Thứ năm, 18/04/2024 22:16 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 14/4/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 14/04/2023 16:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/4/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/4/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Bộ GTVT yêu cầu công khai giá cước vận tải dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc các Sở GTVT địa phương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe.

Cùng với đó, có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, đúng số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh, dịch Covid-19.

"Kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện", Bộ GTVT yêu cầu.

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị niêm yết các thông tin theo quy định, đặc biệt phía trong khoang hành khách của phương tiện chở khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng.

tm-img-alt
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn vận tải trong dịp lễ tới đây. (Ảnh: Internet)

Tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật ATGT, đã uống rượu bia thì không lái xe, hướng dẫn thực hiện quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông an toàn trên đường cao tốc, đường đèo dốc,...

Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các Sở GTVT quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe...) thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT xe ô tô.

Chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Sở GTVT Hà Nội, TP. HCM và một số địa phương có nhiều "xe dù, bến cóc", xe quá tải hoạt động để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Hơn 260km cao tốc Bắc-Nam sẽ được Bộ GTVT chỉ đạo các nhà thầu hoàn thành trước 30/4

Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các Ban quản lý dự án, nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, thi công 3 ca, 4 kíp để đưa vào khai thác tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 (dài 63,4km), Vĩnh Hảo-Phan Thiết (dài 100,8km) và Phan Thiết-Dầu Giây (dài 99km) trước ngày 30/4 tới đây.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết các đơn vị nhà thầu của 3 dự án cao tốc nêu trên đang khẩn trương hoàn thiện nốt hạng mục như thảm nhựa mặt đường, lắp dải phân cách, tôn lượn sóng, lưới chống chói, biển báo, sơn kẻ đường, hoàn thiện phần lề, mái taluy… nhằm đưa công trình về đích đúng hạn.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, kịp thời xử lý các chậm trễ trong thi công, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ 6 dự án thành phần còn lại (Đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, cầu Mỹ Thuận 2) trong năm nay.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, 12 địa phương có dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua đã bàn giao mặt bằng 579/721,2km (đạt 80,2%).

14 địa phương là cơ quan chủ quản (gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu) 3 cao tốc trục ngang (cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng) và 2 đường vành đai (Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh) đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án đền bù. Thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hậu Giang đã tiến hành chi trả, bàn giao mặt bằng.

Đánh giá công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn của các dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận dù các địa phương đã nỗ lực thực hiện, bàn giao đáp ứng tiến độ nhưng mặt bằng bàn giao còn chưa liên tục, vẫn vướng một số vị trí tiếp cận thi công, ảnh hưởng đến thi công.

Ngoài ra, một số công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng nhưng ảnh hưởng đến khai thác đường cao tốc cần phải hỗ trợ di dời, tuy nhiên các quy định pháp luật, các hướng dẫn chưa có gây khó khăn cho các địa phương khi thực hiện.

Tháng 6/2023, khởi công đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 6/2023.

Dự án được triển khai với 3 gói thầu xây lắp chính. Hiện, Ban Quản lý đang triển khai các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán các gói thầu xây lắp, chuẩn bị mặt bằng... để tổ chức đấu thầu, khởi công dự án.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Dự án này được triển khai với mục tiêu hình thành tuyến đường theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam trung tâm thành phố.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 3,4km, điểm đầu giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (lý trình Km184+100), điểm cuối giao với Vành đai 3 (lý trình Km169+100), mặt cắt ngang nền đường điển hình 60m. Tổng diện tích sử dụng đất khoảng 31,05ha.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có Tờ trình lên Ủy ban Nhân dân thành phố về việc đầu tư xây dựng đường nối cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ với Vành đai 3 để giảm thiểu ùn tắc cho nút giao giữa hai tuyến đường này.

Hải Phòng kiểm tra, xử lý xe trốn phí BOT trạm Tiên Cựu

Trước đó, theo phản ánh của người dân, để trốn phí qua trạm BOT Tiên Cựu, mỗi ngày có hàng nghìn ô tô các loại được các tài xế điều khiển chạy vào đường liên thôn thuộc các xã Đại Thắng, Tiên Cường (huyện Tiên Lãng).

tm-img-alt

Hải Phòng kiểm tra, xử lý xe trốn phí BOT trạm Tiên Cựu (Ảnh: Internet)

Tình trạng trên không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông dân sinh của người dân địa phương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, hủy hoại các tuyến đường giao thông nội vùng vốn được thiết kế chịu tải thấp, mà còn gây thất thoát nặng nề cho trạm thu phí Tiên Cựu.

Cũng theo người dân, tình trạng trên diễn ra đã một thời gian dài, được người dân phản ánh tới các cấp chính quyền, ngành liên quan, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đã yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng khẩn trương vào cuộc, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng nêu trên theo quy định của pháp luật.

Thị xã Kỳ Anh sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh năm 2025

Theo đó, đến năm 2030, Hà Tĩnh có hai đô thị loại II (TP Hà Tĩnh và TP Kỳ Anh), hai đô thị loại III (Thị xã Hồng Lĩnh và thị trấn Đức Thọ), 12 đô thị loại IV và 18 đô thị loại V. Trong đó, có 18 đô thị được quy hoạch mới.

Không gian phát triển đô thị được phân theo ba trục chính, gồm chuỗi đô thị dọc theo quốc lộ 1 và đường ven biển gồm các đô thị hạt nhân là TP Hà Tĩnh, TP Kỳ Anh và TX Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Xuân An, thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân và vùng phụ cận; nghiên cứu mở rộng không gian đô thị và địa giới hành chính TP.Hà Tĩnh để đảm bảo điều kiện phát triển thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung bộ.

Chuỗi đô thị dọc theo quốc lộ 8 gồm các đô thị động lực Nước Sốt, Tây Sơn, Phố Châu, Nầm, Đức Thọ, Lạc Thiện, Tam Đồng, Hồng Lĩnh, Xuân An, Tiên Điền, Nghi Xuân; TX Hồng Lĩnh là đô thị hạt nhân, gắn với thị trấn Xuân An, Tiên Điền, Nghi Xuân và vùng phụ cận để trở thành thành phố phía bắc của tỉnh sau năm 2030.

Chuỗi đô thị dọc đường Hồ Chí Minh gồm Phố Châu, Vũ Quang, Phúc Đồng, Hương Khê, Hương Trà, La Khê, Tây Sơn.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 dự kiến đạt 45%, hạ tầng các đô thị được đầu tư đồng bộ, hình thành các khu đô thị thông minh.

18 đô thị hình thành mới có một đô thị loại IV và 17 đô thị loại V, bao gồm Đô thị Kỳ Phong (Voi); Đô thị Kỳ Đồng; Đô thị Kỳ Trung; Đô thị Kỳ Xuân; Đô thị Kỳ Lâm; Đô thị Hương Trà; Đô thị Phúc Đồng; Đô thị La Khê; Đô thị Nầm; Đô thị Nước Sốt; Đô thị Tam Đồng (Ngã tư Trổ); Đô thị Lạc Thiện; Đô thị Đức Đồng; Đô thị Việt Tiến; Đô thị Nghi Xuân; Đô thị Xuân Thành; Đô thị Cương Gián và Đô thị trong các khu kinh tế. Trong đó, Đô thị Nghi Xuân sẽ là đô thị loại IV.

tm-img-alt
Quang cảnh thị xã Kỳ Anh ( tỉnh Hà Tĩnh)

Về quy hoạch vùng động lực phát triển, TP Hà Tĩnh sẽ là đô thị cấp vùng, hỗ trợ cho sự phát triển vùng liên tỉnh; trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, dịch vụ, khoa học - công nghệ, du lịch, đầu mối giao thông, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

TX Kỳ Anh với trọng tâm Khu kinh tế Vũng Áng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ phía Nam Hà Tĩnh; tập trung phát triển công nghiệp luyện thép, chế biến, chế tạo sau thép, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và du lịch nghỉ dưỡng.

TX Hồng Lĩnh gắn với huyện Nghi Xuân là trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh, kết nối với các địa phương lân cận để khai thác tiềm năng phát triển, với các ngành mũi nhọn là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch

Dự án đô thị xanh Thừa Thiên Huế: Loạt gói thầu chậm tiến độ, nguy cơ bị cắt vốn

Tiểu dự án Thừa Thiên Huế có tổng mức đầu tư hơn 1.617 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA là hơn 1.353 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh Thừa Thiên Huế gần 264 tỷ đồng. Dự án gồm có 10 gói thầu xây lắp.

Trong đó, Gói thầu số 24 (HU-CW03) Hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành; nạo vét và kè hồ kinh thành; chỉnh trang và xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba đang rất ì ạch. Gói thầu được khởi công từ tháng 4/2021, do Công ty CP Xây dựng và Thương mại 299 (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội) thực hiện với giá trúng thầu 204,438 tỷ đồng; hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, thời hạn thực hiện hợp đồng 36 tháng. Hiện Nhà thầu đang triển khai thi công 14 tuyến đường, 4 hồ (Phong Trạch, Cây Mưng, Tiền Bảo và hồ Vuông) và kè Đông Ba. Các công trình đều dang dở.

Nhà thầu nhiều lần bị cảnh báo về tiến độ thi công tại Dự án đô thị xanh Thừa Thiên Huế. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nhà thầu nhiều lần bị cảnh báo về tiến độ thi công tại Dự án đô thị xanh Thừa Thiên Huế. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

“Gói thầu đã bị chậm hơn 1 năm, đến cuối tháng 3/2023 mới quyết toán hơn 87,8 tỷ đồng, đạt hơn 39% giá trị hợp đồng”, ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II thông tin. Ngoài nguyên nhân “cố hữu” về mặt bằng, ông Việt cho biết, Nhà thầu đang thiếu cả về nhân lực và thiết bị. Cụ thể là thiếu chỉ huy công trường; máy lu, máy đào, xe tưới nước mặt đường, chuyền thảm bê tông nhựa không đáp ứng…

Cùng hoàn cảnh “chậm sâu” là Gói thầu số 27 (HU-CW06) Đường Bùi Thị Xuân và đường Huyền Trân Công Chúa do Liên danh Công ty CP Thành Đạt (trụ sở tại Thừa Thiên Huế) - Công ty CP Xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công, với tổng giá trị hợp đồng hơn 89 tỷ đồng, thời hạn thực hiện hợp đồng là 36 tháng. Gói thầu này được khởi công xây dựng tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành trong tháng 8/2023, nhưng mới chỉ đắp đất nền một số đoạn, thi công một số cống ngang trên tuyến, đúc dầm cầu. Đoạn từ đường Bùi Thị Xuân đến đường Lê Ngô Cát dài hơn 1,9 km chưa triển khai thi công. “Tổng giá trị thực hiện lũy kế đến cuối tháng 3/2023 mới đạt gần 5,8 tỷ đồng, đạt 6,5% giá trị hợp đồng”, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Ngoài các gói thầu trên, Gói thầu số 28 (HU-CW07) Nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ và đường 100 m nối 2 khu đô thị A và B Khu đô thị mới An Vân Dương do nhà thầu Công ty CP 479 Hòa Bình (trụ sở tại Nghệ An) thi công đã “án binh bất động” 4 tháng nay. Gói thầu có giá trị 109,51 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 7/2021, thời hạn thực hiện hợp đồng 30 tháng. Đến nay đã qua 26 tháng nhưng trên công trường trơ trọi các trụ cầu đang đúc dở, đường dẫn và mố cầu Bắc - Nam vướng mặt bằng nên công tác thi công “đứng hình”.

Trước thực trạng chậm tiến độ, rủi ro cao bị cắt vốn tại một số gói thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II đã phát văn bản lần thứ 4 cảnh báo đối với Công ty CP Xây dựng và Thương mại 299 và một số nhà thầu khác, yêu cầu khẩn trương huy động bổ sung nhân lực, vật lực để thi công bù khối lượng theo hợp đồng; tăng cường cán bộ kỹ thuật, nghiệm thu công việc, kiểm tra, kiểm soát khối lượng các đợt nghiệm thu thanh quyết toán kịp thời. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý Công ty CP Xây dựng 68 Hà Tĩnh theo hướng chấm dứt hợp đồng do đã cảnh báo, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không tổ chức thi công phần việc 1,9 km thuộc Gói thầu số 27 và cho phép chỉ định nhà thầu tiếp tục thi công khối lượng công việc còn lại.

Lùi thời gian hoàn thành thi công tuyến Metro số 1 TPHCM

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.

Theo quyết định được ký vào chiều 12/4, TP.HCM ấn định thời điểm hoàn thành thi công tuyến Metro 1 vào cuối quý IV/2023.

Thời gian kết thúc dự án từ 2024 - 2028. Thời gian thông báo khiếm khuyết (bảo hành công trình xây dựng) của các nhà thầu kéo dài từ năm 2024 đến hết năm 2025, thời gian hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng sẽ kéo dài từ năm 2024 đến hết năm 2028.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) được giao chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, tính chính xác số liệu, tài liệu trong hồ sơ trình.

tm-img-alt
Đoàn tàu Metro số 1 TPHCM chạy thử nghiệm đoạn trên cao vào tháng 12/2022. (Ảnh: Internet)

MAUR phải tổ chức thực hiện dự an theo đúng quy định pháp luật, đúng tiến độ được phê duyệt, đảm bảo hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội; xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các công việc còn lại theo đúng yêu cầu tiến độ; phân tích các rủi ro, thời gian dự phòng trong trường hợp không hoàn thành theo đúng tiến độ.

Ban quản lý Đường sắt đô thị phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án, có giải pháp đảm bảo phòng ngừa rủi ro về nguồn vốn trong trường hợp thực hiện các hạng mục chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 14/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.