Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 1/3/2023
Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/3/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/3/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Đề nghị cân đối vốn đầu tư sớm cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) về việc đầu tư xây dựng tuyến đường Bắc Kạn - Cao Bằng.
Văn bản cho biết, tỉnh Bắc Kạn thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, điều kiện KT-XH còn khó khăn, là tỉnh nằm sâu trong nội địa, không có cửa khẩu, không có đường biên giới; kết nối giao thông đến tỉnh Bắc Kạn hiện nay chỉ thông qua duy nhất bằng phương thức vận tải đường bộ (chủ yếu qua các tuyến QL3 và QL279) nên cần tiếp tục ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông tốc độ cao, hiện đại kết nối với tỉnh Bắc Kạn.
Dự án đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng được đầu tư xây dựng sẽ kết nối Bắc Kạn với các cửa khẩu quan trọng của tỉnh Cao Bằng (Trà Lĩnh, Tà Lùng) và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; liên thông với tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tạo hành lang phát triển kinh tế để kết nối Bắc Kạn với các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, hỗ trợ phát triển KT-XH gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hướng tới hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuyến đường được đầu tư xây dựng sẽ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được phê duyệt, phát huy hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn, Đồng Đăng - Trà Lĩnh và thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương.
Hiện nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí cho Bộ GTVT đã cân đối đầu tư cho các dự án chuyển tiếp, các tuyến cao tốc cấp bách nên không thể cân đối đầu tư tuyến cao tốc này trong giai đoạn đến năm 2025.
Tuy nhiên, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, dài 90km, quy mô 4 làn xe, lộ trình đầu tư sau năm 2030; quy hoạch cũng xác định, trường hợp địa phương huy động được nguồn lực báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư sớm hơn.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ KHĐT rà soát nhu cầu đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực của địa phương và khả năng hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương tham gia đầu tư.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Dự kiến đầu tư hơn 8.000 tỷ để mở rộng cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Lào Cai liên quan đến việc đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai.
Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc với chiều dài 264 km, đã được đưa vào khai thác từ năm 2014 với quy mô 4 làn xe đoạn Nội Bài - Yên Bái; 2 làn xe đối với đoạn Yên Bái - Lào Cai.
Hiên nay, đoạn Yên Bái - Lào Cai lưu lượng phương tiện đang tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì vậy, để khai thác đồng bộ quy mô toàn tuyến, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với quy hoạch và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.12.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 việc mở rộng cao tốc là cần thiết.
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai vào cuối tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu phương án huy động vốn, hình thức đầu tư để tiếp tục mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên quy mô 4 làn xe.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để nghiên cứu huy động vốn, triển khai đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe, khai thác đồng bộ với đoạn Nội Bài - Yên Bái. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ vơi UBND tỉnh Lào Cai, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong quá trình đầu tư dự án.
Bộ GTVT nêu lý do tiến độ thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chậm
Bộ GTVT vừa có văn bản số 1828/BGTVT-CCPN gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Long gửi tới sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
“Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (đoạn đi qua khu vực xã Thuận An), vì công trình thi công làm đường bị hư hỏng, gây khó khăn cho việc đi lại và ảnh hưởng đến kinh tế của người dân”, nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 (Dự án) được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1170/QĐ-TTg ngày 17/6/2020, Dự án được triển khai thi công từ đầu năm 2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2023.
Tuy nhiên việc chậm bàn giao mặt bằng của các địa phương đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai do tuyến đi qua khu vực nền đất yếu cần phải có đủ thời gian chờ lún (đến hết tháng 7/2022 mới hoàn thành bàn giao mặt bằng tuyến chính và hiện vẫn còn vướng 25m tại nút giao QL.80).
Bộ GTVT đang chỉ đạo các nhà thầu quyết liệt thi công, hiện đã hoàn thành công tác đắp gia tải nền đường, hoàn thành thi công các cầu trên tuyến chính, các gói thầu đang thực hiện công tác quan trắc lún.
“Trường hợp thuận lợi, lún nền đường phù hợp với dự báo của hồ sơ thiết kế, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2023”, Bộ GTVT thông tin.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
TP.HCM kiến nghị áp dụng hệ số K cho tất cả các dự án
Theo UBND TP.HCM, hiện nay trong quá trình xác định, thẩm định, quyết định giá đất để thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai và tính bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ngành thực hiện đúng luật Đất đai 2013, Nghị định số 44 và các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên khi áp dụng trong tình hình thực tiễn thì có một số bất cập, đặc biệt là việc thu thập thông tin và kiểm tra thông tin về giá giao dịch thật của bất động sản trên thị trường rất khó khăn, do việc giao dịch bất động sản theo luật Thẩm định tại TP.HCM chưa minh bạch như các nước phát triển.
Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định phải lập kế hoạch định giá đất cụ thể để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, trên cơ sở đó tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo hình thức đấu thầu. Nhưng lập kế hoạch không thể thực hiện được vì việc xây dựng kế hoạch mang tính dự báo vừa khoa học vừa bám sát thực tiễn vô cùng nan giải.
Đồng thời, việc tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo hình thức đấu thầu gặp nhiều khó khăn, bất cập, chồng chéo của pháp luật dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Trong khi đó, việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn nhiều vướng mắc và hạn chế. Hiện nay, Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền ban hành các phương pháp thẩm định giá.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Đề xuất chi 1.100 tỷ mở rộng đường dẫn cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây
Theo Sở Giao thông Vận tải, tuyến TP. HCM - Dầu Giây dài hơn 55km đã khai thác từ năm 2016 với quy mô 4 làn xe. Hiện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã xây dựng phương án mở rộng cao tốc này đoạn từ sau nút giao An Phú tới nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Trong đó, VEC kiến nghị giao UBND TP. HCM đầu tư mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú tới đường vành đai 2 vì đây là đường trong đô thị, đang thuộc thẩm quyền quản lý của TP. HCM.
Đoạn đường dẫn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 có chiều dài 3,7km. Để đồng bộ với nút giao An Phú đã khởi công cuối năm 2022, dự án dự kiến khởi công quý II/2025, hoàn thành năm 2027 với vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng 36m, 8 làn xe, tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.123 tỷ đồng.
Về phương thức đầu tư, đường dẫn cao tốc đang thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản thống nhất theo đề xuất của VEC kiến nghị giao UBND TP. HCM thực hiện.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
T.Anh