Thứ năm, 28/03/2024 23:41 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/7/2020

MTĐT -  Thứ ba, 07/07/2020 10:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/7/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/7/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Bắc Ninh lập quy hoạch khu đô thị sinh thái rộng 766 ha ở Thuận Thành

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị sinh thái phía tây huyện Thuận Thành.

Theo phê duyệt, khu vực lập quy hoạch thuộc các xã Đại Đồng Thành, Song Hồ và Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Diện tích lập quy hoạch rộng 766,56 ha (xã Đại Đồng Thành khoảng 655,95ha, xã Song hồ khoảng 90,79 ha và xã Đình Tổ khoảng 19,82 ha).
Dân số dự kiến khoảng 30.000 – 35.000 người; dân số hiện trạng khoảng 15.012 người (xã Đại Đồng Thành khoảng 12.337 người và thôn Đông Khê, Đạo Tú xã Song Hồ khoảng 2.675 người).

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm hình thành khu đô thị đa chức năng có quy mô cấp vùng tỉnh, là khu đô thị du lịch văn hóa, sinh thái, vui chơi giải trí; bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực, kết nối các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh để khai thác du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đô thị của huyện và của tỉnh. Đồng thời, lập kế hoạch khai thác và sử dụng đất hợp lý; làm cơ sở pháp lý để tổ chức lập quy hoạch chi tiết và triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Ảnh minh họa.

Theo phê duyệt, khu đô thị sẽ gồm các phân khu chức năng: Khu đô thị du lịch văn hóa cội nguồn Việt hàng ngàn năm lịch sử dự kiến quy hoạch các khu chức năng gắn với truyền thuyết Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân – Âu Cơ, con rồng cháu tiên và các đời Vua Hùng Vương… tạo thành khu đô thị có bản sắc riêng về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam gắn với khu di tích lịch sử văn hóa Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương – Thủy tổ người Việt. Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương.

Khu công viên vui chơi giải trí: Là Khu công viên, cây xanh, mặt nước, hồ cảnh quan diện tích lớn tại khu vực trung tâm đô thị kết hợp các cảnh quan tự nhiên, khu thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí,... với các công trình kiến trúc theo các chuyên đề văn hóa lịch sử, các trò chơi dân gian và biểu diễn văn hóa, nghệ thuật của địa phương.

Khu nhà ở phục vụ du lịch: Là các khu nhà ở hiện đại, mật độ xây dựng thấp, kết hợp hài hòa giữa khu làng xóm hiện hữu, đầy đủ các tiện ích, dịch vụ, có sức hấp dẫn, thu hút dân cư sinh sống.

Đề xuất đầu tư 20.939 tỷ đồng xây cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Tuyến cao tốc 4 làn xe từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 115 km sẽ được phân kỳ làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức PPP.

Đây là Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị đề xuất dự án.

Tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 115km, với điểm đầu Dự án tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và Quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng.

Trong giai đoạn 1, tỉnh Cao Bằng đề xuất đầu tư khoảng 93km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng đến Km93+00 nút giao với QL3 tại lý trình Km307+650 QL3, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa) với quy mô nền đường 17m, mặt đường rộng 14 m với 4 làn xe. Giai đoạn 2 (hoàn thiện), Dự án sẽ đầu tư tiếp khoảng 22km (từ Km93+00 nút giao với QL3 tại lý trình Km307+650 QL3 xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa đến Km115+00 tại cửa khẩu Trà Lĩnh) với quy mô bề rộng nền đường 17 m, mặt đường rộng 14 m với 4 làn xe. Tốc độ thiết kế tuyến cao tốc này là 80 km/h, đối với đoạn địa hình khó khăn cho phép thiết kế với vận tốc 60km/h.

Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 20.939 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 12.546 tỷ đồng; tổng mức đầu tư giai đoạn 2 (hoàn thiện): 8.393 tỷ đồng.

UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất cơ cấu nguồn vốn thực hiện giai đoạn 1 Dự án gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng và vốn hợp pháp khác) 7.546 tỷ đồng. Nhà nước tham gia trong Dự án bằng vốn góp và vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư: 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 2.500 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần để thực hiện, gồm: Dự án thành phần Văn Lãng - Thạch An: từ Km+00 đến Km58+00, dài 58km, tổng mức đầu tư khoảng 5.163 tỷ đồng; Dự án thành phần Thạch An - Quảng Hoà: từ Km58+00 đến Km79+300, dài 21,3km, tổng mức đầu tư khoảng 2.724 tỷ đồng; Dự án thành phần Quảng Hoà - TP. Cao Bằng: từ Km79+300 đến Km93+00, dài 13,7km tuyến chính và 15,5km tuyến nối với thành phố Cao Bằng tổng mức đầu tư khoảng 4.659 tỷ đồng.

Dự kiến, giai đoạn 1 Dự án (từ khi ký hợp đồng dự án đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng) triển khai từ năm 2020 đến 2024. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm (từ năm 2024 đến năm 2040). Giai đoạn 2 sẽ thực hiện sau năm 2025.

Khi tuyến cao tốc hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia. Dự án cũng sẽ tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi - Khorgos (Trung Quốc) sang các nước Châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng; thay đổi tình trạng Quốc lộ 4A là đường độc đạo nối giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Sẽ bán đấu giá phần đất còn lại của sân bay Nha Trang cũ

Sân bay Nha Trang cũ trước đây là đất quốc phòng, phục vụ chủ yếu cho hoạt động huấn luyện bay. Sau đó, hoạt động bay được chuyển về sân bay Cam Ranh. Theo quy hoạch sử dụng đất, ngoài một phần đất được giữ lại làm khu hiệu bộ Trường Sỹ quan Không quân, diện tích còn lại được bàn giao tỉnh Khánh Hòa phát triển kinh tế - xã hội.

Giữa năm 2017, tỉnh Khánh Hòa đã giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn hơn 62ha đất để thực hiện các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) về giao thông trên địa bàn. Diện tích còn lại hiện vẫn đang bỏ trống, chưa có nhà đầu tư.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay Bộ Quốc phòng đã làm việc với tỉnh, thống nhất các phương án bán đấu giá khu đất sân bay Nha Trang cũ, tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết ở tỉnh Bình Thuận.

Một góc sân bay Nha Trang cũ đã được đầu tư

Theo kế hoạch, trước mắt, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ thành lập Tổ giúp việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, do Giám đốc Sở TNMT làm tổ trưởng phối hợp các Sở KHĐT, Tài chính, Tư Pháp, Xây dựng, Cục Thuế tỉnh... triển khai nhiệm vụ nói trên. Theo đó, Tổ giúp việc có nhiệm vụ theo dõi, cập nhật và tổng hợp các nội dung ý kiến chỉ đạo có liên quan và hoàn thiện kế hoạch đấu giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu văn bản UBND tỉnh gửi báo cáo Chính phủ, Bộ Quốc phòng để xác định chính xác diện tích đấu giá và xin ý kiến về kế hoạch thực hiện đấu giá.

Trao đổi với SGGP, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TNMT Khánh Hòa cho biết, việc đấu giá phần đất còn lại tại sân bay Nha Trang phải qua nhiều thủ tục pháp lý khá phức tạp, nhất là xác định lại các bản đồ sân bay thật chính xác, tránh chồng lấn.

Hiện Tổ giúp việc đã triển khai các công đoạn để trình tỉnh xem xét. Nếu sân bay đấu giá thành công, số tiền sẽ được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay lưỡng dụng (vừa là sân bay quốc phòng vừa dân dụng) tại Phan Thiết”, ông Võ Tấn Thái thông

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.