Thứ sáu, 29/03/2024 15:18 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/6/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 14/06/2020 10:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/6/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/6/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

UBND TP. HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Giao thông - Vận tải liên quan việc điều chỉnh quy hoạch và phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trên địa bàn thành phố.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, kết nối vùng thành phố, đồng bộ với kế hoạch đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hiện thành phố đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công dự án xây dựng nút giao thông An Phú (giai đoạn 1), phấn đấu hoàn thành đồng bộ với dự án phát triển giao thông xanh trong năm 2021. Để phát huy tốt nhất hiệu quả đầu tư xây dựng các dự án, thành phố đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác nghiên cứu, triển khai dự án.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị bung ngân sách để cứu cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Đây là đề xuất của Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Đại biểu Quốc hội Lạng Sơn) tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020 và thảo luận về việc phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018 diễn ra vào sáng nay.

Theo Đại biểu Thành, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào ngày 17/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tinh thần sẽ hoàn thành vào năm 2020, tức là vào thời điểm năm nay.

Cam kết này của Thủ tướng đã đem lại niềm tin và kỳ vọng rất lớn của nhân dân vì ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyến cao tốc này đối với phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang mà cả Cao Bằng và các tỉnh phía Nam với vị trí, vai trò là Lạng Sơn là một đầu mối thông thương với kinh tế đối với Trung Quốc.

Đại biểu Thành cho biết, thực hiện cam kết, Thủ tướng đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bộ Giao thông, Ngân hàng nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cùng nhà đầu tư đã có những vận động tích cực để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng với mục tiêu hoàn thành công trình này.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án này gặp rất nhiều trở ngại. Hợp phần một từ Bắc Giang - Lạng Sơn 64km mới được hoàn thành và đi vào thực hiện năm 2019. Tuyến còn lại từ Chi Lăng - Hữu Nghị 43 km với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ chưa được tiến hành triển khai. Trong khi đó, chủ đầu tư đã huy động 424 tỷ để giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, các chi phí kiểm đếm, những nội dung chuẩn bị cho đầu tư, đã bàn giao cắm mốc, đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 20% công trình. Tuy nhiên, hiện nay trở ngại của nó là vốn không bố trí được.

Thực hiện văn bản của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có những kiến nghị về phương án. Tôi đề nghị là các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông, Ngân hàng Nhà nước tham mưu với Chính phủ để giải quyết vấn đề với phương án chuyển công trình này sang đầu tư công tư.

Theo đó, Đại biểu Thành đề nghị thay đổi cơ cấu vốn trong tổng mức đầu tư Dự án hiện nay là 8.310 tỷ đồng theo hướng nhà đầu tư góp 1.750 tỷ đồng, tỉnh Lạng Sơn cũng cam kết đóng góp đến 1.000 tỷ đồng, trong khi đó nguồn vốn Lạng Sơn rất ít. Ngân hàng BIDV hiện đã cam kết hỗ trợ 2.000 tỷ đồng và đề nghị nhà nước sẽ sắp xếp để bố trí 2.160 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng các công trình phụ trợ như thực hiện với các công trình cao tốc khác. Đối với phần vốn vay thương mại còn thiếu 1.400 tỷ đồng, Đại biểu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại khác tham gia đầu tư.

“Đây là một phương án rất hợp lý để có thể đưa công trình này vào xây dựng để bảo đảm hoàn thành tiến độ cũng như để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của nó. Với việc chuyển đổi này, phần vốn nhà nước cũng chỉ đóng góp vào khoảng 15%, tức là 1.000 tỷ đồng của Lạng Sơn và hơn 2.000 tỷ đồng của nhà nước, còn lại là của ngân hàng và của các nhà đầu tư. Trong khi đây là một công trình có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Lạng Sơn, Cao Bằng mà cả với các tỉnh phía Bắc”, Đại biểu Thành nhấn mạnh

Trước đó, trong công văn số 538/UBND - KT gửi tới Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2020, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn thừa nhận đến thời điểm này,  Dự án thành phần 2 – xây dựng đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án BOT đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn chắc chắn không thể hoàn thành trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lý do được ông Hồ Tiến Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra là do những khó khăn trong việc thu xếp vốn tín dụng.

Bùng nhùng dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô

Nằm ở vị trị đắc địa giữa lòng Thủ đô, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) từng là một trong các công trình trọng điểm của Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều năm nay, Công viên này đã xuống cấp nghiêm trọng với nhiều hạng mục công trình phục vụ vui chơi, giải trí không sử dụng được. Mới đây, Thanh tra TP Hà Nội đã chính thức công bố hàng loạt sai phạm tại dự án này.

Theo nội dung Kết luận thanh tra thể hiện, từ năm 1999 đến nay, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội (Công ty Tuổi trẻ Hà Nội) được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nhưng không làm thủ tục xin giao, thuê đất theo quy định Luật Đất đất đai. Thay vào đó, công ty này đã tự sử dụng quyền sử dụng đất để xây dựng công trình và khai thác đối với 18 ha đất công viên là hành vi bị nghiêm cấm.

Cơ quan Thanh tra cũng chỉ rõ, trong giai đoạn năm 1999-2000, TP Hà Nội đã cấp khoảng 11,6 tỷ đồng để đầu tư 7 hạng mục, công trình trong công viên gồm: Cầu qua hồ; tôn san nền, phá dỡ và vận chuyển phế liệu; đường nội bộ; cấp thoát nước và hồ thu nước phục vụ phòng cháy chữa cháy; cây xanh thảm cỏ; điện chiếu sáng và cổng ở phía đường Thanh Nhàn.

Tại thời điểm thanh tra, Công ty Tuổi trẻ Hà Nội không tập hợp được đầy đủ hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng của 7 hạng mục, công trình nêu trên để cung cấp cho Thanh tra TP Hà Nội.

Mặt khác, Công ty Tuổi trẻ Hà Nội chỉ được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong công viên, không được UBND TP giao quản lý, sử dụng đất trong công viên nhưng Công ty đã sử dụng vốn doanh nghiệp, vốn huy động từ bên ngoài để xây dựng một số công trình, hạng mục sử dụng vào mục đích kinh doanh, liên doanh với một số đơn vị và cho thuê đất để đầu tư xây dựng các công trình trong công viên.

Theo Kết luận thanh tra, trong giai đoạn từ năm 2001-2008, ông Đinh Văn Khoan (Giám đốc Công ty Tuổi trẻ Hà Nội) đã sử dụng vốn huy động để đầu tư xây dựng các công trình, gồm: 6 hạng mục hạ tầng và 12 công trình xây dựng sử dụng vào mục đích kinh doanh như: nhà đa năng, nhà hàng Tuổi trẻ, nhà dạy nghề, nhà hàng Queen Bee; 10 sân tennis, bể bơi người lớn, trẻ em; Khu nhà nổi, tàu cao tốc; Trò chơi phi thuyền; Đài phun nước; Nhà trò chơi băng kính; Sân khấu ngoài trời.

Tuy nhiên, cả 18 công trình được xây dựng bằng nguồn vốn huy động đều không đảm bảo hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng theo quy định, thiếu báo cáo đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán, không có giấy phép xây dựng, không tổ chức đấu thầu, thậm chí một số hạng mục không có một hồ sơ pháp lý nào.

Tại thời điểm thanh tra đã phá dỡ 8 công trình do sai quy hoạch, gồm: Nhà đa năng, Nhà hàng Tuổi trẻ, 10 sân tennis, sân khấu ngoài trời, Tàu cao tốc, Trò chơi phi thuyền, Đài phun nước, Nhà trò chơi bằng kính. Hiện tại còn 4 công trình chưa dỡ bỏ gồm: Nhà hàng Queen Bee II, Nhà dạy nghề, Bể bơi người lớn - trẻ em, Khu nhà nổi.

Trong đó, Thanh tra TP Hà Nội cho biết, Nhà hàng Queen Bee II có thỏa thuận với Sở Quy hoạch Kiến trúc về quy hoạch và phương án thiết kế, có thẩm định thiết kế, không có chấp thuận chủ trương đầu tư của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và không được UBND TP Hà Nội giao, cho thuê đất.

Từ năm 2006, sau khi xây dựng xong, Công ty Tuổi trẻ Hà Nội ký hợp đồng cho Công ty TNHH quản lý Đầu tư và Đào tạo thuê kinh doanh bán hàng, tổ chức tiệc cưới nhưng không đóng tiền thuê đất với Nhà nước. Công trình không phù hợp với quy hoạch năm 2010.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.