Thứ năm, 18/04/2024 23:26 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/4/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 11/04/2020 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/4/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/4/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo lệnh khẩn cấp

Ngày 10/4, Bộ GTVT đã có cuộc họp với các bên liên quan về việc đẩy nhanh tiến độ dự án sửa chữa, nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Do tính chất cấp bách của dự án, Bộ đã báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp cấp bách quy định tại Điều 128, 130 Luật xây dựng và Điều 42, 43 Nghị định 59/2015/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ GTVT, hiện Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các dự án này từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2019, hiện Bộ đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định.

Ảnh minh họa

Dự kiến, nếu trước ngày 20/4 Thủ tướng chấp thuận phê duyệt dự án, Bộ GTVT lập thức đẩy nhanh triển khai các bước lập dự án, phê duyệt thiết kế, chọn nhà thầu... để khởi công đồng thời 2 dự án trước ngày 15/7/2020. Dự kiến, thời gian thi công là 23,5 tháng đối với sân bay Tân Sơn Nhất và 26,5 tháng đối với sân bay Nội Bài.

Cả 2 dự án có tổng đầu tư khoảng 4.152 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ nâng cấp đường băng 25R/07L và xây mới, cải tạo các đường lăn liên quan nhằm đáp ứng khai thác đến 50 triệu khách/năm, 50-52 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ cao điểm, kinh phí dự kiến 1.876 tỷ đồng.

Tương tự, sân bay Nội Bài sẽ nâng cấp đường băng 11R/29L (1B) và 11L/29R (1A), đồng thời xây mới, cải tạo 20 đường lăn để đáp ứng nhu cầu khai thác đến 50 triệu khách/năm, 50-52 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ cao điểm, kinh phí đầu tư 2.276 tỷ đồng. Theo Bộ GTVT, nếu thuận lợi, thời gian thi công nhanh nhất là 23,5 tháng đối với sân bay Tân Sơn Nhất và 26,5 tháng đối với sân bay Nội Bài.

Doanh nghiệp đề nghị đầu tư cầu Cát Lái theo hình thức PPP

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có thông báo ghi nhận ý kiến của liên doanh Tổng công ty IDICO và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 về việc nghiên cứu triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái nối quận 2, TP. Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) theo hình thức đối tác công tư (PPP).

UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, chấp thuận để làm cơ sở đăng tải thông tin lựa chọn nhà đầu tư, lập đề xuất dự án theo quy định và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 20/4/2020 tới đây.

Hiện nay lưu thông trực tiếp từ TP.Hồ Chí Minh vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch và ngược lại phải thông qua phà Cát Lái nên mất rất nhiều thời gian, chi phí. Ảnh: Ngọc Tuấn

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã thống nhất lựa chọn 2 phương án vị trí xây dựng cầu Cát Lái. Cụ thể, theo phương án 1 (hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5/2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2, TP.Hồ Chí Minh, sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Còn phương án 2, thì vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường Vành đai 2 (cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2, TP.Hồ Chí Minh, sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Trong cả 2 phương án này, cầu Cát Lái được đề xuất lựa chọn xây dựng với quy mô có 4, 6 hoặc 8 làn xe. Thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc với các cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh để lựa chọn phương án thực hiện.

Trước đó, tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái.

Hà Nội: Không được làm thay đổi cao độ mặt đường khi duy tu, sửa chữa

Sở GTVT Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện sửa chữa, duy tu mặt đường đảm bảo chất lượng, an toàn. Trong đó, việc cào bóc lớp mặt đường cũ phải đảm bảo không làm thay đổi cao độ mặt đường.

Theo đó, Sở GTVT yêu cầu, đối với các tuyến đường trong đô thị, phải thực hiện cào bóc lớp mặt đường cũ, sau đó mới thực hiện thảm lớp mặt đường mới, không làm thay đổi cao độ mặt đường hiện trạng, đồng thời đảm bảo cao độ thoát nước mặt đường.

"Đối với các tuyến đường ngoài đô thị có thiết kế vỉa hè, đan rãnh thoát nước hai bên đường phải thực hiện cào bóc lớp mặt đường cũ, sau đó mới thực hiện thảm lớp mặt đường mới đảm bảo không làm thay đổi cao độ mặt đường hiện trạng và cao độ thoát nước mặt đường", Sở GTVT Hà Nội yêu cầu.

Hà Nội yêu cầu đảm bảo chất lượng duy tu, sửa chữa công trình giao thông, không làm thay đổi cao độ mặt đường - Ảnh minh họa

Với các tuyến đường ngoài đô thị không có vỉa hè, đan rãnh thoát nước hai bên cũng phải cào bóc lớp mặt đường cũ trước khi thực hiện công tác duy tu, duy trì sửa chữa.

"Trường hợp không thực hiện cào bóc lớp mặt đường cũ, khi thảm lớp kết cấu mặt đường mới phải đảm bảo êm thuận, độ dốc thoát nước mặt đường, tránh gây đọng nước làm ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường ", Sở GTVT Hà Nội chỉ đạo.

Gần đây, trên địa bàn Hà Nội tiến hành nhiều dự án sửa chữa, cải tạo lại mặt đường, tuy nhiên theo phản ánh của người tham gia giao thông, chất lượng và cao độ mặt đường không đảm bảo.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Giang, Phó giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, đối với các dự án cải tạo lại tuyến đường như: Quang Trung, Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân),... quá trình cải tạo, đơn vị thi công đã kết hợp đào xử lý lại các vị trí rạn nứt, hư hỏng kết hợp cào bóc, bù vênh các vị trí mặt đường lồi, lõm đảm bảo độ dốc, mỹ quan đô thị. Cùng đó, đơn vị thi công cũng sửa chữa các hố ga bị hư hỏng, thay thế một phần hệ thống bó vỉa dải phân cách giữa đường.

"Sau khi sửa chữa xong sẽ bổ sung biển báo hiệu và tổ chức giao thông đồng bộ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Riêng đoạn nút giao Nguyễn Trãi với đường Vành đai 3 có chiều dài khoảng 1km, sẽ giữ nguyên cao độ mặt đường cũ và cao độ vỉa hè", ông Giang nói.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.