Thứ năm, 25/04/2024 23:12 (GMT+7)

Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 6/8/2020

MTĐT -  Thứ năm, 06/08/2020 10:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/8/2020, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất dịch Covid-19 ngày 6/8 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Cập nhật dịch Covid-19 mới nhất tại Việt Nam

Bản tin 6h sáng ngày 6/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 4 ca mắc mới đều liên quan đến Đà Nẵng, trong đó tại Quảng Nam 3 ca, Hà Nội 1 ca. Việt Nam hiện có 717 bệnh nhân COVID-19

Tổng số ca mắc: 717 ca

- Tính đến 6h ngày 6/8: Việt Nam, có tổng cộng 717 ca mắc COVID-19, trong đó 309 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Số lượng ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7 đến nay: ghi nhận 268 ca.

- Tính từ 18h ngày 05/8 đến 6h ngày 06/8: ghi nhận 4 ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 170.457, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 6.717

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 23.356

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 140.384

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 381/717 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 53,1% tổng số ca bệnh COVID-19 trong cả nước.

Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.

Tính đến sáng ngày 6/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 33 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 295 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Số trường hợp tử vong: 09 ca

Cập nhật dịch Covid-19 mới nhất trên thế giới

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 18.928.799 ca, trong đó có 709.391 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 12.079.434 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 65.500 ca và 6. 139.974 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 5/8, thế giới có 146 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 88 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Ấn Độ (56.626 ca), Brazil (50.796 ca) và Mỹ (50.366 ca); trong khi đó Mỹ (1.221 ca) và Brazil (1.192 ca), Ấn Độ (919 ca) và Mexico (857 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba. Nhiều nước đã quyết định lùi thời gian mở cửa nền kinh tế, đồng thời tái áp đặt các biện pháp giãn cách.

Nhiều nước châu Âu tái áp đặt hạn chế

Hy Lạp tuyên bố siết chặt các biện pháp chống dịch sau khi số ca mắc COVID-19 mới trong nước vượt hơn 380 kể từ đầu tháng 8-2020. "Chúng tôi đang cố cảnh tỉnh người dân với các thông điệp và tuyên bố mỗi ngày về các biện pháp bổ sung", hãng tin AFP ngày 6-8 dẫn lời người phát ngôn chính phủ Hi Lạp Stelios Petsas nói.

Scotland cũng tái áp đặt hạn chế tại thành phố Aberdeen đang bùng phát các ca nhiễm mới. Các biện pháp, sẽ được đánh giá lại sau mỗi tuần. Hà Lan buộc người dân ở Rotterdam và nhiều khu vực ở Amsterdam phải đeo khẩu trang.

Thuỵ Sĩ đưa Tây Ban Nha vào danh sách buộc cách ly, trong khi đó, Đức thêm tỉnh Antwerp của Bỉ vào danh sách khu vực rủi ro, yêu cầu những người đến từ khu vực này phải cách ly 14 ngày trừ khi họ có kết quả âm tính với COVID-19.

Với số lượng ca lây nhiễm tăng kỷ lục trong những ngày gần đây, khoảng 680 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong ngày 4-8, Ba Lan sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra tại các cửa hàng và tiệc cưới, đồng thời phạt tiền nặng hơn nếu vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh. Những người vi phạm sẽ bị phạt tại chỗ lên tới 500 PLN (113 euro) và thậm chí là 30.000 PLN (6.800 euro) nếu tiếp tục tái phạm.

Nhật Bản thừa nhận làn sóng COVID-19 thứ hai nguy hiểm hơn

Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết thực trạng lây nhiễm COVID-19 tại nước này đã phát triển thành làn sóng thứ hai, xuất hiện tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Trong tuyên bố phát đi ngày 5/8, ông Nishimura - cũng là quan chức trong chính phủ phụ trách nhóm đối phó COVID-19 cho biết Nhật Bản hiện ở vào làn sóng thứ hai của đại dịch.

Tuyên bố được đưa ra tại thời điểm số ca mắc mới trong ngày tại Nhật Bản tăng mạnh kể từ trung tuần tháng 7, với thủ đô Tokyo ghi nhận mức tăng lớn nhất. Đợt bùng phát mới nhất này đã vượt lên thời kỳ dịch lây lan ở giai đoạn một.

Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura 

Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy tốc độ lây lan của dịch bệnh đang gia tăng trong thời gian gần đây tại Nhật Bản. Cụ thể, sau khi nước này phát hiện trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 16/1, tổng số ca nhiễm bệnh chỉ vượt ngưỡng 10.000 người vào ngày 16/4.

Tuy nhiên, con số này đã nhanh chóng vượt ngưỡng 20.000 vào ngày 3/7 và 30.000 vào ngày 25/7. Hiện số người mắc COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt ngưỡng 40.000.

Liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế thời đại dịch, ông Nishimura cho rằng cuộc gặp trực tuyến của các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tuần này là cơ hội tốt để gửi thông điệp ra thế giới: Đó là, thúc đẩy tự do thương mại là nhân tố quan trọng để phục hồi kinh tế từ khủng hoảng COVID-19.

Các nước đổ tiền tỉ vào vắcxin

Chính phủ Mỹ cho biết sẽ chi 1 tỷ USD để đặt cọc 100 triệu liều vắcxin phòng ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson nếu hãng này điều chế thành công.

Tập đoàn Johnson & Johnson cho biết sẽ giao vắcxin cho Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển y sinh tiên tiến (BARDA) trên cơ sở phi lợi nhuận để đưa vào sử dụng sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua. Hiện loại vắcxin mà Johnson & Johnson phát triển đang được thử nghiệm trên các tình nguyện viên ở Mỹ và Bỉ trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu.

Công ty dược phẩm Pfizer Inc và Công ty công nghệ sinh học BioNTech SE của Đức ngày 5-8 đã ký thỏa thuận cung cấp cho Canada một loại vắcxin thử nghiệm BNT162 mRNA. Việc cung cấp ứng cử viên vắcxin này dự kiến sẽ diễn ra trong cả năm 2021, tùy thuộc vào thành công lâm sàng và sự chấp thuận của Bộ Y tế Canada.

Ngoài ra, hãng điều chế vắcxin Valneva của Pháp ngày 5-8 cho biết Anh cam kết đầu tư một khoản tiền ban đầu trị giá 10 triệu bảng (13 triệu USD) để tăng cường khả năng phát triển vaccine, và dự kiến sẽ hoàn tất một gói đầu tư đầy đủ trong vài tuần tới.

Giám đốc Tài chính Valneva David Lawrence cho biết hãng này sẽ cung cấp 60 triệu liều vaccine sau khi bào chế thành công cho Anh trong nửa cuối năm 2021.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 6/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.