Thứ năm, 25/04/2024 09:30 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/4/2023

MTĐT -  Thứ ba, 18/04/2023 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/4/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/4/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Nội đã xử lý được thêm 3/37 điểm ùn tắc giao thông

Nhằm xử lý 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông trong năm 2023, trong quý II/2023, Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TP và các đơn vị liên quan theo dõi, đánh giá các phương án tổ chức giao thông tại các trục tuyến đường, nút giao trọng yếu.

Các vị trí trọng yếu được đưa ra là các trục đường Vành đai 2, Thụy Khuê (khu vực ngõ 128, 152 Thụy Khuê), Âu Cơ – Xuân Diệu, Chu Văn An – Vạn Phúc, Nguyễn Xiển, cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3. Các nút giao Lãng Yên - đê Nguyễn Khoái; Khu vực cống Trung Văn; Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Văn Khê; Cổ Linh - Đàm Quang Trung; Phạm Hùng - Nguyễn Hoàng - Tôn Thất Thuyết; Trường Chinh - Tôn Thất Tùng - Lê Trọng Tấn.

Đồng thời, các đơn vị tiếp tục theo dõi, đánh giá các trục tuyến đường, nút giao khác để đề xuất các phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, giảm ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tổ chức giao thông phục vụ thi công, bảo đảm tiến độ thi công các dự án trọng điểm như: Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; Dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2; Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; Dự án xây dựng cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch;

tm-img-alt

Hà Nội đã xử lý được thêm 3/37 điểm ùn tắc giao thông (Ảnh: Internet)

Dự án cải tạo, mở rộng đường gom Đại lộ Thăng Long từ cầu vượt Phú Đô đến Lê Trọng Tấn; Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Đông giai đoạn II; Dự án xây dựng hầm chui nút giao Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng...

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 37 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông. Trong đó, 17 điểm do rào chắn thi công các dự án gây thu hẹp lòng đường; 10 điểm do hạ tầng chưa đồng bộ; 10 điểm do quá tải kết cấu hạ tầng giao thông.

Hoà Bình: Sẽ có Khu đô thị Phúc Tiến Xanh khoảng 49,2 ha tại xã Quang Tiến

HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVII vừa thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu đô thị Phúc Tiến Xanh tại xã Quang Tiến, TP Hòa Bình.

Khu đô thị Phúc Tiến Xanh có quy mô sử dụng đất khoảng 49,2 ha, trong đó đất ở 18,7 ha; Đất thương mại dịch vụ 15,8 ha; đất trường học, nhà trẻ 3,2 ha; Đất cây xanh, mặt nước 5 ha; Đất giao thông 6,4 ha.

Dự án sẽ phải chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 36,8 ha, bao gồm 23,4 ha rừng trồng và 13,4 ha đất không có rừng. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.638 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. TL

Được biết, tỉnh Hòa Bình đang quyết liệt chỉ đạo các dự án, công trình trọng điểm: Ðường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình, đường từ thị trấn Xuân Mai đi thị trấn Lương Sơn; đường cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (Sơn La); dự án kết nối hạ tầng giao thông thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia; dự án khu vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ, tại xã Cuối Hạ (Kim Bôi); dự án hồ Khả, Ðồi Thung, xã Quý Hòa (Lạc Sơn); dự án cáp treo Hương Bình…

Với tiềm năng và triển vọng của Hòa Bình đang có, tỉnh cũng quyết tâm tháo gỡ cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư.

Đề xuất cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài là dự án trọng điểm quốc gia

Sở GTVT TP.HCM cho biết đã nhận được văn bản của UBND thành phố về đề xuất, kiến nghị bổ sung dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM vào danh mục dự án quan trọng quốc gia và thành lập nhóm công tác kỹ thuật giữa Bộ GTVT Việt Nam và Bộ GTCC Campuchia. Theo đó, sở đã phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan để xem xét đề nghị trên.

Theo Sở GTVT TP.HCM, ngày 17/3, UBND thành phố đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy mô, các phương án đầu tư, kịch bản tài chính của dự án. Thành phố cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng chấp thuận đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài theo phương án 1.

Cụ thể, đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng một lần với quy mô 6 làn xe toàn tuyến, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia là 48% tổng mức dự án.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 20.889 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước 9.932 tỷ đồng, vốn do nhà đầu tư BOT huy động 10.957 tỷ đồng. Phần vốn nhà nước sẽ dùng hơn 7.000 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng và 2.900 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án PPP.

Do nguồn vốn ngân sách của hai tỉnh đang còn nhiều khó khăn, UBND TP.HCM mong Thủ tướng chấp thuận chủ trương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để phân bổ cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó, hỗ trợ Tây Ninh 1.532 tỷ đồng và hỗ trợ TP.HCM 1.368 tỷ đồng.

Việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là rất cần thiết để đồng bộ với tiến độ khai thác đường Vành đai 3, Vành đai 4. Tuyến cao tốc này khi hoàn thành có chức năng tăng cường kết nối Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây, là tuyến giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối TP.HCM với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Tuyến đường này có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài – TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Dự án dự kiến khởi công năm 2024 và phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2027.

Quảng Nam: Thu hồi đất Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam

Khu đất bị thu hồi có diện tích 19.477,5 m2 tại xã Điện Thắng Bắc (nay là phường Điện Thắng Bắc), thị xã Điện Bàn. Lý do thu hồi vì UBND Tỉnh đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án và Công ty có văn bản tự nguyện trả lại đất.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. TL

UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý khu đất, lập phương án, kế hoạch đưa đất vào sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Bình Định kêu gọi đầu tư loạt dự án nhà ở xã hội

Theo đó, có 6 dự án nhà ở xã hội cần thu hút đầu tư với tổng diện tích gần 20ha.

Cụ thể, dự án nhà ở xã hội ở khu đất tại quốc lộ 1D (tổ 1, khu vực 7, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn) có diện tích 3,95ha; dự án nhà ở xã hội Long Vân 1 (phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn), diện tích 2,08ha; khu đất thu hồi từ Công ty TNHH Nguyên liệu giấy - Quy Nhơn dọc quốc lộ 1D (phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn) có diện tích 3,52ha.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Ngoài ra còn có dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị Tam Quan (phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn) với diện tích 3,5ha; dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị Hoài Tân (phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn) với diện tích 5ha; nhà ở liền kề tại khu đất khoảng 1,4ha thuộc phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn.

Theo tỉnh Bình Định, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh theo chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2035, kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025 được duyệt.

Gia hạn thời gian hoàn thành tuyến metro Bến Thành - Tham Lương

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án xây dựng tuyến metro số 2 TP Hồ Chí Minh (Bến Thành - Tham Lương).

Theo đó, công trình được gia hạn triển khai đến năm 2030 và thêm hai năm sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành. Đây là cơ sở để TP Hồ Chí Minh chọn nhà thầu tư vấn mới cho dự án cũng như: gia hạn giải ngân các hiệp định đã vay, vay mới bổ sung từ nhà tài trợ.

Lãnh đạo Chính phủ giao UBND TP Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến các cơ quan, thực hiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án. Tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiến độ.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Trong đó, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tài chính, các nhà tài trợ để giải quyết công việc liên quan đến hiệp định vay vốn của dự án theo quy định và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu báo cáo.

Đồng thời, chịu trách nhiệm trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án, giám sát, hoàn thành dự án trong thời gian đề nghị gia hạn, sử dụng vốn vay hiệu quả, trả nợ đầy đủ và đúng hạn.

Trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn đã được phê duyệt, chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành.

Chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam

Ngày 17/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Chính phủ sẽ ưu tiên thực hiện đối với các tuyến đường sắt chưa chuẩn bị đầu tư, lộ trình đầu tư trước năm 2030; các tuyến đường sắt đang khai thác, việc quản lý được thực hiện theo hành lang an toàn đường sắt; các tuyến đường sắt mới đã, đang thực hiện chuẩn bị đầu tư hoặc thực hiện đầu tư sẽ được cập nhật và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Tổ chức triển khai lập quy hoạch đối với các tuyến, ga đường sắt được quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2030, cụ thể: 3 quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, khu vực đầu mối TPHCM và khu vực đầu mối thành phố Hải Phòng; quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (bao gồm cả đoạn nối đến Hạ Long); quy hoạch các ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế (trừ các ga đã có trong quy hoạch các khu đầu mối TP Hà Nội, TPHCM, TP Hải Phòng); các tuyến đường sắt đang chuần bị đầu tư, thực hiện đầu tư được cập nhật thành quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (tuyến TPHCM - Cần Thơ...).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm rà soát chi tiết các tuyến ga đường sắt để đưa vào các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành nêu trên cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch. Đối với đường sắt hiện có, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn tuyến, ga đường sắt trên các tuyến đường sắt hiện có đã được xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; các dự án bảo đảm an toàn giao thông (xây dựng các đường ngang, hầm chui, xóa lối đi tự mở...).

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Các tuyến đường sắt có tiến trình đầu tư trước năm 2030, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải lập danh mục để kêu gọi đầu tư. Các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giai đoạn sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kế hoạch đầu tư sớm hơn.

Đặc biệt, đối với đường sắt mới, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án); tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ; các tuyến đường sắt kết nối với đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng kết nối với cảng biển quốc tế Lạch Huyện); xây dựng mới đoạn tuyến đường sắt nối ray Ga Lào Cai với Ga Hà Khẩu Bắc, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc và một số nước; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Với các tuyến đường sắt có tiến trình đầu tư trước năm 2030, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, giao Bộ Giao thông vận tải lập danh mục để kêu gọi đầu tư.

Theo kế hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2050 dự kiến là 25.836 ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 là 16.377 ha quỹ đất tăng thêm so với hiện nay là 5.644 ha.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành