Thứ ba, 05/11/2024 10:55 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 22/5/2023

MTĐT -  Thứ hai, 22/05/2023 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/5/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/5/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Động lực hồi phục chưa rõ ràng, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục thua lỗ

Nếu quý I/2022, các doanh nghiệp địa ốc hồ hởi trong tâm thế tái khởi động hậu đại dịch Covid-19, sức khoẻ tài chính có nhiều cải thiện thì quý I/2023 lại là bức tranh hoàn toàn đối lập.

Trạng thái trầm lắng bao phủ thị trường từ cuối năm ngoái nhưng chưa có dấu hiệu hồi phục rõ nét đã khiến cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực này đồng loạt báo lỗ trong 3 tháng đầu năm nay.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023 vừa được Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) công bố, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần giảm sâu 79% so với cùng kỳ xuống còn 378 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu từ bán căn hộ và đất nền trong kỳ giảm gần 73% so với quý I/2022, chỉ đạt gần 268 tỷ đồng. Doanh thu từ dịch vụ môi giới chỉ bằng 1/9 cùng kỳ xuống còn 83 tỷ đồng. Doanh thu từ hợp đồng xây dựng và khác cũng rơi từ 75 tỷ đồng xuống còn 29 tỷ đồng.

Doanh thu từ hoạt động tài chính chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 18 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) ghi nhận gần 151 tỷ đồng. Vì vậy kết thúc quý đầu năm 2023, Đất Xanh báo lỗ sau thuế 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi lớn 536 tỷ đồng. Đây là quý lỗ tiếp theo sau con số âm 460 tỷ trong quý IV/2022.

Đáng chú ý, thuyết minh báo cáo tài chính của Đất Xanh cho thấy, số lượng nhân sự của Đất Xanh tại thời điểm 31/3 chỉ còn ghi nhận 2.389 người, giảm đáng kể so với 3.773 người thời điểm cuối năm 2022 hay 6.433 người vào cuối năm 2021.

Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Phát Đạt cũng không khá hơn khi doanh thu và lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm đều giảm mạnh. Trong quý vừa qua, Công ty chỉ đạt lợi nhuận sau thuế hơn 22 tỷ đồng, giảm tới 92% so cùng kỳ. Tổng nợ phải trả là 13.511 tỷ đồng.

Động lực hồi phục chưa rõ ràng, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục thua lỗ
Cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đồng loạt báo lỗ trong 3 tháng đầu năm nay. (Ảnh Bảo Phương)

Một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản cũng báo lỗ trong quý vừa qua đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (mã NRC). Đáng chú ý, đây là doanh nghiệp môi giới hiếm hoi đang niêm yết trên sàn hoạt động không có doanh thu trong quý đầu năm nay.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của NRC, công ty không phát sinh doanh thu do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến chưa kịp ghi nhận được doanh thu, lợi nhuận từ các dự án mà công ty đang hợp tác đầu tư và môi giới. Trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh thu đạt hơn 51 tỷ đồng.

Kết quả, Danh Khôi báo lỗ gần 17 tỷ đồng trong quý I/2023. Trước đó trong quý IV/2022, Danh Khôi cũng chỉ kiếm được 1 tỷ đồng doanh thu và báo lỗ 60 tỷ đồng.

Một “ông lớn” khác đang hoạt động trong nghề môi giới bất động sản là Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand - mã CRE) cũng báo lỗ ròng quý I/2023 hơn 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 145 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý I/2023, CenLand đạt doanh thu thuần 53 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với con số hơn 1.942 tỷ đồng. Trong đó, công ty chỉ ghi nhận hơn 69 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động môi giới và hơn 22 tỷ đồng doanh thu đầu tư bất động sản.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hà Nội lập đề án quản lý vỉa hè đảm bảo quyền lợi sinh kế của người dân

UBND TP Hà Nội mới có văn bản gửi các đơn vị, sở, ngành về việc triển khai thực hiện thông báo của Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố.

Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Sở Quy hoạch - kiến trúc, Công an Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu, trình Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu, xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố; đảm bảo bài bản, toàn diện, chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa giữa an ninh trật tự và phát triển kinh tế đô thị, gắn với đảm bảo quyền lợi sinh kế của người dân.

tm-img-alt

Hà Nội lập đề án quản lý vỉa hè đảm bảo quyền lợi sinh kế của người dân (Ảnh: Internet)

Cùng đó, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tham mưu, trình Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn vào tháng 6; hoàn thành đề án vào quý IV.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị; xây dựng mức phụ cấp hợp lý và chế độ khuyến khích đối với đội ngũ văn phòng đảng ủy và các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Tiếp tục thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố.

TP Hà Nội cũng giao nhiệm vụ đánh giá mô hình hoạt động trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND quận, huyện, thị xã; báo cáo Chính phủ về mô hình đội quản lý trật tự xây dựng đô thị sau khi kết thúc thí điểm.

Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất của Hà Nội về sân bay thứ 2 vùng Thủ đô

Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) về đề xuất quy hoạch cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trước đó, Bộ GTVT đã nhận được nhận được công văn số 1382/UBND-GT ngày 12/5/2023 của UBND TP. Hà Nội đề xuất quy hoạch cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại văn bản này, UBND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội là cảng hàng không quốc tế; đồng thời đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch để UBND TP. Hà Nội bổ sung vào Quy hoạch Thủ đô đang triển khai, bảo đảm thống nhất.

“Để có đầy đủ cơ sở xem xét, giải quyết, Bộ GTVT đề nghị Cục Hàng không Việt Nam, TEDI (đơn vị tư vấn lập quy hoạch hệ thống cảng hàng không) nghiên cứu nội dung đề xuất của UBND TP. Hà Nội, báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý trước ngày 27/5/2023”, công văn của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký nêu rõ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 21-23 triệu người, tổng diện tích khoảng 24.314km2, cơ bản tương đồng với vùng TP.HCM (quy mô dân số 24-25 triệu người, diện tích khoảng 30.400km2).

Tại đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đã định hướng quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế cho vùng TP.HCM (gồm Tân Sơn Nhất và Long Thành với tổng công suất khoảng 150 triệu hành khách/năm).

Như vậy, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho rằng, đối với vùng Thủ đô cũng cần thiết quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận tải tương ứng, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, dự phòng quỹ đất cũng như phân bổ nhu cầu vận tải, tạo động lực phát triển cân đối trên địa bàn Thủ đô.

Căn cứ chủ trương của Trung ương về định hướng quy hoạch cảng hàng không thứ 2 Thủ đô Hà Nội, định hướng quy hoạch vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng cảng hàng không thứ 2 Thủ đô Hà Nội là cảng hàng không quốc tế.

Thanh Hoá: Phê duyệt đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2050

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành một trong những ngành Kinh tế quan trọng của huyện, là điểm đến du lịch của du khách trong và ngoài tỉnh; đến năm 2030, du lịch trở thành một trong những ngành Kinh tế trọng điểm của huyện, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế địa phương, đưa huyện Mường Lát thoát nghèo nhanh và bền vững.

Theo đó, xây dựng quy chế phối hợp trong quá trình triển khai quy hoạch và tổ chức khai thác phát triển du lịch, đảm bảo phù hợp với khả năng của cộng đồng địa phương. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án, quy hoạch liên quan đến du lịch tại huyện.

Thực hiện lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch của huyện vào các chương trình mục tiêu quốc gia; quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; phát triển giao thông gắn với phát triển các tuyến du lịch. Lồng ghép, gắn quy hoạch hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế với phát triển du lịch.

tm-img-alt

Thanh Hoá phê duyệt đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2050. (Ảnh: Internet)

Giai đoạn 2023 - 2025: Lập quy hoạch khu chức năng du lịch tại bản Suối Tút (xã Quang Chiểu)… Giai đoạn 2026 - 2030: Quy hoạch chi tiết Khu du lịch lòng hồ sông Mã (xã Trung Lý); điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch như: Bản Lát (xã Tam Chung), bản Sài Khao (xã Mường Lý)…

Tổng kinh phí dự kiến 945.072 triệu đồng, trong đó: Nguồn kinh phí thực hiện lồng ghép là 841.462 triệu đồng; nguồn ngân sách tỉnh (Chương trình phát triển du lịch), ngân sách huyện và xã hội hóa là 103.610 triệu đồng.

Thừa Thiên Huế phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Vinh Thanh

Theo phê duyệt, đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) đô thị Vinh Thanh và vùng phụ cận có diện tích hơn 1.500 ha, bao gồm: xã Vinh Thanh (1.053,6 ha), một phần xã Vinh An (218,9 ha) và một phần xã Vinh Xuân (231,7 ha), thuộc huyện Phú Vang.

Quy mô dân số dự kiến tại khu đô thị Vinh Thanh theo dự báo vào năm 2030 là 25 nghìn người, đến năm 2040 là 37 nghìn người. Theo quy hoạch, tính chất của đô thị mới này sẽ được định hướng trở thành thị trấn trung tâm tiểu vùng khu vực ven biển và đầm phá của huyện Phú Vang.

Đây sẽ là đô thị phát triển theo mô hình sinh thái, cảnh quan môi trường, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản theo 4 vùng chủ đạo: vùng không gian ven phá; vùng không gian đô thị hiện tại; vùng không gian trằm nước; vùng không gian ven biển.

TP.Pleiku: Lập quy hoạch phân khu để đầu tư vào lĩnh vực dân cư, đô thị, hạ tầng

Hiện thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đang triển khai lập quy hoạch phân khu làm cơ sở lập dự án đầu tư chi tiết cho 17 dự án, gồm: 8 dự án khu dân cư, khu đô thị, khu biệt thự; 8 dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch và 1 dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Thành phố Pleiku (Gia Lai): Lập quy hoạch phân khu để đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho 17 dự án
Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh TL

Một số dự án có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, như dự án: Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya (tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng); tổ hợp thương mại-dịch vụ-shophouse (tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng); dự án khu miệng núi lửa âm làng Ốp (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300-400 tỷ đồng); khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tổng mức đầu tư 137 tỷ đồng); Trung tâm thương mại 337 Trường Chinh (tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng); dự án chợ đầu mối (tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng)..

TP.HCM nghiên cứu xây cảng trung chuyển quốc tế hơn 5 tỷ USD

UBND TP.HCM vừa có quyết định thành lập Tổ công tác để thực hiện Đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Tổ công tác có 15 thành viên do ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM làm tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM trong việc lập, trình đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đồng thời tham mưu, đề xuất UBND TP chỉ đạo triển khai thực hiện đề án sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua và thực hiện các nhiệm vụ khác.

tm-img-alt
Phối cảnh dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.  (Ảnh: Internet)

Theo đề án được nghiên cứu, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được xây dựng tại cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM). Vị trí cù lao nằm ở cửa sông Cái Mép và được bao quanh bởi sông Thị Vải và sông Thuê. Khu vực cù lao Phú Lợi có diện tích rừng phòng hộ khoảng 93,37 ha, trong đó có 82,89ha đất rừng.

Theo đơn vị tư vấn thiết kế, dự án có tổng chiều dài mặt sông khoảng 7,2 km, trong đó 6,8 km là bến tàu mẹ (bến chính) và khoảng 1,9 km bến sà lan.

Cảng được thiết kế cho phép tiếp nhận tàu mẹ có kích thước lên đến 250.000 tấn (tương đương sức chở 24.000 TEU). Tổng diện tích bến cảng khoảng 571 ha và diện tích mặt nước khoảng 477,63 ha với công suất khoảng 16,9 triệu TEU.

Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng hơn 5 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng) và phân kỳ làm 7 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, đưa vào khai thác năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045.

Dự kiến khởi công cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng vào giữa tháng 6

Sáng ngày  22/5, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu chủ trì họp nghe báo cáo công tác chuẩn bị Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 tại UBND tỉnh.

Theo ông Lâu, dự kiến Lễ khởi công Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) sẽ diễn ra ngày 17/6 tại thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Theo số liệu từ ban quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng, dự án thành phần 4 thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) đi qua các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và TP. Sóc Trăng với tổng diện tích đất thu hồi 331ha; số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khoảng 2.789 hộ.

tm-img-alt
Dự kiến ngày 17/6/2023, tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. (Ảnh: Internet)

Dự án có quy mô đầu tư 4 làn xe (theo phân kỳ đầu tư), vận tốc thiết kế 100km/h, với tổng chiều dài tuyến 58,37km qua tỉnh Sóc Trăng, điểm đầu tại huyện Mỹ Tú (giáp với tỉnh Hậu Giang) và điểm cuối là huyện Trần Đề (giao với Quốc lộ Nam sông Hậu).

Theo thiết kế, cao tốc sẽ có các điểm đấu nối, nút giao, điểm dừng nghỉ tại các huyện, thành phố trong tỉnh.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 11.961 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 1.788,20 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng toàn bộ 6 làn xe); chi phí xây dựng 8.551,65 tỷ đồng; chi phí thiết bị 5,52 tỷ đồng… sử dụng từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài trên 188 km, đi qua địa bàn 4 tỉnh/thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Quy mô giai đoạn 1 gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng. Dự án gồm 4 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ có chiều dài hơn 57 km, tổng mức đầu tư ước 13.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn TP. Cần Thơ, chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, chiều dài khoảng 37 km, tổng mức đầu tư dự tính hơn 9.900 tỷ đồng. Dự án thành thành phần 4 trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, chiều dài 57 km, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 22/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới