Thứ bảy, 20/04/2024 17:03 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/9

MTĐT -  Chủ nhật, 09/09/2018 07:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/9. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/9 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

TP.HCM: Rác thải bủa vây gây ô nhiễm nhiều tuyến đường giữa trung tâm thành phố.

Nhiều tuyến đường trọng điểm ở TP. HCM gần đây xuất hiện nhiều bãi rác tự phát chất thành đống từ vỉa hè tràn ra lòng đường, khiến giao thông đi lại khó khăn, gây ô nhiễm môi trường.

Theo báo Dân Sinh, ở những con đường lớn của thành phố đã đếm không xuể những bãi rác lớn, nhỏ xuất hiện 2 bên vỉa hè, đặc biệt có một số bãi rác chất thành đống lâu ngày, tràn từ vỉa hè xuống lòng đường.

Ví dụ, đường Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc nhiều đống rác thải được tập kết trên đường, mặc dù công nhân vệ sinh môi trường làm việc liên tục.

Nhiều tuyến đường khác như Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Trường Chinh (quận Tân Bình), đường Dương Thị Đặng (quận 12) cũng có những bao rác thải được tấp dọc tuyến đường, có nhiều nơi trên đường rác thải công trình, rác thải sinh hoạt chất thành đống.

Côn Đảo giám sát chặt môi trường sống của rùa biển

Từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm là mùa sinh sản cao điểm của rùa biển tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mọi tác động tiêu cực đến môi trường sống và sinh sản của rùa biển trong giai đoạn này đều ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý và bảo tồn loài động vật quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Côn Đảo.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trước đây, rùa biển sinh sống ở hầu hết các vùng biển nước ta với mật độ cao. Tuy nhiên, hiện nay cả năm loài rùa biển của Việt Nam, bao gồm: vích, đồi mồi, quản đồng, rùa da, đồi mồi dứa đều suy giảm đáng kể về số lượng bởi các tác động của con người và biến đổi khí hậu. Và hiện nay Côn Đảo là nơi duy nhất ở Việt Nam vẫn có rùa biển đến để làm tổ đẻ trứng, với hai cá thể rùa biển là vích và đồi mồi. Trong đó, chủ yếu là cá thể vích.

Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo Nguyễn Khắc Pho cho biết: “Việc bảo đảm môi trường sống và sinh sản của rùa biển tại Côn Đảo gặp rất nhiều khó khăn bởi tác động tiêu cực của những hình thái thời tiết cực đoan cũng như của con người. Sự gia tăng của lượng khách du lịch đến Côn Đảo, gia tăng lưu lượng tàu thuyền trên biển... đều ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh sản của rùa biển. Đây là thách thức rất lớn đối với công tác bảo tồn loài động vật quý hiếm này”.

Xả thải gây ô nhiễm, một nhà máy giặt bị “đóng cửa” 12 tháng

Ngày 8/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử cho biết, tỉnh đã có quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, dừng hoạt động đối với dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn giặt thời trang quốc tế đóng trên địa bàn xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Do có những vi phạm trong xả thải gây ô nhiễm môi trường, dự án "Nhà máy giặt mài các sản phẩm may mặc thời trang quốc tế" của doanh nghiệp này bị đình chỉ hoạt động sản xuất trong 12 tháng (đến tháng 8/2019). Đây là hình phạt bổ sung theo quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 11 của Nghị định số 155/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, tỉnh Hưng Yên yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn giặt thời trang quốc tế phải khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính: Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định (Công ty đã đưa dự án đi vào hoạt động từ năm 2014).

Hành vi vi phạm trên bị áp dụng tình tiết tăng nặng do Công ty tiếp tục tái vi phạm, dù trước đó, tỉnh Hưng Yên đã có yêu cầu chấm dứt vi phạm.

Hà Nội, TP. HCM: Thu gom, xử lý rác thải điện tử

Ở nước ta, việc thu hồi và xử lý rác thải là các thiết bị điện tử đã được phát động tại TPHCM và Hà Nội nhằm thu gom tái chế và nâng cao nhận thức của người dân về mối nguy hại của rác thải điện tử, đồng thời phát đi thông điệp bảo vệ môi trường trong cộng đồng xã hội.

Rác thải điện tử là bất kỳ các sản phẩm sử dụng điện nào có dây dẫn điện hay pin, thường chứa các loại hóa chất độc hại. Với sự phát triển công nghệ, lượng rác thải điện tử đang có xu hướng gia tăng theo từng năm, nếu không xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nếu các chất độc này đi vào cơ thể, sẽ gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa bình thường, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh.

Hiện nay ở nước ta các thiết bị điện tử không còn giá trị sử dụng đều bị bỏ chung với rác thải sinh hoạt để xử lý chôn lấp hoặc đốt. Cả 2 phương pháp này đều sai. Các chất thải như chì, thủy ngân, đồng, niken, bari hay arsen có rất nhiều trong các thiết bị điện tử không được phân hủy sẽ rò rỉ ra môi trường, rất nguy hiểm.

Đặc biệt pin là loại rác thải độc hại nhất, trong pin có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium… cực độc nếu đi vào cơ thể con người dù chỉ một lượng nhỏ. Nếu vứt pin đã qua sử dụng vào thùng rác, pin sẽ bị đốt hoặc chôn với rác thải thông thường, cách nào cũng gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước; 1 viên pin dùng hết khi vứt đi có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong 50 năm.

Năm 2014, Chính phủ Việt Nam chỉ đạo giải quyết nạn gia tăng lượng rác thải điện tử và mong muốn xây dựng một quy trình tái chế rác thải điện tử chuyên nghiệp để thay thế các phương pháp tái chế không đạt tiêu chuẩn, từ đó ngăn chặn tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Để đáp ứng yêu cầu này, các nhà sản xuất cùng nhau thiết lập và tham gia vào quy trình thu hồi, tái chế rác thải điện tử, đây được xem là việc làm rất cần thiết để mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện môi trường.

Cần Giờ, TP.HCM: Máy thu hoạch nghêu không phụ thuộc thủy triều

Người dân Cần Giờ (TPHCM) nếu cào bằng tay chỉ được 30kg/giờ, nhưng giờ đây học có thể thu hoạch được 2 tấn nghêu trong một giờ nhờ chiếc máy thu hoạch nghêu do các nhà khoa học trường Đại học Nông lâm TPHCM nghiên cứu và chế.

Khoa học và Phát triển đưa tin, Theo Th.S. Nguyễn Văn Công Chính, Chủ nhiệm đề tài, hiện trong nước đã có một vài thiết bị thu hoạch được chế tạo, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu làm việc trên nền ruộng khô (sau khi thủy triều đã rút). Vì vậy, đề tài do ông thực hiện nhằm thiết kế, chế tạo và ứng dụng một máy thu hoạch nghêu tự hành, làm việc được trên nền ruộng khô với năng suất 1000 m2/giờ, thỏa mãn chỉ tiêu về độ vỡ (< 2%), và độ sót nghêu (< 1%).

Máy có động cơ diesel, công suất định mức 30HP, dẫn động cho toàn bộ hệ thống thuỷ lực. Cụm thu hoạch gồm trống răng có bề rộng làm việc 1m, có thể điều chỉnh để đạt độ sâu cào từ 5 – 15cm. Chỉ cần một nhân công, máy thu gom cả vỏ nghêu chết và các tạp chất khác để cải tạo môi trường.

Máy gồm hệ thống thuỷ lực dẫn động độc lập cho hệ thống di động (gồm bánh và hệ thống lái), cụm thu hoạch (nâng hạ và tốc độ quay bánh cào nghêu), sang phân ly, và băng tải. Hệ thống di động loại bánh xích cao su, có thể điều chỉnh tốc độ máy từ 1 km/h (khi làm việc) đến 5 km/h (khi chạy không).

Điểm đặc biệt của máy là có thể thu hoạch được trên nền ruộng khô. Đồng thời máy có nhiều ưu điểm như thu được nghêu sạch không ngậm cát bùn. Máy chủ động thu hoạch theo từng khu vực mà không bị ảnh hưởng con nước thuỷ triều…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ