Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 28/3/2023
Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/3/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/3/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực từ ngày 1/4/2023
Thông tư 11/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/9/2022 quy định về bảo lãnh ngân hàng, trong đó quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2023.
Theo Điều 13 Thông tư, Ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng và không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi: Chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng), dự án đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định.
Trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai: Căn cứ đề nghị của chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng, ngân hàng thương mại xem xét, thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư. Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định.
Sau khi ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, trong đó có quy định nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, chủ đầu tư gửi hợp đồng mua, thuê mua nhà ở cho ngân hàng thương mại để đề nghị ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh cho bên mua.
Ngân hàng thương mại căn cứ hợp đồng mua, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai để phát hành thư bảo lãnh và gửi cho từng bên mua hoặc gửi chủ đầu tư để cung cấp thư bảo lãnh cho bên mua theo thỏa thuận.
Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh cho bên mua trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở. Ngân hàng và chủ đầu tư thỏa thuận cụ thể về việc gửi thư bảo lãnh cho bên mua sau khi phát hành thư bảo lãnh.
Hồ sơ bên mua gửi cho ngân hàng yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải kèm theo thư bảo lãnh. Thư bảo lãnh có hiệu lực kể từ thời điểm phát hành cho đến ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, trừ trường hợp nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo quy định.
Bắc Giang đưa các dự án BT chuyển tiếp vào danh mục dự án trọng điểm
Trên cơ sở đó, hàng quý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND Tỉnh ban hành các thông báo kết luận để kịp thời chỉ đạo thực hiện dự án bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bắc Giang cho biết, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai thực hiện tổng số 9 dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BT, trong đó có 8 dự án giao thông và 1 dự án xây dựng dân dụng.
Hiện tại đã có 4 dự án bàn giao đưa vào sử dụng, trong đó có 3 dự án hoàn thành quyết toán, 1 dự án đang thực hiện thủ tục quyết toán, 5 dự án đang triển khai thực hiện theo hợp đồng.
Về cơ bản, các dự án BT chủ yếu thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, có vai trò quan trọng đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các dự án hoàn thành đã bước đầu phát huy tốt hiệu quả đầu tư, những dự án đang thực hiện được tỉnh Bắc Giang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.
Cụ thể, thông qua việc triển khai đầu tư 9 dự án BT, Bắc Giang đã thu hút được trên 3.401 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để góp phần hình thành kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Quy hoạch hai tuyến cao tốc nối Quảng Ninh đi Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh này có hai tuyến cao tốc quy hoạch mới là cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long (CT 09) và Cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng (CT 10).
Cụ thể, cao tốc CT 09 là tuyến kết nối TP Hạ Long đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) dài 146 km. Đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh dài khoảng 57 km với điểm đầu là ranh giới Hải Dương - Quảng Ninh (thị xã Đông Triều), điểm cuối bắt vào cao tốc Hạ Long - Vân Đồn ở xã Sơn Dương, TP Hạ Long. Theo lộ trình giai đoạn 2021 - 2030, cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long sẽ triển khai xây dựng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt tốc độ thiết kế 100-120 km/h, quy mô 4 làn xe. Giai đoạn sau năm 2030 phát triển theo nhu cầu thực tế.
Còn đường cao tốc CT 10 có điểm đầu tại đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Tiên Yên; điểm cuối tỉnh Quảng Ninh tại xã Điền Xá, huyện Tiên Yên (ranh giới Quảng Ninh - Lạng Sơn. Đoạn cao tốc CT 10 qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh dài khoảng 25 km. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, đơn vị chức năng quản lý quỹ đất quy mô 4 làn xe thuộc tuyến này. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ triển khai xây dựng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt tốc độ thiết kế 100-120 km/h, quy mô 4 làn xe.
Hiện nay, Quảng Ninh đã có tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái (CT 06). Trong đó, đoạn Hạ Long - Hải Phòng dài khoảng 25km (gồm cầu Bạch Đằng, đường dẫn và đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng). Điểm đầu tại cầu Bạch Đằng, điểm cuối giao với nút giao quốc lộ 18 (QL 18), tốc độ thiết kế 100 km/h, quy mô 4 làn xe.
Hà Nam: Công bố danh mục mời gọi đầu tư Dự án Khu đô thị Đại học Nam Cao 3.330 tỷ đồng
Dự án nằm trên địa bàn xã Tiên Ngoại, phường Tiên Nội và phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Dự án có tổng diện tích đất khoảng 101,48 ha. Tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2022 - 2028; thời gian hoạt động 50 năm.
Mục tiêu của Dự án là tạo quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư các cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu; góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đồng bộ trong Khu Đại học Nam Cao trên địa bàn thị xã Duy Tiên.
Nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án hết ngày 25/4/2023.
Quảng Bình: Đặt mục tiêu thu tiền sử dụng đất 3.240 tỷ đồng năm 2023
UBND tỉnh Quảng Bình vừa giao chỉ tiêu phấn đấu thu tiền sử dụng đất năm 2023 cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh. Theo đó, huyện Minh Hóa 7 tỷ đồng, huyện Tuyên Hóa 90 tỷ đồng, huyện Quảng Trạch 330 tỷ đồng, thị xã Ba Đồn 340 tỷ đồng, huyện Bố Trạch 365 tỷ đồng, TP. Đồng Hới 1.300 tỷ đồng, huyện Quảng Ninh 476 tỷ đồng, huyện Lệ Thủy 332 tỷ đồng.
So với các năm trước, cơ cấu giao chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất năm 2023 tại từng địa phương của tỉnh Quảng Bình là tương đương. Cụ thể, TP. Đồng Hới chiếm 43,3%, thị xã Ba Đồn 9,3%, huyện Bố Trạch 11,5%, huyện Quảng Trạch 09%, huyện Lệ Thủy 9,4%, huyện Quảng Ninh 15,8% và huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa chiếm khoảng 1%.
Nếu so với dự toán thu tiền sử dụng đất được HĐND tỉnh Quảng Bình giao năm 2023 là 3.000 tỷ đồng; UBND tỉnh Quảng Bình đặt chỉ tiêu đăng ký phấn đấu là 3.240 tỷ đồng (tăng 8%).
Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu chủ đầu tư dự án phát triển quỹ đất kịp thời giao chỉ tiêu đến các đơn vị trực thuộc trực tiếp làm nhiệm vụ phát triển quỹ đất đấu giá; tăng cường công tác quảng bá, tiêu thụ quỹ đất; khẩn trương tổ chức đấu giá đối với dự án đã hoàn thành hạ tầng, đủ điều kiện đưa ra đấu giá trong những tháng đầu, quý đầu năm 2023.
Người đứng đầu các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Giám đốc Quỹ Phát triển đất tỉnh được giao phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án, sớm đưa ra đấu giá, kịp thời hoàn trả nợ tạm ứng Quỹ Phát triển đất; đôn đốc dự án xã hội hóa để hoàn thành chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất đã đề ra.
Quảng Ngãi: Phê duyệt đầu tư xây dựng đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi
Theo đó, đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi đi qua địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi, với chiều dài toàn tuyến khoảng hơn 28km, quy mô nền đường 46 m, mặt đường 16m, dải phân cách giữa 18m, vỉa hè 12m,…
Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp I, diện tích đất sử dụng gần 186ha, tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 500 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách tỉnh từ nguồn thu tiền sử dụng đất), thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2027.
Tuyến đường này có điểm đầu tại Km0+000, kết nối với đường Dốc Sỏi - Dung Quất tại nút giao với đường Thanh Niên, thuộc huyện Bình Sơn và điểm cuối tại Km28+188,54, kết nối với đường Hoàng Sa, tại nút giao đầu cầu đập dâng Trà Khúc, thuộc địa phận TP Quảng Ngãi.
Đường Hoàng Sa-Dốc Sỏi khi được đầu tư hoàn thiện đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh theo quy hoạch được duyệt; đồng thời, hình thành trục dọc giao thông quan trọng của tỉnh kết nối nhanh, thuận lợi từ sân bay Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất đến TP Quảng Ngãi và các địa phương phía Nam.
Dự án còn tạo thành hành lang phát triển kinh tế chủ đạo, làm động lực để thu hút đầu tư và khai thác tiềm năng phát triển kinh tế đối với khu vực phía Đông của các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi; giảm lưu lượng phương tiện trên tuyến Quốc lộ 1, nhất là trong giờ cao điểm hiện đang bị quá tải, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân.
Tháng 9 vừa qua, UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vừa có báo cáo về việc tham gia ý kiến liên quan đến báo cáo nghiên cứu đầu tư tiền khả thi dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi.
Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Vân Phong
Theo đó, ranh giới lập Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050 bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Đại Lãnh, Vạn Phước, Vạn Bình, Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Lương, Vạn Hưng và thị trấn Vạn Giã thuộc huyện Vạn Ninh; các phường Ninh Hiệp, Ninh Giang, Ninh Đa, Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải và các xã Ninh An, Ninh Thọ, Ninh Phước thuộc thị xã Ninh hòa.
Quy mô diện tích khoảng 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 79.178 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.822 ha được giới hạn như sau: Phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên; phía Nam giáp phường Ninh Hà, các xã Ninh Quang, Ninh Phú và Ninh Vân của thị xã Ninh Hòa; phía Tây giáp tỉnh Phú Yên, xã Xuân Sơn huyện Vạn Ninh và các xã Ninh Sơn, Ninh Trung, Ninh Đông, Binh Bình thị xã Ninh Hòa; phía Đông giáp biển.
Tính chất Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết nối hợp tác phát triển các ngành kinh tế khác.
Khu kinh tế Vân Phong là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện tại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Khu kinh tế Vân Phong là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.
TP.HCM: Nghiên cứu tổ chức giao thông tổng thể khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì nghiên cứu tổ chức giao thông tổng thể khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm áp lực trên đường Trường Sơn, các nút giao thông xung quanh khu vực sân bay, kết nối từ nhà để xe TCP ra đường Trường Sơn,... Đồng thời, nghiên cứu phương án sử dụng biển báo giao thông (có thể linh hoạt điều chỉnh, cập nhật thông tin) nhằm tổ chức phân luồng giao thông, hạn chế dòng xe quá cảnh qua khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, rà soát cơ sở pháp lý, nguồn gốc, hiện trạng... của khu đất 3.541,9m2 tiếp giáp đường vào ga Quốc tế để đề xuất phương án giải quyết kiến nghị của Cảng vụ Hàng không Miền Nam về việc thu hồi khu đất nêu trên theo thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với UBND quận Tân Bình, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện hoàn thành công tác thu hồi, bàn giao đất quốc phòng thuộc các dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3, xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa và các dự án khác để chủ đầu tư các dự án thi công hoàn thành công trình theo tiến độ.
Công an TP, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại sân bay Tân Sơn Nhất và các tuyến đường xung quanh khu vực sân bay.
UBND quận Tân Bình chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, quan tái định cư; công tác thu hồi đất quốc phòng của các dự án, bàn giao mặt bằng thi công xây dựng cho các chủ đầu tư thi công xây dựng hoàn thành các công trình, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã định.
Đồng thời, chỉ đạo Chủ đầu tư dự án Cải tạo kênh A41 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Tân Bình) khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công công trình, xây dựng kế hoạch và thi công hoàn thành toàn bộ dự án chậm nhất là tháng 9/2024, đảm bảo đồng bộ với tiến độ hoàn thành Nhà ga hành khách T3 và dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa. Khẩn trương hoàn thành thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ để sớm triển khai dự án Cải tạo kênh A41.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông khẩn trương hoàn thành các thủ tục có liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu số 9 dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hoà.
Công nhận thành phố Dĩ An là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương
Dĩ An nằm ở khu vực trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với thành phố Thuận An, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Dĩ An có vị trí thuận lợi tại giao điểm các trục hành lang kinh tế quan trọng như: hành lang kinh tế động lực Bắc – Nam (gắn với Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam); hành lang kinh tế động lực Đông Tây kết nối cửa khẩu quốc tế Mộc Bài Quốc lộ 22; đường vành đai qua Thành phố Hồ Chí Minh đến nhóm cảng hàng hóa đường thủy Hồ Chí Minh.
Dĩ An được công nhận là đô thị loại III vào tháng 3 năm 2017 và được công nhận là thành phố vào tháng 1 năm 2020.
Những năm qua, thành phố Dĩ An đã đạt được những thành tựu nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; nền kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao.
Thành phố Dĩ An tập trung nhiều khu công nghiệp, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại - dịch vụ, công nghiệp của tỉnh Bình Dương; tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống hạ tầng đã và đang được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng và đồng bộ.
Việc xây dựng thành phố Dĩ An trở thành đô thị loại II tạo động lực phát huy tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội và đô thị cho thành phố Dĩ An.
T.Anh