Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/7/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/7/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 30/7/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Nước lũ cuốn trôi, một người dân thiệt mạng
Khoảng 20h30 phút ngày 29/7, chị M.T.Q sinh năm 1999, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên trên đường đi làm về qua tràn Pai Vẹ không may bị nước cuốn trôi.
Nhận được tin báo có người gặp nạn, lực lượng chức năng cùng với người dân, người thân gia đình đã tổ chức tìm kiếm xung quanh khu vực xảy ra vụ việc.
Đến 9h sáng ngày 30/7, tại cầu tràn Vằng Chương, xã Định Biên, huyện Định Hóa, Thái Nguyên (cách điểm chị Q bị nạn khoảng 2km) lực lượng chức năng đã tìm thấy và trục vớt nạn nhân lên bờ, bàn giao cho gia đình, địa phương để tổ chức mai táng.
Sau khi nhận được tin báo, lãnh đại UBND huyện Định Hóa đã tới hiện trường và chỉ đạo lực lượng chức năng, địa phương huy động lực lượng, phương tiện thực hiện tìm kiếm người gặp nạn.
Cùng ngày, đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho gia đình nạn nhân.
Hiện, đang trong mùa mưa lũ nên cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không đi lại qua các cầu tràn có nước dâng cao, không vớt củi, đánh bắt cá ở sông suối khi nước lũ về.
Hà Nội: Đổ trộm rác thải dải phân cách đường Nguyễn Trãi gây mất mỹ quan đô thị
Hiện nay, trên đoạn đường từ Ngã Tư Sở đi Hà Đông, tại các trụ của đường sắt trên cao và nhiều đoạn dải phân cách bị đổ trộm rác thải, rác xây dựng, nhiều trụ của đường sắt trên cao trở thành nơi chứa rác gây mất mỹ quan cho tuyến đường và ô nhiễm môi trường.
Qua khảo sát của chúng tôi, cứ cách khoảng 2-3 cột, lại có một đống rác. Những loại rác sinh hoạt, bìa carton, bì xi-măng đến những bì rác đựng vỏ chăn, quần áo thừa đến những đống xà bần xây dựng cũng được đổ ra, chất chồng.
Việc xả rác bừa bãi không chỉ gây mất vệ sinh nơi công cộng mà còn gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Thiết nghĩ chính quyền địa phương quận Thanh Xuân cần sớm kiểm tra, xử lý nghiêm khắc không để tình trạng này lại tiếp tục xảy ra.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường tại Kon Tum
Công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam; Văn phòng Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Công điện nêu: Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, trong các ngày 28 và 29 tháng 7 năm 2024 đã liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong đó trận động đất lớn xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28 tháng 7 năm 2024 với độ lớn M = 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận (đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực); theo thông tin sơ bộ, động đất đã gây một số thiệt hại về nhà ở, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong vùng, đặc biệt là khu vực gần tâm chấn động đất.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực:
a) Thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
b) Chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
c) Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại (nếu có).
d) Chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố (nếu có), bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả động đất theo yêu cầu của địa phương.
4. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân.
5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin về động đất, tăng cường truyền thông, hướng dẫn nhân dân kỹ năng ứng phó với động đất, tránh hoang mang và giảm thiệt hại do động đất.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia theo nhiệm vụ được giao theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất theo quy định, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền./
Tháng 8 miền Bắc cao điểm mưa lũ
Dự báo tháng 8 tiếp tục là cao điểm mưa lũ ở miền Bắc. Mức độ có thể còn nghiêm trọng hơn mọi năm do hiện tượng La Nina đang có dấu hiệu ngày càng rõ nét.
Lúc này những dòng hải lưu từ sâu dưới vùng biển Đông Thái Bình Dương nổi lên trên bề mặt, tạo ra một vùng nước mát hơn bình thường dọc theo đường xích đạo phía Đông đến trung tâm Thái Bình Dương. Thực tế theo số liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, tháng 7 năm nay ở trung tâm Thái Bình Dương đã giảm ít nhất là 0,2 độ C so với trung bình mọi năm.
Các dòng nước lạnh hơn này đẩy nước ấm sang bờ Tây Thái Bình Dương, gần về khu vực Châu Á hơn, biểu hiện là nhiệt độ nước biển ở đây đã cao trung bình, có nơi cao hơn 1-2 độ C. Đây chính là những dấu hiệu ban đầu cho thấy El Nino đang dần chuyển sang La Nina, nguyên nhân hình thành các trận bão và mưa lũ dồn dập trong giai đoạn vừa qua.
Thực tế ở miền Bắc nước ta, từ đầu mùa mưa tổng lượng mưa hầu hết đều cao hơn trung bình mọi năm từ 30-80%. Một số nơi còn cao hơn 80-100%. Đặc biệt tại Bắc Quang, Hà Giang và Quảng Hà, Quảng Ninh lượng mưa riêng trong tháng 6 đã lên tới 1105 – 1271mm, cao gấp đôi so với cùng kỳ.
Mưa lớn liên tục gây ra hàng loạt các vụ sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng. Đồng thời lũ cũng xảy ra nhiều hơn. Từ tháng 6 đến nay, trên các sông khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện 3 đợt lũ vừa và lớn. Hàng loạt các sông suối đỉnh lũ đã lên báo động 2- báo động 3 như sông Gâm, sông Lô (tại Hà Giang), sông Nậm Pàn, sông Mã (Sơn La), sông Đáy (Phủ Lý), sông Nậm Mức (Điện Biên).
Đáng chú ý nhất là đợt lũ ngay trong các ngày 23-26/7 vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 2, hàng loạt các hồ thuỷ điện lớn đã xả lũ liên tiếp. Hồ thuỷ điện Hoà Bình đã mở 4 cửa xả đáy, thuỷ điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy và thuỷ điện Lai Châu mở 5 cửa xả mặt. Theo đó lũ ở đồng bằng Bắc Bộ lên cao, mực nước trên sông Hồng qua Hà Nội đã cao hơn cả đỉnh lũ lớn nhất năm ngoái. Sông Bùi qua Chương Mỹ, Hà Nội đến nay vẫn chưa thoát được lũ, ngập lụt trên diện rộng.
Theo các tổ chức khí tượng quốc tế, khả năng cao tháng 8-9 tới sẽ chính thức chuyển sang La Nina, tình hình mưa lũ ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam sẽ diễn biến phức tạp. Bão, lũ sẽ dồn dập vào giai đoạn cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc Gia cho biết: "Sang tháng 8 tiếp tục là thời kỳ cao điểm mùa mưa ở các tỉnh miền Bắc nước ta do ảnh hưởng hiện tượng La Nina.
Dự báo tổng lượng mưa trên khu vực Bắc Bộ dự báo ở mức xấp xỉ TBNN với lượng mưa phổ biến ở khu vực miền núi phía Bắc, Đông Bắc dao động trong khoảng từ 300-400mm; có nơi trên 500mm; vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ lượng mưa dao động từ 250-350mm, có nơi trên 400mm.
Do có khả năng xuất hiện những đợt mưa lớn nên nguy cơ xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi rất nguy hiểm.
Tập huấn đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong trường học năm học 2024-2025
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, hoạt động tập huấn được tổ chức thành 5 lớp với hơn 2.700 cán bộ quản lý của phòng GD&ĐT, trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.HCM tham dự.
Chương trình tập huấn xoay quanh các nội dung gồm: quy định hiện hành về công tác an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm, hướng dẫn vận hành hệ thống tự kiểm tra...
Phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, nhu cầu gửi con học cả ngày ở trường, trong đó có yêu cầu về tổ chức bữa ăn bán trú của phụ huynh hiện nay khá lớn. Trong khi đó, cán bộ quản lý trường học không phải những nhà chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm mà chỉ làm công tác quản lý nhà nước, trong đó có nội dung này. Từ thực tế đó, hàng năm, Sở GD&ĐT TPHCM đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tập huấn, cập nhật thông tin mới về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng bữa ăn trong trường học.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh, năm học 2023-2024, toàn thành phố chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm ở trường học, tuy nhiên nguy cơ vẫn rất cao. Bà Lan tán thành đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM về việc nghiên cứu có thêm công cụ cho các trường tự kiểm tra, đánh giá chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại đơn vị.
Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, các đoàn kiểm tra của Đội Quản lý an toàn thực phẩm đã kiểm tra an toàn thực phẩm tại 2.316 bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thực phẩm trong 2.016 cơ sở giáo dục. Ngoài ra, các đoàn cũng kiểm tra 2 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho trường học.
Kết quả kiểm tra ghi nhận, hầu hết các trường cân đối và sử dụng nguyên liệu, thực phẩm tươi trong ngày. Nguồn nguyên liệu, thực phẩm đầu vào nguồn gốc rõ ràng, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ thông qua hợp đồng, hóa đơn và năng lực của nhà cung cấp…
Liên hợp quốc kêu gọi thế giới chuẩn bị tốt hơn ứng phó 'dịch bệnh nắng nóng khắc nghiệt' bùng phát
Theo hãng AP, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuần trước đã nhấn mạnh 22/7 là ngày nóng kỷ lục – thiết lập kỷ lục mới toàn cầu. Trái đất đang trở nên nóng hơn và nguy hiểm hơn cho mọi người ở mọi nơi.
Theo một báo cáo mới của các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, gần 1/2 triệu người mỗi năm tử vong liên quan đến nhiệt độ trên Trái đất, cao hơn nhiều so với các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão.
"Hàng tỷ người đang phải đối mặt với dịch bệnh nắng nóng cực độ – héo mòn dưới những đợt nắng nóng ngày càng nguy hiểm lên tới 50 độ C trên khắp thế giới", Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nói.
Những cảnh báo nghiêm trọng được đưa ra sau đợt nắng nóng lập kỷ lục mới trong năm nay. Cơ quan khí hậu châu Âu Copernicus ước tính rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày 23/7 thấp hơn 0,01 độ C (0,01 độ F) so với mức cao nhất mọi thời đại là hôm 22/7 nhưng lại cao hơn 0,06 độ C so với ngày 21/7.
Cả ba ngày (21,22,23/7) đã được ghi nhận nóng hơn so với mức kỷ lục trong năm 2023.
"Chúng ta đều chưa chuẩn bị cho điều này", Người đứng đầu Liên Hợp Quốc nói.
Trước diễn biến thời tiết hiện tại, ông Guterres đã kêu gọi các nước trên thế giới nên áp dụng một số khuyến nghị nhằm giảm tử vong do nhiệt, bắt đầu bằng việc làm mát và tích cực chăm sóc những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là người nghèo, người cao tuổi, trẻ nhỏ và người bệnh.
Liên Hiệp Quốc cũng khuyến nghị các quốc gia trên thế giới nên đưa ra cảnh báo nắng nóng tốt hơn, tăng cường hệ thống làm mát thụ động, cải thiện thiết kế đô thị, bảo đảm cân bằng nhiệt độ cho người lao động bên ngoài, cũng như nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Các quan chức cũng khẳng định Liên hợp quốc sẽ cùng các quốc gia khác tham gia thực hiện, cung cấp viện trợ và phối hợp, đặc biệt là tăng cường hệ thống cảnh báo thời tiết.
"Nếu các quốc gia áp dụng khuyến nghị chống nắng nóng của Liên hợp quốc thì các biện pháp này có thể bảo vệ 3,5 tỷ người vào năm 2050, đồng thời cắt giảm khí thải và tiết kiệm cho người tiêu dùng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm", ông Guterres nhấn mạnh.
56 người chết trong vụ lở đất ở Ấn Độ
Vào sáng thứ Ba (30/7), ba trận lở đất xảy ra ở huyện Wayanad, thuộc bang Kerala, khiến 56 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị mắc kẹt.
Các quan chức địa phương cho biết khu vực bị ảnh hưởng chủ yếu là các đồn điền trà và thảo quả. Ba trận lở đất liên tiếp xảy ra ở khu vực này suốt 4 giờ đồng hồ, trong điều kiện mưa lớn.
Cơ quan Quản lý thiên tai bang Kerala đã huy động lực lượngứng phó thiên tai quốc gia đến các khu vực bị ảnh hưởng. Quân đội Ấn Độ cũng được huy động để tiến hành các hoạt động cứu hộ. Ngoài ra, hai trực thăng của không quân, một chiếc Mi-17 và một chiếc ALH (trực thăng hạng nhẹ tiên tiến), cũng được không quân Ấn Độ huy động làm công tác cứu hộ, cứu nạn.
Giới chức nước này cho biết, 250 người đã được sơ tán đến nơi trú ẩn tạm thời, tuy nhiên nỗ lực cứu hộ tạm thời bị cản trở do một cây cầu sập và mưa lớn diễn ra liên tục.
Văn phòng thủ hiến Kerala cho biết trong một tuyên bố, rằng các kỹ sư quân đội đã được huy động để xây dựng một cây cầu thay thế sau khi cây cầu nối khu vực bị ảnh hưởng với thị trấn Chooralmala gần nhất bị hư hỏng hoàn toàn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Ông cho biết, người thân của các nạn nhân trong vụ lở đất sẽ được hỗ trợ 200.000 rupee Ấn Độ (khoảng 2.400 USD) mỗi người, trong khi những người bị thương nhận được 50.000 rupee Ấn Độ (khoảng 600 USD) từ chính phủ.
H.Hà (T/h)