Thứ tư, 24/04/2024 11:29 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 28/2/2023

MTĐT -  Thứ ba, 28/02/2023 16:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/2/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/2/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Nội: Sẽ chi khoảng 9.500 tỷ đồng. để xây dựng nhà ở tái định cư

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025.

Theo quyết định, UBND TP. Hà Nội xác định loạt mục tiêu phát triển nhà ở, giai đoạn 2021 - 2025 như: diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 29,5m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người. Diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 44 triệu m2.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Hiện tại, Thành phố Hà Nội cũng phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở nhà xã hội; chuẩn bị đầu tư 1- 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2- 3 khu. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.

Về nhà ở thương mại, Hà Nội sẽ phát triển mới khoảng 19,73 triệu m2 sàn nhà ở. Tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị bảo đảm tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu 5% và nhà ở cho thuê mua đạt tối thiểu 5% trên tổng diện tích sàn nhà ở chung cư tại dự án.

Triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 chung cư cũ nguy hiểm cấp D: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp; các khu chung cư, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định (có phát sinh trong quá trình kiểm định) và các khu chung cư, nhà chung cư khác có tính khả thi, đủ điều kiện để triển khai theo quy định.

Về nhà ở riêng lẻ, Hà Nội sẽ phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu mét vuông sàn/năm); phát triển mới khoảng 0,555 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư.

Bố trí vốn hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án giao thông tại Hải Phòng

Theo đại diện của UBND TP Hải Phòng, thành phố đã hoàn thành các thủ tục đầu tư cho hàng loạt dự án giao thông và bố trí ngân sách trong năm 2023.

Mục tiêu của thành phố là tập trung bố trí ngân sách để đảm bảo các dự án có khả năng hoàn thành trong năm nay. Thành phố sẽ bố trí 100% ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng và 80% ngân sách cho công tác xây lắp.

tm-img-alt
Phối cảnh cầu Lại Xuân vừa được TP Hải Phòng khởi công xây dựng (Ảnh: Internet)

Cụ thể, các dự án giao thông dự kiến hoàn thành trong năm 2023 bao gồm: Cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 10, từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền, với tổng ngân sách bố trí là 191 tỷ đồng; tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy với tổng ngân sách bố trí là 411 tỷ đồng; cầu Bến Rừng với tổng ngân sách bố trí là 257 tỷ đồng; tuyến đường từ đường bộ ven biển đến ngã ba Vạn Bún, quận Đồ Sơn với tổng ngân sách bố trí là 449 tỷ đồng, mở rộng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn TP. Hải Phòng với tổng ngân sách bố trí là 229 tỷ đồng.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Xây dựng Nam Định thành đô thị thông minh

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định Nguyễn Thị Như cho biết, thành phố Nam Định là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; là đô thị trung tâm của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nam Định năm 2011, là một trong 22 đô thị loại I của cả nước; diện tích tự nhiên: 46,41 km2, dân số: 283.633 người với 22 phường và 3 xã.

Giai đoạn 2016-2020, thành phố Nam Định đã khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Kinh tế tăng trưởng khá, đạt mức bình quân trên 13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ là chủ đạo...

Tuy nhiên, quy mô diện tích thành phố nhỏ, hẹp so với các đơn vị hành chính khác trong tỉnh. Không gian phát triển bị chia cắt, khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn. Việc xây dựng, phát triển thành phố còn bộc lộ một số hạn chế. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa hình thành rõ nét chức năng trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng...

Trước thực tế trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/6/2021 về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển thành phố Nam Định nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng; là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo, y tế; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, ngang tầm với các thành phố loại I của cả nước.

Thành phố phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 17%/năm; giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ tăng bình quân trên 10%/năm; giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 2 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế trên địa bàn đạt trên 4.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng/năm...

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Khẩn trương giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc – Nam qua Nghệ An

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Nghệ An dài 87,84 km, bao gồm tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt; đi qua Thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Trong đó, tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng, trên tuyến có 3 nút giao liên thông với Quốc lộ 48D, Quốc lộ 48B và Quốc lộ 7.

Hiện tại, việc triển khai dự án đang gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng. Tại thị xã Hoàng Mai, dự án bị cản trở bởi đường ống nước D800, trong khi ở huyện Diễn Châu, một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng và một số hộ chưa đồng ý với phương án đền bù địa phương đưa ra.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 17/11/2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã kiểm tra trực tiếp tiến độ triển khai dự án này đoạn qua tỉnh Nghệ An. Tại cuộc kiểm tra này, tỉnh Nghệ An cam kết sẽ huy động cả hệ thống chính trị để hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Ban quản lý dự án cũng như các nhà thầu thi công dự án. Trong trường hợp không thực hiện được, tổ chức sẽ cưỡng chế và bảo vệ việc thi công để hoàn thành dự án trong tháng 11/2022.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

TP.HCM: Kiến nghị thanh tra toàn diện dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống

Theo Sở GTVT, Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy, TP Thủ Đức) do Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TP là chủ đầu tư, đây là một trong những dự án trọng điểm của TP. Dự án không phải thực hiện công tác GPMB, thi công thuận lợi nhưng đến nay công trình đã chậm trễ khoảng 27 tháng (hơn 2 năm) so với tiến độ đề ra, nhà thầu thi công đã tạm ngưng thi công từ tháng 6.2022.

Việc chậm trễ hoàn thành công trình làm lãng phí nguồn lực ngân sách, gây bức xúc cho người dân.

TP.HCM: Kiến nghị thanh tra toàn diện dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống
Dự án thi công mở rộng đường Đồng Văn Cống. Ảnh: ĐL

Để thúc tiến độ công trình, Sở GTVT đã nhiều lần gia hạn thời gian hoàn thành công trình và UBND TP cũng có công văn yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông – Chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công lại trước ngày 15.2.2023 nhưng đến nay, tình hình dự án vẫn không tiến triển.

Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (TP Thủ Đức) khởi công từ cuối tháng 2.2020, không phải giải phóng mặt bằng và dự kiến hoàn thành trong 6 tháng, mở rộng mặt đường thêm 7m, tăng thêm 2 làn xe lưu thông mỗi bên, vốn đầu tư gần 42 tỉ đồng. Khi hoàn thành đường Đồng Văn Cống sẽ có 10 làn xe ô tô và 2 làn xe máy lưu thông.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

TP.HCM thu hồi dự án công viên Sài Gòn Silicon rộng 52 ha

Dự án Công viên Sài Gòn Silicon khởi công tháng 8/2016 do Công ty CP Công viên Sài Gòn Silicon làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn khoảng 860 tỷ đồng, xây trên diện tích 52 ha tại lô I6 và I7 trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Dự án được xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ).

Khu đất 52 ha sẽ được chia thành 33 vùng tương ứng 33 công trình xây dựng với diện tích từ 0,5 - 1,5 ha/công trình, gồm 4 tòa nhà cho trung tâm quản lý, vận hành và dịch vụ, 24 khu xây dựng cho các nhà máy sản xuất công nghệ cao cho thuê, 1 tòa nhà cho trung tâm dịch vụ tổng hợp và kho xuất nhập khẩu, 1 khu xây dựng cho câu lạc bộ và trung tâm thể thao, 1 triển lãm, 1 trạm cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý rác thải tạm thời và 8 nhà đỗ xe sử dụng bảng năng lượng mặt trời.

Khi hoàn thành, dự án Công viên Sài Gòn Silicon sẽ là một đô thị thông minh, sẵn sàng cơ sở hạ tầng và tiện ích thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động ở lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, sau lễ khởi công, chủ đầu tư dự án chậm xây dựng các hạng mục công trình. Tháng 10/2021, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã lập biên bản và kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho SHTP thực hiện chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án.

tm-img-alt
Phối cảnh dự án Công viên Sài Gòn Silicon. Ảnh minh họa.

Khi trình dự án lên UBND TP.HCM, Công ty cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon (Công ty Silicon) đã làm một bản kế hoạch rất chi tiết về việc thu hút các doanh nghiệp từ thung lũng Silicon Hoa Kỳ về Việt Nam. Trong đó tiến độ thực hiện chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I (từ tháng 5/2015 đến 5/2016), dự kiến thu hút 10 doanh nghiệp Việt kiều. Giai đoạn II (từ tháng 6/2016 đến 6/2017) dự kiến thu hút 7 doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp Việt kiều và doanh nghiệp Hoa Kỳ bản địa. Giai đoạn III (từ 7/2017 đến 7/2018) dự kiến thu hút 7 doanh nghiệp Hoa Kỳ bản địa.

Tháng 8/2016, Dự án Công viên Sài Gòn Silicon chính thức được khởi công với số vốn đầu tư là 858 tỷ đồng (40 triệu USD - tỷ giá USD thời điểm năm 2015 - PV), trong đó vốn điều lệ là 400 tỷ đồng, vốn vay là 458 tỷ đồng.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 28/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.