biện pháp cưỡng chế đổi đất để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với trường hợp TP chỉ định đầu tư thực hiện theo hình thức xã hội hoá.

Xây vượt tầng, bán nhà chui tại một số dự án trên đất ‘vàng’ Hà Nội

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp sở hữu nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội giai đoạn 2003-2016.

Khi kiểm tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh, ngoài việc phát hiện sai phạm về tài chính gần 4.000 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra những vi phạm về quy hoạch xây dựng, phương án kiến trúc không tuân thủ quy định.

Dự án nhà ở thấp tầng tại Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: NK.

Thanh tra Chính phủ phát hiện ra Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật, Sở Xây dựng Hà Nội cũng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt. Chủ đầu tư đã không sử dụng vào mục đích kỹ thuật mà kinh doanh, dịch vụ.

 Điển hình, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chấp thuận điều chỉnh tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc đối với dự án Phong Phú - Daewon - Thủ Đức tại số 378 Minh Khai, làm giảm diện tích cây xanh từ 7.600 m2 xuống 2.573,7 m2.

Tại dự án đầu tư khu nhà ở và công trình công cộng số 409 Tam Trinh của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Constrexim, có 4 thửa đất thấp tầng là C12, C13, C36, C37, chủ đầu tư chuyển nhượng cho khách hàng vượt quy hoạch tổng mặt bằng.

Mỗi thửa tăng thêm 30 m2 vào diện tích đất giao thông nội bộ, thu của khách hàng hơn 2,3 tỷ đồng. Diện tích này chưa được các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chưa xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung…

Tại dự án tổ hợp khách sạn, thương mại văn phòng và nhà ở thấp tầng tại 107 Xuân La, Thanh tra Chính phủ phát hiện khởi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện theo quy định

8 doanh nghiệp bất động sản nợ hơn 749 tỷ đồng tiền sử dụng đất

Cục Thuế Thành phố Hà Nội vừa tiếp tục công khai danh sách chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, thuế, phí tháng 10. Theo đó, có 8 doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, số nợ tính đến thời điểm 30/9/2018; 173 đơn vị nợ thuế, phí (trong đó có 142 doanh nghiệp nợ thuế phí công khai lần đầu).

Theo danh sách công khai, 8 doanh nghiệp là các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn thành phố đang nợ hơn 749 tỷ đồng tiền sử dụng đất, bao gồm cả tiền chậm nộp.

Trong đó, đứng đầu danh sách là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 (gọi tắt là Lũng Lô 5) chiếm tới gần một nửa số nợ với trên 331 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế Hà Nội, đây là số tiền sử dụng đất thuộc dự án khu chức năng đô thị Ao Sào, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai.

Dự án khu chức năng đô thị Ao Sào (Lexington) chính thức thực hiện từ năm 2009 – 2017, đến nay dự án đã hoàn thành xây và bán sản phẩm nhà ở thương mại, trong khi nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng vẫn chưa thực hiện. Vì thực tế trên, UBND quận Hoàng Mai đã xếp dự án này vào nhóm các dự án chậm tiến độ dưới 24 tháng.

UBND quận Hoàng Mai, Cục Thuế Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư dự án phải thực hiện nghĩa vụ nộp các khoản tiền này. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn đưa ra nhiều lý do và không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Đứng thứ 2 danh sách các doanh nợ tiền thuê đất là Công ty TNHH đá quý Thế Giới nợ hơn 117 tỷ đồng thuộc dự án toà nhà hỗn hợp AZ SKY tại lô đất CN1 khu đô thị mới Định Công (quận Hoàng Mai).

Tiếp theo là Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn nợ hơn 88 tỷ đồng tiền sử dụng đất của dự án Khu chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông 62 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân); Công ty CP Lilama nợ gần 68 tỷ đồng tiền sử dụng đất dự án Văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở 52 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai); Công ty cổ phần thương mại xây dựng 379 nợ gần 40 tỷ đồng thuộc dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ chiến sĩ thuộc Tổng cục cảnh sát - giai đoạn 1.

Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Thịnh nợ hơn 38 tỷ đồng tiền sử dụng đất dự án tòa nhà hỗn hợp Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội tại khu trung tâm hành chính mới trên địa bàn phường Hà Cầu, (quận Hà Đông); Công ty CP Giấy gỗ Hà Đông (hợp tác cùng Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sunrise, Công ty cổ phần dịch vụ đầu tư tài chính Việt Nam) nợ hơn 37,5 tỷ đồng tại dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở Thanh Bình 114 đường Thanh Bình, (quận Hà Đông);

Công ty CP công trình và thương mại GTVT nợ hơn 29 tỷ đồng tiền sử dụng đất dự án Chuyển mục đích từ đất sử dụng làm nhà làm việc, nhà ở sang đất để xây dựng công trình nhà ở kết hợp văn phòng làm việc cao tầng để thực hiện dự án tại 69 phố Triều khúc (quận Thanh Xuân).

Ngoài ra, Cục Thuế Thành phố Hà Nội cũng công bố thêm 142 doanh nghiệp nợ thuế (công khai lần đầu) tại kỳ khóa sổ ngày 31/8 với tổng số nợ gần 125 tỷ đồng.

Trong số 142 doanh nghiệp này, đáng chú ý là Công ty CP Xây dựng FLC Faros đứng đầu danh sách với số tiền nợ gần 66 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng FLC nợ hơn 18 tỷ đồng…..

Cục thuế Hà Nội cũng đăng công khai lại 31 doanh nghiệp chây ỳ nợ hơn 209 tỷ đồng tiền thuế dù đã được công khai từ các năm trước (năm 2015, 2016 và 2017).

MTĐT

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản mới nhất, nóng nhất ngày 17/10/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới