Thứ sáu, 26/04/2024 01:56 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 20/4/2023

MTĐT -  Thứ năm, 20/04/2023 16:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/4/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/4/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Năm 2025, hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Bộ Giao thông Vận tải cũng được giao chuẩn bị đầu tư hàng loạt tuyến đường sắt mới kết nối các địa phương, như tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ; các tuyến đường sắt kết nối với đầu mối vận tải có lưu lượng lớn, như tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng kết nối với cảng biển quốc tế Lạch Huyện.

tm-img-alt
Bộ Giao thông Vận tải được giao đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa.

Xây dựng mới đoạn tuyến đường sắt nối ray ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc và một số nước; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Bộ GTVT bàn giao hồ sơ dự án đường sắt đô thị số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi cho UBND TP Hà Nội để nghiên cứu đầu tư. Bộ cũng phối hợp với Hà Nội xác định lộ trình đầu tư khu tổ hợp Ngọc Hồi, tuyến đường sắt vành đai phía Đông, thống nhất thời điểm bàn giao các đoạn đường sắt quốc gia cho thành phố đầu tư.

Nhà nước ưu tiên nguồn lực phát triển, nâng cấp, bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia. Giai đoạn 2021-2025, Nhà nước bố trí gần 16.000 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho đường sắt; giai đoạn 2026-2030 sẽ cần 224.000 tỷ đồng gồm đầu tư công, vốn hợp pháp khác.

Theo kế hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất xây đường sắt đến năm 2050 dự kiến là 25.800 ha.

Đầu tháng 3, Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước 2030.

Theo Bộ GTVT, để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong nhiệm kỳ 2021-2026. Bộ sẽ lập báo cáo khả thi, duyệt thiết kế, giải phóng mặt bằng, sau đó khởi công một số gói thầu của hai đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được trình Chính phủ vào tháng 2/2019. Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định. Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh, là đường đôi, khổ 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h.

Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 nối Gia Lai - Bình Định chậm tiến độ

Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19, hiện giá trị sản lượng toàn gói thầu của Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 nối Gia Lai - Bình Định đạt trên 45% khối lượng, giá trị còn lại chủ yếu là khối lượng thi công bê tông nhựa.

Tuy nhiên, hiện nay việc thi công trên toàn tuyến quốc lộ nằm trong dự án bị chậm tiến độ, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra có rất nhiều nguyên nhân; trong đó, nguyên nhân chính hiện nay là mặt bằng và mỏ đất phục vụ cho thi công đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Hiện nay, toàn tuyến dự án còn số hộ dân chưa thống nhất bàn giao mặt bằng để các đơn vị nhà thầu thực hiện thi công. Cụ thể như ở Đăk Pơ 7 hộ, 3 hộ ở thành phố Pleiku cùng một số hộ ở đoạn tuyến qua huyện Chư Prông, Đức Cơ.

tm-img-alt
Các đơn vị thi công trên tuyến Quốc lộ 19. (Ảnh: Internet)

Việc chậm bàn giao mặt bằng đã làm ảnh hưởng chung đến tiến độ của toàn tuyến. Đặc biệt, việc các mỏ vật liệu đất bị tạm dừng cấp phép khiến các gói thầu không có nguồn đất đắp mặt nền. Theo thống kê, hiện toàn tuyến còn thiếu hơn 200 nghìn m3 đất đắp nền”, ông Tân cho biết.

Trước thực trạng đó, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai sớm cấp và gia hạn cho dự án một số mỏ đất để hoàn thiện nền đường; chấp thuận việc đề xuất bổ sung mỏ vật liệu, trạm trộn bê tông nhựa cho các nhà thầu; tích cực phối hợp với các nhà thầu để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 nối Gia Lai - Bình Định (giai đoạn 2) thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, được khởi công từ cuối tháng 8/2021 (giai đoạn 1 đầu tư BOT nâng cấp, cải tạo từ km17+027 - km51+152 với tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào khai thác năm 2016); dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 143 km (đoạn qua tỉnh Gia Lai 126 km, qua Bình Định 17 km) với tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (tương đương hơn 3.600 tỷ đồng); trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia khoảng 2,1 triệu USD cho thiết kế kỹ thuật, 3,7 triệu USD còn lại là vốn đối ứng trong nước.

Đến tháng 7/2022, Bộ Giao thông Vận tải quyết định bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án này. Nếu tính cả hai giai đoạn, nguồn vốn đầu tư nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 19 lên đến gần 5.600 tỷ đồng.

Tập đoàn Sơn Hải vượt tiến độ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm xin thông xe trong tháng 5

Ngày 20/4, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị cho phép tổ chức lễ hoàn thành Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm trong khoảng thời gian từ 27-30/5/2023.

Sơn Hải là nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Chưa đầy 2 năm thực hiện dự án trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và bão giá tăng cao, Sơn Hải đã đưa dự án về đích vượt tiến độ hơn 3 tháng, giữ đúng lời hứa với Thủ tướng.

Dự án cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, đi qua huyện Diên Khánh, Cam Lâm và TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Đây là một trong 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP có thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia khoảng 2.967 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) quản lý dự án, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải) là doanh nghiệp đầu tư dự án, ban đầu dự kiến hoàn thành vào quý III/2023.

Theo Tập đoàn Sơn Hải, dự án hoàn thành đưa vào thông xe sớm sẽ góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp. Đặc biệt, trong thời thời điểm hiện tại Khánh Hòa đang bước vào cao điểm mùa du lịch, lượng khách di chuyển đến và đi rất lớn.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Do đó, việc hoàn thành và sử dụng dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cũng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển thuận tiện của người dân trong khu vực, giảm tải cho Quốc lộ 1. Phương tiện lưu thông từ Bắc vào Nam sẽ vào cao tốc tại nút giao Quốc lộ 27C và ra cao tốc tại nút giao Quốc 27B, xe đi từ Nam ra Bắc theo hướng ngược lại.

Theo đó, Tập đoàn Sơn Hải đề nghị Bộ GTVT cho phép tổ chức lễ hoàn thành tuyến chính dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm vào khoảng thời gian từ ngày 27-30/5/2023.

Tập đoàn Sơn Hải cam kết mặt đường không hằn lún, không bong bật, mặt đường bằng phẳng, êm thuận kể cả đoạn tiếp giáp vào cầu (khi lưu thông không gập ghềnh). Trong mọi trường hợp xe quá tải trọng, quá lưu lượng, thời tiết bất lợi cũng không làm thay đổi nội dung cam kết bảo hành 10 năm và Nhà nước không chi bất cứ một khoản tiền gì trong quá trình duy tu sửa chữa trong thời gian 10 năm Sơn Hải bảo hành.

Sơn Hải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho công khai cắm biển bảo hành 10 năm trên tuyến để tiện cho người dân tham gia giao thông cùng giám sát việc bảo hành.

Sân bay Cam Ranh hoàn thành nâng cấp sân đỗ

Đây là giai đoạn cuối, đánh dấu mốc hoàn thành toàn bộ dự án cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay (quốc tế và quốc nội) của Cảng HKQT Cam Ranh.

Dự án này là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư hơn 712 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV.

Quy mô dự án sau khi hoàn thành cải tạo sân đỗ đảm bảo khai thác tối đa 33 vị trí đỗ máy bay, gồm 9 vị trí đỗ Code E, 2 vị trí đỗ Code D và 22 vị trí đỗ Code C, đồng thời đảm bảo tiếp thu được các loại máy bay B777-300ER, A350-900 và tương đương. 

Dự án được khởi công từ ngày 5/3/2022, do ACV làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) - Công ty cổ phần Xây lắp và cơ khí Phương Nam.

tm-img-alt
Sân đỗ máy bay mới được nâng cấp.  (Ảnh: Internet)

ACV cho biết, trong quá trình thi công, dự án đã gặp không ít khó khăn, như ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19, nhân công hạn chế, vật liệu xây dựng khan hiếm và biến động tăng giá... Đặc biệt, các nhà thầu vừa phải thi công vừa đảm bảo khai thác (nhất vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán) đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. 

"Tuy nhiên, với sự quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự cố gắng của các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư là ACV, đến nay công trình đã hoàn thành đáp ứng tiến độ, yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo chất lượng, mỹ thuật theo quy định", đại diện ACV cho hay.

Dự án hoàn thành có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng Cảng HKQT Cam Ranh sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác các mạng đường bay trong nước và quốc tế, tạo cơ hội kết nối các vùng miền đến với Khánh Hòa, giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, nhanh chóng, kinh tế phát triển, đời sống thu nhập của nhân dân địa phương được cải thiện và nâng cao. 

Đồng thời, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên theo đúng tinh thần Nghị quyết số 09-NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Giao dịch đất nền tại các tỉnh phía Nam giảm mạnh

Theo báo cáo thị trường đất nền TP.HCM, trong quý 1/2023, đất nền dự án tại các tỉnh phía Nam như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đều có sức cầu chung ở mức rất thấp, điều này làm tính thanh khoản đất nền trong quý sụt giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, rổ hàng đất nền dự án mới chào bán ít biến động về giá, nhưng tại thị trường thứ cấp, giao dịch đất nền đang trầm lắng, giá chào bán ghi nhận mức giảm trung bình 10% so với cùng kỳ năm ngoái, cá biệt có nhiều nhà đầu tư ngộp tài chính sẵn sàng giảm giá 15-20%.

Thị trường đất nền nói riêng  chưa có dấu hiệu hồi phục trong ngắn hạn. Thanh khoản đất nền trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp đều kém trong quý đầu năm 2023. Nhiều dự án đất nền chỉ bán được một vài sản phẩm mới trong rổ hàng sơ cấp, còn lượng hàng ký gửi bán thứ cấp cũng khá ế ẩm.

tm-img-alt
Giao dịch đất nền phía Nam giảm hơn 90%.

Theo nhận định của các chuyên gia, giao dịch đất nền suy giảm chủ yếu do thị trường đã mất luồng khách đầu tư, đầu cơ, trong khi nhu cầu thật rất thấp do loại tài sản này không phục vụ nhu cầu ở ngay. Tâm lý mất niềm tin vào thị trường và chưa phán đoán được thời điểm phục hồi khiến nhiều người ngại xuống tiền mua đất nền lúc này. So với các phân khúc khác, đất nền là sản phẩm liên quan tới đầu cơ và đầu tư nhiều hơn. Vậy nên khi thị trường tăng trưởng, đất nền là phân khúc tăng giá đầu tiên, còn khi thị trường khó khăn, loại hình này trở thành phân khúc bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Dự báo về thị trường thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, sẽ không xảy ra cơn sốt đất trong năm 2023 nhưng thị trường đang có nhiều tín hiệu tích cực về sự phục hồi trong các quý tới. Về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu nhà đầu tư biết lựa chọn những sản phẩm có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền. Thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao.

Bổ sung mức phí mới trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa bổ sung mức phí dịch vụ sử dụng tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại nút giao với dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Thời điểm áp dụng kể từ khi đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 hoàn thành, đưa vào khai thác hoặc theo văn bản của các cơ quan có thẩm quyền.

Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến được thông xe vào dịp 30/4/2023. Dự án có tổng chiều dài 99km, điểm đầu cao tốc nằm trên đoạn tuyến nối từ quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh (tỉnh Bình Thuận), điểm cuối kết nối với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại Km43+125, thuộc địa phận huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai).

tm-img-alt

Bổ sung mức phí mới trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (Ảnh: Internet)

Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cùng với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây mở ra cơ hội lớn để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và từng bước hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, buýt phí 24.000-78.000 đồng mỗi lượt, tuỳ đoạn; ôtô 12-30 chỗ, xe tải 2-4 tấn phí 36.000-117.000 đồng; mức phí 47.000-157.000 đồng áp dụng với ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải 4-10 tấn; ôtô tải 10-18 tấn, xe container loại 20 feet phí 53.000-187.000 đồng; 85.000-295.000 đồng đối với xe tải trên 18 tấn, ôtô container 40 feet.

Đại diện VEC cho biết mức phí trên sẽ được áp dụng sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khai thác. Riêng xe chạy trên toàn tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn áp dụng phí như hiện nay. Các đơn vị liên quan đang lập phương án tổ chức giao thông tại khu vực sau khi hai tuyến cao tốc được kết nối.

Các phương tiện sử dụng dịch vụ trên tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây phải thanh toán tiền dịch vụ sử dụng theo quy định để bảo đảm hoàn vốn đầu tư dự án theo Quyết định phê duyệt đầu tư dự án của Bộ GTVT, trừ các trường hợp được miễn theo quy định của Bộ GTVT.

Trong quá trình tham gia giao thông trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh sự cố, VEC đề nghị chủ phương tiện phản ánh qua Hotline: 02862529191 để được hỗ trợ kịp thời.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 20/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.