Thứ sáu, 19/04/2024 05:40 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/4/2023

MTĐT -  Thứ hai, 17/04/2023 17:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 17/4/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 17/4/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Điều gì đang diễn ra tại hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước?

Điều gì đang diễn ra tại hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước?

Ảnh tư liệu: Hoàng Huy.

Tại thị trường Hà Nội, theo số liệu được CBRE công bố, có khoảng 2.000 căn hộ chung cư mở bán mới trong quý đầu tiên của năm 2023, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lượng mở bán thấp nhất theo quý trong 3 năm qua.

Cơ cấu sản phẩm mở bán tiếp tục tập trung ở phân khúc cao cấp và trung cấp. Trong khithị trường thứ cấp, giá bán trung bình dù tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức tăng theo năm của5quý trước đó (tăng 5 - 15% theo năm).

Mức giá không chênh lệch nhiều so với quý trước, cho thấy thời điểm giá bán thứ cấp bắt đầu chững lại.Đáng chú ý, tại một số khu đô thị nằm xa trung tâm, giá bán một số phân khu ghi nhận giảm 3 - 8% theo quý.

Còn tại TP HCM, số liệu từ Savills cho thấy, trong quý I/2023, nguồn cung căn hộ giảm 25% so với cùng kỳ, xuống còn 1.610 căn. Lượng bán căn hộ tiếp đà giảm 38% theo quý và giảm 71% theo năm xuống còn 865 căn, trong đó nguồn cung mới chiếm 43% thị phần.

Tỷ lệ hấp thụ theo quý còn 13%, giảm 4% so với quý trước đó và 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong quý đầu tiên của năm 2023, giá căn hộ giảm nhờ vào các dự án mới có giá cạnh tranh và việc chủ đầu tư chiết khấu cho khách hàng. Trừ Hạng A giữ ở mức ổn định thì giá căn hộ Hạng B giảm 2%, trong khi Hạng C giảm 10% theo quý.

>>> Xem thêm đầy đủ TẠI ĐÂY

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu xem xét nới lỏng cho vay bất động sản trong tháng 4

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 133 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP  ngày 11/3/2023; đồng thời làm cơ sở để các địa phương xác định, công bố các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.

Xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng (công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại), thanh khoản của thị trường làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xem xét nới lỏng các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có rủi ro ban hành trong tháng 4/2023.

Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn về việc áp dụng quy hoạch khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. (Internet)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, góp phần phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trước 25/4/ 2023; chỉ đạo các ngân hàng thương mại căn cứ vào danh mục dự án, đối tượng, điều kiện tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 để áp dụng điều kiện cho vay và lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc: chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bất động sản, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư bãi bỏ hình thức hợp đồng BT.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Lập đề xuất đầu tư 8 dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ khu vực phía Bắc

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với 8 dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh kết nối giữa cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tỉnh Phú Thọ); dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15 đoạn từ Km 0+00 - Km 20+00 (tỉnh Hòa Bình); dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 12B đoạn qua tỉnh Hòa Bình.

Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa Quốc lộ 10 và ĐH31 và dự án nâng cấp, mở rộng cầu vượt B49 qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên Quốc lộ 10 (thành phố Hải Phòng); dự án nâng cấp Quốc lộ 34 đoạn từ Đèo Mã Phục - tránh thị trấn Trà Lĩnh đến cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Km247 - Km265) và dự án nâng cấp Quốc lộ 4A đoạn từ thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh đến thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng); dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 37 đoạn từ Km 77+850 - Km 93+839 (tỉnh Hải Dương).

Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tận dụng toàn bộ các kết quả đã nghiên cứu (nếu có) để tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án.

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, để triển khai yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, Cục đã có quyết định giao Ban Quản lý dự án 3 lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nêu trên, hoàn thành, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam trong tháng 4/2023.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Với 2 dự án trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Sở Giao thông Vận tải địa phương cho biết: Quốc lộ 34 đoạn từ Đèo Mã Phục - tránh thị trấn Trà Lĩnh vào đến cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh về cơ bản đoạn tuyến không đáp ứng nhu cầu vận tải, làm giảm khả năng khai thác, là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuyến đường được sử dụng từ lâu, nhiều đoạn bán kính đường cong nằm nhỏ, khuất tầm nhìn, cầu hẹp, cục bộ một số vị trí mất an toàn giao thông cho các phương tiện khổ lớn như xe tải, xe container, xe chở khách.

Từ đây, Sở GTVT Cao Bằng đề xuất đầu tư hơn 600 tỷ đồng nâng cấp đoạn tuyến này (18km) đạt quy mô đường cấp III miền núi.

Sắp khởi công đường kết nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 Hà Nội

Dự án được triển khai với 3 gói thầu xây lắp chính. Hiện, Ban đang triển khai các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán các gói thầu xây lắp, chuẩn bị mặt bằng... để tổ chức đấu thầu, khởi công dự án. Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.241 tỷ đồng từ ngân sách TP Hà Nội.

Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ nay đến năm 2025. Quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 có chiều dài khoảng 3,4km (tính cả chiều dài các nút giao); bề rộng mặt cắt ngang đường chính 60m (bao gồm 6 làn xe cơ giới 3,5m, 2 làn xe hỗn hợp tại 2 đường đô thị song hành 7m, dải phân cách giữa, phân cách bên, vỉa hè hai bên).

tm-img-alt
Dự án được triển khai với 3 gói thầu xây lắp chính.  (Ảnh: Internet)

Dự án bao gồm các hạng mục: Giải phóng mặt bằng và di chuyển công trình ngầm, nổi trong phạm vi xây dựng dự án; Xây dựng nền đường, xử lý nền đất yếu, mặt đường, hè đường cây xanh; Nút giao, công trình cầu, cống, rãnh thoát nước, kênh mương hoàn trả, tường chắn, điện chiếu sáng, tổ chức an toàn giao thông và một số công trình phụ trợ khác.

Theo Sở GTVT Hà Nội, việc hình thành tuyến đường theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam trung tâm thành phố.

Bộ Xây dựng yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn vừa ký Quyết định số 319/QĐ-BXD ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy theo Chỉ thị số 01/CT–TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

Bộ Xây dựng yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới
Ảnh minh họa (nguồn: TL).

Kế hoạch của Bộ Xây dựng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình về cứu nạn, cứu hộ và phòng cháy, chữa cháy phù hợp với điều kiện thực tiễn, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và năng lực quản lý, năng lực sản xuất của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng thời, chú trọng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhất là tại các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Đặc biệt, xây dựng thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương, xây dựng mạng lưới giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đáng chú ý, Kế hoạch của Bộ Xây dựng nhấn mạnh, tất cả các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo Bộ Xây dựng, việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ, đúng quy định; phân công, xác định rõ nhiệm vụ của các đơn vị; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình trong triển khai các nhiệm vụ được giao.

Kế hoạch của Bộ Xây dựng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng có liên quan nghiêm túc thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường để tổng hợp...

Quảng Bình: Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh với ba trung tâm đô thị

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Quảng Bình bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Quảng Bình và phần không gian biển.

Quyết định nêu rõ phạm vi, ranh giới quy hoạch của tỉnh; quan điểm, mục tiêu và các định hướng lớn tạo đột phá phát triển. Trong đó, giai đoạn 2021-2030, mục tiêu tổng quát là bảo đảm kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng tỉnh Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động khu vực miền Trung.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là nền kinh tế năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây (hướng ra biển). Phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; định vị Quảng Bình là điểm đến hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú, nơi nghỉ dưỡng và giải trí thể thao cao cấp gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng GRDP bình quân từ 8,4 – 8,8%/năm; cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP gồm: ngành công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 38,0 – 38,5%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 45,0 – 45,5%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12,5 – 13,0%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 3,5 – 4,0%.

tm-img-alt
Một góc thành phố Đồng Hới, Quảng Bình

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 14 – 14,5%/năm; dịch vụ tăng bình quân 7,5 – 8%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,5 – 4%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ đạt khoảng 375 – 425 nghìn tỉ đồng. Thu ngân sách đạt khoảng 13 nghìn tỉ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 145 – 150 triệu đồng. Tổng số khách du lịch đến Quảng Bình: Khoảng 10 triệu lượt khách. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 25%.

Về các mục tiêu xã hội, xác định tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 0,6%/năm. Đến năm 2030, dân số tỉnh đạt khoảng 960 nghìn người; dân số trong độ tuổi lao động khoảng 540 nghìn người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt trên 75%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36%. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên tổng số lao động đạt trên 65%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cơ bản đạt 100%; giải quyết việc làm cho người lao động 18.000 người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5%;

Có 100% trường tiểu học, trên 85% trường mầm non và 95% trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mẫu giáo. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 14%. Số giường bệnh/10.000 dân đạt 50 giường trở lên. Tuổi thọ trung bình: Khoảng 73,7 tuổi.

Về môi trường, xác định tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý ở khu vực đô thị: trên 98%. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung: 100%. Giữ ổn định độ che phủ rừng khoảng 68%.

Quy hoạch cũng xác định 2 trung tâm động lực tăng trưởng gồm khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và khu Kinh tế (KKT) Hòn La trở thành KKT động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

Quảng Bình cũng sẽ hình thành 3 trung tâm đô thị. Trong đó, Trung tâm đô thị TP. Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó TP. Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối TP. Đồng Hới, gồm đô thị Quán Hàu, Hoàn Lão (bao gồm không gian mở rộng), Việt Trung, Dinh Mười.

Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là Thị xã Ba Đồn gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, KKT Hòn La, Tiến Hóa. Ngoài ra còn có trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là Thị trấn Kiến Giang (tương lai là Thị xã), đô thị vệ tinh gồm: Lệ Ninh và Áng Sơn.

Ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A, đường ven biển. Hành lang kinh tế Đông – Tây dọc quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo – thị xã Ba Đồn – cảng biển Hòn La. Hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc – Nam phía đông.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.