Thứ sáu, 29/03/2024 20:26 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/4/2019

MTĐT -  Thứ hai, 01/04/2019 10:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/4/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/4/2019.

Đà Nẵng: Xác định hai công ty xả nước thải có mùi thuốc sâu ra kênh

Ngày 31/3, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT TP Đà Nẵng) đã ra văn bản công bố thông tin về mẫu nước vượt các ngưỡng cho phép tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm xả ra khu dân cư.

Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 20/3, Chi cục Bảo vệ trường nhận được phản ánh của UBND quận Cẩm Lệ về việc nước màu trắng đục từ KCN Hòa Cầm chảy ra môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường đã chủ trì phối hợp UBND quận Cẩm Lệ, BQL khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, Công ty CP đầu tư KCN Hòa Cầm kiểm tra việc thoát nước tại KCN Hòa Cầm.

Tại thời điềm kiểm tra, hệ thống thoát nước mưa của khu công nghiệp này có nước màu trắng đục chảy ra môi trường (lưu lượng khoảng 03 m3/giờ) và kiểm tra hệ thống thoát nước mưa bên trong KCN thì phát hiện hố gom nước mưa của Công ty TNHH Quốc Cường có màu trắng đục, giống màu nước tại mương thoát nước mưa KCN Hòa Cầm.

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường tại 3 vị trí, 1 điểm tại vị trí điểm cuối xả nước mưa của KCN Hòa Cầm, 1 điểm tại hố gom nước mưa của Công ty TNHH Quốc Cường và 1 điểm tại cống Xả Thì, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.

Cụ thể, vị trí điểm cuối xả nước mưa của KCN Hòa Cầm trước khi xả ra môi trường, so với cột A, QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp cho thấy: các thông số ô nhiễm: pH, TSS Cr6+, Cd, Cu, Pb, Zn, Mn, As, Hg nằm trong giới hạn cho phép; riêng thông số độ màu vượt 23,6 lần, COD vượt 5,81 lần.

TP.HCM: Hoàn thành xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về kết quả triển khai và thực hiện công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Theo đó, đến nay, thành phố đã cơ bản xử lý xong các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có trong danh sách cần phải xử lý.

Cụ thể, đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn tồn đọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay có 37/37 cơ sở đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để; trong đó có 18 cơ sở đã ngưng hoạt động sản xuất di dời, 19 cơ sở còn hoạt động sản xuất.

Đối với cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có tên trong Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay có 3/3 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để gồm: Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Bệnh viện Giao thông vận tải TP.HCM; Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam.

Đối với cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng mới phát sinh kể từ sau Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay có 11/13 cơ sở đã có biện pháp cải tạo hệ thống xử lý nước thải, khí thải và kết quả phân tích đạt quy chuẩn cho phép; 1/13 cơ sở đã có biện pháp cải tạo hệ thống xử lý khí thải nhưng chưa ổn định; 1/13 cơ sở đã ngưng hoạt động sản xuất.

Đối với kế hoạch thí điểm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12, trong số 21 cơ sở phải xử lý, có 3/21 cơ sở tự nguyện di dời ra khỏi địa bàn thành phố, 2/21 cơ sở tự chuyển đổi ngành nghề khác phù hợp với quy hoạch tại địa phương; 16/21 cơ sở di dời vào Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 3.

Đối với Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, Thành phố đã giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn là chủ đầu tư và thực hiện việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hệ thống xử lý nước thải  tập trung giai đoạn 1 với công suất 6.000 m3/ngày, nhà máy cấp hơi tập trung đã xây dựng xong giai đoạn 1 với công suất  15 tấn hơi/ giờ, có hệ thống xử lý khí thải và sẵn sàng cấp hơi khi có cơ sở hoạt động.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thực trạng tại TP.HCM có rất nhiều hộ gia đình, công ty quy mô nhỏ hoạt động xen cài trong khu dân cư. Khi tiến hành xử phạt, các đơn vị này sẵn sàng nộp phạt, không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả đình chỉ hoạt động, gây bức xúc trong nhân dân và khó khăn trong công tác xử lý của cơ quan nhà nước, cũng như hiệu lực của các quyết định xử phạt của cơ quan hành chính nhà nước chưa thực sự hiệu quả.

Thanh Hóa: Hàng trăm héc ta ngao chết trắng bãi, dân phá sản vì ngao

Khoảng 1 tuần trở lại đây, tại khu vực bãi nuôi ngao ở lạch, cửa biển thuộc xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), những ruộng ngao giống, ngao thịt đã đến thời kỳ thu hoạch, bỗng dưng chết trắng bãi, không rõ nguyên nhân. Hàng ngày, những hộ dân tại đây phải thuê hàng chục nhân công đi nhặt vỏ ngao chết. Xác ngao được chất thành từng đống lớn.

Theo Infonet, khu vực nuôi ngao ở giáp Lạch Trường và giáp biển đều bị thiệt hại. Nhà ít thì 1ha, nhà nhiều 5 - 6ha, với tổng sản lượng hàng nghìn tấn. Trong đó, nhiều hộ ngao nuôi bị chết từ 50-70%, hàng chục hộ bị chết 100% mà không rõ nguyên nhân, khiến người dân vô cùng hoang mang.

Được biết, nhiều hộ gia đình ở Hải Lộc đã mang sổ đỏ thế chấp ở ngân hàng để vay vốn đầu tư vào nuôi ngao với mong muốn có thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt và phát triển kinh tế. Thế nhưng hiện nay, ngao bỗng dưng chết trắng bãi khiến nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần.

Ông Nguyễn Quốc Tý, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) xác nhận sự việc ngao chết tại địa phương và cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 171 hộ nuôi ngao với tổng diện tích 170ha. Trong đó, có nhiều hộ ngao bị chết 100%, có hộ ngao chết 60 - 70%. Hàng ngày, chúng tôi thống kê mức độ thiệt hại do ngao bị chết, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng về để lấy mẫu nước, mẫu ngao đi xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc ngao chết hàng loạt”.

Úc đau đầu vì Ấn Độ cấm nhập rác

Ấn Độ là điểm đến lớn thứ tư cho nguồn rác thải của Úc, nhập 13% tổng số lượng rác thải từ nước này trong năm ngoái.

Hội đồng tái chế và xử lý rác Úc ngày 30.3 cảnh báo tình trạng nhiều nước châu Á đang đóng cửa, ngành tái chế rác “đang gặp mối đe dọa lớn”.

Hiện nhiều quốc gia công nghiệp phát triển đang đối diện tình trạng rác thải chất đống sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu rác tái chế từ năm ngoái và một số nước khác cũng đang xem xét lại chính sách nhập rác, phế thải theo hướng thắt chặt kiểm soát, tiến tới ngừng hẳn.

Trong đó, Malaysia và Thái Lan đã thông báo lệnh cấm nhập rác thải nhựa từ năm 2021.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới