Thứ ba, 15/10/2024 14:14 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 26/5/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 26/05/2023 20:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/5/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/5/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Thủ tướng chỉ thị đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch

Chỉ thị nêu rõ, để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng chỉ thị đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch - Ảnh 1.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.

Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, vai trò của quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội; xác định công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, thực hiện kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Bám sát, đánh giá đúng tình hình, tăng cường năng lực dự báo, chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quá trình lập các quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 đảm bảo tiến độ, tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quy hoạch; huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực để triển khai theo dõi, đánh giá, thực hiện quy hoạch; kiên quyết chống tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách trong công tác quy hoạch; quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.

Các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra là hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường trách nhiệm và phối hợp triển khai công tác quy hoạch.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Đề xuất tự động giãn đăng kiểm gần 1,4 triệu xe cá nhân từ đầu tháng 6

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đáng chú ý, dự thảo Thông tư bổ sung nội dung cơ quan đăng kiểm tự động cấp xác nhận gia hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, Tem kiểm định đối với phương tiện tham gia giao thông, giúp giải quyết căn bản thực trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới hiện nay, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp.

Dự thảo Thông tư nêu rõ: Đối tượng áp dụng là các xe ôtô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải hết hạn kiểm định trong khoảng thời gian 1 năm kể từ ngày Thông tư được ban hành sẽ được tự động giãn chu kỳ kiểm định theo chu kỳ mới quy định tại Thông tư 02/2023.

Như vậy, thời hạn tiếp tục sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định trong mọi trường hợp không vượt quá ngày 31/12/2024.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, sẽ có gần 1,4 triệu ôtô đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng. Đồng nghĩa với việc các đơn vị đăng kiểm có thời gian, tập trung nhân lực để kiểm định cho các xe kinh doanh vận tải và các phương tiện khác hết hạn đăng kiểm nhưng chưa được kiểm định.

tm-img-alt

Đề xuất tự động giãn đăng kiểm gần 1,4 triệu xe cá nhân từ đầu tháng 6 (Ảnh: Internet)

Trước đó tại nội dung Thông tư 02/2023 có hiệu lực từ ngày 22/3, chu kỳ kiểm định định kỳ của ôtô chở người các loại đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải có thời gian sản xuất đến 7 năm đã được nâng lên thành 24 tháng thay vì 18 tháng theo quy định cũ.

Nếu dự thảo này được thông qua, giả sử ôtô gia đình dưới 9 chỗ ngồi có thời gian sản xuất dưới 7 năm và dự kiến hết hạn kiểm định theo chu kỳ hiện tại vào ngày 30/6/2024 thì sẽ được tự động giãn chu kỳ kiểm định thêm 6 tháng. Trong trường hợp nói trên, ngày đến hạn kiểm định của phương tiện sẽ tự động chuyển thành ngày 31/12/2024 theo quy định mới về chu kỳ kiểm định tại Thông tư 02/2023.

Tuy nhiên, các phương tiện có hạn kiểm định rơi vào trước thời điểm Thông tư 02/2023 có hiệu lực sẽ không được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định mới. Tài xế hoặc các chủ sở hữu của khoảng 155.000 phương tiện thuộc nhóm này vẫn phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để được cấp giấy chứng nhận cùng tem kiểm định trước khi áp dụng chu kỳ kiểm định mới theo quy định tại Thông tư 02/2023.

Theo lý giải của Bộ GTVT, những nội dung đề cập trong dự thảo này nhằm hướng đến mục tiêu giải quyết căn bản thực trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới ở giai đoạn hiện nay. Đồng thời, những thay đổi nói trên cũng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.

Bộ GTVT sẽ khởi công 10 dự án giao thông trong quý II/2023

Thông tin về tình hình triển khai các dự án giao thông sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT cho biết, thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư 59/64 dự án.

Trong 59 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, có 41 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư.

“Với 18 dự án chưa được phê duyệt, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (QLDA) đã lập kế hoạch điều chỉnh thời gian, dự kiến hoàn thành phê duyệt 11 dự án trong quý II/2023, 6 dự án trong quý III/2023 và 1 dự án trong quý IV/2023”, Bộ GTVT cho biết.

Liên quan đến công tác khởi công, khánh thành dự án, theo Bộ GTVT, năm 2023, Bộ dự kiến khởi công 28 dự án và hoàn thành 29 dự án.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Đến nay, 6 dự án đã được khởi công, đáp ứng kế hoạch, gồm: Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Dự án Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km 15+270-Km89+700, tỉnh Quảng Nam.

Được biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư/ban QLDA hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 10 dự án, hoàn thành 9 dự án trong quý II/2023.

Trong đó, có một số dự án trọng điểm như: Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô.

Đề xuất nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 37 qua tỉnh Hải Dương

Tuyến đường được đề xuất đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 - 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Điểm đầu của dự án tại Km87+403 giao với Quốc lộ 18. Điểm cuối tại Km99+680 giáp ranh với tỉnh Bắc Giang.

Tổng chiều dài tuyến xây dựng khoảng 12km với kinh phí đầu tư khoảng 2.297 tỷ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2025 - 2030 và nguồn vốn bổ sung, tiết kiệm hoặc dư của kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Dự án dự kiến khởi công vào quý IV/2024, hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng khoảng 24 tháng kể từ ngày khởi công.

Theo Cục Đường bộ, Quốc lộ 37 đoạn Km81+750 - Km99+680 có chiều dài hơn 18 km, đi qua Khu di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc địa phận TP Chí Linh.

Thanh Hóa: Quy hoạch khu du lịch khoáng nóng gần 200ha

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng, dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp và đô thị tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương.

Theo đó, quy mô tổng diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 198ha, nằm trên địa bàn xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Khu vực quy hoạch có tính chất là khu quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch văn hóa bản địa, chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu của nhân dân quanh vùng, khách du lịch và quốc tế. Đồng thời là khu dân cư sinh thái hiện đại kiểu đô thị, đồng bộ và đa dạng tiện ích cho dân cư, được đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Dự kiến, quy mô dân số trong khu dân cư khoảng 20.000 người, tổng khách du lịch trung bình khoảng 10.000 người/ngày.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trước đó, một dự án nghỉ dưỡng khoáng nóng khác tại xã Quảng Yên là Sun Beauty Onsen Thanh Hóa đã được khởi công hồi tháng 12/2021. Dự án có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng với quy mô gần 100ha.

Dự án gồm nhiều tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, mua sắm đa dạng. Trong đó, tổ hợp biệt thự và dịch vụ cao cấp mang cảm hứng thiết kế 4 mùa trong năm dự kiến ra mắt 2 phân khu xuân, hạ đầu tiên với 212 sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng có nguồn khoáng nóng thiên nhiên được dẫn đến từng căn. Tuy nhiên, dự án đang tạm dừng thi công để rà soát lại một số thủ tục pháp lý và quy hoạch.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa cũng đang triển khai nhiều dự án khu du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn khác như dự án khu du lịch sinh thái biển Flamingo Linh Trường tại huyện Hoằng Hóa, dự án khu du lịch sinh thái Tân Dân tại thị xã Nghi Sơn, dự án khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham tại huyện Quảng Xương...

TP HCM lên kế hoạch xóa 24 “điểm đen” gây ùn tắc giao thông

Theo Sở GTVT TP.HCM, toàn thành phố hiện nay có 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong năm 2023, ngành giao thông sẽ phấn đấu xóa được ít nhất 1 điểm là khu vực cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh).

Trong 23 điểm còn lại có 2 điểm chuyển biến tốt gồm giao lộ Quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) và giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (quận Gò Vấp).

13 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp như: Khu vực Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1); vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình); ngã tư Tây Hòa, nút giao thông Mỹ Thủy và nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức); giao lộ Vĩnh Lộc- Nguyễn Thị Tú- Quách Điêu, giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng (huyện Bình Chánh); giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (quận 7);

8 điểm không chuyển biến gồm: Đường Nguyễn Thị Định (từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái, thuộc TP Thủ Đức); đường Nguyễn Tất Thành (quận 4); đường Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý); giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám và giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình); giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến ngã 5 Đài Liệt sỹ) và Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh).

tm-img-alt

TP HCM lên kế hoạch xóa 24 “điểm đen” gây ùn tắc giao thông (Ảnh: Internet)

Để giảm ùn tắc, thành phố sẽ tập trung thi công nhanh các công trình: hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), nút giao An Phú (TP Thủ Đức), đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà (Tân Bình). Các dự án sẽ được đẩy nhanh thủ tục để sớm xây dựng như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), cầu thép ngã tư Bốn Xã (Bình Tân).

Hiện, kế hoạch xử lý ùn tắc cho từng điểm đã được ngành giao thông xây dựng. Những khu vực không chuyển biến như đường Nguyễn Tất Thành sẽ được nghiên cứu hạn chế một số loại xe, tổ chức giao thông một chiều trên cầu Tân Thuận. Tại "điểm đen" đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, các đơn vị sẽ nghiên cứu phương án cấm ôtô từ tuyến D5 chạy ra, không dừng, đỗ xe trên tuyến này.

Giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất sẽ được tính toán phân luồng giao thông tổng thể, nhất là khi dự án ga T3 sân bay, mở rộng đường Hoa Thám, tuyến nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, hoàn thành. Điểm ùn tắc trên đường Trường Chinh sẽ được lắp dải phân cách di động để điều tiết, phân luồng.

Ngành giao thông cũng sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai loạt giải pháp phi công trình như: Tăng cường theo dõi tình hình giao thông qua hệ thống camera giám sát và thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng; tổng hợp cung cấp hình ảnh, video các trường hợp vi phạm theo định kỳ hằng tuần cho đơn vị có chức năng xử lý vi phạm.

Thường xuyên rà soát, nghiên cứu và điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường.

Báo cáo chuyên đề về điều chỉnh tổ chức cấm dừng, đỗ xe tại khu vực trung tâm TP.HCM.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 26/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới