Thứ bảy, 20/04/2024 09:14 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 22/3/2023

MTĐT -  Thứ tư, 22/03/2023 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/3/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/3/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Nội đưa hồ Hoàn Kiếm vào danh mục cấm san lấp

Tin trên Vietnamnet, việc ban hành danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm siết chặt quản lý, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm. Theo danh mục được vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chỉ có hồ Hoàn Kiếm thuộc danh mục cấm san lấp.

Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có 9 hồ, ao thuộc danh mục cấm san lấp. Hai quận quận Ba Đình, Đống Đa có tổng cộng 26 hồ, ao thuộc diện cấm san lấp. Huyện Quốc Oai có 276 hồ, ao cấm san lấp.

Sở TN&MT Hà Nội có trách nhiệm công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp đến các đơn vị, địa phương.

tm-img-alt
Hà Nội tiếp tục rà soát bổ sung ao, hồ vào danh mục cấm san lấp. Ảnh: Hoàng Hà

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội còn giao Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định.

Trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, Sở QH&KT được giao chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, UBND quận, huyện, thị xã xem xét đánh giá sự phù hợp của giải pháp thiết kế đồ án với danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp được duyệt và các giải pháp hoàn trả.

Đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm cần xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp.

Chính thức miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới, giãn chu kỳ kiểm định xe

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/3 về việc miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm, có đủ hồ sơ hợp lệ. Chủ xe được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.

Thông tư cũng điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới.

tm-img-alt

Từ 0h ngày 22/3/2023, chính thức miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới và giãn chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới. (Ảnh: Internet)

Cụ thể, với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng; thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.

Với ô tô chở người trên 9 chỗ, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ tăng từ 6 tháng lên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.

Đối với nhóm ô tô tải, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.

Bên cạnh đó, thông tư cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Đến năm 2030, sẽ xây mới 16 tuyến đường sắt

Về đường sắt quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg nêu rõ sẽ nâng cấp, cải tạo để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có (chiều dài 2.440km).

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ đầu tư xây mới để mở rộng mạng lưới đường sắt; trong đó đến năm 2030, xây dựng mới 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 4.802km; đến năm 2050, xây dựng mới 25 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 6.354km.

Với đường sắt đô thị, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng tại các thành phố này. Các địa phương khác, cũng đang triển nghiên cứu đề xuất mạng lưới đường sắt đô thị trong quy hoạch tỉnh.

tm-img-alt
Tàu hỏa SPT Sài Gòn - Phan Thiết đi qua địa bàn Bình Thuận. Ảnh: Internet.

Về đường sắt chuyên dùng, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ tiếp tục duy trì, cải tạo, mở rộng các ga có kết nối đường sắt chuyên dùng, đáp ứng nhu cầu vận tải.

"Như vậy, sau khi mạng lưới đường sắt được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch sẽ kết nối các vùng, hành lang kinh tế chiến lược, trung tâm đô thị, cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế, đầu mối giao thông lớn… của cả nước," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra thế mạnh của giao thông vận tải đường sắt với ưu thế là loại hình vận tải chiếm dụng ít đất đai, ít tác động đến môi trường; vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn, chi phí tương đối thấp, ít bị ảnh hưởng của thời tiết khí hậu… phù hợp với hành lang, đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn nên mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực có tuyến đường sắt đi qua nói riêng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận kinh phí đầu tư đường sắt rất lớn, nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn chế, hiệu quả tài chính đầu tư đường sắt thấp nên khó thu hút vốn từ xã hội hóa.

Cần quy định bổ sung nguồn tài chính cho phát triển quỹ đất

Cần có quy định bổ sung một số 'nguồn tài chính khác' cho 'Quỹ phát triển đất' như dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết trong năm của địa phương, hoặc đề nghị Chính phủ quy định cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của 'Tổ chức phát triển quỹ đất'.

Trên đây là nội dung góp ý của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến các quy định về cơ chế phát triển quỹ đất, tổ chức phát triển quỹ đất.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã “đổi mới tư duy kinh tế về đất đai” thể hiện trong quy định “Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư” và cơ chế “Quỹ phát triển đất” ứng vốn cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” để thực hiện “việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất”.

tm-img-alt
Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh (tư liệu) minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Điều 113 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nguồn thu tài chính của “Quỹ phát triển đất” được tiếp nhận từ 3 nguồn gồm được phân bổ từ ngân sách Nhà nước; huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật; được phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho rằng, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương không nhiều, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa, ngay cả TP Hồ Chí Minh thì nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2021 cũng chỉ có 11.229 tỷ đồng, nếu trích 10% thì cũng chỉ được 1.122 tỷ đồng, không đáp ứng được yêu cầu về vốn để thực hiện nhiệm vụ của “Quỹ phát triển đất” và “Tổ chức phát triển quỹ đất”.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định cấp tỉnh dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết trong năm của địa phương để tạo nguồn tài chính cho “Quỹ phát triển đất”.

Theo ông Lê Hoàng Châu, quán triệt chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, về nội dung: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Đóng cửa tạm thời sân bay Điện Biên Phủ từ ngày 15/4

Quyết định do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký, nêu rõ lý do đóng tạm thời nhằm triển khai thực hiện các hạng mục của Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Thời gian đóng tạm thời kể từ 00h00 ngày 15/4 đến 23h59 ngày 17/12 (giờ địa phương).

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét đóng cửa tạm thời sân bay Điện Biên Phủ nhằm bảo đảm tiến độ thi công các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ, hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/2024).

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 với nội dung đầu tư xây dựng mở rộng quy mô đường cất/ hạ cánh dài 2.400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321.

tm-img-alt
Đóng tạm thời sân bay Điện Biên trong 8 tháng, bắt đầu từ ngày 15/4.

Đồng thời, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng bảo đảm đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Dự án đã được khởi công từ tháng 1/2022, có tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Sân bay Điện Biên hiện nay được khôi phục từ sân bay Mường Thanh do người Pháp xây dựng. Hiện đang khai thác một đường băng dài 1.830m, rộng 30m và ba vị trí đỗ máy bay, nhà ga hành khách xây dựng từ năm 2004 có công suất 300.000 người/năm.

Do đường băng ngắn và hệ thống trang thiết bị hạ cánh đơn giản nên sân bay Điện Biên chỉ khai thác được dòng máy bay phản lực cánh quạt loại nhỏ như ATR 72 và máy bay phản lực Embraer 190 (chở tối đa 114 hành khách). Hiện chỉ có VASCO và Bamboo Airways khai thác đường bay Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với Điện Biên.

Sân bay Đà Nẵng đứng thứ 3 trong danh sách sân bay cải tiến nhất thế giới

Không chỉ được bình chọn vào danh sách 10 sân bay khu vực tốt nhất châu Á, sân bay Đà Nẵng còn được vinh danh ở hạng mục sân bay cải tiến nhất thế giới năm 2023.

Giải thưởng thường niên Sân bay tốt nhất thế giới (The World's Best Airports of 2023) vừa được tổ chức xếp hạng hàng không quốc tế Skytrax công bố. Không có sân bay nào ở Việt Nam vào danh sách 100 sân bay tốt nhất thế giới nhưng sân bay Đà Nẵng được vinh danh ở hai hạng mục nhỏ hơn, đó là Sân bay cải tiến nhất thế giới (hạng 3) và Sân bay khu vực tốt nhất châu Á (hạng 10).

tm-img-alt
Sân bay Đà Nẵng rộng 85 ha, được thiết kế phục vụ 4 triệu hành khách quốc tế và 6 triệu hành khách nội địa mỗi năm. (Ảnh: Internet)

Sân bay khu vực được định nghĩa là những sân bay quy mô vừa, chủ yếu phục vụ hành khách nội địa hoặc các nước xung quanh, tuyến ngắn. Những cái tên trong top 10 sân bay khu vực tốt nhất châu Á có Centrair Nagoya (Nhật Bản), Haikou Meilan (Trung Quốc), Fukuoka (Nhật Bản), Hyderabad và Bangalore (Ấn Độ), Xi'an (Trung Quốc), Seoul Gimpo (Hàn Quốc), Changsha (Trung Quốc) và Sapporo (Nhật Bản).

Trong khi đó, các sân bay được đánh giá có mức độ cải tiến tốt nhất năm 2023 xuất hiện trong danh sách, ngoài Đà Nẵng có: Shenzhen (Trung Quốc), New York LGA (Mỹ), Sofia (Bulgaria), Sapporo (Nhật Bản), San Jose Juan Santamaría (Costa Rica), Calgary (Canada), Porto (Bồ Đào Nha), Rome Fiumicino (Italy), Baltimore-Washington (Mỹ).

Nhiều sân bay châu Á có mặt trong danh sách 100 sân bay tốt nhất thế giới năm 2023, đứng số 1 là Changi của Singapore; Nhật Bản có 2 sân bay trong top 10 gồm: Tokyo Haneda (3), Tokyo Narita (9); Hàn Quốc với Seoul Incheon (4); Doha Hamad của Qatar (2).

Đại diện Đông Nam Á trong danh sách 100 có Jakarta (43), Kuala Lumpur (67), Bangkok Suvarnabhumi (68).

Người dân mở đường nối trái phép trên cao tốc Liên Khương - Prenn

UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT, UBND huyện Đức Trọng phối hợp các đơn vị liên quan xử lý việc người dân tự ý đấu nối trái phép đường dân sinh vào cao tốc Liên Khương – Prenn.

Tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan, trong đó có UBND huyện Đức Trọng phải khẩn trương xóa bỏ điểm đấu nối trái phép, khôi phục hàng rào bảo vệ cao tốc, sau đó báo cáo UBND tỉnh kết quả trước ngày 7/3.

Ngoài ra, UBND Lâm Đồng giao Sở GTVT chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ, thanh tra giao thông cùng đơn vị vận hành - quản lý cao thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn các hành vi đấu nối trái phép vào đường cao tốc.

Cạnh đó, phải khẩn trương khắc phục hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng trên tuyến (hàng rào B40, dải phân cách...), rà soát bổ sung hệ thống an toàn giao thông (vạch sơn, biển báo, hộ lan...) theo quy định để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc.

tm-img-alt
Tuyến cao tốc Liên Khương-Prenn. (Ảnh: Internet)

Cao tốc Liên Khương – Đà Lạt, dài 19km qua huyện Đức Trọng được đưa vào hoạt động nhiều năm, giúp kết nối sân bay Liên Khương và các tỉnh phía Nam tới trung tâm TP Đà Lạt. Thời gian qua, tuyến đường này xuất hiện hàng chục điểm đấu nối do người dân mở trái phép để đi lại.

Tại một vài vị trí bên phải đường cao tốc hướng TP.HCM đi Đà Lạt, người dân tự ý phá hàng rào lưới B40, mở đường ô tô rộng hơn 5m, dài 50m, từ khu dân cư đấu nối đến cao tốc. Đoạn đường cũng được rải lớp đá dăm, trụ bê tông hai bên.

Hoàn tất đền bù đất làm dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ngày 21/3, UBND TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, vừa tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đợt 2 cho 41 hộ dân và tổ chức có đất phải thu hồi để đầu tư xây dựng dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn qua xã Tân Hưng và Hòa Long.

Theo đó, tại xã Hòa Long có 17 hộ gia đình, cá nhân nhận bồi thường, hỗ trợ đợt này. Tổng diện tích đất thu hồi là hơn 5 ha nhưng có gần 2,6 ha đất  không được bồi thường nên hơn 2,4 ha đất nông nghiệp và 190 m2 đất ở được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 66 tỷ đồng.

Đoạn qua xã Tân Hưng, có 23 trường hợp (21 hộ gia đình cá nhân, 2 tổ chức) nhận bồi thường đợt 2 với tổng diện tích thu hồi là hơn 3,3 ha. Trong đó có hơn 1,4 ha đất không được bồi thường nên tổng số tiền hỗ trợ là hơn 26 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Hiện tại, Bà Rịa đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự kiến đến 15/4, Bà Rịa sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án.

Trước đó, vào ngày 10/2, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Bà Rịa tổ chức chi trả đợt 1 kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu cho 33 hộ dân, tổ chức ở xã Tân Hưng. Tổng số tiền đền bù là hơn 71 tỷ đồng. Người được nhận đền bù nhiều nhất là hơn 14 tỷ đồng, người nhận được ít nhất là hơn 15 triệu đồng.

Hồi giữa tháng 1, đã có 15 hộ dân trên địa bàn phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đất bị thu hồi phục vụ cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhận tiền đền bù và bàn giao đất cho cơ quan chức năng. Tổng số tiền đền bù cho 15 hộ này khoảng 91 tỷ đồng.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 22/3/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam