Thứ sáu, 29/03/2024 02:34 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 22/2/2023

MTĐT -  Thứ tư, 22/02/2023 17:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/2/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/2/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Nội: Điều chỉnh giao thông nút giao Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Văn Khê

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, qua theo dõi, đánh giá bất cập tổ chức giao thông tại nút giao Lê Trọng Tấn – Quang Trung – Văn Khê, quận Hà Đông cho thấy nút giao này thường xuyên ủn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Ngày 16/2/2023, Sở Giao thông Vận tải đã chủ trì cuộc họp với Phòng Cảnh sát Giao thông – Công an thành phố và các đơn vị liên quan thống nhất phương án thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông tại khu vực nút giao Lê Trọng Tấn – Quang Trung – Văn Khê, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

tm-img-alt
Ảnh: Internet.

Theo đó, phương án thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực nút giao Lê Trọng Tấn – Quang Trung – Văn Khê, đã được liên ngành thống nhất như sau: Hướng phương tiện từ đường Quang Trung đi đường Văn Khê thực hiện cấm các phương tiện từ đường Quang Trung hướng đi Ba La rẽ trái tại nút giao để đi đường Văn Khê. Đồng thời, điều chỉnh tổ chức giao thông cho các phương tiện đi thẳng qua nút quay đầu tại điểm mở dải phân cách giữa đường Quang Trung giao với đường Văn La, quận Hà Đông.

Còn đối với hướng phương tiện từ đường Lê Trọng Tấn đi đường Quang Trung thì cấm các phương tiện từ đường Lê Trọng Tấn rẽ trái tại nút giao để đi đường Quang Trung hướng về cầu Trắng (Hà Đông).

Ngoài ra, điều chỉnh tổ chức giao thông cho các phương tiện đi thẳng tại nút giao, cấm các phương tiện từ đường Lê Trọng Tấn rẽ trái tại nút giao để đi đường Quang Trung hướng về cầu Trắng (Hà Đông).

Điều chỉnh tổ chức giao thông cho các phương tiện đi thẳng tại nút giao, quay đầu trên đường Văn Khê tại nút giao tháp đồng hồ Văn Phú để rẽ phải tại nút đi đường Quang Trung về cầu Trắng (Hà Đông).

Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiều 21/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng dự có lãnh đạo đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định; các nhà khoa học, chuyên gia - Ủy viên phản biện Hội đồng thẩm định và đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&ĐT.

Về phía tỉnh Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết tỉnh có vai trò cửa ngõ đồng thời là phên dậu phía tây bắc của thủ đô Hà Nội. Những năm gần đây, kinh tế địa phương có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Công cuộc phát triển đã thu được những kết quả khả quan, đáng khích lệ. Năm 2020, Phú Thọ đứng thứ 43 về diện tích tự nhiên, thứ 24 về dân số. Xét theo GRDP/người và năng suất lao động thì Phú Thọ đứng thứ 41 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… 

Tuy nhiên theo ông Quang, các yếu tố nền tảng tạo tiền đề tăng tốc nhanh, bền vững của tỉnh chưa được tạo lập đủ mức. Công nghệ sử dụng trong sản xuất, kinh doanh còn tương đối thấp. Mô hình tăng trưởng chưa có nhân tố bứt phá, rõ nhất là cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, sản xuất truyền thống còn phổ biến. 

Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Phú Thọ định hướng trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, và tiến tới đứng trong nhóm 15-20 địa phương phát triển nhất trong cả nước ngay từ năm 2035 trở đi. xây dựng thành phố Việt Trì là thành phố hạt nhân và trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương Tiểu vùng Tây Bắc (Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Sơn La và Hà Giang): Trung tâm thương mại, logistics, Trung tâm đào tạo, Trung tâm khám chữa bệnh, Trung tâm văn hóa - du lịch của tiểu vùng Tây Bắc. 

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hải Phòng mời đầu tư Dự án KĐTM và chỉnh trang đô thị Đồng Hòa, Kiến An

Với mục tiêu xây dựng mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình hỗn hợp đa chức năng và nhà ở, hình thành khu vực phát triển đô thị mới cùng với các công trình điểm nhấn mang tính đặc trưng để tạo ra những thay đổi lớn về không gian kiến trúc, cảnh quan cho khu vực, góp phần tạo diện mạo đô thị mới cho quận Kiến An và thành phố Hải Phòng.

Góp phần tạo thêm quỹ nhà ở trên địa bàn quận, bổ sung các công trình thương mại, hạ tầng xã hội, giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động trên địa bàn và khai thác hiệu quả quỹ đất của quận Kiến An.

tm-img-alt
Dự án Khu đô thị mới và chỉnh trang đô thị phường Đồng Hòa, quận Kiến An. Ảnh minh hoạ.

Dự án Khu đô thị mới và chỉnh trang đô thị phường Đồng Hòa, quận Kiến An có tổng diện tích đất 8,23 ha. Quy mô xây dựng gồm: Công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ và nhà ở gồm 550 căn chung cư, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 6.587 m2 , tầng cao tối đa là 20 tầng (02 tầng công cộng thương mại, dịch vụ, 18 tầng ở), tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 54.738,1 m2 ; Nhà ở liên kế thấp tầng gồm 172 căn (xây dựng phần thô và hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài), tổng diện tích sử dụng đất khoảng 15.676,5 m2 , tầng cao tối đa là 04 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 59.970,8 m2 ;

Trường Mầm non; công viên cây xanh - thể dục thể thao; đường giao thông, sân bãi đỗ xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Dự án dành quỹ đất 5.882,1 m2 để phát triển nhà ở xã hội; 500,2 m2 làm trạm y tế; 4.941,3 m2 xây dựng trường liên cấp. Sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư bàn giao lại các ô đất này cho địa phương thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Bộ GTVT ủng hộ Đà Nẵng đầu tư tuyến nối với đường Hồ Chí Minh

Đà Nẵng vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục quan tâm bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường nối từ đường ĐT.601 lên đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Hòa Liên thuộc cao tốc La Sơn - Túy Loan) và các tuyến đường gom dân sinh từ cao tốc La Sơn - Hòa Liên vào các khu rừng sản xuất của người dân trên địa bàn xã Hòa Bắc.

Việc xây dựng đường nối này nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho các phương tiện cơ giới di chuyển, người dân trong khu vực đi lại, vận chuyển, khai thác lâm sản, kể cả xe cứu hỏa nếu không may có cháy rừng xảy ra và phục vụ cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão.

Trước đề xuất này, Bộ GTVT ủng hộ việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường nối từ ĐT.601 lên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Hòa Liên. 

Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Đà Nẵng huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư và thông báo đến cử tri thành phố được biết về tiến trình đầu tư. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Đà Nẵng trong quá trình thực hiện.

tm-img-alt
Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (Ảnh: Báo Đầu tư) 

Theo Bộ Giao thông vận tải, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, tuyến đường La Sơn - Hòa Liên thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông (từ Lạng Sơn đến Cà Mau), theo quy hoạch trước năm 2030 đầu tư hoàn chỉnh 06 làn xe cơ giới, hiện nay đã đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 với quy mô 02 làn xe cơ giới.

Đối với đoạn tuyến La Sơn - Hòa Liên qua địa bàn thành phố Đà Nẵng khoảng 30km, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo xây dựng 14 đường gom, 10 hầm giao thông dân sinh và 01 cầu vượt tuyến chính trên đường ĐT.601 để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Chậm phê duyệt đầu tư 4 dự án giao thông do địa phương làm chủ quản

Ngày 21/2, Bộ GTVT cho biết, một số dự án thành phần thuộc 4 dự án giao thông lớn đã giao địa phương làm cơ quan chủ quản hiện vẫn chưa được phê duyệt đầu tư, dẫn đến việc chậm tiến độ của toàn dự án.

Cụ thể, tại dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, theo yêu cầu, công tác phê duyệt dự án đầu tư hoàn thành ngày 20/1/2023, song đến nay, các dự án thành phần đều chưa được phê duyệt.

Nguyên nhân do dự án thành phần 2 đi qua khu vực địa hình khó khăn, chủ yếu là đèo dốc, chênh lệch cao độ rất lớn; điều kiện địa chất chủ yếu là đất, đá phong hóa mạnh, tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt. Dự kiến tổng mức đầu tư thiếu khoảng 900 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải đang làm việc với 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk để cân đối, điều chỉnh tổng mức đầu tư của cả 3 dự án thành phần nhằm đảm bảo tổng mức đầu tư không làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Cùng với đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thành phần 3 cũng chưa được phê duyệt.

Đối với dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, việc phê duyệt dự án đầu tư dự án thành phần do tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản cũng bị chậm trễ do chậm triển khai lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo yêu cầu, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày 15/11/2022, phê duyệt dự án đầu tư ngày 30/11/2022).

tm-img-alt
Một số dự án thành phần của các dự án giao thông lớn vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Ảnh: TTXVN.

Tại dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, hiện tại còn duy nhất tỉnh An Giang chưa phê duyệt dự án thành phần 1 do việc thẩm định phê duyệt của tỉnh kéo dài hơn so với dự kiến (theo yêu cầu, phê duyệt dự án đầu tư ngày 20/1/2023).

Trước thực trạng này, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo chủ đầu tư, cơ quan liên quan căn cứ thông báo thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt dự án thành phần 1 thuộc Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trong tháng 2/2023.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Ninh Thuận đề xuất bổ sung sân bay Thành Sơn vào hệ thống cảng hàng không

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Thủ tướng quan tâm, sớm chấp thuận bổ sung quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị người đứng đầu Chính phủ quan tâm, sớm chấp thuận bổ sung quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu nhằm sớm đưa sân bay vào khai thác, tạo động lực giúp tỉnh Ninh Thuận  hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

UBND tỉnh Ninh Thuận xác định việc bổ sung quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn sẽ giúp địa phương hoàn chỉnh đầy đủ 5 phương thức vận tải (hiện địa phương đã có các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa).

tm-img-alt
Sân bay Thành Sơn được đề nghị đưa vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không. (Ảnh: Internet).

Văn bản nêu rõ, cảng hàng không Thành Sơn sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, mở ra động lực tăng trưởng mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng cho địa phương.

Sân bay quân sự Phan Rang (sân bay Thành Sơn) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghiên cứu chuyển sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng (quân sự kết hợp với dân dụng) để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, sau quá trình làm việc với các đơn vị liên quan, ngày 13/2, Bộ GTVT đã báo cáo đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất giao cho địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức nghiên cứu thực hiện đầu tư và lập đề án đánh giá tính khả thi, hiệu quả, đảm bảo huy động được nguồn vốn để đầu tư theo phương thức đối tác PPP.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 22/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.