Tin tức mới nhất về bão số 3 - bão Yagi dự báo liên tục tăng cấp
Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, gây sóng cao 7-9 m, có khả năng đánh chìm các tàu tải trọng lớn. Khi bão vào đất liền, hoàn lưu bão rất rộng gây gió mạnh dọc theo các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Bão Yagi, còn được gọi là cơn bão số 3, đã trở thành một trong những hiện tượng khí tượng đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây. Tính đến rạng sáng ngày 4 tháng 9 năm 2023, bão số 3 đã mạnh lên với cường độ đạt cấp 11 và có gió giật lên đến cấp 13. Dự báo, trong vòng 24 giờ tới, cường độ của bão sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 2 cấp.
Bão số 3 (Yagi) hiện đang hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão đã gây ra gió mạnh với cấp độ từ 9 đến 11 tại nhiều khu vực, đặc biệt ở vùng gần tâm bão có thể đạt cấp độ 12 đến 14. Gió mạnh từ bão không chỉ đe dọa đến tình hình giao thông trên biển mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho các hoạt động đánh bắt và vận tải thủy.
Hiện nay, dự báo về cơn bão số 3 của Việt Nam và cơ quan quốc tế tương đối thống nhất về hướng và cường độ.
Từ giờ đến 48 giờ tới, khi bão gần đảo Hải Nam, hầu hết các dự báo đều dự báo cường độ bão Yagi tăng. Trong đó, một số cơ quan dự báo bão tăng cấp 16 và cao hơn thành siêu bão.
Trong buổi sáng 4/9, tại bản tin lúc 11h, sau khi xem xét đánh giá, phía Việt Nam đã cập nhật thêm các bản tin trong 24-36htới.
Đối với tình hình như hiện nay, theo thông tin đánh giá sức gió tại trạm quan sát ở gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) có trường hợp tính toán sức gió có thể cấp 16, giật cấp 17.
Các nhà khí tượng cảnh báo rằng với tình hình thời tiết hiện tại, bão có khả năng gây ra sự bất ổn lớn đến cuộc sống của người dân tại các vùng ven biển. Người dân nên chuẩn bị các biện pháp ứng phó để bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của mình. Theo dự đoán, việc bão số 3 liên tục tăng cấp có thể dẫn đến các trận mưa lớn và lũ quét tại một số địa phương.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, ngày và đêm nay (4/9), vùng biển phía đông của khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-13, giật cấp 16, biển động dữ dội. Sóng biển cao 2- 4m, vùng gần tâm bão 4-6m. Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-4m.
Ngày và đêm nay, vùng biển phía Đông của khu vực bắc biển Đông có mưa bão. Khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2m. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông cấp 3.
Cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong chiều và tối nay (4/9), khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 70mm. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Dự báo, đến 4 giờ ngày 5/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ vĩ bắc; 115,8 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 560km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16. Bão di chuyển theo hướng tây, với tốc độ khoảng 10km/giờ.
Đến 4 giờ ngày 6/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 230km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17. Bão di chuyển theo hướng tây, với tốc độ khoảng 10-15km/giờ.
Đến 4 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ vĩ bắc; 108,9 độ kinh đông trên khu vực Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ khoảng 15km/giờ đi vào vịnh Bắc Bộ.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km, cường độ tiếp tục giảm dần.
Do ảnh hưởng của bão số 3, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật cấp 16, biển động dữ dội.
Dự báo, từ ngày 5-6/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía bắc của khu vực bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão.
Trong 24 giờ tới, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông, sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 4-6m. Từ ngày 5-6/9, có thể tăng dần lên 7-9m. Biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Các chuyên gia dự báo, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, ngoài ảnh hưởng của gió mạnh trong bão thì bão số 3 có khả năng gây sóng cao 7-9 m, có khả năng đánh chìm các tàu tải trọng lớn. Khi bão vào đất liền, hoàn lưu bão rất rộng gây gió mạnh dọc theo các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Nhiều khả năng bão số 3 sẽ gây mưa to cho khu vực Bắc Bộ tới tận Thừa Thiên - Huế. Nguy cơ rất cao xảy ra ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Các tỉnh mưa lớn do bão số 3 sẽ bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội. "YAGI là một cơn bão rất mạnh, sẽ vào sâu trong đất liền, phạm vi ảnh hưởng toàn miền Bắc nên cần chuẩn bị sớm các kịch bản ứng phó", TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết.
Việc bão Yagi tấn công vào các khu vực đất liền có thể dẫn đến một loạt các vấn đề như sạt lở đất, ngập úng, và thiệt hại về tài sản. Do vậy, chính quyền địa phương và người dân cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi thông tin và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Bão số 3 Yagi hiện đang là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử gần đây tại khu vực Bắc Biển Đông. Sự gia tăng cường độ và hoạt động của bão là một mối đe dọa không nhỏ cho cộng đồng, và việc chủ động ứng phó là điều cấp thiết để bảo vệ an toàn cho người dân và tài sản. Chính quyền và các cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin và hỗ trợ cho người dân trong mọi tình huống có thể xảy ra.
H.Hà (T/h)