Thứ bảy, 20/04/2024 03:18 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/5/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 12/05/2023 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/5/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/5/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Tháo gỡ điểm nghẽn về GPMB, nguồn vật liệu xây dựng các dự án trọng điểm

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 175/TB-VPCP ngày 11-5-2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Tại Thông báo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: Đầu tư công là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng nền kinh tế, đặc biệt trong điều kiện rất khó khăn hiện nay. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, chuỗi cung ứng bị đứt gãy; cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; lạm phát trên thế giới vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ các nước lớn tiếp tục thắt chặt; một số thị trường xuất khẩu chủ yếu như Mỹ, EU giảm sút; một số ngân hàng lớn, truyền thống tại Mỹ, châu Âu phá sản, ngừng hoạt động. Ở trong nước, nhìn chung khó khăn thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, có độ mở lớn nên chịu tác động nhiều bởi diễn biến tình hình thế giới; nhiều địa phương tăng trưởng chậm do sản xuất công nghiệp, chế biến giảm.

Việc đẩy nhanh các dự án đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia về giao thông vận tải sẽ góp phần đạt nhiều mục tiêu, gồm: thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế; thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công; dự án sớm đưa vào khai thác giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, hạn chế dàn trải trong đầu tư và huy động nguồn lực; góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân khu vực có dự án; tạo không gian phát triển mới về đô thị, công nghiệp, dịch vụ…

Các dự án công trình giao thông chiếm tỷ trọng rất lớn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, đang được triển khai đồng loạt tại tất cả các vùng miền của đất nước, với hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam và Đông - Tây. Ngoài những mục tiêu nêu trên, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, hoàn thành các dự án, công trình giao thông vận tải góp phần hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 Vùng kinh tế - xã hội. Khối lượng công việc thực hiện là rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao, nỗ lực, tập trung, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, nhà thầu, tư vấn, nhất là các thành viên Ban Chỉ đạo.

Hiện nay điều kiện thời tiết đang rất thuận lợi cho thi công xây dựng, do vậy các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nỗ lực hơn nữa, cần tích cực vào cuộc, có trách nhiệm trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giảm bớt tối đa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai; không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; các vấn đề thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết, hoặc chủ động phối hợp giải quyết, không đùn đẩy trách nhiệm; lấy hiệu quả, tiến độ, thời gian làm thước đo, tuyệt đối không kéo dài thủ tục gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án; kiên quyết chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Đối với nhóm chưa duyệt dự án đầu tư, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các địa phương (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bình Phước,…) khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án đã được giao là cơ quan có thẩm quyền, chủ quản thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ các dự án đường cao tốc theo phương thức PPP; thẩm định Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2023.

Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo trong tháng 5

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo trong tháng 5 ảnh 1
Dự án đường sắt dự kiến qua khu vực Hồ Gươm.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương thẩm định Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2023.

UBND thành phố Hà Nội, TPHCM đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên để sớm đưa vào khai thác các đoạn đủ điều kiện

Với Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và các cơ quan thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 11/4. Trong tháng 5 này, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ lựa chọn nhà thầu thi công gói thầu 5.10 làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án theo yêu cầu của Quốc hội.

Bộ Xây dựng sớm có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng cho các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước ngày 12/5/2023; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc kiểm tra các điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa 03 dự án thành phần cao tốc vào sử dụng; kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong công tác công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ; khẩn trương thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước ngày 12/5. Đồng thời hướng dẫn chi tiết các địa phương thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải, bảo đảm tính khả thi và hiểu đúng khi triển khai thực hiện; hướng dẫn các địa phương việc đền bù, hỗ trợ các khu đất, công trình bị ảnh hưởng nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng trong tháng 5.

Hà Nam mời gọi đầu tư dự án khu đô thị mới gần 900 tỷ đồng

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 895,654 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 98,34 tỷ đồng. Diện tích khu đất khoảng 35,87 ha. Quy mô đầu tư Dự án gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình văn hóa - thể dục thể thao; công trình công cộng dịch vụ đô thị, thương mại dịch vụ; nghĩa trang, công trình đơn vị ở... Tiến độ thực hiện từ năm 2022 đến năm 2026.

Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án là 9 giờ ngày 15/6/2023.

Thanh Hóa gọi đầu tư hơn 618 tỷ đồng vào khu dân cư tại Thọ Xuân

Dự án được thực hiện trên khu đất có tổng diện tích sử dụng 10,81 ha, quy mô đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (san nền, giao thông, cấp điện, cấp - thoát nước…); xây thô, hoàn thiện mặt trước các công trình nhà ở chia lô, biệt thự và đầu tư hoàn chỉnh các công trình nhà văn hóa, cây xanh - thể dục thể thao. Dự án sẽ phát triển 380 căn nhà ở thương mại (336 căn nhà ở chia lô, 44 căn biệt thự) và không dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Thời gian đầu tư xây dựng dự kiến không quá 4 năm.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án trước 9 giờ ngày 12/6/2023.

Nghệ An: Đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng hơn 22.500 căn nhà ở xã hội

Thông tin từ tỉnh Nghệ An cho biết, thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, tỉnh đã đặt ra kế hoạch cụ thể để phát triển loại hình nhà ở này.

Tại Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối Các cơ quan tỉnh năm 2023.

Bà Đặng Thị Phương Lan - Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao nêu câu hỏi: Lãnh đạo tỉnh có cơ chế, chính sách nào để hỗ trợ, giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thu nhập thấp để họ tiếp tục thực hiện khát vọng cống hiến, đóng góp vào thành tích chung của tỉnh?

tm-img-alt
Bà Đặng Thị Phương Lan - Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh.

Làm rõ ý kiến đại biểu quan tâm, Ông Nguyễn Trường Giang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết:

Hiện nay, Chính phủ đã có một số chính sách ưu đãi cụ thể về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Cụ thể được miễn tiền thuế sử dụng đất, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và chính sách ưu đãi về vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, chính sách thuế thu nhập VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được điều chỉnh theo Luật Nhà ở. Vay vốn ưu đãi các dự án nhà ở chưa được triển khai đồng bộ.

Thực hiện Luật Nhà ở, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 về một số chính sách hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo các quy định, việc hỗ trợ được thực hiện qua 3 cơ chế, cụ thể: Cơ chế ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội nhằm giảm giá bán, cho thuê nhà; Tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thu nhập thấp vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê nhà ở xã hội; Cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thu nhập thấp vay vốn ưu đãi để sửa chữa, cải tạo nhà ở.

Theo đó, cơ chế ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội nhằm giảm giá bán đó là: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát địa hình, địa chất và lập quy hoạch chi tiết xây dựng dự án trên cơ sở giá trị dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng theo đơn giá bồi thường của Nhà nước sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% khối lượng san lấp mặt bằng, trên cơ sở thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án. Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư 80% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện chiếu sáng công cộng, sân bãi, đường nội bộ, cây xanh) trong phạm vi dự án nhà ở xã hội, trên cơ sở thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án. Ngân sách tỉnh đầu tư đường giao thông, hệ thống thoát nước đến hàng rào dự án.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 7 dự án nhà ở xã hội dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thu nhập thấp với 836 căn hộ.

Hà Tĩnh mời gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào các dự án trọng điểm

Tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư có năng lực đến tìm hiểu, khảo sát và nghiên cứu đầu tư một số dự án trọng điểm về phát triển đô thị, du lịch, thể thao như: Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam; Các Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn tại Thiên Cầm, Cẩm Dương, Kỳ Nam, Kỳ Ninh, Văn Trị; Khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam của huyện Thạch Hà; Các Khu đô thị mới trên địa bàn TP Hà Tĩnh…

Tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm như: Tổ hợp nhà máy tinh chế thép (Sản xuất thép tấm, thép cán nguội, tráng/mạ thép, thép ống, thép hình), Nhà máy cơ khí chế tạo máy móc (thiết bị động lực, thiết bị nâng hạ); Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện ô tô, Nhà máy chế tạo và sửa chữa đầu máy, toa xe - công nghiệp đường sắt, Nhà máy đóng các loại tàu cá bằng sắt thép; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III - Nhiệt điện khí LNG và các dự án điện gió, điện mặt trời khác.

tm-img-alt
Cảng Vũng Áng

Riêng các dự án hạ tầng công nghiệp dịch vụ, Hà Tĩnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) trong khu kinh tế Vũng Áng, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, KCN Gia Lách, KCN Bắc Hồng Lĩnh, KCN Bắc Thạch Hà, KCN phía Tây TP Hà Tĩnh, KCN Hạ Vàng và các cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Về phát triển dịch vụ logistic, tỉnh đã quy hoạch các trung tâm logistics tại cảng Sơn Dương, KKT Vũng Áng, KKT cửa khẩu Cầu treo và huyện Đức Thọ.

Vũng Áng cũng là nơi hội tụ của hai trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm, một trong ba đô thị trung tâm và là một trong ba hành lang kinh tế. Vì vậy, tỉnh cần tập trung nguồn lực hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối giữa hệ thống cảng Vũng Áng, Sơn Dương với các tuyến đường giao thông trọng điểm; đồng thời kêu gọi, ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực để triển khai dự án đầu tàu, dẫn dắt, tạo sức lan tỏa cho kinh tế tỉnh nhà cùng phát triển.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư tới đây, ngoài 30 dự án kêu gọi đầu tư đã được đã phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh nêu trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh bổ sung vào danh mục hơn 80 dự án kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực như: bất động sản, du lịch; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại - dịch vụ; nông nghiệp; một số lĩnh vực khác.

Bổ sung các hạng mục đảm bảo ATGT tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Theo Bộ GTVT, sau khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác ngày 29/4/2023, các cơ quan, đơn vị liên quan đề nghị một số nội dung nhằm nâng cao và bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc tại nút giao đường nối cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với QL1A tại Km 1717+593 (nút giao Ba Bàu - Hàm Thuận Nam).

Để đảm bảo ATGT và tổ chức giao thông tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được ổn định, thông suốt, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư) khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương hoàn thành các hạng mục công trình của dự án, đặc biệt là các hạng mục về ATGT theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt để sớm hoàn thành công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Ban QLDA Thăng Long cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát để cập nhật, điều chỉnh các hạng mục ATGT tại các vị trí nút giao và tuyến đường nhánh nối từ đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với đường QL1A, nghiên cứu ý kiến của Công an tỉnh Bình Thuận tại để có giải pháp phù hợp tăng cường ATGT, hạn chế ùn tắc giao thông (biển hạn chế tốc độ, gờ giảm tốc, đèn tín hiệu giao thông,...) đáp ứng nhu cầu đi lại của người tham gia giao thông trên tuyến cao tốc mới được đưa vào khai thác.

Do dự án đang trong giai đoạn xây dựng, Ban QLDA Thăng Long chỉ đạo nhà thầu xây dựng có trách nhiệm quản lý, vận hành và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đường bộ của Trung ương và địa phương (tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai) bố trí đủ lực lượng tham gia điều tiết, hướng dẫn người tham gia giao thông tiếp cận làm quen với tuyến đường cao tốc mới được đưa vào khai thác; ưu tiên bố trí lực lượng tập trung trực chốt tại các nút giao, đường ngang và các lối ra vào của tuyến cao tố.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua địa phận 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỷ đồng.

Thu phí đậu xe dưới lòng đường ở TP.HCM bằng hình thức ETC gặp khó

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã có kiến nghị gửi tới Bộ GTVT về việc thu phí đỗ xe ở các tuyến đường tại TP.HCM theo hình thức ETC.

Sở GTVT TP cho biết hiện nay Công ty TNHH MTV DVCI Thanh niên xung phong được UBND TP giao nhiệm vụ quản lý đỗ xe và thu phí tại 20 tuyến đường thuộc địa bàn TP.

tm-img-alt
TP.HCM muốn thu phí theo hình thức ETC cho hơn 20 tuyến đường có thu phí, song cần được hướng dẫn. Ảnh: Đào Trang 

Người đỗ xe thanh toán phí qua ví điện tử, thẻ thanh toán nội địa, quốc tế tích hợp trên ứng dụng MyParking.

Từ tháng 5-2019 đến nay, Công ty TNHH MTV DVCI Thanh niên xung phong đề xuất thực hiện giải pháp bằng công nghệ tài khoản giao thông thu phí ETC (hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện đỗ xe và trừ tiền vào tài khoản giao thông).

Để thực hiện, các đơn vị đầu tư cần cải tiến phần mềm, trang bị phần cứng (bộ đọc thẻ Etag cầm tay cho nhân viên thu phí) để thu phí đỗ xe qua tài khoản thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí.

Tuy nhiên, Sở GTVT TP cho rằng theo Khoản 8, Điều 3, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg quy định: “Tài khoản thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ là tài khoản của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng”.

Do đó, GTVT TP nhận thấy việc đề xuất sử dụng tài khoản giao thông thu phí ETC để thu phí đỗ xe là chưa phù hợp với Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP kiến nghị Bộ GTVT hướng dẫn về sự phù hợp của nội dung đề xuất của Công ty TNHH MTV DVCI Thanh niên xung phong. Theo đó, để đơn vị này được thu phí đỗ xe qua tài khoản thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí là Công ty TNHH thu phí tự động VETC" so với Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong trường hợp không phù hợp quy định, Sở GTVT TP kiến nghị Bộ GTVT chỉ trì tham mưu Chính phủ xem xét chấp thuận thí điểm thu phí đỗ xe qua tài khoản thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ hiện nay.

Bình Dương đề xuất đầu tư hơn 45 km cao tốc TP.HCM - Chơn Thành

Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn chấp thuận giao Tổng công ty Becamex IDC là nhà đầu tư đề xuất dự án để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Theo phương án được kiến nghị, giai đoạn 1 dự án gồm hai đoạn tuyến. Trong đó, đoạn từ Vành đai 3 - Cầu Khánh Vân (dài khoảng 7,7 km) giữ nguyên hiện trạng đã được đầu tư thuộc dự án ĐT.743 và ĐT.747B, tổng bề rộng nền từ 36 - 38m.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Đoạn từ cầu Khánh Vân đến Chơn Thành (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 45,6 km, đoạn qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 7,1 km) được đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp suốt tuyến. Công tác GPMB được thực hiện với quy mô hoàn thiện, lộ giới 60m. Trên đoạn tuyến cũng sẽ được bố trí đoạn đường gom không liên tục dài khoảng hơn 9 km.

Về phương thức đầu tư, UBND tỉnh Bình Phước triển khai đoạn qua địa bàn tỉnh bằng 1 dự án riêng theo phương thức đầu tư công, ngân sách TƯ hỗ trợ bố trí để đầu tư xây lắp và GPMB. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng gần 1.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB khoảng 400 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bình Dương triển khai đầu tư đoạn từ cầu Khánh Vân đến ranh tỉnh Bình Dương - Bình Phước theo phương thức đầu tư công và đối tác công - tư.

Với đoạn tuyến này, phần GPMB có tổng mức đầu tư khoảng hơn 7.300 tỷ đồng thực hiện theo phương thức đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách TƯ hỗ trợ.

Phần xây dựng công trình có tổng mức đầu tư xây dựng hơn 8.800 tỷ đồng thực hiện theo phương thức PPP.

Trên cơ sở nhận được sự thống nhất của Bộ GTVT về phương án phân kỳ đầu tư và Bộ Kế hoạch - Đầu tư về khả năng cân đối ngân sách TƯ, để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, tránh tăng chi phí, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án từ đường Vành đai 3 TP.HCM đến ranh tỉnh Bình Dương - Bình Phước với phương án và phương thức đầu tư như đề xuất.

Đồng thời, giao đơn vị, địa phương có đủ điều kiện thẩm quyền làm chủ đầu tư thực hiện đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước theo phương thức đầu tư công.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...