Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 28/2/2023
Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/2/2023, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất tại Hà Nội ngày 28/2 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.
Tạm giữ hình sự Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe 29-10D cùng 8 thuộc cấp
Ngày 28/2, Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cho biết đã tiến hành tạm giữ hình sự 9 đối tượng thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-10D ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (Hà Nội), để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Những người bị tạm giữ gồm: Vũ Mạnh Cường (SN 1974, Giám đốc Trung tâm); Phạm Trung Hiếu (SN 1978, Phó giám đốc Trung tâm) cùng các đăng kiểm viên: Nguyễn Mạnh Hà (SN 1983), Nguyễn Khoa Minh (SN 1983), Nguyễn Hùng Ngọc (SN 1996); Nguyễn Văn Trình (SN 1984), Nguyễn Tài Thanh Phong (SN 1996), Đặng Lê Quân (SN 1986) và Dương Tuấn Dũng (SN 1987).
Trước đó, căn cứ tài liệu thu thập, ngày 24/2 Công an quận Hoàng Mai phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp tại trung tâm này, tạm giữ 18 cây máy tính, 31 thùng tài liệu, hồ sơ; 9 tủ tài liệu, hồ sơ và hơn 137 triệu đồng. Toàn bộ cán bộ, nhân viên trung tâm được đưa về trụ sở để phục vụ công tác đấu tranh.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận: Trong quá trình làm đăng kiểm viên tại Trung tâm đăng kiểm 29-10D, các đăng kiểm viên đã được Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm giao thay nhau thu tiền của khách hàng để bỏ qua lỗi vi phạm khi đăng kiểm.
Một số lỗi thường vi phạm như: thiếu gạt mưa; xe đổi màu sơn; xe hỏng một đèn phanh, hỏng đèn lùi; hỏng đèn biển số; xe có lốp mòn đến giới hạn; các xe có lỗi liên quan đến gầm xe như: giảm chấn, lỏng chân giảm chấn, chảy dầu, cầu xe, hộp số chảy dầu… không đạt tiêu chuẩn để đăng kiểm phải khắc phục, sửa đều được “tạo điều kiện” bỏ qua lỗi.
Quá trình điều tra ban đầu xác định, từ khoảng cuối năm 2018 đến khoảng tháng 9/2022, các đối tượng đã nhận hối lộ khoảng 5 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng, tùy theo chức vụ, vị trí công việc, các cá nhân được nhận “tiền ngoài luồng”, từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Hà Nội: Sẽ dừng hoạt động tuyến buýt không hiệu quả
Hà Nội sẽ xem xét dừng hoạt động các tuyến buýt không hiệu quả, không thể để tình trạng có tuyến trợ giá 95-96% bởi đây là sự lãng phí, sử dụng không hiệu quả ngân sách.
Nội dung trên được Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội nhấn mạnh khi làm việc với doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn.
Sản lượng xe buýt của thành phố Hà Nội đã có dấu hiệu phục hồi song còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng, kéo theo doanh thu giảm. So với thời điểm trước dịch COVID-19, sản lượng khách sử dụng xe buýt chỉ bằng khoảng 60%.
Sở Giao thông Vận tải cho biết, các đơn vị buýt cần chủ động tăng sản lượng hành khách, doanh thu, giảm trợ giá từ ngân sách đồng thời cải thiện chất lượng phục vụ, nhất là thái độ phục vụ của nhân viên. Thành phố sẽ kiên quyết xem xét dừng hoạt động các tuyến buýt không hiệu quả trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp khai thác, vận hành xe buýt cũng nêu ra thực tế đang đối mặt với hàng loạt các khó khăn về thiếu nguồn nhân lực lao động, hạ tầng điểm chờ xe buýt, nguồn lực tài chính, chênh lệch giá khi đấu thầu…
Hà Nội sẽ điều chỉnh giá nước sạch sau 10 năm bình ổn
Mới đây Uỷ ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thông tin về giá nước sạch sinh hoạt và lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch sinh hoạt trên địa bàn sau 10 năm bình ổn, báo Tiền Phong đưa tin.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để 100% người dân đô thị, nông thôn đều được sử dụng nước sạch, giai đoạn 2016- 2020, thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn và mạng cấp nước. Để làm được điều đó, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án cấp nước. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại khu vực nông thôn do chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu - chi.
Ngoài ra, giá nước sạch được thành phố áp dụng (theo Quyết định số 38/2013/ QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND thành phố) 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh, đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư 'bỏ cuộc', chậm triển khai tiếp dự án.... Đây được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến kế hoạch phủ mạng lưới cấp nước sạch tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu đúng như mong đợi giai đoạn 2016- 2020.
Giai đoạn 2021- 2025, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu 100% người dân đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 85% (hơn 4 triệu người với hơn 1 triệu hộ dân).
Năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã).
Đúng theo tiến độ kế hoạch, dự kiến tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.
Hà Nội xử lý 454 trường hợp vi phạm Luật Giao thông trong ngày 27/02/2023
Tin tức trên Dân sinh, trong ngày 27/02/2023, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đã phát hiện, xử lý 454 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 164 phương tiện, 179 bộ giấy tờ, tước 82 giấy phép lái xe, 08 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường thủy. Lực lượng Cảnh sát cơ động tuần tra bảo vệ mục tiêu, địa bàn trọng điểm. Phát hiện, bắt giữ, bàn giao 01 vụ, 02 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự cho đơn vị chức năng xử lý theo thẩm quyền.
Trung tâm Thông tin chỉ huy CATP tiếp nhận, xử lý 22 tin liên quan đến ANTT, PCCC&CNCH, trong đó: Tổng đài 113 tiếp nhận 14 tin liên quan ANTT, điều động 14 lượt phương tiện, 56 lượt CBCS đến hiện trường giải quyết. Phát hiện, bàn giao 01 vụ việc có dấu hiệu phạm pháp hình sự cho đơn vị chức năng xử lý theo thẩm quyền.
Tổng đài 114 tiếp nhận xử lý 08 tin báo liên quan đến cháy nổ và CNCH, điều động 25 lượt phương tiện, 160 lượt cán bộ chiến sĩ đến hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trong ngày, xảy ra 01 vụ cháy trung bình (Phú Xuyên); 07 sự cố cháy (Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Sóc Sơn, Thanh Trì, Sơn Tây, Phú Xuyên). Không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản đang thống kê, nguyên nhân đang được lực lượng chức năng điều tra làm rõ.
Hà Nội chuyển khu ký túc xá nghìn tỷ bỏ hoang thành nhà ở xã hội
Vietnamnet đưa tin, Hà Nội dự kiến dành khoảng 223,9 tỷ đồng để hoàn thành và điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 dự án kí túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê đồng thời chuẩn bị đầu tư nhà A4 thành nhà ở xã hội cho thuê.
Nội dung trên được UBND TP Hà Nội đề ra theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp (ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng.
Dự án gồm có 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) với hơn 1.400 phòng, có khả năng đáp ứng chỗ ở cho hàng vạn sinh viên. Theo thiết kế, mỗi phòng rộng hơn 50m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa… Quy định suất đầu tư dành cho 8 người/phòng, với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước).
Được khởi công từ năm 2009, tuy nhiên, hiện nay chỉ có 2 khối nhà đang hoạt động nhưng phòng trống còn thừa rất nhiều, các khối nhà khác đang bỏ hoang.
Ghi nhận tại dự án, các toà nhà đã xây xong phần thô từ lâu nhưng chưa được hoàn thiện, vẫn nằm phơi nắng phơi mưa gây lãng phí trong thời gian dài. Công trình xuất hiện những dấu hiệu xuống cấp, nhiều phần đất trong khu ký túc xá được người dân tận dụng để trồng rau.
Trước đó, vào năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất tách hạng mục nhà A4 khỏi dự án, sau khi giải phóng mặt bằng sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét; đồng thời cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa.
T.Anh