Thứ sáu, 26/04/2024 06:22 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/7/2020

MTĐT -  Thứ tư, 29/07/2020 11:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/7/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/7/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

TP.HCM điều chỉnh cục bộ quy hoạch loạt khu đất tại Thủ Thiêm

Ngày 28/7, UBND quận 2 phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm tổ chức hội nghị công bố công khai Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại 3 lô đất thuộc Khu chức năng số 7 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, 2 lô đất thuộc Khu đô thị chỉnh trang 296,4 ha kế cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó, tại Quyết định số 1501 ngày 6/5, UBND TP đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Tại Quyết định này, quy mô phạm vi khu vực điều chỉnh cục bộ quy hoạch được xác định theo bản đồ phạm vi ranh giới tỷ lệ 1/1000 do Trung tâm dịch vụ - Tư vấn đầu tư Xây dựng Thủ Thiêm trích lục từ bản đồ hiện trạng vị trí phân lô tổng thể Khu 38,4 ha do Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt ngày 19/1/2010.

Cụ thể, khu đất số 1 tổng diện tích 4.247 m2, có ký hiệu 7-5 và phần tiếp giáp giữa lô đất 7-5 và ranh lộ giới đường Lương Định Của; khu đất số 2 có tổng diện tích 11.962 m2, gồm lô đất có ký hiệu 7-9 và lô đất ký hiệu III-HH8; khu đất số 3 có tổng diện tích 3.630 m2, gồm các lô đất có ký hiệu III-CC1, phần đất tiếp giáp lô G9 và lô III-CC1, lô đất công viên công cộng.

Bản đồ điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 thuộc Khu chức năng số 7 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 2 lô đất (ký hiệu III - HH8, III - CC1) thuộc Khu đô thị chỉnh trang 296,4ha kế cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2

UBND TP quyết định phê duyệt điều chỉnh chức năng sử dụng đất của 3 khu đất trên thành nhóm đất nhà ở nhằm phục vụ tái định cư cho các hộ dân thuộc khu 4,39 ha, phường Bình An, quận 2. Đồng thời, xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch cho từng lô đất xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định hiện hành đối với loại hình nhà ở liên kế.

Tầng cao xây dựng công trình trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch này là 04 tầng để phù hợp với khả năng tài chính của các hộ dân tái định cư. Trong trường hợp hộ dân nào muốn xây dựng tầng cao hơn, UBND TP đề nghị Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và UBND quận 2 xem xét cấp phép xây dựng tầng cao tương tự như đang quản lý tại khu vực đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị chỉnh trang 294,6 ha kế cận Khu đô thị Thủ Thiêm.

Ông Lê Phước Tài, đại diện Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, công khai trước người dân về Quyết định số 374 ngày 13/5 của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm về phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của 3 lô đất ký hiệu 7-5, 7-9, G9 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 2 lô đất (ký hiệu III-HH8, III-CC1) thuộc Khu đô thị chỉnh trang 296,4ha kế cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó, các lô đất điều chỉnh trên thuộc phường Bình Khánh, quận 2. Số lô đất của nhóm nhà liền kề là 198 lô, chỉ tiêu quy hoạch và kiến trúc của nhóm nhà liền kề này là 4 tầng cao, mật độ xây dựng tối đa 80%, hệ số sử dụng đất 3,2.

Tại hội nghị, nhiều người dân bày tỏ mong muốn nhanh chóng được nhận nền đất để xây nhà định cư để làm nhà và có nơi ở ổn định.

Ông Huỳnh Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND Quận 2 khẳng định, hiện nay Thành ủy, UBND TP đã đã giao nhiệm vụ cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng để bàn giao nền đất cho các hộ dân.

HREC dành hơn 7 tỷ đồng xây cầu nhân ái

Vừa qua, công trình cống hộp Ba Ken tại xã Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh) với tổng kinh phí lên tới 318 triệu đồng đã được câu lạc bộ Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HREC) tổ chức lễ khánh thành.

Đây là một trong tổng số 13 cây cầu nhân ái mà HREC đã và sẽ trao tặng cho các quận, huyện vùng ven TP.Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trong thời gian tới với tổng kinh phí dự kiến trên 7 tỷ đồng.

Với kinh phí đầu tư 318 triệu đồng, công trình cống hộp Ba Ken được thiết kế mở rộng lên 3m, kết cấu bê tông cốt thép tải trọng cao kết nối trực tiếp vào đường giúp người dân địa phương có thể vận chuyển hàng hóa qua lại dễ dàng, tạo lối đi thông thoáng và an toàn cho các em học sinh đến trường.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch HREC cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ huyện Nhà Bè trong các công tác an sinh xã hội tại địa phương. “Câu lạc bộ đã và đang triển khai xây dựng các công trình cầu nông thôn tại các tỉnh như: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Lâm Đồng… trị giá hơn 2 tỷ đồng” - ông Bảo cho biết thêm.

Ngoài ra, trong khuôn khổ buổi lễ khánh thành công trình cống hộp Ba Ken, đại diện nhóm cựu sinh viên Đại học Bách Khoa BK96 Khu bờ Đông cũng đã phối hợp trao tặng 20 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Nhà Bè. Đặc biệt, vào cuối tháng 7 vừa qua, HREC đã tiếp tục trao tặng mỗi tỉnh như Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu một công trình giao thông nông thôn với tổng mức kinh phí dự kiến gần 2 tỷ đồng.

Sơn La xin điều chỉnh tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trị giá 22.294 tỷ đồng

Nhiều nội dung quan trọng của dự án PPP xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đang được đề xuất điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi tài chính.

Phối cảnh cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa có tờ trình số 157/TTr – UBND kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu.

Trước đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức đối tác công tư PPP hỗn hợp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019, với tổng chiều dài toàn tuyến 85km, trong đó có 49km trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, 36km địa phận huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La). Đây là dự án nhóm A có tổng vốn đầu tư khoảng 22.294 tỷ đồng, trong đó, phần Nhà nước tham gia trong dự án là quỹ đất của địa phương hai tỉnh khoảng 5.000 tỷ đồng.

Được biết, thay đổi đầu tiên mà UBND tỉnh Sơn La đề xuất liên quan đến quy mô đầu tư giai đoạn 1 dự án. Theo đó, bề rộng nền đường trong giai đoạn 1 giảm từ 17 m xuống còn 13,5 m (quy mô các cầu lớn không điều chỉnh). Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án cũng đề nghị điều chỉnh điều đầu tuyến từ vị trí Km66 + 700, Quốc lộ 6 sang Km29 đường Hòa Lạc – Hòa Bình và thay đổi hướng tuyến vượt lòng hồ sông Đà lần thứ 2, dẫn tới chiều dài toàn tuyến chỉ còn 84 km, giảm 1 km so với phê duyệt của Thủ tướng.

Trên cơ sở điều chỉnh lại hướng tuyến, quy mô mặt cắt ngang phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, tổng mức đầu tư dự án được đề nghị điều chỉnh khoảng 22.033 tỷ đồng, giảm 261 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư đã được phê duyệt (22.294 tỷ đồng)

Hình thức hợp đồng dự án cũng sẽ được điều chỉnh từ hình thức PPP, loại hợp đồng BOT kết hợp BT thành BOT.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho biết việc thực hiện dự án theo hợp đồng hỗn hợp (BOT kết hợp BT) là loại hợp đồng gần như chưa từng được thực hiện tại Việt Nam, vì vậy các cơ quan Nhà nước, nhà đầu tư đều chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có quy định dừng nghiên cứu mới các dự án BT.

“Do đó, việc điều chỉnh hình thức hợp đồng dự án từ hợp đồng hỗn hợp (BOT kết hợp BT) sang hình thức hợp đồng BOT có sự tham gia của Nhà nước là phù hợp”, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.

Cơ cấu nguồn vốn dự án cũng có sự thay đổi lớn so với Quyết định số 579. Với tổng mức đầu tư mới là 22.033 tỷ đồng, phần vốn mà nhà đầu tư sẽ huy động là 12.083 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án là 9.950 tỷ đồng dưới hình thức hỗ trợ GPMB và xây dựng một phần công trình, trong đó ngân sách địa phương 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La tham gia là 5.000 tỷ đồng và Ngân sách trung ương hỗ trợ 4.950 tỷ đồng.

UBND tỉnh Sơn La cũng xin Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án (giai đoạn I) theo hướng thực hiện phân kỳ đầu tư thành các dự án thành phần. Cụ thể, dự án thành phần 1 – đoạn tuyến cao tốc đi qua địa phận tỉnh Sơn La dài 35 km và đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 6 tại ngã ba Đồng Bảng, huyện Mai Châu dài 11 km, cải tạo đoạn QL43 nối với cuối tuyến cao tốc dài 3 km; tổng mức đầu tư khoảng 6.209 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2024, thu phí hoàn vốn trong 20 năm.

Dự án thành phần 2 gồm đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Hòa Bình dài 49 km, tổng mức đầu tư 15.824 tỷ đồng sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026, thời gian hoàn vốn là 24 năm.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Sơn La, sau khi hoàn thành đồng bộ tuyến đường vào năm 2026, tuyến cao tốc này sẽ kết nối mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh Sơn La với Hòa Bình và với Thủ đô Hà Nội, tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối đến cửa khẩu biên giới Đông Bắc và cảng biển quốc tế Lạch Huyện.

Đồng thời, giảm tải cho tuyến quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương thuộc 2 tỉnh, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Mộc Châu về Hòa Bình từ hơn 2 giờ như hiện nay còn khoảng 1 giờ đồng hồ.

 P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.