Thứ sáu, 29/03/2024 20:26 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 27/2/2023

MTĐT -  Thứ hai, 27/02/2023 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/2/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/2/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Thủ tướng đồng ý đề xuất đầu tư mở rộng đường Hòa Bình - Hòa Lạc

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng hoan nghênh và đồng ý đề xuất của tỉnh về việc giao tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền để đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường Hòa Bình - Hòa Lạc theo hình thức PPP.

Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình vừa có Tờ trình số 07/TTr- UBND về việc thực hiện đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Theo Tờ trình số 07, Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc- Hòa Bình có điểm đầu tại vị trí điểm đầu dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện trạng (khoảng Km6+680 trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình, giao với đường Hòa Lạc - làng Văn Hóa các dân tộc, thuộc địa phận xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội); điểm cuối tại Km23+040 tại vị trí điểm giao cắt giữa đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện trạng và Quốc lộ 6 (khoảng Km64+940 của Quốc lộ 6).

Tổng chiều dài toàn tuyến thuộc Dự án khoảng 23,04km, trong đó, đoạn đi qua địa phận TP. Hà Nội dài khoảng 6,37km; địa phận tỉnh Hòa Bình dài khoảng 16,67km.

Dự án dự kiến xây dựng tuyến đường với 6 làn xe (có dự trữ quỹ đất hai bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe - mỗi bên 2 làn và xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai), với tổng chiều rộng nền đường hoàn thiện khoảng từ 80m - 110m.

tm-img-alt

Thủ tướng đồng ý đề xuất đầu tư mở rộng đường Hòa Bình - Hòa Lạc (Ảnh: Internet)

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Dự án sẽ thực hiện đầu tư tuyến đường với quy mô 6 làn xe (tận dụng tối đa 2 làn xe hiện tại) và giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi đầu tư của dự án, tạo điều kiện hoàn thiện các hạng mục còn lại trong tương lai.

UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình và Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình, giai đoạn 1.

Sau khi được bàn giao, UBND tỉnh Hoà Bình tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan tiếp tục giải quyết, đồng thời triển khai các thủ tục đầu tư mở rộng hoàn chỉnh tuyến đường Hoà Lạc – Hoà Bình.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Bộ GTVT yêu cầu hoàn thành ba dự án cao tốc trước ngày 30/4

Bộ Giao thông Vận tải đã phát đi công điện số 02/CĐ-BGTVT tới các chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát, yêu cầu tập trung thi công và đảm bảo đưa các dự án cao tốc đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây vào khai thác theo kế hoạch.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Theo công điện, tiến độ thi công sau dịp Tết Nguyên đán đã cho thấy rằng việc triển khai đồng bộ các dây chuyền, huy động nhân lực và thiết bị của các đơn vị thi công chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số gói thầu còn chậm triển khai thi công các hạng mục mặt đường và có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu.

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu lãnh đạo các Ban quản lý dự án trực tiếp phải có mặt tại hiện trường đến khi dự án hoàn thành. Các Ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu phải hoàn thành thảm bê tông nhựa mặt đường trước ngày 31/3/2023 và hoàn thiện các hạng mục còn lại, bao gồm các nút giao, cầu vượt ngang và hệ thống an toàn giao thông, để đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30/4/2023.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hải Phòng tìm chủ đầu tư cho các khu đô thị nghìn tỷ

Các hạng mục chính của dự án gồm: xây dựng 900 căn nhà liền kề cao 3-5 tầng, diện tích 80-120m2 và 62 căn biệt thự, cao 3 tầng, diện tích 180-250m2; nhà văn hóa (800m2); bãi đỗ xe (5.510m2); trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn (11.082m2); nhà ở xã hội (26.388m2).

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet.

Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa các công trình vào hoạt động dự kiến là 60 tháng kể từ khi lựa chọn được nhà đầu tư. Thời hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 25/3/2023.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân, tạo lập một không gian đô thị văn minh hiện đại, cải tạo cảnh quan huyện An Lão, TP. Hải Phòng.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Nghệ An: Yêu cầu di chuyển người dân ra khỏi nhà chung cư có mức độ nguy hiểm cấp D

Theo Kết luận của cơ quan chức năng về kiểm định chất lượng công trình Nhà C8 thuộc Khu C, khu chung cư Quang Trung, thành phố Vinh và đề nghị của Sở Xây dựng, UBND tỉnh Nghệ An đã phát đi thông báo đến hộ gia đình ông Hoàng Kim Nga và bà Lê Thị Luyên là chủ căn hộ số 111A, Nhà C8 thuộc Khu C, khu chung cư Quang Trung, thành phố Vinh.

Nhà C8 thuộc Khu C, Khu chung cư Quang Trung, thành phố Vinh đã được Sở Xây dựng công bố Kết luận kiểm định chất lượng tại Văn bản số 4551/SXD- GĐCL ngày 02/12/2022 như sau: “Công trình Nhà C8 thuộc khu C, Khu chung cư Quang Trung, thành phố Vinh có mức độ nguy hiểm cấp D: Khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể (theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9381:2012 Hướng dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà và Quyết định số 681/QĐ- BXD ngày 12/7/2016 của Bộ Xây dựng về việc phê duyệt quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng)”.

a.jpg
Một góc Khu chung cư Quang Trung xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn.

Theo quy định của pháp luật, Nhà C8 thuộc Khu C, Khu chung cư Quang Trung thuộc diện phải phá dỡ để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và cộng đồng. Hiện nay đã có 47/48 hộ gia đình di dời toàn bộ tài sản và bàn giao nhà ở. Vì vậy, yêu cầu hộ gia đình ông Hoàng Kim Nga và bà Lê Thị Luyên nghiêm túc chấp hành việc phá dỡ và di chuyển người và toàn bộ tài sản ra khỏi nhà trước ngày 15/3/2023. Hết thời hạn trên, nếu ông - bà không chấp hành việc phá dỡ hoặc không bàn giao nhà ở, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định.

Đề nghị UBND thành phố Vinh công bố công khai nội dung trên lên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định; chuyển Thông báo này đến cho hộ gia đình ông Hoàng Kim Nga và bà Lê Thị Luyên trong thời gian 02 ngày, kể từ ngày phát hành Thông báo.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hà Nội xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy

UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn TP Hà Nội.

Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, người dân, người lao động; vận động mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người tham gia lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH; được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện phục vụ phá dỡ, thoát nạn.

Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình an toàn về PCCC và CNCH đáp ứng theo phương châm 4 tại chỗ “Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân"; vận động ít nhất 2% hộ gia đình có cả nhân tình nguyện tham gia hoạt động PCCC và CNCH.

tm-img-alt

Hà Nội xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy (Ảnh: Internet)

Theo kế hoạch, Thành phố sẽ duy trì, xây dựng, nhân rộng mô hình toàn dân tham gia PCCC và CNCH. Các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” phải triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động đồng bộ theo chỉ tiêu của Bộ Công an, trước ngày 20/6/2023. Các mô hình “Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC”, “Cụm liên kết Làng nghề an toàn PCCC”, “Cụm liên kết an toàn PCCC trong Khu/Cụm công nghiệp”, Cụm liên kết an toàn PCCC rừng triển khai và đưa vào hoạt động căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, hoàn thành trước ngày 15/12/2023.

Vì sao trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình chưa mở cửa trở lại?

Liên quan đến việc mở cửa trở lại Trung tâm Đăng kiểm 2801S duy nhất ở Hòa Bình sau khi bị tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra sai phạm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thông qua trao đổi với Sở GTVT tỉnh Hòa Bình, đến nay, cơ quan công an vẫn chưa bàn giao trung tâm đăng kiểm lại cho đơn vị này.

Do đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa thể thực hiện việc hỗ trợ đánh giá dây chuyền kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị đăng kiểm xe để xem xét cần bổ sung thêm máy móc, thiết bị nào khác nhằm khôi phục hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm 2801S hay không.

tm-img-alt

Đến nay trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại. (Ảnh: Internet)

Trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự ở các đơn vị đăng kiểm nhưng thời gian vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiến hành rà soát, cố gắng động viên và nhận được sự đồng ý của 4 đăng kiểm viên ở các trung tâm đăng kiểm khác đến Hòa Bình làm việc, vận hành trở lại đơn vị đăng kiểm tại đây. Cục cũng đã giới thiệu nhân sự này đối với Sở GTVT Hòa Bình để Sở làm việc, trao đổi, bàn bạc về cơ chế và ký hợp đồng với họ. Tuy nhiên đến nay, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Việc chưa kịp thời khôi phục hoạt động của trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình đã khiến cho quá trình kiểm định xe cơ giới của người dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, phải di chuyển xa hàng trăm km xuống TP Hà Nội hoặc lên Sơn La để đăng kiểm xe, gây tốn kém chi phí, công sức và thời gian của người dân.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Bến Tre sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án cầu Rạch Miễu 2 trong quý I

Đến ngày 27/2, Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Tiền Giang đã tiến hành chi trả tiền bồi thường cho 348 hộ dân tại thành phố Mỹ Tho, đạt được 80% tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án với tổng số tiền đã giải ngân là 506,6 tỷ đồng. Các thủ tục tiếp tục được khẩn trương thực hiện để chi trả bồi thường cho các hộ còn lại đúng quy định.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Hiện tại, đã có 230 hộ dân đã bàn giao mặt bằng diện tích trên 52.000 m2 đất trong tổng số 95.600 m2 đất cần bàn giao, đạt tỷ lệ gần 55%. Một trong số những người được bồi thường là ông Phạm Thành Tâm -  ấp Thới Bình, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, số tiền đền bù mà ông nhận được là 9 tỷ đồng cho 1.800 m2 đất của ông nằm trong phạm vi dự án cần di dời, giải tỏa.

Người dân  rất phấn khởi và hy vọng rằng công trình cầu Rạch Miễu 2 sẽ được thi công và hoàn thành đúng tiến độ, góp phần phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời cũng mong muốn mọi người trong vùng bị ảnh hưởng sẽ đồng lòng nhận bồi thường, giải tỏa và di dời mặt bằng phục vụ cho công trình cầu Rạch Miễu 2, vì sự phát triển chung của đất nước.

Đối với 487 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 tại huyện Châu Thành với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên 958,6 tỷ đồng.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương phối hợp cùng các cấp, các ngành hữu quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại huyện Châu Thành theo đúng quy định pháp luật.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 27/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới