Thứ tư, 24/04/2024 19:10 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/8/2020

MTĐT -  Thứ hai, 03/08/2020 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/8/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/8/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Công nhận đô thị Mới- Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loai IV

Mới đây, Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận đô thị Phố Mới mở rộng (Đô thị Quế Võ) trực thuộc tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV đã diễn ra. Chủ tịch Hội đồng thẩm định - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì hội nghị. Về phía địa phương có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Quế Võ tham dự

Theo Đề án, Đô thị Phố Mới mở rộng (Đô thị Quế Võ) là đô thị trung tâm huyện Quế Võ, cách TP Bắc Ninh 10 km. Huyện Quế Võ là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về đất đai, hạ tầng giao thông và vị trí địa kinh tế thuận lợi kết nối giữa đô thị Chí Linh tỉnh Hải Dương với TP Bắc Ninh và huyện Tiên Du.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và huyện Quế Võ cho biết, trong những năm qua thực hiện chủ trương xây dựng đô thị Phố Mới mở rộng trở thành đô thị loại IV vào năm 2020 và lên thị xã vào năm 2022, tiến tới trở thành quận thuộc đô thị lõi TP Bắc Ninh trong tương lai, Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Quế Võ đã tập trung xây dựng đô thị theo quy hoạch vì vậy hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện. Hầu hết các tuyến đường trục thị trấn đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp; hệ thống cấp điện sinh hoạt đã hoàn thành; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác như bưu chính viễn thông, phát thanh truyền hình phát triển mạnh. Hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, trạm xá, trụ sở các cơ quan huyện, thị trấn được đầu tư đồng bộ.

Đô thị Phố Mới mở rộng có diện tích tự nhiên 13.145,4 ha, bao gồm 18 đơn vị hành chính với 01 thị trấn và 17 xã (toàn huyện Quế Võ trừ 3 xã Yên Giả, Chi Lăng, Hán Quảng), quy mô dân số năm 2019 là 189.736 người.

Với lợi thế về giao thông liên kết vùng, huyện Quế Võ đang là địa bàn trọng điểm thu hút mạnh mẽ đầu tư công nghệp của tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay trên địa bàn huyện có 4 khu công nghiệp lớn là Quế Võ 1, Quế Võ 2, Quế Võ 3, An Việt – Quế Võ 6 và 01 cụm công nghiệp Châu Long – Đức Long. Tổng diện tích đất công nghiệp hơn 1.500 ha với tổng số lao động trên 50.000 người là thế mạnh để Quế Võ hướng tới phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như ngành điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược, gắn với sự phát triển công nghiệp của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các hành lang kinh tế phía Bắc.

Đến nay đô thị Phố Mới mở rộng đã khẳng định được vị thế một đô thị công nghiệp – dịch vụ thương mại loại IV, với không gian đô thị được mở rộng khang trang, hiện đại, chất lượng cuộc sống người dân đô thị được nâng cao rõ rệt. Thực tế đó phần nào được phản ánh qua tổng thu ngân sách của đô thị Quế Võ không ngừng tăng lên, năm 2019 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đô thị Phố Mới mở rộng đạt 1.734.142 triệu đồng, tăng 23,52% so với năm 2017. Đặc biệt, Quế Võ là điểm sáng về công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo rà soát trong năm 2019 ở mức thấp 1,70%.

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định hoàn toàn nhất trí thông qua Đề án đề nghị công nhận đô thị Phố Mới mở rộng là đô thị loại IV. Chiểu theo 59 tiêu chuẩn của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, thì đô thị Phố Mới mở rộng đã đủ tiêu chí đô thị loại IV trong đó có 53/59 tiêu chuẩn đạt điểm với nhiều tiêu chuẩn vượt xa tiêu chuẩn tối đa như: tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất, cân đối thu chi ngân sách, tổng dân số đô thị, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị, diện tích đất giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách và nhiều tiêu chí về cơ sở hạ tầng…

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện Đề án, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: cần nâng cao tỷ lệ cây xanh trong toàn đô thị, bảo đảm việc phát triển đô thị Phố Mới đi đôi với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn vùng đất Quế Võ của tỉnh Bắc Ninh giàu bản sắc văn hóa truyền thống với mật độ dày đặc các di sản văn hóa lịch sử.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái tổng hợp ý kiến góp ý cho Đề án của các thành viên Hội đồng và đề nghị địa phương cùng đơn vị tư vấn sớm rà soát lại hồ sơ để hoàn thiện Đề án trong thời gian sớm nhất.

Cần Thơ xin gia hạn thời gian thực hiện dự án ODA trên 322 triệu USD

Trong Công văn mới đây của UBND TP. Cần Thơ gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Kho bạc Nhà nước về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng năm 2020, địa phương này đã đề nghị các Bộ, ngành trên thống nhất đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) cho gia hạn thời gian thực hiện Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự kiến xin gia hạn đến tháng 6 năm 2024) để hoàn thành các hạng mục công trình thiết yếu, đảm bảo mục tiêu dự án.

Theo UBND TP. Cần Thơ, Hiệp định tài trợ (5778-VN) và Hiệp định vay (8598-VN) cho Dự án sẽ đóng vào ngày 30/6/2022, Hiệp định tài trợ không hoàn lại cho Dự án (TFOA3723) sẽ đóng vào ngày 30/6/2021. Trong giai đoạn đầu thực hiện, Dự án chậm trễ so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hiện nay, thành phố đã và đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ, bù đắp cho sự chậm trễ, do đó tiến độ Dự án cũng khả quan hơn.

Cần Thơ dự kiến xin gia hạn thực hiện các dự án đến tháng 6 năm 2024

Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) nhằm giảm rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm và tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố với các khu vực phát triển đô thị mới có rủi ro thấp hơn, cũng như tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai của TP. Cần Thơ.

Tập trung chống ngập khu đô thị lõi TP. Cần Thơ thuộc địa bàn 2 quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ và tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Diện tích được bảo vệ là 2.675 ha và số dân trong khu vực được bảo vệ là 423.400 người.

Dự án gồm 3 hợp phần Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường, phát triển hành lang đô thị, tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án gồm nhiều công trình lớn như Cầu Quang Trung (đơn nguyên 2), cầu và đường Trần Hoàng Na, đường nối Cách Mạng Tháng 8 – Đường tỉnh 918... thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến 31/12/2021.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 7.343 tỷ đồng, tương đương trên 322 triệu USD. Trong đó, vốn WB là 250 triệu USD, vốn không hoàn lại của Cục Hợp tác kinh tế Thụy Sỹ (SECO)10 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng trên 62 triệu USD.

Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức TP. Cần Thơ là chủ đầu tư Dự án.

Bình Định chỉ định nhà đầu tư dự án nhà máy nước sạch 367 tỷ

Sở Xây dựng Bình Định (Bên mời thầu) cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chỉ định thầu Dự án Đầu tư Nhà máy nước sạch Quy Nhơn (giai đoạn 1), công suất 30.000 m3/ngày đêm cho Công ty CP Công nghệ môi trường và Xây dựng Sài Gòn là nhà đầu tư .

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đây là dự án đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO) với tổng mức đầu tư dự kiến 367 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và TP. Quy Nhơn; thời gian khởi công, hoàn thành xây dựng là 360 ngày.

Sở Xây dựng Bình Định cho biết, giá bán sỉ nước sạch khởi điểm của năm đầu (năm 2021) khi Dự án đưa vào hoạt động phát nước sạch thương phẩm là 5.819 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT, thuế tài nguyên, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thủy lợi phí, các loại thuế và phí khác). Theo lộ trình giá bán sỉ nước sạch mỗi năm tăng thêm 6,5% so với giá bán sỉ nước sạch của năm trước liền kề.

Đồng Tháp: Duyệt hồ sơ mời thầu Dự án BOT cầu Nguyễn Huệ

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Huệ, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp theo hình thức hợp đồng BOT.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tổng mức đầu tư của Dự án là 79,141 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư sử dụng từ vốn chủ sở hữu và vốn huy động hợp pháp khác của nhà đầu tư để thực hiện dự án và vốn ngân sách huyện Châu Thành.

Thời gian đầu tư xây dựng hoàn thành đi vào khai thác dự kiến là 1,5 năm (2020 - 2021). Thời gian khai thác, hoàn vốn đầu tư của Dự án tối đa 20 năm.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.