Thứ sáu, 29/03/2024 21:11 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/6/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 09/06/2023 16:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/6/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/6/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Nội thu hồi dự án công viên Hello Kitty tại hồ Tây

Chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển dịch vụ vui chơi giải trí Hà Nội. Dự án có tên thương mại là Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty World Hanoi.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết lý do chấm dứt hoạt động dự án là nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong 6 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư.

tm-img-alt
Hà Nội thu hồi dự án công viên Hello Kitty tại hồ Tây. (Ảnh: Internet)

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận công ty TNHH Đầu tư và Phát triển dịch vụ vui chơi giải trí Hà Nội thực hiện dự án "Tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ" tại Quyết định chủ trương đầu tư số 2999/QĐ-UBND ngày 16/6/2018.

Theo quyết định, diện tích nghiên cứu thực hiện dự án khoảng 6.984 m2; tổng vốn đầu tư khoảng 1.926,80 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư; dự kiến khởi công quý 3/2018 và hoàn thành quý 3/2020. Tuy nhiên, sau gần 5 năm công bố dự án, đến nay, dự án này vẫn bỏ hoang, cây cối um tùm và được quây tôn kín.

Về phía chủ đầu tư cho biết, sẽ không dừng dự án công viên Hello Kitty. Thời gian tới, sẽ thống nhất lại với công ty Sanrio Hong Kong - đơn vị sở hữu thương hiệu nhân vật Hello Kitty về vị trí mới đặt dự án.

Dự án công viên này có diện tích gần 30.000 m2, có vị trí đắc địa khi nằm cạnh hồ Tây, gần các khách sạn nổi tiếng như Sheraton, Intercontinental Hanoi Westlake và cách phố cổ Hà Nội khoảng 5 km. Theo Quyết định số 2956/QĐ-UBND do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 15/6/2018, dự án được phê duyệt quy hoạch với tầng cao tối đa 8 tầng và mật độ xây dựng 80%.

Hà Nội: Đề xuất cắt nốt 173 xe khách bỏ bến hơn 60 ngày liên tục

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đang tích cực phối hợp với các bến xe trên địa bàn, xác định cụ thể các phương tiện không hoạt động trong 60 ngày liên tục. Qua đó, khi có danh sách cụ thể, Thanh tra sở GTVT Hà Nội sẽ đề xuất Sở GTVT Hà Nội thu hồi phù hiệu, cắt lốt theo quy định.

Qua rà soát, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tổng hợp lại danh sách có tổng số 173 phương tiện không hoạt động 60 ngày liên tục. Trong đó, bến xe Mỹ Đình, 107 phương tiện, bến xe Giáp Bát, 62 phương tiện, bến xe Gia Lâm 4 phương tiện.

tm-img-alt

Hà Nội đề xuất cắt nốt 173 xe khách bỏ bến hơn 60 ngày liên tục. (Ảnh: Internet)

Căn cứ danh sách này, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đang tích cực rà soát, xử lý nghiêm xe khách bỏ bến hoạt động bên ngoài trái quy định.

Trong thời gian vừa qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để theo dõi phương tiện đã được cấp phù hiệu tuyến cố định. Các xe đã được cấp phù hiệu tuyến cố định nhưng bỏ bến ra ngoài hoạt động không đúng loại hình kinh doanh cần xử lý nghiêm theo quy định.

"Các sở GTVT khai thác dữ liệu trên phần mềm quản lý bến xe để kiểm tra, xử lý đối với trường hợp không thực hiện đúng, đủ các chuyến xe đã đăng ký. Đồng thời, xác định các vị trí dừng đón, trả khách cho xe tuyến cố định phù hợp với nhu cầu đi lại, đảm bảo thuận tiện cho hành khách đi xe", Cục Đường bộ VN yêu cầu.

Bắc Giang: Liên danh 7 thành viên trúng thầu xây tòa liên cơ quan tỉnh

Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Hà Đô 23 - Công ty TNHH Hà Hùng - Công ty TNHH Tập đoàn Thang máy thiết bị Thăng Long - Công ty TNHH Kỹ thuật xây dựng E-Power - Công ty CP AT&T Việt Nam - Công ty CP Airpower - Công ty CP Xây dựng Phòng cháy chữa cháy Hà Nội. Giá trúng thầu là 596,896 tỷ đồng, giảm 0,628 tỷ đồng sau đấu thầu (0,1%); thời gian thực hiện hợp đồng 660 ngày, loại hợp đồng theo đơn giá cố định.

tm-img-alt
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng (tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng), đóng thầu ngày 29/5/2023. Liên danh trúng thầu là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.

Đà Nẵng ưu tiên đầu tư cải tạo nhiều tuyến đường nội thị sầm uất

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương theo đề nghị của Sở Xây dựng, thống nhất điều chỉnh danh mục dự án trong Kế hoạch đầu tư công năm 2023 các dự án chuẩn bị đầu tư đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 3236/QĐ-UBND ngày 16/12/2022.

Cụ thể, dự án Hạ ngầm hệ thống điện chiếu sáng trên tuyến đường Hùng Vương và Lý Thái Tổ được điều chỉnh thành dự án Cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên 2 tuyến đường có mật độ kinh doanh buôn bán sầm uất bậc nhất nội thị Đà Nẵng này.

Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm hạ tầng kỹ thuật trên 6 tuyến đường nội thị (Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu, Hùng Vương, Lý Thái Tổ và Ông Ích Khiêm (công trình còn lại của dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng) điều chỉnh thành dự án Cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên 4 tuyến đường nội thị (Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm).

tm-img-alt

Một góc nội thị Đà Nẵng. Ảnh: Bình An

Đối với các hạng mục đầu tư hạ ngầm hệ thống cáp thông tin cho phép chỉ triển khai đầu tư xây dựng hệ thống cống bể ngầm cáp thông tin đối với các tuyến cáp do các đơn vị của Nhà nước sở hữu từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các đơn vị viễn thông phải chủ động đầu tư hạ ngầm các tuyến cáp do mình quản lý theo tiến độ thực hiện của dự án.

Còn với hạng mục cải tạo hệ thống thoát nước, bó vỉa, vỉa hè, tùy theo kết quả khảo sát đánh giá hiện trạng, cho phép cải tạo hoặc xây dựng mới hệ thống thoát nước; cải tạo, bổ sung trồng mới hệ thống cây xanh trên các tuyến đường nội thị nêu trên.

Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, không chỉ có bề dày lịch sử, mà các tuyến đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm còn có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn, nhất là vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, hiện hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, cảnh quan của các tuyến đường nội thị có mật độ kinh doanh, buôn bán sầm uất bậc nhất Đà thành này đang ngày dần xuống cấp.

Quy hoạch tổng thể đến năm 2030 Đồng Nai sẽ có 2 sân bay

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 648/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo vệ môi trường, tiết kiệm các nguồn tài nguyên; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo nội dung quy hoạch, thời kỳ 2021-2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch với hai đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM, hình thành 30 cảng hàng không.

Trong đó, tỉnh Đồng Nai có 2 cảng hàng không là Long Thành (cảng hàng không quốc tế) và Biên Hòa (cảng hàng không quốc nội) được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng. Tầm nhìn đến năm 2050 cả nước hình thành 33 cảng hàng không.

Quyết định phê duyệt quy hoạch cũng nêu rõ, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch thành cảng hàng không đối với một số sân bay phục vụ quốc phòng, an ninh; một số vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ và các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không. Theo phụ lục của quy hoạch, các sân bay thuộc diện chờ bổ sung quy hoạch khi có điều kiện là 12 vị trí được các địa phương đề xuất quy hoạch sân bay thời gian qua.

Cần Thơ đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh

Theo quyết định, dự án sẽ đầu tư Trung tâm Điều khiển giao thông ITS bao gồm các hạng mục chính như: thiết bị màn hình tường, PC, máy in, bàn phím điều khiển camera, các thiết bị tủ rack, tủ phân phối điện, thiết bị cắt lọc sét…

Đồng thời, trung tâm sẽ thay thế hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và lắp mới hệ thống đo đếm lưu lượng phương tiện, camera quan sát giao thông tại 12 nút giao.

Đó là các nút giao: Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi - cầu Ninh Kiều, Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Mậu Thân, Trần Hưng Đạo - Mậu Thân - 3/2, Mậu Thân - 30/4, Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh, 3/2 - Nguyễn Văn Linh (QL91B), 30/4 - Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều); 4 nút giao IC1, IC2, IC3, IC 4 (quận Cái Răng).

Ngoài ra, dự án sẽ lắp mới hệ thống bảng thông tin giao thông điện tử, hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự ATGT ở một số vị trí.

tm-img-alt
Cần Thơ chi 50 tỉ đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh. (Ảnh: Internet)

Tổng mức đầu tư cho các hạng mục này gần 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trong đó, chi phí thiết bị hơn 42,6 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 4,4 tỷ đồng.

Dự án được giao cho Sở GTVT TP Cần Thơ là chủ đầu tư. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2025.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần quản lý, giám sát, tổ chức và điều tiết giao thông tại 12 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn TP bằng những trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, quản lý hoạt động của tất cả các loại hình giao thông công cộng, như xe buýt nội tỉnh, liên tỉnh; xe taxi; xe điện... theo hướng thông minh;

Mặt khác, trung tâm quản lý giao thông thông minh sẽ cung cấp dữ liệu hàng ngày cho trung tâm điều hành đô thị thông minh để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP trong GTVT.

Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón 24 triệu lượt khách trong cao điểm hè

Theo kế hoạch khai thác, giai đoạn cao điểm hè từ tháng 6/2023 đến tháng 8/2023, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến có 150.555 chuyến bay, với khoảng 23,9 triệu lượt hành khách. So với năm 2022, số chuyến bay khai thác dịp hè năm nay tăng 6,64% và tăng 7,6% số khách.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, do mùa hè kéo dài từ 1/6 - 15/8, lượng hành khách khai thác sẽ tập trung đông cả hai chiều khách đi và khách đến. Việc phục vụ của các đơn vị tại sân bay phải được duy trì ở mức cao và kéo dài.

Theo đó, các đơn vị sẽ phối hợp triển khai thông tin chuyến bay tại các khung giờ cao điểm để điều hòa, phân bổ nguồn lực cũng như tăng cường trao đổi, rà soát slot khai thác phù hợp năng lực nhà ga. Sân bay cũng bố trí lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ hành khách tại khu vực an ninh soi chiếu, khu vực sảnh công cộng nhà ga quốc nội trong khung giờ cao điểm (5 giờ đến 9 giờ).

tm-img-alt

Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón 24 triệu lượt khách trong cao điểm hè. (Ảnh: Internet)

Hiện sân bay cũng đã bổ sung thêm loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng xe từ 10 chỗ, bố trí vị trí đậu xe đón khách để tránh tình trạng ùn tắc; sắp xếp lại các loại xe công nghệ, xe taxi, xe hợp đồng, xe cá nhân và xe bus để phục vụ tốt nhất cho các hoạt động khai thác, nhất là những đợt cao điểm; hoàn chỉnh mái che khu vực đón khách tại ga quốc tế đến của xe công nghệ... Cảng cũng tiếp tục sử dụng bãi đệm taxi tạm trong dịp cao điểm hè và tiếp tục áp dụng thử nghiệm mô hình A-CDM (phối hợp ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay).

Từ ngày 2/6, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã triển khai thí điểm sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo đúng quy trình tại quầy làm thủ tục, điểm kiểm tra tại cửa khởi hành và điểm kiểm tra an ninh hàng không đối với hành khách và hành lý xách tay nội địa.

Ghi nhận thực tế, số hành khách sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 qua an ninh sân bay chưa nhiều. Từ ngày mùng 2/6 đến nay chỉ có khoảng 200 trường hợp. Do việc này mang tính chất tự nguyện nên khi hành khách yêu cầu, các nhân viên an ninh sẽ kiểm tra và không gặp khó khăn trong thao tác.

Bình Dương: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM

Theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương vừa ban hành, dự án đường Vành đai 4 TP. HCM qua địa phương này được đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (PPP). Tổng mức đầu tư gần 18.247,9 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).​

Điểm đầu tuyến tại vị trí vuốt nối đường Vành đai 4 TP. HCM với đầu cầu Thủ Biên hiện tại phía tỉnh Bình Dương thuộc địa bàn xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên). Điểm cuối tuyến: tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây (thị xã Bến Cát). Tổng chiều dài dự án đoạn qua Bình Dương khoảng 47,85km.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Vành đai 4 đoạn qua Bình Dương đầu tư quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh bao gồm làn dừng khẩn cấp liên tục; riêng đoạn từ đường ĐT 742 đến cầu Thới An giữ nguyên hiện trạng các đoạn đã được đầu tư (quy mô 62m, 10 làn xe), đoạn từ Khu công nghiệp Vsip 2A - Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 đầu tư đồng bộ theo quy mô 62m, 10 làn xe.

Bình Dương sẽ đầu tư 2 tuyến đường nhánh kết nối vào Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (đường Lê Lợi và đường Tạo lực 2) với quy mô phù hợp.

Quy mô dự án đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; công trình giao thông cấp 1.

Dự án Vành đai 4 sẽ qua địa giới hành chính thành phố Tân Uyên, thị xã Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).

Dự kiến thời gian thực hiện dự án Vành đai 4 TP. HCM đoạn Bình Dương từ năm 2023 - 2026. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất khoảng 419,6ha trong đó tuyến chính 413,4 ha, tuyến kết nối 6,2ha.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/6/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới