Thứ bảy, 12/10/2024 23:21 (GMT+7)

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 20/2/2023

MTĐT -  Thứ hai, 20/02/2023 16:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/2/2023, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất tại Hà Nội ngày 20/2 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Nội tổng kiểm tra, xử lý các vi phạm lĩnh vực giao thông, đô thị

Theo đó, các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn Thành phố; phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe.

Kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.

Thông qua kiểm tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, đô thị; Nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố; Hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng.

tm-img-alt
Các cơ quan chức năng Thành phố sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn thành phố; phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng. Ảnh: VGP/Minh Anh.

Đồng thời, đánh giá đúng thực trạng tình hình, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố; phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kịp thời kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội, các cơ quan hữu quan khắc phục nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và các ngành có liên quan trong việc quy hoạch cấp phép, quản lý, xử lý vi phạm.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Ba Đình (Hà Nội): Khẩn trương di dời dân khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp D

Theo thông tin từ phía UBND Quận Ba Đình, hầu hết các khu tập thể cũ trên địa bàn được xây dựng từ những năm 1970,1980 và đã xuống cấp nghiêm trọng. Đối với Khu tập thể Bộ Tư pháp, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định phê duyệt 42 phương án hỗ trợ di dời tạm cư đối với các hộ dân tại 2 đơn nguyên nguy hiểm cấp D, với tổng số tiền hỗ trợ là gần 929 triệu đồng. Đến nay, 42/42 hộ gia đình đã bàn giao căn hộ cũ, nhận tiền hỗ trợ và nhận nhà tạm cư.

Chính quyền nói chung cư cũ nguy hiểm, người dân bảo 'nghiêng bền vững'
Khu tập thể Bộ Tư pháp đã hoàn thành di dời cả 42 hộ dân.

Tại đơn nguyên 3 nhà C8 tập thể Giảng Võ, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định phê duyệt 37 phương án hỗ trợ di dời tạm cư đối với 36 hộ dân và 1 cơ quan. Đến nay, có 37/37 trường hợp đã nhận tiền hỗ trợ, nhận nhà tạm cư và bàn giao căn hộ cũ.

Đối với đơn nguyên 1 nhà A tập thể Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định phê duyệt 27 phương án hỗ trợ di dời tạm cư đối với 27 hộ dân, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 955 triệu đồng. Đến nay, 27/27 hộ gia đình đã bàn giao căn hộ cũ, nhận tiền hỗ trợ và nhận nhà tạm cư, gồm 26 hộ nhận nhà tạm cư, 1 hộ nhận tiền hỗ trợ tự lo chỗ ở.

Chính quyền nói chung cư cũ nguy hiểm, người dân bảo 'nghiêng bền vững'
Mặc dù đã treo biển cảnh báo từ lâu, nhưng cư dân nhà G6A tập thể Thành Công vẫn không tin là nhà nguy hiểm cấp độ D.

Riêng đối với đơn nguyên 1, 2 nhà G6A tập thể Thành Công, phường Thành Công, xây từ những năm 1960 - 1970, đến nay, 22 căn hộ của 21 chủ sở hữu vẫn chưa chịu di dời.

Lý do các hộ dân chưa chịu di dời vì không đồng thuận với kết quả kiểm định, cho rằng nhà chung cư G6A không phải nhà nguy hiểm cấp độ D và lo ngại về tiến độ cải tạo sẽ bị kéo dài. Người dân chỉ đồng ý di dời khi có nhà đầu tư.

Tại buổi đối thoại với các hộ dân chung cư G6A vào tối 17/2 vừa qua, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết: Quận đang đo đạc, khảo sát, xác định chỉ giới đường đỏ toàn bộ khu tập thể Thành Công. Các cơ quan cũng đang lập quy hoạch tổng mặt bằng và dự kiến trong tháng 2 trình Sở Quy hoạch và Kiến trúc để Sở báo cáo thành phố. Nếu tháng 3 thành phố phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng thì khoảng tháng 4 thành phố sẽ ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Trên cơ sở tiêu chí công khai, sau 15 ngày hội nghị nhà chung cư sẽ được tổ chức để người dân lựa chọn nhà đầu tư.

Hà Nội sẽ thêm 12 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Cầu Giấy

Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (Sở Giao thông vận tải Hà Nội), đơn vị đang khẩn trương hoàn thiện phương án kết nối mạng lưới xe buýt với đường sắt đô thị số 3, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy trình cấp có thẩm quyền phê duyệt

Hà Nội hiện có 31 tuyến buýt kết nối với đoạn tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Cầu Giấy, trong đó 28 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá; nhu cầu đi lại bằng xe buýt trung bình mỗi ngày khoảng hơn 118.000 lượt hành khách.

Với thiết kế kỹ thuật tuyến đường sắt đô thị số 3, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 230 hành khách, mỗi chuyến chở được 920 hành khách. Tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón, trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị số 3 tối đa đạt mức 7.360 hành khách/giờ/hướng.

Theo đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, điểm dừng xe buýt dọc tuyến sẽ phải bố trí lại, bổ sung để thuận tiện cho việc kết nối với các ga.

Căn cứ theo phương án đang được xây dựng, sẽ có thêm 12 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị, trong đó có 3 tuyến được điều chỉnh (gồm tuyến 39, 96, CNG07) và 9 tuyến mở mới.

Hà Nội xử lý nghiêm, thu hồi đất các dự án chậm tiến độ

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức nhiều cuộc họp bàn đánh giá tình hình các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, chậm tiến độ để có biện pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư, tập trung xử lý nhiều dự án chậm. Cùng đồng hành, UBND Thành phố cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và xuyên suốt của hệ thống chính trị.

tm-img-alt
Trong thời gian qua, Sở TN&MT Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp đôn đốc các doanh nghiệp đưa đất vào sử dụng, đồng thời kiến nghị thu hồi nhiều dự án chậm triển khai. Ảnh: Phan Thiên.

Đối với 135 Dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, xử lý): 11 Dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 59 Dự án, chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định; 03 Dự án, Tòa án nhân dân, cơ quan điều tra, thanh tra đang thụ lý, xử lý theo quy định…

Huyện Mê Linh là một trong các huyện có nhiều dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. 60 dự án, chậm tiến độ trên 10 năm. Hiện thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 4 dự án và huyện Mê Linh đang tiếp tục kiến nghị thu hồi và dừng hoạt động thêm 16 dự án. Huyện Mê Linh cũng như nhiều địa phương cho rằng, đối với các dự án được thành phố gia hạn, hoặc cho tiếp tục triển khai cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Hiện các quận, huyện đã có báo cáo ra soát và tiếp tục trình thành phố xử lý 173 dự án. Thành phố Hà Nội cho biết, trong năm nay sẽ quyết liệt cùng tháo gỡ khó khăn cho các dự án gặp vướng mắc về chính sách, cương quyết xử lý với những dự án chậm tiến độ, đặc biệt là không để việc lấy lý do điều chỉnh quy hoạch để xin gia hạn kéo dài thời gian, không triển khai dự án như trước đây.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hà Nội đang triển khai 219 dự án nhà ở, khu đô thị

Cụ thể, có 140 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; 48 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; 21 dự án nhà ở tái định cư và 10 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nguồn cung sản phẩm bất động sản tại Hà Nội vẫn ở mức thấp, chủ yếu từ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ trước. Dự án đầu tư mới được chấp thuận, chỉ một vài dự án đấu giá đất với quy mô nhỏ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn, chính sách tín dụng siết chặt, giá nguyên vật liệu tăng cao... đã đẩy giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo, giá tăng trên 10%.

Đồng thời, một số vướng mắc về thủ tục đầu tư... khiến các chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường. Nguồn cung bất động sản thông qua các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 có sự sụt giảm rõ rệt: Giảm khoảng 24% số lượng căn hộ và giảm khoảng 56% diện tích sàn xây dựng.

tm-img-alt
Hiện có 219 dự án nhà ở, khu đô thị triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Giao dịch bất động sản trên thị trường bất động sản Hà Nội năm 2022 trầm lắng hơn cuối năm 2021. Lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường tập trung chủ yếu tại các dự án nhà ở thuộc các quận, huyện vùng ven do ưu thế về quỹ đất. Phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp chiếm đa số nhưng giá rất cao. Lượng giao dịch thấp, chỉ đạt khoảng 10% lượng sản phẩm chào bán ra thị trường. Lượng giao dịch nhà ở thấp tầng cũng rất thấp, thậm chí gần như không có giao dịch do giá bán cao.

Trước đó (17/2), tại hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn thừa nhận, do một số vướng mắc về pháp lý, đến giờ phút này, khả năng phát triển các dự án mới khó khăn vì vướng cơ chế đầu tư. Đặc biệt là mô hình đầu tư, chỉ có hình thức là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển các dự án nhà ở thương mại là khu đô thị mới...

Để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, Hà Nội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; có giải pháp hạ lãi suất vay vốn để tạo sự cạnh tranh với các kênh đầu tư khác; sửa đổi các quy định về việc xác định tiền sử dụng đất, thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hà Nội: Kho hàng ở Xuân Đỉnh bốc cháy dữ dội, cảnh sát thức trắng đêm dập lửa

Tin tức trên báo Tổ quốc, khoảng 20h ngày 19/2, đám cháy bất ngờ bùng phát tại nhà xưởng ở ngõ 205, đường Nguyễn Hoàng Tôn, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Ngay sau khi phát hiện cháy, người dân đã báo cho lực lượng Công an để được hỗ trợ. 

Chỉ trong thời gian ngắn, đám cháy bao trùm trên diện rộng, có nguy cơ cháy lan sang khu vực lân cận. Nhận được yêu cầu chi viện từ Công an quận Bắc Từ Liêm, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Tây Hồ ngay lập tức điều động lực lượng đến làm nhiệm vụ. 

tm-img-alt
Hiện trường vụ hỏa hoạn.

Tổ công tác đã khẩn trương triển khai đội hình, tích cực tìm kiếm, cứu nạn, ngăn cháy lan và khống chế đám cháy. Do kho xưởng xây dựng tạm mái tôn, chưa kể bên trong chứa nhiều chất cháy như đồ nhựa, ni lông, thùng giấy... nên các lực lượng gặp khó khăn trong việc dập tắt lửa và cứu hộ tài sản. Công an quận Bắc Từ Liêm, Công an quận Cầu Giấy ngay sau đó cũng được điều động đến hiện trường làm nhiệm vụ. 

Sau đó, các lực lượng đã phối hợp xử lý dập tắt hoàn toàn đám cháy. Tuy nhiên, do lượng tàn tro âm ỉ trong một số cấu kiện thép, tấm tôn bị sập đè lên, công tác chống cháy trở lại diễn ra suốt đêm 19/2 và rạng sáng 20/2

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 20/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tỉnh đoàn An Giang hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh" toàn quốc
Ngày 22/9, Tỉnh đoàn An Giang phát động hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” toàn quốc lần thứ và phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phòng, chống rác thải nhựa năm 2024”.

Tin mới