Thứ bảy, 20/04/2024 13:03 (GMT+7)

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 29/11/2018

MTĐT -  Thứ năm, 29/11/2018 20:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/11/2018, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất của Hà Nội ngày 29/11 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm với những chức danh do HĐND thành phố bầu

Ngày 29/11, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về nội dung Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa XV, diễn ra từ ngày 4 - 6/12 tới.

Tại Kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2018; lấy phiếu tín nhiệm với những chức danh do HĐND thành phố bầu.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi họp báo

Dự kiến, Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa XV sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo về nhiều lĩnh vực công tác thực hiện trong năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 như: tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; thực hiện dự toán thu, chi ngân sách; tình hình giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội; công tác phòng chống tham nhũng; hoạt động của HĐND thành phố.

Dự kiến, trong 3 ngày làm việc HĐND thành phố sẽ xem xét thông qua 6 Nghị quyết thường kỳ và 15 Nghị quyết chuyên đề. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết về Quy hoạch bến, bãi đỗ xe trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Nghị quyết về các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, tại Kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 36 người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu. Việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm đã được Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy định. Nhiều lượt văn bản tài liệu đã được chỉ đạo, phát hành gửi tới các đại biểu HĐND, các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi trước đúng thời gian quy định tới các đại biểu HĐND thành phố nghiên cứu.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố, nội dung lấy phiếu tín nhiệm đã được Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy định. Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới các đại biểu HĐND thành phố để nghiên cứu, xem xét.

Hà Nội tập trung chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2019

Ngày 29/11, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp Giao ban tháng 11/2018 của UBND thành phố Hà Nội. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu chủ trì hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Theo báo cáo trình bày tại hội nghị, tháng 11/2018, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị; bảo đảm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu cả năm 2018; trong đó, trọng tâm là xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2019; chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ chương trình công tác của Thành ủy và kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố; đôn đốc thu - chi ngân sách; chỉ đạo kiểm soát giá cả, bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; duy trì tốt hạ tầng đô thị. 

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 11 tháng ước đạt 208,9 nghìn tỷ đồng, đạt 87,7% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 11 tháng ước thực hiện được 58,93 nghìn tỷ đồng, đạt 61,8% dự toán; trong đó, chi thường xuyên 33,8 nghìn tỷ đồng, đạt 76,7% dự toán; chi đầu tư phát triển 24,53 nghìn tỷ đồng, đạt 58,2% dự toán.

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục rà soát, phân loại và xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai gây bức xúc trong nhân dân; bước đầu đã công bố danh sách 16 dự án bị thu hồi. Quyết định chủ trương đầu tư 80 dự án ngoài ngân sách, tổng vốn 168,1 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương 91 dự án, trong đó điều chỉnh vốn 52 dự án, tăng 91,7 nghìn tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, đã có 22.793 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 247,5 nghìn tỷ đồng (tăng 4% về số lượng doanh nghiệp và tăng 42% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước); Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt 252.537 doanh nghiệp.

Thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung công tác thông tin tuyên truyền, theo dõi diễn biến tình hình thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên Đán 2019 để kịp thời điều tiết cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân.

4 bến xe khách trong nội đô Hà Nội có bị biến thành cao ốc sau khi đóng cửa?

Trưởng Ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội) nói, trước năm 2025, 4 bến xe khách Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm sẽ không trở thành cao ốc, còn sau đó thì “vẫn chưa thể biết được". 

Theo quy hoạch, tới năm 2050, 4 bến xe khách vốn rất quen thuộc với người dân Thủ đô gồm: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm sẽ bị đóng cửa.

Cả 4 bến xe này đều có diện tích rộng, nằm ở vị trí được ví như “đất vàng” trị giá hàng nghìn tỉ đồng. Vì vậy, nhiều người đặt câu hỏi, sau khi đóng cửa, 4 bến xe này liệu có trở thành các cao ốc?

Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội). Ảnh: PH 

Trả lời thắc mắc trên, ông Nguyễn Nguyên Quân – Trưởng Ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội) khẳng định, theo quy hoạch, trong giai đoạn hiện nay, 4 bến xe trên đang là bến xe khách liên tỉnh để giải quyết các nhu cầu vận chuyển hành khách tới Thủ đô và ngược lại.

Tuy nhiên, tới năm 2025, các bến xe này sẽ trở thành các trung tâm chung chuyển xe buýt hoặc bãi đỗ xe.

Ông Quân cũng khẳng định, theo quy hoạch thì không có chuyện 4 bến xe này sau khi đóng cửa sẽ trở thành cao ốc.
Tuy nhiên, Trưởng ban Đô thị cho biết, việc “ai đó” quyết định biến 4 bến xe này thành cao ốc hay không thì phải sau năm 2025 mới biết được. “Lúc này chúng ta chưa thể khẳng định được”, ông Quân nói.

Liên quan tới quy hoạch bến xe trung tâm của Thủ đô, mới đây UBND TP. Hà Nội đã xin ý kiến Bộ Xây dựng và Bộ GTVT, 4 bến xe khách liên tỉnh Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ bị chuyển chức năng thành bãi đỗ xe, điểm trung chuyển xe buýt.

Tuy nhiên, trong tờ trình HĐND TP bản quy hoạch trên, UBND TP Hà Nội cho biết, tạm thời giữ lại cả 4 bến xe khách liên tỉnh kể trên. Các bến xe này sẽ được nâng cấp, cải tạo theo quy mô hiện nay.

Bên cạnh việc giữ lại 4 bến xe này, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ xây mới 7 bến xe khách liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm gồm: bến xe khách phía Bắc, với quy mô 10 ha; bến xe Đông Anh 5,3 ha; bến xe Cổ Bi 10,4 ha; bến xe phía Nam 10 ha…

Vụ “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn: Hà Nội thừa nhận xử lý chưa triệt để

Liên quan đến những sai phạm trong việc quản lý đất rừng xảy ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tại buổi họp báo chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XV, chiều 29/11, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Hoài Nam thừa nhận việc đôn đốc xử lý vi phạm có chậm trễ. 

Hàng loạt công trình xây dựng trên đất rừng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Thành An

“Đúng là có việc thực hiện khắc phục sai phạm chưa đến nơi đến chốn, chưa quyết liệt” - ông Nam nói.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội, năm 2006, chính ban Pháp chế giám sát và phát hiện ra vi phạm tại Sóc Sơn, sau đó thanh tra vào cuộc, cách hơn 10 cán bộ cấp xã và lãnh đạo huyện Sóc Sơn. 

"Sau đó, Thanh tra Chính phủ vào và yêu cầu khởi tố, thì hàng loạt lãnh đạo xã đã đi tù. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai kết luận thanh tra thì có chậm. Do đó, hiện TP đang đợi kết luận của Thanh tra TP, không chỉ rà soát các vi phạm cũ mà kể cả vi phạm mới để có hướng xử lý” - ông Nam nói.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội cho biết, việc vi phạm đất đai không chỉ xảy ra ở Sóc Sơn, mà HĐND TP đã thường xuyên giám sát và có kết quả, cả ở Ba Vì và một số địa điểm khác.

Tại Ba Vì, HĐND TP.Hà Nội đã đi giám sát và cũng phát hiện sai phạm. Trong báo cáo số 37 của HĐND năm 2018 cũng đã liệt kê 161 sai phạm liên quan đến các dự án vi phạm luật Đất đai, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất rừng...

Hà Nội: Va chạm với xe ben, 2 người tử vong tại chỗ

Chiều ngày 29/11, trao đổi với PV, đại diện Công an xã Kim Quan (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: “Mới đây, trên địa bàn xã chúng tôi vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng giữa xe ben và xe máy khiến 2 người tử vong tại chỗ”.

Danh tính các nạn nhân được xác định là ông Hoàng Hải Vân (SN 1966, trú tại xã Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội) và bà Trần Thị Anh (SN 1972, trú tại thôn Vân Sa, xã Tản Hồng, Ba Vì).

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào khoảng 16h15’ chiều ngày 28/11 trên tuyến tỉnh lộ 419 đoạn gần cây xăng Chàng Sơn (xã Kim Quan, huyện Thạch Thất).

Vào thời điểm trên, ông Vân điều khiển xe máy (chưa rõ BKS) chở theo bà Trần Thị Anh lưu thông trên tuyến đường tỉnh 419. Khi lưu thông đến đoạn gần cây xăng Chàng Sơn thì bất ngờ va chạm với chiếc xe ben chở vật liệu xây dựng mang BKS: 29C – 851.43 di chuyển cùng chiều.

Cú va chạm khiến ông Vân và bà Anh bị ngã ra đường và bị cuốn vào gầm xe ben. Cả 2 nạn nhân tử vong tại chỗ.

Sau khi vụ việc xảy ra, người dân đã nhanh chóng thông báo vụ việc đến cơ quan chức năng địa phương. Nhận được tin báo, Công an xã Kim Quan đã có mặt tại nơi xảy ra sự việc để bảo vệ hiện trường đồng thời thông báo đến Công an huyện Thạch Thất đến điều tra làm rõ vụ việc.

Tại hiện trường, chiếc xe máy do ông Vân điều khiển bị cán nát, thi thể 2 nạn nhân nằm cách nhau khoảng 5m trong khi chiếc xe ben chở vật liệu xây dựng cũng nằm cách đó khoảng 20m.

Rất đông người dân hiếu kỳ tụ tập theo dõi diễn biến vụ việc khiến giao thông qua khu vực bị ách tắc nghiêm trọng. Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thi thể 2 nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình để lo hậu sự. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Nghi vấn mất 2 cây sưa đỏ ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam?

Phản ánh thông tin đến tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, nhiều người dân cho biết, tối ngày 25/11, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra vụ trộm cây sưa. Theo đó, 2 cây sưa đỏ trong bảo tàng đã bị trộm chặt hạ đem đi.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là bảo tàng lớn nhưng không hiểu sao lại để trộm vào cắt mất 2 cây sưa mang đi. Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, bởi nếu bảo vệ như vậy thì liệu các cổ vật khác trong bảo tàng có đảm bảo an ninh không”, một người dân đặt câu hỏi.

Để làm rõ thông tin này, tối 28/11, trả lời Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, một đại diện của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khẳng định: “Bây giờ bên an ninh người ta đang làm việc. Công an phường đang vào cuộc xác minh”, vị này khẳng định.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày,trình diễn và những hình thức hoạt động khác nhằm giới thiệu, phổ biến và giáo dục về các giá trị lịch sử, văn hoá của các dân tộc trong và ngoài nước; cung cấp tư liệu nghiên cứu về các dân tộc cho các ngành; đào tạo cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý về nhân học bảo tàng.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 29/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Pv (TH)

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ