Thứ bảy, 20/04/2024 05:42 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/5/2020

MTĐT -  Thứ ba, 05/05/2020 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/5/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/5/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng trúng gói thầu hơn 123 tỷ đồng tại Hải Dương

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương (chủ đầu tư) vừa có quyết định lựa chọn Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng trúng Gói thầu số 04 Thi công xây dựng công trình đoạn tuyến đường từ cầu Triều đến Đường tỉnh 389

Chiều dài tuyến đường là 4,314 km, xây dựng tại địa bàn phường Thất Hùng và các xã Bạch Đằng, Lê Ninh thuộc thị xã Kinh Môn. Giá trúng thầu là 123,408 tỷ đồng (giá gói thầu là 123,535 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,1%); thời gian thực hiện hợp đồng là 300 ngày, hợp đồng theo đơn giá cố định.

Gói thầu số 04 sử dụng ngân sách tỉnh Hải Dương, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; đóng thầu vào ngày 10/4/2020. Một cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Trong đó, Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương, Công ty CP Vinadelta bị loại ở bước đánh giá về kỹ thuật. Nhà thầu trúng thầu đang trong quá trình hoàn tất thủ tục ký kết hợp đồng với Chủ đầu tư và dự kiến sẽ khởi công công trình trong tháng 5/2020.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng có địa chỉ tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Trong vòng hơn 4 năm trở lại đây, Công ty được công bố trúng 21 gói thầu, chủ yếu nằm trên địa bàn tỉnh Hải Dương và tỉnh Thanh Hóa. Gói thầu số 04 là gói thầu có quy mô lớn nhất mà Công ty được công bố trúng thầu độc lập và là gói thầu đầu tiên trúng trong năm 2020.

TP Hồ Chí Minh: Rà soát quy hoạch để thành lập thành phố phía Đông

Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, UBND TP HCM đang thực hiện rà soát quy hoạch và chủ trương về việc thành lập thành phố sáng tạo phía Đông, trên cơ sở sáp nhập 3 quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức). Đây là cơ sở để đô thị lớn nhất nước lập Quy hoạch chung và Chương trình phát triển đô thị cho khu vực này.

Đề xuất của UBND TP HCM về thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP HCM xuất phát từ thực tiễn khu vực phía Đông của thành phố đang có tốc độ phát triển hạ tầng cao nhất cả nước. Ngoài ra, bằng việc sáp nhập ba quận (2,9, Thủ Đức) của khu Đông, chính quyền thành phố kỳ vọng sẽ tạo ra một vùng hạt nhân sản sinh ra các giá trị mới, nhất là cơ hội thúc đẩy cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên những nền tảng trụ cột có sẵn.

Toàn cảnh Khu đô thị Thủ Thiêm, trung tâm của Thành phố phía Đông theo đề xuất quy hoạch, nhìn từ phía Q.1 hiện nay.

Về đề xuất này, ý kiến của Bộ Xây dựng mới đây đã đồng thuận về định hướng quy hoạch chung. Tuy nhiên, Bộ này cho rằng, đề xuất về thành lập thành phố phía Đông vẫn còn nhiều việc phải làm, trong khi vẫn chưa đủ điều kiện phù hợp cả về quy hoạch, lẫn chương trình phát triển đô thị và các tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.

Chủ trương thành lập Khu đô thị sáng tạo phía Đông đã được nhiều cấp lãnh đạo của TP HCM đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Việc thành lập một mô hình đô thị trong đô thị xuất phát từ thực tế quy mô dân số của thành phố cứ sau 5 năm, lại tăng thêm 1 triệu dân, kèm theo các áp lực về công ăn việc làm. Do đó, nếu không có cơ chế đặc thù để tháo gỡ, nền kinh tế đứng đầu cả nước này sẽ không chịu nổi sức ép cơ chế.

Nhiều chuyên gia từng hiến kế UBND TP HCM kiến nghị với trung ương để tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại từ 18% (giai đoạn 2018-2020) lên 24% giai đoạn tiếp theo và đạt 33% cho giai đoạn 2026-2030. Vì chỉ với quy mô vốn này, mới đảm bảo cho giai đoạn phát triển đô thị thông minh của TP HCM hiện nay, trong đó có định hướng Khu đô thị sáng tạo phía Đông.

Cùng với văn bản hướng dẫn mới nhất của Bộ Xây dựng về Đề án xây dựng thành phố phía Đông trên cơ sở sáp nhập 3 quận thì UBND TP HCM cũng tiến thêm một bước trong việc thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông.

Việc thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP HCM, ý kiến của nhiều chuyên gia đồng thuận rất cao. Song song với việc xin thêm cơ chế độc lập của Đề án, thì Nghị quyết 54 của Quộc hội cũng giúp cởi trói về cơ chế cho TP HCM có cơ hội bứt phá trở lại. Nhờ cơ chế này, mô hình đô thị thông minh tiếp tục được kiên trì theo đuổi nhiều năm qua, và điểm nhấn từ đầu năm 2020 đang được nói tới rất nhiều, chính là quy hoạch Khu đô thị sáng tạo phía Đông này.

Với lợi thế là một khu vực sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, với hệ thống hạ tầng hoàn thiện, như Xa lộ Hà Nội, Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), Khu Đại học Quốc gia TP HCM, Khu Công nghệ cao và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị sáng tạo phía Đông tương lai sẽ giúp TP HCM có hạt nhân thật sự để xây dựng thành công đô thị thông minh.

Chỉ doanh nghiệp BĐS mới được tham gia đấu giá 3 lô đất tại khu 38,4ha

Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về phương án đấu giá 3 lô đất R1, R2, R3 thuộc khu 38,4ha (khu đất tái định cư nằm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm), phường Bình Khánh, quận 2.

Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về phương án đấu giá tài sản tạo lập bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đối với giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản khác gắn liền với đất tại các lô đất R1, R2, R3 thuộc khu 38,4ha.

Theo Sở TN-MT, 3 lô đất trên có diện tích 45.971,4m2, đã xây dựng xong 14 block với 2.220 căn hộ. Ngoài ra còn có hồ bơi, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu công viên và các công trình phục vụ. Hệ thống cấp nước, cấp điện cũng đã được thi công hoàn tất.

Thời hạn giao đất không quá 50 năm được tính từ thời điểm có hiệu lực của quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và công trình xây dựng gắn liền với đất.

Đã có phương án đấu giá 3 lô đất R1, R2, R3 thuộc khu 38,4ha khu đất tái định cư nằm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước là 20% giá khởi điểm của giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản khác gắn liền với đất tại các lô đất R1, R2, R3 và nộp vào tài khoản ngân hàng theo quy định, không áp dụng thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Phương thức đấu giá là trả giá lên; đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá. Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị tổ chức thực hiện đấu giá.

Về thời gian tổ chức thực hiện đấu giá, Sở TN-MT cho biết trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận Quyết định phê duyệt phương án giá của UBND TP và thông báo giá khởi điểm, phương thức nộp tiền trúng đấu giá của Sở Tài chính, Trung tâm Phát triển quỹ đất ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá để triển khai thực hiện theo quy định.

Một điểm đáng chú ý, chỉ có doanh nghiệp bất động sản mới được tham gia đấu giá. Cụ thể, theo Sở TN-MT cho biết do tài sản đưa ra đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 3 lô đất trên có giá trị lớn. Việc tham gia đấu giá không phải mục đích sử dụng để ở của hộ gia đình, cá nhân mà là hoạt động kinh doanh bất động sản. Vì vậy, đối tượng tham gia đấu giá phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải có đủ điều kiện: có chức năng kinh doanh bất động sản; sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng đất; cam kết thanh toán đầy đủ tiền trúng đấu giá theo phương thức thanh toán tiền trúng đấu giá được quy định trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo hướng dẫn của cơ quan cấp có thẩm quyền; cam kết thực hiện đúng theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013 và Điều 14 Nghị định 43/2014; thực hiện các trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ liên quan theo quy định pháp luật.

Hà Tĩnh đầu tư 180 tỷ đồng xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn

Năm 2020, Hà Tĩnh bố trí 180 tỷ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp 4 dự án cấp nước sạch nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới .

Năm 2020, Hà Tĩnh bố trí 180 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình nước sạch nông thôn.

Trong đó, 118 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn, 62 tỷ đồng còn lại là do người dân đóng góp và huy động từ nguồn vốn khác.

Các hạng mục đầu tư mới gồm 4 dự án cấp nước sạch cho các xã: Đồng Lộc, Mỹ Lộc, Sơn Lộc, Quang Lộc, Xuân Lộc và xã Trung Lộc (Can Lộc); xây dựng dự án cấp nước cho các xã Thạch Xuân, Thạch Vĩnh, Thạch Lưu, Thạch Ngọc và Ngọc Sơn (Thạch Hà).

Đồng thời, nâng cấp, mở rộng mạng lưới công trình cấp nước Thạch Bằng cấp cho xã An Lộc (Lộc Hà); nâng cấp mạng lưới công trình cấp nước Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Duệ.

Dự kiến, đầu quý 2/2020 các dự án bắt đầu triển khai xây dựng, đến cuối năm nay hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng.

Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Quang cho biết: "Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh hiện đang quản lý, vận hành khai thác 7 công trình cấp nước tập trung, đảm bảo cấp nước thường xuyên, liên tục cho hơn 21.000 hộ gia đình. Tổng sản lượng nước tiêu thụ dự kiến năm 2020 là 2.763.502 m3, tăng 124,24% so với năm 2019; doanh thu đạt 13.800 triệu đồng, tăng 122,2% so với năm 2019.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...