Thứ bảy, 20/04/2024 18:21 (GMT+7)

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 14/4/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 14/04/2023 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/4/2023, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất tại Hà Nội ngày 14/4 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Nội: Bố trí chốt trực phân luồng, chống ùn tắc tại 57 vị trí trong dịp nghỉ lễ

Trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 Âm lịch), Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 1/5, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội bố trí lực lượng phối hợp, phân luồng chống ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết sự cố tại 57 vị trí, đặc biệt là khu vực bến xe khách liên tỉnh, các tuyến đường trọng điểm, cửa ngõ Thủ đô.

Trong đó, Thanh tra Sở sẽ bố trí lực lượng tại 50 vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, huy động 181 người/ca trực, đồng thời bố trí lực lượng tại 7 vị trí xung quanh các bến xe khách liên tỉnh. Ngoài thời gian quy định, lãnh đạo các đơn vị có trách nhiệm chủ động nắm bắt tình hình giao thông trên địa bàn quản lý để kịp thời bố trí lực lượng, không để ùn tắc giao thông kéo dài.

tm-img-alt

Hà Nội sẽ bố trí chốt trực phân luồng, chống ùn tắc tại 57 vị trí trong dịp nghỉ lễ. (Ảnh: Internet)

Ngoài bố trí lực lượng phân luồng, chống ùn tắc giao thông, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tập trung xử lý xe khách tuyến cố định chạy sai hành trình, dừng, đỗ, đón, trả khách trái quy định, các tụ điểm bến “cóc”; xử lý xe hợp đồng vận chuyển hành khách hoạt động như tuyến cố định, tổ chức tụ điểm đón khách tập trung gây mất trật tự an toàn giao thông; không để phát sinh các điểm đón, trả khách tại các văn phòng đại diện, chi nhánh công ty trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm (khu vực phố Cổ), Hai Bà Trưng (khu vực trước cổng rạp xiếc Trung ương, đường Giải Phóng, phố Vọng), Đống Đa (tuyến phố Trường Chinh), Thanh Xuân (đường Khuất Duy Tiến, Vành đai 3, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân), Cầu Giấy (khu vực Công viên Cầu Giấy), Nam Từ Liêm (tuyến đường Nguyễn Hoàng)...

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra tăng cường xử lý xe taxi dừng, đỗ trái quy định tại các cổng bệnh viện, nhà ga, trung tâm thương mại, khu vui chơi, lễ hội, xe taxi che biển kiểm soát, xe buýt không đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách, xe nhái thương hiệu xe buýt...

Riêng trong lĩnh vực trông giữ phương tiện, Thanh tra Sở tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý điểm trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe không phép, sai phép xung quanh khu vui chơi, giải trí, di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, đền, chùa, khu vực tổ chức các sự kiện... Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở tổng hợp kết quả, đề xuất Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần…

Hà Nội: Tạm giữ hàng chục nghìn sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm

Tin tức trên TTXVN, hàng chục nghìn sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài tại một điểm tập kết trên địa bàn Thanh Trì, song khi lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra đều chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết lực lượng này vừa kiểm tra và tạm giữ hàng chục nghìn sản phẩm hàng hóa các loại do nước ngoài sản xuất tại một cơ sở trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 7, Phòng PC03 Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra một điểm kinh doanh, tập kết hàng hóa tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ hàng chục nghìn sản phẩm hàng hóa các loại do nước ngoài sản xuất, người đại diện của cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ của số hàng hóa nói trên.

tm-img-alt
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.(Ảnh:PV/Vietnam+).

Thống kê cho thấy hàng hóa gồm 2.160 tuýp thuốc nhuộm tóc Go On loại 95g/tuýp (được đóng trong 18 thùng carton, 120 tuýp/thùng); 648 hộp gôm xịt tóc Hard Hold Hairspray loại 600ml/hộp (được đóng trong 18 thùng carton, 36 hộp/thùng); 384 hộp thuốc nhuộm tóc Macadamia loại (500ml x 2)/hộp (được đóng trong 16 thùng carton, 24 hộp/thùng).

Ngoài ra, còn có 60 hộp kem ủ tóc Keratin loại 1000ml/hộp (được đóng trong 5 thùng carton, 12 hộp/thùng); 360 lọ dưỡng tóc Cocoesl loại 60ml/lọ (được đóng trong 03 thùng carton, 120 lọ/thùng); 1.200 gói dầu gội nhuộm tóc Black Hair Shapoo loại 30ml/gói (được đóng trong 02 thùng carton, 600 gói/thùng), cùng hàng nghìn hộp xịt chổng gỉ RP7 và ống keo chuyên dùng trong xây dựng Titebond loại 296ml/ống (được đóng trong 35 thùng carton, 40 ống/thùng)…

Toàn bộ số hàng hóa nêu trên do nước ngoài sản xuất, tại thời điểm kiểm tra, người đại diện của cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ của số hàng hóa nói trên.

Do vậy, Đội Quản lý thị trường số 17 đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Số ca Covid-19 tăng, làm gì để phòng bệnh cho trẻ?

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ sốt cao tới khám, khi test Covid-19 thì cho kết quả dương tính. Tuy nhiên, các trường hợp trẻ mắc Covid-19 thường nhẹ, bác sĩ kê đơn về điều trị nội trú tại nhà.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC (Hà Nội), trong trường hợp lớp có ca mắc, có thể học sinh sẽ phải đeo khẩu trang khi học. Hiện số ca mắc vẫn trong kiểm soát, không thể vì lớp có 1 đến 2 ca mắc mà cho cả lớp, cả trường nghỉ học được, ông Tuấn cho hay.

Đối với học sinh mắc Covid-19, nếu nhẹ thì có thể cho nghỉ ở nhà để chăm sóc, cách ly. Với những trường hợp trẻ có dấu hiệu nặng thì nên đến viện, bác sĩ sẽ có tư vấn cụ thể để xem có cần điều trị nội trú hay không.

tm-img-alt
Trẻ tới trường (ảnh: Internet).

Để phòng Covid-19 trong nhà trường, ông Tuấn lưu ý với trẻ ở độ tuổi đủ điều kiện tiêm vắc xin, bố mẹ hãy cho con tiêm đầy đủ. Bố mẹ cũng cần khuyến khích trẻ đeo khẩu trang, nhất là giờ ra chơi, giải lao; khử khuẩn tay sạch sẽ. Ngoài ra, việc vệ sinh lớp học cũng rất quan trọng. 

Gia đình, nhà trường cần phải kết hợp, phát hiện triệu chứng bất thường để phát hiện sớm trẻ có biểu hiện nghi ngờ hoặc mắc bệnh, từ đó cho nghỉ học để tránh lây lan.

TS.BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM - cho biết dù số ca mắc đang tăng, nhưng so với các bệnh cảm cúm, hô hấp thì số ca mắc Covid-19 không hề vượt trội. Do vậy, người dân không nên quá hoang mang. Lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống hằng ngày.

Hà Nội thanh, kiểm tra loạt khu đô thị, chung cư lớn về việc chấp hành bảo vệ môi trường

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký ban hành Quyết định về việc phê duyệt kế hoạch công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT).

Theo đó, UBND Hà Nội sẽ giao Sở TNMT tiến hành thanh, kiểm tra đối với 392 đơn vị, tổ chức. Cùng với việc phát hiện, xử lý các vi phạm, các lực lượng chức năng phải tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, hậu kiểm việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về BVMT. Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, hậu kiểm việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, UBND TP Hà Nội yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về BVMT có trách nhiệm chuyển hồ sơ trường hợp có dấu hiệu tội phạm về môi trường cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu...

tm-img-alt
Theo kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội dự kiến thành lập 17 đoàn thanh, kiểm tra 392 đơn vị, tổ chức trên địa bàn Thành phố về lĩnh vực bảo vệ môi trường; Ảnh minh họa.

Tại Quyết định, hàng loạt dự án khu đô thị, khu chung cư lớn nằm trong danh sách kiểm tra, thanh tra. Trong đó, có thể điểm tên một số khu như: Khu đô thị mới Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng); Khu chức năng đô thị thành phố xanh (quận Nam Từ Liêm); Dự án liền kề Hibrand Văn Phú (quận Hà Đông); Khu đô thị Parkcity Hanoi và trạm xử lý nước thải Parkcity (quận Hà Đông); Chung cư The Emerald Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm); Dự án chung cư Tecco Garden (huyện Thanh Trì); Nhà ở xã hội IEC Residences Tứ Hiệp-Thanh Trì; Tổ hợp khu thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ Imperial Plaza (quận Thanh Xuân); Dự án Mipec Rubik (quận Cầu Giấy); Chung cư Intracom Riverside (huyện Đông Anh); Tổ hợp chung cư Sky Park Residence (quận Cầu Giấy); Chung cư Iris Garden tại 30 Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm); Chung cư BID Residence (quận Hà Đông); Chung cư Seasons Avenue (quận Hà Đông); Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại THT New City (huyện Hoài Đức); Dự án Mipec Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm); Dự án Roman Plaza (quận Nam Từ Liêm)...

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha trở lên đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đã và đang triển khai (trong đó có 98 dự án cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng và 168 dự án chưa hoàn thành)

Hà Nội: 70% mặt bằng sạch khởi công Vành đai 4

Ngày 13/4, tại cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội với UBND các tỉnh và sở, ngành của các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm này có thể khẳng định, Hà Nội sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án đúng như kế hoạch vào ngày 30/6 tới.

tm-img-alt

Theo ông Dũng, về vấn đề mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án sẽ báo cáo đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng địa bàn các tỉnh (ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) có mỏ vật liệu đáp ứng yêu cầu có thể cung cấp phục vụ thi công Dự án đường Vành đai 4 được áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ. Đồng thời kiến nghị cho phép nhà thầu bổ sung thực hiện xây lắp trong dự án thành phần 3 (đối tác công tư-PPP) cũng được hưởng các chính sách đặc thù liên quan đến vật liệu xây dựng như các nghị quyết nêu trên.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho tư vấn làm việc với Ban Chỉ đạo các tỉnh lên phương án về các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án đường Vành đai 4 về cụ thể từng mỏ, từng vị trí, công suất, sản lượng theo tiến độ. Trong đó, phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và quan trọng là giá rẻ nhất.

Ông Dũng cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phải đặc biệt chú ý xác định chính xác về nguồn gốc đất và diện tích đất, làm chỉn chu, tránh để xảy ra sai sót. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng có thể tham khảo kinh nghiệm hay của tỉnh Bắc Ninh như tách riêng phần di chuyển mồ mả thành dự án riêng hay kinh nghiệm của Hà Nội trong việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ưu tiên dành vị trí đất đấu giá, trong các vị trí đất đấu giá lại chọn vị trí đất tốt nhất để làm đất tái định cư cho dân.

Thành phố Hà Nội phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội quyết định phân hạng và cấp giấy chứng nhận đối với 518 sản phẩm từ 3 sao trở lên của 191 chủ thể tham gia Chương trình OCOP Thành phố năm 2022. Trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 246 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Kết quả phân hạng có giá trị trong 36 tháng, kể từ ngày ký ban hành Quyết định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội có trách nhiệm tổ chức công bố và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP được phân hạng; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ thể có sản phẩm OCOP được phân hạng thực hiện việc quản lý, sử dụng và in nhãn hiệu OCOP trên bao bì sản phẩm theo quy định.

Các chủ thể có sản phẩm OCOP được phân hạng 3 sao và 4 sao có trách nhiệm duy trì, đảm bảo chất lượng theo quy định của Chương trình OCOP; nâng cao các sản phẩm OCOP để tham gia thi nâng hạng sao hằng năm (nếu đủ tiêu chuẩn).

UBND Thành phố cũng giao Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã có kế hoạch định kỳ tổ chức kiểm tra các sản phẩm theo thẩm quyền được phân cấp theo đúng quy định; đề xuất xử lý vi phạm quy định của Chương trình OCOP và các quy định có liên quan theo quy định của pháp luật và Thành phố.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 14/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất