Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 29/5/2023
Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/5/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/5/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Khởi công và hoàn thành 19 dự án giao thông trong quý II/2023
Thông tin về tình hình triển khai các dự án giao thông sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT cho biết, thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phê duyệt chủ trương đầu tư 59/64 dự án.
Trong 59 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, có 41 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư. Với 18 dự án chưa được phê duyệt, các Chủ đầu tư, Ban QLDA đã lập kế hoạch điều chỉnh thời gian, dự kiến hoàn thành phê duyệt 11 dự án trong quý II/2023, 6 dự án trong quý III/2023 và 1 dự án trong quý IV/2023.
Cũng theo Bộ GTVT, năm 2023, Bộ GTVT dự kiến khởi công 28 dự án và hoàn thành 29 dự án. Đến nay, 6 dự án đã được khởi công, đáp ứng kế hoạch.
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban QLDA hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 10 dự án, hoàn thành 9 dự án trong quý II/2023, trong đó có một số dự án trọng điểm như: Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP HCM,Vành đai 4 Vùng Thủ đô.
Việc xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô mục tiêu theo Nghị quyết của Chính phủ đến 30/6/2023 phải bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công, đến 31/12/2023 bàn giao 100% mặt bằng.
Tính đến đầu tháng 5/2023, Hà Nội đã bàn giao 50% diện tích đất của dự án, gần 60% mồ mả được di chuyển.
Cao tốc Hà Nội - Lào Cai 'đánh thức' tiềm năng kinh tế vùng Tây Bắc
Tuyến cao tốc đường bộ Nội Bài - Lào Cai dài 265 km, tổng mức đầu tư hơn 1,46 tỷ USD, điểm đầu là nút giao thông giữa Quốc lộ 2 và Quốc lộ 18 và điểm cuối là phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Theo thiết kế, đoạn Hà Nội - Yên Bái có 4 làn xe cho phép đạt vận tốc thiết kế tối đa 100 km/h; đoạn Yên Bái - Lào Cai có 2 làn xe và đạt vận tốc tối đa 80 km/h.
Tuyến cao tốc này nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc và là một hợp phần trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời nó còn là một phần của đường Xuyên Á AH14.
Toàn bộ dự án có tổng 19 điểm giao cắt với đường quốc lộ cũ và đường nội bộ chính, cho phép qua lại một cách an toàn; 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23ha. Đây là dự án có nhiều hộ dân di dời nhất, đi qua địa hình hiểm trở, phức tạp và có hiệu suất đầu tư hiệu quả nhất.
Cao tốc Hà Nội Lào Cai chỉ cho phép ô tô hoạt động, cấm xe máy, xe thô sơ và người đi bộ trên cao tốc.
Nhờ có cao tốc Nội Bài - Lào Cai nên chỉ trong vài năm qua khu du lịch Sa Pa (Lào Cai) đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, góp phần đưa Sa Pa trở thành một thị du lịch hấp dẫn. Ngoài ra, tuyến cao tốc đi vào khai thác cũng góp phần hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm tại đây.
Hà Tĩnh: Một doanh nghiệp đầu tư khu đô thị gần 2.000 tỷ đồng
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà đối với CTCP Hóa dầu Quân đội (Mipec).
Tổng diện tích của dự án khoảng 29,7 ha. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp tại dự án gồm đất nền đã được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; 267 căn nhà ở thương mại liền kề xây thô hoàn thiện mặt ngoài bám đường quy hoạch.
Dự án cũng đầu tư xây dựng khu hỗn hợp (lô HH-01 và lô HH-02), khu nhà ở xã hội (lô CHC và lô LKX) và khu công cộng (lô CC-01 và lô CC-02). Sơ bộ chi phí thực hiện dự án gần 2.000 tỷ đồng.
Tháng 4/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án với hai nhà đầu tư tham gia. Bên cạnh Mipec, nhà đầu tư còn lại là CTCP Đầu tư Bất động sản Âu Lạc Nghệ An – CTCP Đầu tư thương mại và Xây dựng 389, liên danh này không đạt đánh giá sơ bộ.
Mipec được thành lập vào năm 2003, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dầu mỡ nhờn chuyên dụng cho khí tài quân sự, sau đó lấn sân sang nhiều mảng khác, trong đó có kinh doanh bất động sản.
Mở rộng, nâng cấp QL19: Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công
Theo Ban QLDA QL19 (Ban QLDA 2, Bộ Giao thông Vận tải), để kịp tiến độ theo kế hoạch, ngoài việc tăng tốc của các nhà thầu, việc bàn giao mặt bằng thi công còn chậm, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, bàn giao công trình kéo dài.
Đề giải quyết về vấn đề trên, UBND tỉnh Gia Lai đã nhiều lần chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) bàn giao cho đơn vị thi công trước 3.2023. Đến nay trên toàn tuyến qua Gia Lai đã bàn giao cho đơn vị thi công 123km, còn 0,7km tuyến tránh qua các địa phương: thị xã An Khê 0,35km, huyện Đăk Pơ 0,3km và TP Pleiku 50m.
Đến thời điểm hiện tại, riêng tuyến tránh thị xã An Khê (đoạn qua huyện Đăk Pơ) có 1,9/2,1km mặt bằng được bàn giao. Trong đó, 90/93 trường hợp đã được đền bù, GPMB theo đúng quy định, 1 gia đình đã thống nhất, 2 hộ chưa đồng tình vì cho rằng giá bồi thường thấp. Thời gian tới, qua tuyên truyền nếu các 2 hộ dân vẫn không đồng thuận với giá đề bù GPMB thì UBND huyện Đắk Pơ sẽ báo cáo, xây dựng phương án cưỡng chế để đảm bảo tiến độ bằng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai dự án kịp tiến độ đề ra.
Về phương an đền bù, GPMB bàn giao đơn vị thi công, Giám đốc Dự án QL19 ông Nguyễn Ngọc Tân cho biết: Hiện nay đơn vị đã chi 200 tỷ đồng cho việc GPMB trên toàn tuyến tuyến QL19. Nút thắt hiện tại là còn một số điểm người dân chưa đồng thuận theo hướng đến bù do chính quyền đưa ra, trong đó tại Bình Định vướng mặt bằng tại cầu Ba La, huyện Tây Sơn. Tại Gia Lai, ngoài các hộ tại thị xã An Khê, Đăk Pơ, TP. Pleiku, có 7 hộ dân tại huyện Chư Prông còn vướng rãnh đất (do việc đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lấn vào hành lang ATGT). Việc kéo dài công tác GPMB sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung của toàn dự án. Do vậy chúng tôi mong muốn địa phương sớm có biện pháp hỗ trợ triển khai sớm bàn giao để đơn vị thi công hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, việc thi công tuyến QL19 cũng gặp phải nhiều phản đối của người dân khi mặt đường cao hơn nền nhà; bùn đất, bụi trên tuyến công trình gây hư hại hoa màu, ảnh hưởng cuộc sống nhân dân.
Để giải quyết vấn kiến nghị của dân, đơn vị thi công, Ban QLDA 2 đã trực tiếp đến nhà dân để giải thích, khắc phục các sự cố ngoài mong muốn. Đồng thời đề nghị các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình sớm nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Riêng gói thầu 4A từ Km131+300 đến Km155 do liên danh Công ty TNHH Hợp Tiến và Công ty CP Vinadelta nhiều khả năng sẽ không hoàn thành tiến độ, tuy nhiên 2 đơn vị này cam kết thực hiện gói thầu với chất lượng tốt nhất.
Long An: Tìm nhà đầu tư dự án Khu đô thị thành phố Tân An
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị tại phường 4 và phường 6, thành phố Tân An.
Dự án Khu đô thị tại phường 4 và phường 6 có diện tích đất sử dụng khoảng 1.372.023,81 m2; quy mô dân số khoảng 17.225 người. Dự án gồm 2.482 lô nhà ở thấp tầng. Trong đó, nhà ở biệt thự 195 lô; nhà ở phố thương mại 2.287 lô. Nhà đầu tư dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 86.178,58 m2 và bàn giao cho nhà nước để xúc tiến, mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 7.118 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 1.025 tỷ đồng; chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 5.590 tỷ đồng; chi phí lãi vay hơn 503 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Tiến độ thực hiện dự án dự kiến 8 năm. Trong đó, thời gian triển khai thi công xây dựng trong quý I/2025, đưa vào kinh doanh khai thác trong quý IV/2030.
Về phương án đầu tư nhà ở, công trình hỗn hợp, chủ đầu tư xây thô, hoàn thiện mặt ngoài 519 lô đất có mặt tiền tiếp giáp với tuyến tránh Quốc lộ 1, đường Vành đai trong, đường cấp đô thị mặt cắt 1-1 và 2-2 để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho người mua.
Đối với các lô đất ở còn lại (1.963 lô), nhà đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân xây dựng; bảo đảm tuân thủ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế được thẩm định, phê duyệt.
Đối với công trình hỗn hợp - chung cư thấp tầng kết hợp thương mại - dịch vụ, nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư xây dựng, kinh doanh tuân thủ quy định Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản.
Về tái định cư, chủ đầu tư có trách nhiệm bố trí khu tái định cư cho các hộ dân phải di dời để phục vụ giải phóng mặt bằng dự án. Sau khi đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư bàn giao cho nhà nước để bố trí tái định cư cho các hộ dân theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo theo quy định.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 7.118 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 1.025 tỷ đồng; chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 5.590 tỷ đồng; chi phí lãi vay hơn 503 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Tiến độ thực hiện Dự án dự kiến 8 năm. Trong đó, thời gian triển khai thi công xây dựng trong quý I/2025, đưa vào kinh doanh khai thác trong quý IV/2030.
T.Anh (T/h)