Thứ ba, 23/04/2024 13:16 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/7/2020

MTĐT -  Thứ tư, 22/07/2020 11:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/7/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/7/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Nam Định: Xin tăng thêm 340,5 tỷ đồng làm đường nối vùng kinh tế biển

Tỉnh Nam Định đang làm thủ tục trình Trung ương xin điều chỉnh Dự án xây dựng đường nối với vùng kinh tế biển của tỉnh.

HĐND

Lễ động thổ Dự án xây dựng đường nối với vùng kinh tế biển của tỉnh.

tỉnh Nam Định khóa 18 vừa công bố nghị quyết kỳ họp thứ 14 mới đây, về việc chấp thuận Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...

Theo Nghị quyết, xét Tờ trình của UBND tỉnh, Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế -Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu, HĐND tỉnh Nam Định chấp thuận Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Ðịnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Trong đó, nội dung đáng chú ý là Nam Định xin điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án từ 4.986 tỷ đồng lên 5.326,5 tỷ đồng (tăng 340,5 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 335/QÐ-TTg ngày 17/ 3/ 2017)

Xin điều chỉnh tăng vốn đầu tư giai đoạn 1 từ 2.596 tỷ đồng lên 2.839 tỷ đồng, trong đó ngoài 1.200 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương (trái phiếu Chính phủ), vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác sẽ tăng thêm 243 tỷ đồng (so với Quyết định số 335/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) để đảm bảo đủ 1.639 tỷ đồng trong cơ cấu vốn.

Xin điều chỉnh tăng vốn đầu tư giai đoạn II từ 2.390 tỷ đồng lên 2.487,5 tỷ đồng (tăng 97,5 tỷ đồng so với Quyết định số 335/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ)

Đồng thời, Nam Định xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, trong đó giai đoạn 1 kéo dài thêm 1 năm, từ năm 2017 đến năm 2021 (Quyết định của Thủ tướng là từ năm 2017 đến năm 2020). Giai đoạn 2 xin được điều chỉnh ấn định từ năm 2021-2025...

HĐND tỉnh Nam Định giao UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư, các sở, ngành và các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục để trình các bộ, ngành Trung ương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án...

Trước đó, ngày 17/3/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hàng Quyết định số 335/QÐ-TTg, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Ðịnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo Quyết định, tổng chiều dài tuyến đường là 46 km; điểm đầu giao với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (thuộc địa phận xã Yên Bằng, huyện Ý Yên); điểm cuối tại Km46+00 (trạm đèn biển Lạch Giang, thuộc địa phận xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng). Dự án thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư 4.986 tỷ đồng.

Một trong những mục tiêu đầu tư của dự án là nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Bắc - Nam...

Hơn 17.500 tỷ đồng phát triển đô thị năm 2020

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Quyết định 1731 ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa năm 2020.

Kế hoạch gồm 4 nhiệm vụ chủ yếu: Phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; chất lượng đô thị và nếp sống văn minh đô thị. Một số giải pháp chủ yếu như: Về phát triển đô thị, tập trung bố trí nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, công tác thực hiện quy hoạch; kêu gọi nguồn lực ngoài ngân sách phát triển đô thị; phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm; hoàn thành đề án phát triển đô thị Nha Trang và Cam Lâm; hoàn thành đồ án phân loại đô thị Diên Khánh và Vạn Ninh. Về hạ tầng kỹ thuật: Nâng cấp, hoàn thiện Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; khai thác lợi thế các cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh, huyện, đường cấp IV, cấp III; đảm bảo đồng bộ cung cấp điện, nước, viễn thông…

Dự kiến tổng nhu cầu vốn năm 2020 là 17.560 tỷ đồng với 329 dự án. Trong đó, kêu gọi dự án ngoài ngân sách với số vốn 11.744 tỷ đồng.

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm phần lãnh thổ TP Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên là 1.438,96 km2 gồm 9 đơn vị hành chính cấp quận huyện là các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng và các huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai.

Ranh giới phía Bắc tiếp giáp tỉnh An Giang; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Hậu Giang; phía Đông tiếp giáp tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long; phía Tây tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch nghành quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng , phân bổ đất đai,...

Bên cạnh đó, loại bỏ các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển. Xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, sắp xếp, bố trí hợp lí không gian nhằm giải quyết các vấn đề xung đột về không gian, định hướng không gian đáp ứng các nhu cầu phát triển trong thời kì quy hoạch.

Về nguyên tắc, công tác quy hoạch cần đánh giá đầy đủ các điều kiện, yếu tố và dự báo xu hướng, bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước tác động đến phát triển của TP Cần Thơ và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực trong thời kì quy hoạch; đánh giá khả năng khai thác liên kết vùng, hợp tác các địa phương trong cả nước.

Trước hết, kết nối giữa Cần Thơ với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là kết nối hạ tầng liên vùng, quản lí tài nguyên, bảo vệ môi trường và các cân đối thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Về nội dung, quy hoạch phải định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường ; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế,.... Thời hạn lập quy hoạch hoàn thành trong năm 2021.

Thủ tướng giao UBND TP Cần Thơ căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tổ chức lập Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: 326 xã đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới

Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội vừa rà soát nhóm tiêu chí về quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 6-10-2016 của UBND thành phố, đến nay, các huyện, thị xã đã chỉ đạo các xã tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch chung các xã, xây dựng quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn và trung tâm xã với tỷ lệ 1/500 theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01-3-2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn.

Ảnh minh họa

Trên cơ sở kế hoạch của UBND các huyện, thị xã, UBND thành phố đã bố trí vốn cho các huyện, thị xã rà soát điều chỉnh quy hoạch chung xã (341 xã), quy hoạch xây dựng trung tâm xã 1/500 với 373 xã và quy hoạch điểm dân cư nông thôn 1/500 với 354 xã. Hiện nay, các huyện, thị xã đang tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện. Kết quả, đến nay có 326/341 xã đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xã; 34/373 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng trung tâm xã 1/500 và 03/354 xã được quy hoạch điểm dân cư nông thôn 1/500.

Nhờ tập trung thực hiện nhóm tiêu chí về quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đoàn thẩm tra thành phố đã tiến hành thẩm định thị xã Sơn Tây và 4 huyện (Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín và huyện Thanh Oai) đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và các huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Về xây dựng xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, Sở NN&PTNT đã tham mưu Hội đồng thẩm định thành phố họp và tiến hành bỏ phiếu đối với 4 xã, gồm 2 xã của huyện Gia Lâm đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã của huyện Phú Xuyên, 1 xã của huyện Sóc Sơn đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Kết quả 4 xã đều đủ điều kiện trình Chủ tịch UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2020.

Kết quả đến nay có 355/382 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 13 xã đã được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn theo yêu cầu của Trung ương và thành phố, hoàn thành trong quý III/2020…

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới