Thứ sáu, 19/04/2024 20:57 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 1/2/2023

MTĐT -  Thứ tư, 01/02/2023 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/2/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/2/2023 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Đề xuất xây dựng dự án Luật thuế bất động sản

Mới đây, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ xây dựng dự án Luật thuế bất động sản trình UBTVQH, bổ sung dự án Luật thuế bất động sản vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội.

Theo Báo cáo tổng hợp, rà soát nghiên cứu của Bộ Tư pháp, thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) hiện hành được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến đối với đất ở 0,03% đối với phần diện tích trong hạn mức, 0,07% đối với phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức và 0,15% đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Bộ Tư pháp cho biết, quy định trên đã khiến tỷ lệ huy động về thuế SDĐPNN là rất thấp, mức thuế suất chưa đủ lớn để điều tiết mạnh đối với người có quyền sử dụng nhiều đất đai, chưa thúc đẩy các tổ chức, cá nhân trong xã hội sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả. Đặc biệt, các mức thuế suất 0,07% và 0,15% tương ứng với diện tích đất vượt từ trên 1 lần đến 3 lần và trên 3 lần hạn mức sử dụng đất ở là thấp, chủ sử dụng đất không bị tác động nhiều từ thuế, đất không được sử dụng hết hiệu suất cho sản xuất kinh doanh, thậm chí còn bị bỏ trống, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Cũng theo Bộ Tư pháp, có rất ít quốc gia xác định ngưỡng chịu thuế theo diện tích như Việt Nam hiện nay. Việc áp dụng ngưỡng chịu thuế theo diện tích có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp; ổn định, không thay đổi theo thời giá. Tuy nhiên, phương pháp này có khả năng điều tiết cao đối với người sử dụng BĐS có giá trị không lớn, BĐS tại nông thôn giá trị thấp nhưng có diện tích vượt ngưỡng chịu thuế; trong khi đó lại không điều tiết hoặc điều tiết thấp đối với BĐS có giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng chịu thuế.

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đề xuất định hướng quy định thuế suất thuế BĐS theo hướng tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế bất động sản đảm bảo đơn giản, dễ tính toán, dễ thực hiện, thuận lợi trong công tác quản lý thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần nhằm đảm bảo mục tiêu điều tiết cao đối với trường hợp nhà, đất có giá trị lớn; điều tiết thấp đối với nhà, đất có giá trị không lớn, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của tầng lớp dân cư.

Đề xuất điều tiết thuế cao với chung cư từ 50 triệu/m2

Theo dự thảo, Bộ Tư pháp đề nghị toàn bộ diện tích đất ở sẽ phải chịu thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần; đồng thời nghiên cứu ngưỡng đánh thuế với nhà, đất ở để áp mức cao đối với bất động sản có giá trị lớn. Đặc biệt, với nhà, đất lấn chiếm, bỏ hoang, chưa đưa vào sử dụng sẽ bị áp mức thuế suất cao hơn.

Về việc bổ sung đánh thuế đối với nhà ở, Bộ Tư pháp cho rằng nhằm đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, khuyến khích sử dụng nhà ở tiết kiệm, hiệu quả... Bên cạnh đó, việc bổ sung đánh thuế đối với nhà góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

tm-img-alt
Ảnh minh họa TL

Theo Bộ Tư pháp, nhà ở được xem là một khoản đầu tư vào đất. Trên thực tế, Nhà nước khuyến khích việc xây dựng nhà ở và công trình xây dựng, tránh để đất bỏ hoang.

Do nhà ở mới được đưa vào đánh thuế nên cần nghiên cứu ngưỡng giá trị nhà tính thuế. Nguyên tắc không đánh thuế với nhà có mức đầu tư thấp (nhà tạm, nhà thiếu kiên cố, nhà bán kiên cố...). Hầu hết nhà ở nông thôn, miền núi… sẽ không bị đánh thuế. Mục tiêu là tránh gây gánh nặng thuế đối với đối tượng khó khăn, đồng thời đảm bảo quyền có nhà ở của người dân đã được quy định tại Hiến pháp.

Giá tính thuế đối với nhà ở được xác định bằng diện tích nhà tính thuế nhân (x) với giá của 1m2. Thuế suất sẽ theo biểu thuế lũy tiến từng phần với các bậc tương ứng với mức thuế suất. Đồng thời, cần quy định lộ trình áp dụng mức thuế suất theo giai đoạn kể từ ngày luật có hiệu lực nhằm đảm bảo tính khả thi và nhận được sự đồng thuận của người dân.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Mở hồ sơ thực hiện Dự án Khu đô thị thời đại hơn 9.000 tỷ đồng

Mới đây, Sở KH&ĐT tỉnh Hà Nam công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo (PL-ĐT12.22).

tm-img-alt
Một góc thành phố Phủ Lý (Hà Nam) nhìn từ trên cao hướng từ cầu Lam Hạ về trung tâm thành phố.

Dự án có diện tích khoảng 202,88 ha tại xã Tiên Tân, Tiên Hiệp và phường Lam Hạ, Quang Trung, TP. Phủ Lý. Tổng vốn đầu tư Dự án dự kiến gần 9.625 tỷ đồng, trong đó sơ bộ tổng chi phí thực hiện là 9.135 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 489,9 tỷ đồng.

Dự án có thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của cấp có thẩm quyền.

Hà Nội ủy quyền cấp phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh cho huyện

Quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố, gồm: Thủ tục cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh nằm trên địa bàn 1 huyện và địa bàn thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp huyện; thủ tục giải quyết chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước quy định tại Khoản 3, Điều 71 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

tm-img-alt
Hà Nội ủy quyền thủ tục cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh cho huyện (Ảnh: Internet)

Thành phố cũng ủy quyền cho UBND cấp huyện giải quyết thủ tục cấp giấy phép di dời đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II (công trình không theo tuyến/theo tuyến trong đô thị/tín ngưỡng, tôn giáo/tượng đài, tranh hoành tráng/theo giai đoạn cho công trình không theo tuyến/theo giai đoạn cho công trình theo tuyến trong đô thị/dự án).

Thời hạn ủy quyền các thủ tục trên kể từ ngày 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND thành phố và pháp luật về việc thực hiện nội dung ủy quyền nêu trên theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.

Trước đó, tháng 10-2022, quận Đống Đa đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội cho phép di chuyển khoảng 80 cây hoa sữa ở đường Nguyễn Chí Thanh để thay thế bằng loại cây "phù hợp hơn" nhằm hạn chế mùi hương quá nồng.

Cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đầu tư mở rộng theo hình thức nào?

Phát biểu chỉ đạo về công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại cuộc họp giao ban tháng 1/2023 chiều nay (31/1), bên cạnh yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, tăng tốc thi công các dự án đang triển khai như: cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cảng HKQT Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến việc nâng cấp, mở rộng một số tuyến cao tốc huyết mạch, trong đó có tuyến TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

tm-img-alt
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương thường gặp cảnh ùn tắc. (Ảnh: Internet)

Nêu quan điểm cụ thể về lựa chọn hình thức đầu tư nâng cấp, theo Bộ trưởng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 đã được triển khai theo theo hình thức BOT. Đối với dự án này, việc mở rộng khó còn con đường nào khác là triển khai đầu tư theo hình thức BOT.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc phân cấp cho địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục thực hiện dự án mở rộng các đoạn tuyến, dự án mở rộng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được giao cho tỉnh Tiền Giang nghiên cứu.

"Để dự án sớm được triển khai, các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT cần chủ động phối hợp, tham mưu để làm việc với địa phương và doanh nghiệp có nguyện vọng tham gia để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư", Bộ trưởng đề nghị.

Đối với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương trước đây đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định, nếu thực hiện mở rộng theo hình thức BOT sẽ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý.

“Thuận lợi nhất trong triển khai mở rộng dự án này là không phải GPMB. Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ cần nghiên cứu, tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện dự án theo phương án đầu tư công. Sau đó, có thể tiếp tục nghiên cứu cơ chế nhượng quyền thu phí”, Bộ trưởng nói.

Theo quy hoạch, tuyến TP.HCM - Trung Lương là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/h, quy mô 8 làn (2 làn khẩn cấp); tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm, mặt cắt 8 làn (2 làn xe thô sơ).

Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư 9.844 tỷ đồng được thực hiện bằng vốn Ngân sách nhà nước.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 1/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...