Thứ năm, 28/03/2024 19:37 (GMT+7)

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 30/11/2018

MTĐT -  Thứ sáu, 30/11/2018 10:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 30/11/2018, cập nhật tin tức giáo dục nóng nhất hôm nay 30/11/2018 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Nam Định: Phòng giáo dục thông tin vụ bé trai 4 tuổi bị cô giáo buộc dây vào người

Ngày 30/11, ông Đặng Xuân Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định xác nhận, sự việc cô giáo buộc dây vào người một bé trai và cột ở cửa lớp xảy ra mới đây tại Trường mầm non B, xã Trực Đại, huyện Trực Ninh (Nam Định) là có thật.

Ông Đặng Xuân Hữu thông tin, bé trai được xác định là N.T. P. (4 tuổi) ở xã Trực Đại. Cháu P. bị rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, vừa bị câm, vừa bị điếc. Những lúc bị tăng động, cháu thường chạy nhảy lung tung, có khi cắn cả vào tay các bạn và cô giáo.

Hình ảnh học sinh mầm non bị treo vào cửa sổ lớp học bằng một sợi dây.

Một tháng cháu P. thường đi chữa bệnh tại bệnh viện khoảng 10 ngày. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện đưa cháu vào những trung tâm giáo dục chuyên biệt nên có nguyện vọng gửi các cô ở trường mầm non chăm sóc, nuôi dạy.

Do cháu P. bị tăng động mạnh nên hai cô giáo phụ trách lớp 4 tuổi đã lấy một đoạn dây vải buộc vào người cháu để đảm bảo an toàn cho bản thân cháu cũng như mọi người xung quanh chứ hoàn toàn không có ác ý.

Tuy nhiên, cách làm của các cô giáo không đúng, thể hiện nhận thức hạn chế, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm nuôi dạy trẻ khuyết tật, tạo nên hình ảnh phản cảm. Việc lấy dây buộc vào người cháu P. mới diễn ra 1-2 lần. Cháu P. không bị tổn hại về sức khỏe, vẫn đến lớp học bình thường.

Sau khi xảy ra sự việc trên, đoàn kiểm tra của huyện Trực Ninh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trực Ninh đã về làm việc với lãnh đạo Trường mầm non B, xã Trực Đại để có phương hướng giải quyết kịp thời.

Theo ông Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh, đây là sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, niềm tin của nhân dân. Huyện sẽ thành lập hội đồng kỷ luật để đưa ra hình thức xử lý phù hợp với hai cô giáo buộc dây vào người cháu P.

Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định nhìn nhận, đây là bài học sâu sắc đối với toàn ngành giáo dục địa phương. Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên để tránh xảy ra các sự việc tương tự.

Văn Miếu khảo tuyển người viết chữ Hội xuân Kỷ Hợi 2019

Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra thông báo khảo tuyển người viết chữ Hội xuân Kỷ Hợi 2019 dành cho người đăng ký dự tuyển.

Người dân xin chữ đầu năm trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh minh họa)

Cụ thể, người dự tuyển sẽ tham gia 2 phần tuyển chọn gồm văn phạm và thực hành đối với thư pháp Hán Nôm hoặc thư pháp Quốc ngữ.

Phần khảo tuyển sẽ sát hạch để lựa chọn ra những người có khả năng thực tế phục vụ nhu cầu xin chữ đầu năm của nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước khi đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây là hoạt động thường niên được tổ chức trong những năm gần đây của Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Thời gian đăng ký khảo tuyển từ 03/12/2018 đến ngày 23/12/2018. Khảo tuyển được tổ chức ngày 05/01/2019 tại Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

1.820 tỷ đồng cho giáo dục nghề nghiệp và an toàn lao động

Theo văn bản vừa được Bộ Lao động và Thương binh Xã hội (LĐTB&XH) gửi đến Bộ Tài chính về phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu năm 2019 - 2020, năm 2019, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động được phân bổ nguồn kinh phí là 1.820 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: Internet

Bộ LĐTB&XH cho biết, nguồn kinh phí được phân bổ tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm của Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; không phân bổ kinh phí phân tán, dàn trải, đặc biệt về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Đồng thời, Bộ LĐTB&XH sẽ ưu tiên phân bổ kinh phí cho những nhiệm vụ có tác động tới sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp; trường chất lượng cao, trường đại học sư phạm kỹ thuật; trường chuyên biệt đào tạo cho một số nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật; trường có nghề trọng điểm, trong đó ưu tiên ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa phương chưa tự cân đối ngân sách.

Sáp nhập trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Sau 2 năm thực hiện, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đang từng bước tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm học 2016 - 2017, Trường Tiểu học xã Song Giang và Trường Trung học cơ sở xã Song Giang (huyện Văn Quan) được sáp nhập thành trường liên cấp với tên gọi là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở xã Song Giang. Đây là trường đầu tiên thực hiện việc sáp nhập trên địa bàn huyện Văn Quan.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học xã Song Giang và Trường THCS xã Song Giang (huyện Văn Quan).

Cô Lương Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Song Giang là xã khó khăn, địa bàn rộng, dân cư ít. Việc sáp nhập trường đã góp phần tinh giản được biên chế (giảm 1 cán bộ quản lý); giáo viên không phải đi các điểm trường xa để dạy, trang thiết bị dạy học cũng tập trung và đầy đủ hơn.

Đầu năm 2017, Trường Tiểu học xã Văn An và Trường Trung học cơ sở xã Văn An (huyện Văn Quan) được sáp nhập thành 1 trường với tên gọi là Trường Tiểu học – Trung học cơ sở xã Văn An. Sau khi sáp nhập, nhà trường đã giảm 1 cán bộ quản lý, 2 giáo viên và 3 nhân viên hành chính. Thầy Lý Văn Luận, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Qua việc sáp nhập, nhà trường đã phát huy, sử dụng hiệu quả trang thiết bị dạy học để phục vụ giảng dạy chung, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, từ đó khắc phục tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học.

Ngoài ra, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan, Lành Thị Huệ, đối với học sinh ở điểm trường lẻ khi dồn về điểm trường chính, các em cũng được hưởng lợi vì được học đầy đủ các môn học (điểm trường lẻ trước đây không có môn tiếng Anh), nhiều em được hưởng chế độ bán trú.

Đà Nẵng có công văn khẩn chống dịch sốt xuất huyết ở nhà trường

Ngày 29/11, sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã có công văn về việc “tổng truyền thông về phòng chống sốt xuất huyết tại tất cả các cơ sở giáo dục” gửi phòng Giáo dục các quận, huyện, Hiệu trưởng các trường Đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên...

Đà Nẵng yêu cầu các trường học chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

Theo đó, sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học tổ chức truyền thông với các nội dung cụ thể như:

Các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt, tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên về tầm quan trọng và cách thức diệt lăng quăng, bọ gậy;

Khuyến cáo khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời, không tự ý ở nhà điều trị;

Hướng dẫn thực hiện tốt các hành vi về vệ sinh cá nhân, thói quen rửa tay, tổng dọn vệ sinh môi trường đảm bảo phòng ốc, công trình cấp nước, công trình vệ sinh phải sạch sẽ;

Thường xuyên lau chùi sàn nhà, mặt bàn, ghế, đồ chơi, đồ dùng học tập… bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường hoặc Chloramin B, đặt biệt là tại các trường mầm non, các nhóm trẻ gia đình.

Về hình thức tuyên truyền, hướng dẫn trực quan, phát thanh trên hệ thống phát thanh nội bộ;

Các chương trình “Phát thanh măng non”, “Phát thanh thanh niên”, trên cổng thông tin điện tử, các fanpage của trường, đoàn thành niên, hội liên hiệp thanh niên và của các câu lạc bộ đội nhóm… và vào các giờ sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm lớp.

Sở cũng yêu cầu các đơn vị, trường học tổ chức tổng truyền thông về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và ra quân diệt lăng quăng bọ gậy giờ chào cờ thứ hai ngày 3/12 đảm bảo truyền tải đầy đủ các nội dung với mục tiêu:

Không có lăng quăng, không có bọ gậy, không có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết;

Huy động toàn thể học sinh, sinh viên, phối hợp hiệu quả với các đơn vị kết nghĩa, các ban, ngành đoàn thể tại địa phương thường xuyên tổ chức hoạt động diệt lăng quăng, diệt muỗi.

TPHCM: Đến năm 2030, ít nhất 20% trường THPT giao tiếp bằng song ngữ Anh - Việt

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ về vấn đề hợp tác quốc tế của ngành giáo dục đào tạo TPHCM tại hội nghị “Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM” do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức chiều nay 29/11.

Hội thảo góp ý chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM thu hút hơn 80 chuyên gia trí thức doanh nhân kiều bào và nhà khoa học tham dự

Theo ông Lê Hoài Nam, TPHCM luôn tiên phong trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2030, hệ thống giáo dục - đào tạo thành phố được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới nhưng vẫn giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.

Mục tiêu phát triển mà ngành giáo dục TPHCM đặt ra đối với học sinh là có nền tảng tiếng Anh, Tin học đạt chuẩn quốc tế để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT.

“Đến năm 2030 có ít nhất 20% số trường trung học phổ thông giao tiếp bằng song ngữ Anh - Việt trong các hoạt động giáo dục, đặc biệt là các hoạt động tập thể, ngoại khoá và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Khuyến khích các ngoại ngữ thông dụng khác trong hệ thống giáo dục của thành phố”, ông Nam cho biết.

Ngoài ra, mỗi học sinh đam mê ít nhất một môn thể thao; có kiến thức cơ bản về âm nhạc, mỹ thuật, có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống, được phát triển năng lực theo hướng gắn với thực tiễn nghề nghiệp. Học sinh TPHCM có chiều cao và thể lực trong tốp đầu của cả nước, đạt và vượt mức chiều cao trung bình ở mức khá của các nước Đông Nam Á.

Hà Nội: 91 đề tài tham gia thi khoa học kĩ thuật cấp thành phố

Ngày 29/11/2018, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh THCS được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức tại trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội.

Tham dự buổi lễ có sự tham gia của ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Các đội tham gia cuộc thi

Sau 2 tháng tổ chức, cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh trên địa bàn với 91 đề tài, sản phẩm ở 22 lĩnh vực của 175 học sinh đến từ 57 trường tham gia chung khảo cấp thành phố.

Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp Thành phố dành học sinh trung học được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào để giải quyết những vấn đề thực tiễn, trong cuộc sống; góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, phát triển năng lực học sinh.

Theo ông Lê Ngọc Quang, tiêu chí quan trọng nhất trong cuộc thi là chọn ra được ý tưởng sáng tạo, độc đáo và nguyên tắc làm việc khoa học thực sự thể hiện qua sản phẩm của học sinh.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 30/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Pv (TH)

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.