Thứ năm, 25/04/2024 12:48 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/2/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 29/02/2020 09:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/2/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/2/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Khởi công kho cảng xăng dầu Việt - Lào

Hôm nay (28/2), tại khu bến cảng Nam Cửa Việt, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, thuộc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần Đầu tư xăng dầu Việt Lào khởi công xây dựng Kho cảng xăng dầu Việt Lào có sức chứa hơn 200.000 m3.

Dự án có tổng mức đầu tư 469 tỷ đồng, xây dựng trên tổng diện tích gần 17ha gồm: kho chứa, bến phao cảng nhập xăng dầu cho tàu trọng tải đến 40.000 tấn, bến cảng cứng dài 110m dùng xuất xăng dầu cho tàu trọng tải đến 3.000 tấn. Dự án gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1, từ nay đến năm 2021 công suất 600m3 và đạt 200.000m3 vào năm 2035.

Sau khi vào hoạt động, Dự án là đầu mối cung cấp xăng dầu cho tỉnh Quảng Trị, khu vực miền Trung Việt Nam và xuất khẩu sang Lào và Thái Lan.

Khởi công xây dựng kho cảng xăng dầu Việt Lào tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đây là dự án nước ngoài đầu tư, do Việt Kiều Lào đầu tư, không chỉ bán trong tỉnh Quảng Trị, các tỉnh miền Trung của Việt Nam mà chủ yếu xuất sang Lào. Cho nên trong công tác bàn giao mặt bằng, tập trung tổng lực thi công trong mùa khô đẩy nhanh tiến độ, tập trung nhất để cuối năm nay hoàn thành và đầu năm tới Kho cảng xăng dầu Việt Lào cơ bản vào hoạt động”.

Bộ Công an đề xuất bổ sung nhiều phương tiện được quyền ưu tiên

Bộ Công an đề xuất quy định chi tiết và bổ sung xe cảnh sát giao thông dẫn đường, xe làm nhiệm vụ cảnh vệ và xe làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ... được lắp đặt, sử dụng thiết bị ưu tiên.

Bộ Công an đã hoàn thành Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định quy định về tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm tạo cơ sở pháp lý và ban hành các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong việc quản lý cấp Giấy phép, hạn chế tối đa đối tượng được lắp đặt, sử dụng thiết bị ưu tiên...

Theo đó, Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp Dự thảo này trong vòng một tháng từ ngày đăng tải.

Chính sách - Bộ Công an đề xuất bổ sung nhiều phương tiện được quyền ưu tiên

Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định này gồm có: Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định quy định về tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên; Dự thảo đề cương Nghị định quy định về tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên; Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Nghị định quy định về tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên; Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; Bảng số liệu Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 109/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

Tại Dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công an đề xuất 03 chính sách với mục tiêu, nội dung chính sách và giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do lựa chọn, bao gồm: chính sách Hoàn thiện quy định về đối tượng được lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên và tiêu chuẩn kỹ thuật của các thiết bị này; chính sách Quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên; chính sách Quy định về tín hiệu ưu tiên của phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt trên đường thủy nội địa.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an)

Đối với chính sách Hoàn thiện quy định về đối tượng được lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên và tiêu chuẩn kỹ thuật của các thiết bị này, mục tiêu của chính sách này là quy định chặt chẽ, cụ thể đối tượng được quyền ưu tiên và các thiết bị ưu tiên được lắp đặt, sử dụng và thực hiện theo quy định, góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên, nâng cao hiệu lực của xe được quyền ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ; đồng thời, theo kịp sự phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên…

Ngoài ra, Bộ Công an dự kiến trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên thay thế Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ trong Quý IV năm 2020. Dự thảo Nghị định sẽ gồm 6 Chương, 27 Điều quy định về tín hiệu; yêu cầu kỹ thuật; lắp đặt, quản lý và sử dụng thiết bị phát tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên (đường bộ và đường thủy nội địa); trình tự, thủ tục cấp Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên…

Ngoài kế thừa quy định hiện hành về các loại phương tiện được ưu tiên, Bộ Công an đề xuất quy định chi tiết và bổ sung xe cảnh sát giao thông dẫn đường, xe làm nhiệm vụ cảnh vệ và xe làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ... được lắp đặt, sử dụng thiết bị ưu tiên.

Bộ Công an đề xuất bổ sung phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt trên đường thủy nội địa được quyền lắp đặt, sử dụng thiết bị ưu tiên như: tàu chữa cháy; cứu nạn; tàu hộ đê; tàu của quân đội, công an làm nhiệm vụ khẩn cấp; tàu, đoàn phương tiện hộ tống hoặc dẫn đường. Nghị định 109/2009 nêu xe ưu tiên là xe chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn của quân đội nên Bộ Công an bổ sung thêm xe chữa cháy, xe làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của công an để phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008.

Theo đó, xe làm nhiệm vụ cứu hộ đê có cờ hiệu “Hộ đê” cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; biển “Xe hộ đê” dán ở bên trong kính, ở phía trước vô lăng.

Xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật thực hiện như sau: Xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh có biển hiệu riêng; Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật có cờ hiệu “Tình trạn khẩn cấp" cắm ở đầu xe phía bên trái người lái...

Tp.HCM xoá sổ bãi đậu xe buýt trong công viên Gia Định

Khu vực Công Viên Gia Định với dự án bãi đỗ xe ngầm đang bị bỏ ngỏ nhiều năm
Ngày 28/2, UBND Tp.HCM cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người dân và mỹ quan trong Công viên Gia Định, UBND TP vừa yêu cầu Công ty cổ phần Vận tải Hàng không Miền Nam nhanh chóng di dời bãi đỗ xe buýt ra khỏi công viên này, hoàn trả mặt bằng cho Sở Giao thông vận tải trước ngày 30/3. Mặt bằng này sẽ được bàn giao cho Sở Xây dựng để thực hiện quản lý tổng thể công viên.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an)

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải được giao đề xuất phương án thực hiện bãi đỗ xe ngầm tại khu B Công viên Gia Định theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên Gia Định được duyệt.

Bởi tính tới thời điểm hiện tại, Tp.HCM vẫn chưa có một bãi đổ xe ngầm nào được thực hiện. Trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao. Trước tình tạng ùn tắc nội đô ngày càng nghiêm trọng, và những đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, cấm xe vào nội đô....mà Tp này đưa ra. Để thực hiện được trước tiên Tp.HCM phải đáp ứng các bãi đổ xe, có như thế người dân mới có thể linh hoạt sử dựng những hình thức di chuyển khác nhau khi vào trung tâm Thành phố.

Xây dựng Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh trị giá 3.370 tỷ đồng

Dự án Nhà máy Điện gió Hiệp Thạnh, công suất 78 MW đã được khởi công xây dựng chiều nay, 28/2, tại tỉnh Trà Vinh.

Trước đó, vào tháng 8/2018, UBND tỉnh Trà Vinh đã chấp thuận chủ trương cho 3 nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Điện gió Hiệp Thạnh trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 3.370 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư chiếm 20%, còn lại là vốn vay từ Quỹ đầu tư CIO (Climate Investment One - Hà Lan) và Samtan International - Hàn Quốc.

Dự án Nhà máy Điện gió Hiệp Thạnh được xây dựng trên tổng diện tích 2.747 ha tại khu đất bãi bồi ven biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), với công suất thiết kế 78 MW, có 18 cột tua bin gió.

Các nhà đầu tư thực hiện dự án gồm Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Việt Nam (có trụ sở ở Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội); Công ty Janakuasa Pte LTD (Singapore) và ông Lâm Minh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo ông Ti Chee Liang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Janakuasa Vietnam Limited, các tua bin gió đầu tiên sẽ được chạy vào đầu năm 2021 và hoàn thành dự án vào giữa năm 2021.

Các nhà đầu tư đã thành lập Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh để thực hiện dự án. Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm.

Bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Bộ Công thương, UBND tỉnh Trà Vinh, Tập đoàn điện lực Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã tích cực hỗ trợ dự án trong giai đoạn phát triển dự án vừa qua, ông Ti Chee Liang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Janakuasa Vietnam Limited cho hay, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhanh chóng phê duyệt thiết kế cơ sở trong tháng 6 năm 2019 và sớm ký hợp đồng mua bán điện. Tỉnh Trà Vinh cũng tích cực hỗ trợ nhanh chóng công tác giải phóng đền bù và nhà đầu tư đã nhận được đất sạch khu vực nhà máy chính và trạm biến áp..

Đặt mục tiêu là nhà đầu tư điện gió đầu tiên đưa dự án điện gió vào vận hành ở tỉnh Trà Vinh, ông Ti Chee Liang cam kết, theo kế hoạch, các tua bin gió đầu tiên sẽ được chạy vào đầu năm 2021 và hoàn thành dự án vào giữa năm 2021. Tuy nhiên, Công ty Ecotech Tra Vinh với ban lãnh đạo có kinh nghiệm cũng đặt mục tiêu hoàn thành vận hành thương mại sớm đáng kể so với mốc thời gian để được hưởng trọn vẹn giá mua điện gió theo quy định hiện hành, là 9,8 Uscent/kWh cho dự án ngoài khơi và 8,5 Uscent/kWh cho dự án trên bờ.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới